Thành lập năm 2007, Netflix là một streaming service (dịch vụ phát sóng trực tuyến) của Mỹ. Trong khoảng hơn chục năm nay, Netflix có lượng người subscribe đều đều tăng, và thống trị thị trường streaming. Tuy nhiên bắt đầu có dấu hiệu thay đổi: năm 2022, Netflix cho biết mất khoảng 200,000 người subscribe trong quý 1, và lần đầu tiên tụt dưới 50% thị phần thế giới video trực tuyến. Có thể nói Netflix đang trong cơn khủng hoảng.

Bảo Huân
Vì sao trước đây Netflix thành công?
Tiện lợi
Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ streaming là tiện lợi: vừa không phải ra ngoài và tốn tiền lẻ tẻ như xem film ngoài rạp, vừa không phải mất công và tốn kém như mua hoặc thuê DVD, lại được linh hoạt thời gian và có thể quay tới quay lui, không như TV.
Hệ thống streaming tạo ra một phần cũng để giảm nạn tải film lậu: tải lậu có thể không tốn tiền nhưng lại tốn thì giờ đi tìm, rồi chờ tải về, đôi khi không ổn lại phải download cái khác, trong khi trên Netflix, mọi thứ nằm sẵn ngay đó.
Không quảng cáo
Một ưu điểm khác của Netflix là không bị mất thì giờ hay bị làm phiền bởi quảng cáo.
Nhiều lựa chọn
Netflix vừa có film truyện, vừa có film tài liệu, vừa có TV series, và gần đây cũng lấn sang mảng truyền hình thực tế. So với TV và film chiếu rạp, Netflix cũng vượt xa về lựa chọn, do có film và series từ khắp nơi trên thế giới, từ đủ mọi quốc gia và văn hóa khác nhau. Series thành công nhất hiện nay trên Netflix là “Squid Game” của Hàn Quốc.
Film riêng của Netflix
Sau một thời gian phát film trực tuyến, Netflix tiếp tục thống trị khi bỏ tiền làm film riêng (Netflix Original). Theo nghĩa nào đó, các nhà làm film cho Netflix có thể có tự do hơn làm film chiếu rạp vì ít áp lực hơn về khán giả-Netflix ăn tiền từ người subscribe nói chung, không phải “tiền vé” cho từng film.
Được cá nhân hóa qua công cụ giới thiệu film
Ngoài ra Netflix cũng có personalisation (cá nhân hóa) cho người dùng: giới thiệu film hoặc chương trình tương tự cái đã xem.
Đâu là mối đe đọa với Netflix?
Thị trường thay đổi: các dịch vụ streaming khác
Nếu 10 năm trước, Netflix thắng được vì “mọi thứ nằm một chỗ”, điều đó không còn đúng khi hàng loạt dịch vụ khác mọc ra như Amazon Prime Video, HBO Max, Disney+, Apple TV+, Hulu, Mubi, Discovery+, Peacock, Now TV, The Criterion Channel, BFI Player, BritBox v.v. Một số chương trình trên Netflix phải rút đi, và chuyện Netflix có film riêng cũng chẳng còn gì đặc biệt khi một số hệ thống streaming khác cũng có cái riêng, như film “CODA” gần đây đoạt Oscar film hay nhất là của Apple TV+.
Thông thường mỗi gia đình hiện nay trả tiền vài hệ thống streaming khác nhau.
Youtube và TikTok
Không chỉ các dịch vụ streaming khác, Netflix còn phải cạnh tranh với Youtube và TikTok vì thu hút giới trẻ. Youtube cũng có thư viện film để thuê hoặc mua, tương tự hệ thống Amazon.
Ðó là chưa kể thế giới video game cũng có hiện tượng livestream cho người khác xem, đây cũng có thể là đối thủ cạnh tranh cho Netflix.
Vì sao Netflix mất người subscribe?
Không còn thích Netflix
Không phải ai cũng thích Netflix: Netflix chỉ đơn thuần giải trí, không có film kinh điển và cũng chẳng có film nghệ thuật. Một số người mê film còn nghĩ Netflix, các hệ thống streaming, và văn hóa hiện nay còn làm rẻ điện ảnh, biến tất cả từ film truyện đến video trên Youtube đến video vớ vẩn vài giây trên TikTok đều là content như nhau. Trên Netflix, mọi thứ đều là content (nội dung).
Không có gì lạ khi một số người ban đầu subscribe cho Netflix vì tiện lợi, sau một thời gian bỏ sang dịch vụ streaming khác.
Giá tăng nhưng một số chương trình bị rút đi
Gần đây khi Netflix gây ồn ào với tuyên bố ý định siết chặt, không cho người dùng chia sẻ mật khẩu, khá nhiều người nói đó không phải là câu trả lời: theo họ, vấn đề chính của Netflix là giá càng ngày càng tăng nhưng số lượng film không tăng nhiều, một số bị rút đi, và một số chương trình đang chiếu bị dẹp ngang. Nếu Netflix thật sự tăng lệ phí vì chia sẻ mật khẩu, rất có thể một số người dùng sẽ quẳng luôn Netflix.
Thiên kiến chính trị ở Netflix
Một lý do khác là một số khán giả cho là Netflix khuynh tả và tuyên truyền, như có thể thấy trên Twitter với hashtag #CancelNetflix.
Một khảo sát của YouGov ở Mỹ cho thấy, trong thang điểm từ -100 đến 100, người theo Ðảng Dân chủ chấm Netflix 62.8 trong khi người theo Ðảng Cộng hòa chỉ cho 41.8 điểm.
Lạm phát
Ngoài các vụ gây tranh cãi và vấn đề của riêng Netflix, thực tế là hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đang lạm phát: khi giá cả mọi thứ đều tăng, tiền điện tăng, tiền ga tiền xăng tăng, nhưng lương không thật sự nhúc nhích, làm sao có thể chịu nổi vài hệ thống streaming cùng lúc, đặc biệt nếu Netflix quyết định chém thêm tiền dùng chung tài khoản?
Netflix cũng đang cân nhắc cho quảng cáo, với lựa chọn trả thêm tiền để rút quảng cáo, nhưng không quảng cáo là một trong những điểm thu hút khiến Netflix thắng thời kỳ đầu.
Điều này có nghĩa gì với tương lai của các hệ thống streaming nói chung?
Ðây có thể nói không chỉ là khủng hoảng của riêng Netflix mà đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của hệ thống phát sóng trực tuyến nói chung. Netflix đã thay đổi cách người ta xem film và cũng từng là giải pháp chống tải film lậu, vì mọi thứ nằm cùng một chỗ, nhưng hiện nay mỗi nhà phải trả tiền vài nơi khác nhau để xem được cái muốn xem, và càng mắc kẹt nếu đã subscribe 2-3 hay 4 dịch vụ khác nhau nhưng muốn xem một film chỉ nằm trên một trang streaming khác.
Streaming hiện nay lại tạo ra vấn đề chính nó từng là giải pháp.
Tương lai dịch vụ streaming sẽ ra sao? Và nó sẽ ảnh hưởng người xem film thế nào?
HDN
Nguồn:
https://www.themedialab.me/7-key-factors-behind-success-story-netflix/
https://time.com/6172680/netflix-streaming-future/
https://www.ft.com/content/fd376c16-f8d7-49fd-9b13-9ed2f001eaa1
https://www.theguardian.com/media/2022/apr/20/netflix-shares-fall-losing-subscribers