Việt Nam gần đây xuất hiện khá nhiều vụ cướp ngân hàng, hành vi ngày càng táo bạo, manh động. Dù chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số các vụ cướp của, nhưng những vụ cướp ngân hàng ở VN đang diễn biến khá phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ, xảy ra tại nhiều địa phương ở khắp nước.

Cướp ngân hàng đang gia tăng ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp
Thống kê của cảnh sát VN cho biết, từ năm 2012 đến 2016, có 3 vụ cướp ngân hàng, 2 vụ cướp quỹ tín dụng. Năm 2017 có 6 vụ. Năm 2018 các vụ cướp xảy ra nhiều nơi như Hà Nội, Sài Gòn, Tiền Giang, Bắc Giang… với 8 vụ. Từ 2019 tới nay (tháng 9/2022) VN đã xảy ra 25 vụ cướp ngân hàng.
Một số vụ tiêu biểu: ngày 5/9/2018, tại Ninh Hòa (Khánh Hòa), hai tên bịt mặt, mang súng tự chế tấn công phòng giao dịch Vietcombank cướp 4.5 tỷ VNÐ. Ngày 7/12/2018 tại phòng giao dịch của VietABank (Bình Thạnh, Sài Gòn) hai tên cướp dùng súng và dao xông vào cướp khoảng 1 tỷ VNÐ. Tháng 7/2020, một cựu tổng giám đốc Công ty GNN Express dùng súng tấn công phòng giao dịch BIDV Bank (Hà Nội) cướp 940 triệu VNÐ. Một vụ khác, tên cướp là “nữ tặc”, xảy ra tại chi nhánh ngân hàng Techcombank (Tân Phú, Sài Gòn) vào ngày 10/10/2020 khi tên này hô hoán trong người có bom để cướp 2 tỷ VNÐ. Ngày 7/1/2022 một kẻ cướp khác dùng súng đe dọa nhân viên phòng giao dịch Vietcombank (Hải Phòng) cướp số tiền 3.5 tỉ VNÐ. Mới nhất là vụ cướp ở Ðồng Nai khi một kẻ bịt mặt dùng súng tấn công chi nhánh ngân hàng cướp gần 900 triệu VNÐ…
Phân tích các vụ cướp ngân hàng có thể thấy nổi lên những điểm sau: Các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng được mặc định là nơi cất giữ nhiều tiền mặt, từ đó trở thành mục tiêu của tội phạm. Ở hầu hết các vụ cướp, hung thủ chủ yếu hoạt động đơn lẻ, có khi đi 1 mình; thường là những kẻ thất nghiệp, công ăn việc làm không ổn định, đang mắc nợ, thua lỗ cần có ngay khoản tiền lớn trang trải. Trước khi gây án, hung thủ có thăm dò kỹ mục tiêu, tìm hiểu địa hình, quy luật hoạt động của ngân hàng, hệ thống an ninh, sơ hở của bảo vệ, chuẩn bị vũ khí, tính toán cách tiếp cận và đường tẩu thoát nhanh nhất.

Hệ thống bảo vệ lỏng lẻo, kém chuyên nghiệp cũng là một nguyên nhân. Ảnh: tác giả cung cấp
Về thời gian gây án, hung thủ thường chọn lúc vắng người (buổi trưa hoặc xế chiều). Khi tiến hành cướp, hung thủ thường di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, đóng giả làm khách giao dịch, lợi dụng thời điểm tương đối vắng, nhân viên bảo vệ thiếu tập trung, bất ngờ dùng vũ khí (thật hoặc giả) gây áp lực để nhân viên ngân hàng phải giao nộp tiền. Sau khi cướp, hung thủ nhanh chóng rút lui…
Tuy nhiên, tại VN, hầu hết các vụ cướp ngân hàng từ Bắc vào Nam những năm qua cho thấy hung thủ thường bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian chỉ vài ngày, dài lắm là 1 tuần lễ.
Vì sao vậy? Chúng tôi tìm hiểu và được một sĩ quan công an (không muốn nêu tên) thuộc phòng PC02 Ðồng Nai cho biết: “Bọn cướp ngân hàng nhanh chóng bị bắt vì đa số chúng chỉ là kẻ “làm liều để ăn nhiều”, hoạt động bột phát chứ không thuộc các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp. Với xuất phát điểm như vậy nên sau khi cướp xong, chúng để lại nhiều hình ảnh tại hiện trường qua hệ thống caméra hoặc từ những người làm chứng cũng như các dấu vết tại hiện trường…”.

Một vài vụ cướp ngân hàng được caméra ghi lại. Ảnh: tác giả cung cấp
Một điều nữa là hiện nay tại nhiều ngân hàng, chi nhánh và các phòng giao dịch luôn có sẵn các hệ thống caméra giám sát, có khả năng theo dõi, kiểm soát hành vi mọi người từ bên ngoài vào. Tương tự, ở hầu khắp các tuyến đường, cũng lắp đặt nhiều caméra quan sát giao thông, chưa kể hệ thống caméra từ các nhà dân chung quanh cũng là những yếu tố khiến hung thủ dễ dàng bị nhận dạng.
Cũng tại VN (và nhiều nước cộng sản khác), hệ thống công an, cảnh sát được bố trí rất chặt chẽ, dày đặc: nào cấp bộ, tỉnh, thành phố, quận huyện, phường xã, cho tới cảnh sát cơ động, công an khu vực, công an khu phố, công an viên “chìm, nổi”… ngày đêm giám sát nhất cử nhất động của mọi người dân. Vì vậy những kẻ có hành tung đáng ngờ hoặc người từ địa phương này đến địa phương khác lưu trú rất dễ bị đánh dấu hỏi.
Quay lại với nạn cướp ngân hàng, căn cứ quy luật phát triển xã hội, loại tội phạm này gia tăng theo sự phát triển của lãnh vực ngân hàng và ở VN cũng không ngoại lệ. Tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này không chỉ ở việc chiếm đoạt tài sản mà còn uy hiếp tính mạng con người. Vì vậy, người dân nên làm gì khi đứng trước sự uy hiếp của bọn cướp ngân hàng là vấn đề cần đặt ra. Mục đích của hung thủ là tiền, chứ không phải mạng người. Song nếu nạn nhân xử sự kém khôn ngoan, có hành động như tri hô hoặc lao vào ôm giữ đối tượng… sẽ biến thủ phạm trở thành kẻ hung ác sẵn sàng ra tay giết hại để trốn thoát. Vì thế trong mọi vụ án cướp tài sản, cần đặt sự an toàn tính mạng của mình và người khác lên hàng đầu. Nạn nhân có thể ngoan ngoãn giao nộp tài sản, không có hành vi kháng cự liều lĩnh. Khi tiếp xúc kẻ cướp cần bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho nhà chức trách sau này.

Thủ phạm cướp ngân hàng bị bắt giữ. Ảnh: tác giả cung cấp
NS