Nếp sống của thế kỷ XX – XIX cổ võ khuynh hướng “độc lập”. Cha mẹ dạy dỗ con cái từ thủa còn thơ ấu chú trọng đến việc “tự lập”, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như tự xúc cơm, tự lấy bánh mì, tự rót nước uống, mặc áo quần… càng sớm càng tốt. Lớn thêm một chút, đứa trẻ được phép lựa chọn món đồ chơi, loại áo quần theo ý thích. Cứ như thế cho đến khi trưởng thành, học xong trung học là sửa soạn xoải cánh vào đời. Để được tự do làm như ý muốn, phần lớn các thiếu niên chọn đi học xa, thành phố xa, tiểu bang xa lạ hoặc ngay cả một quốc gia xa lạ khi gia đình có thể chu cấp hoặc giúp đỡ. Và người trẻ tiếp tục nếp sống “độc lập”, tự do bay nhảy như thế dù rất nhiều người trẻ vì lý do tài chánh chịu chia nhà, chia phòng với bạn bè hơn là về sống với cha mẹ.

Với xã hội ngày nay, người trẻ sống chung với gia đình sau khi khôn lớn bị xem là “bất thường” vì thiếu khả năng tự lập (?) ngay cả khi họ có công ăn việc làm. Nhãn hiệu ấy cũng khiến người trẻ chọn việc sống ngoài gia đình. Những người đã có gia đình, vào tuổi vàng, không mấy ai muốn sống chung với kẻ “lạ” kể cả con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng tư. Hẳn người “già” cũng yêu chuộng “tự do” ít ràng buộc như người trẻ? Nếp sống riêng tư “độc lập” cứ như thế mà tiếp diễn?

Cuốn sách “How We Live Now: Redefining Home and Family in the 21st Century” của tác giả Bella DePaulo, chuyên viên tâm lý xã hội, giải thích phần nào nguyên nhân dẫn đến sự tách rời của nếp sống gia đình hay “nuclear family”. Thoạt tiên là việc muốn “thay đổi” của những người không ưa thích sự ràng buộc dẫn đến sự lựa chọn. Ðời sống gồm nhiều sự việc liền lạc với nhau: lập gia đình, chung sống, hưởng thụ nhục cảm, sinh con cái. Ngày trước, những sự việc ấy thường xảy ra theo thứ tự và liên quan với nhau. Mỗi sự việc đòi hỏi thời gian và tâm nguyện, cam kết của con người. Ngày nay con người có khuynh hướng lựa chọn và chỉ chọn một vài thứ trong chuỗi sự việc ấy vì thiếu thời giờ, không muốn cam kết hoặc cả hai. Cam kết là sự ràng buộc tự nguyện, đòi hỏi sự hy sinh, tiết giảm tự do cá nhân.

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Khi chung sống với bạn tình hoặc lập gia đình [nhỏ], con người trở nên tách biệt, không còn gần gũi với cha mẹ nữa, và cũng không còn tiếp xúc với bạn bè thường xuyên như thủa còn độc thân nữa. Thời gian dành cho bạn bè, thân nhân bị thay thế bởi thời gian dành cho đời sống riêng tư.
Khi lập “gia đình -và- chung sống” không còn quan trọng nữa thì bá tánh tách rời nhau, có thể vẫn còn là vợ chồng nhưng sống riêng tư.

Khi chuỗi sự kiện “lập gia đình – chung sống – sinh con” tan rã, hoặc việc “có con” quan trọng nhưng “lập gia đình” không là điều cần thiết, xã hội có những đơn vị “single parent” hay cha / mẹ đơn thân. Theo thống kê của Nha Kiểm Kê Dân Số (Census Bureau) năm 2020, tại Huê Kỳ, khoảng 110 triệu người độc thân (single) và khoảng 36 triệu người sống riêng lẻ (individual household). Tạm hiểu là bá tánh có người muốn độc thân, không lấy vợ, lấy chồng; có người thích sống một mình có thể còn độc thân nhưng cũng có thể là đã có gia đình. Tại sao thế nhỉ? Một phần những người sống riêng lẻ vì muốn tự do và không thích “theo” những điều kiện nào đó trong cuộc sống chung. Phần khác vì luật lệ gò bó. Một số địa phương tại Huê Kỳ không cho phép trên hai người khác huyết thống chung sống dưới một mái nhà; do đó một nhóm bạn bè khó có thể [chính thức] tụ họp, sống chung.
Khi “sinh con” trở nên “không cần thiết” nữa thì xã hội có những đôi vợ chồng không con cái, khuynh hướng lựa chọn này mỗi ngày một đông đảo. Kiểu mẫu gia đình gồm cha / mẹ và con cái xem ra không còn thu hút người trẻ ngày nay nữa.

Xem thêm:   Cúm gia cầm dưới mắt khoa học gia

David Brooks, nhà bình luận của báo NY Times, từ một “tổ chức” lớn với mối thân tình, liên quan mật thiết giữa nhiều thành viên, “gia đình” đã thu nhỏ, tách rời thành những đơn vị nhỏ chỉ hai, ba người. Sự thu nhỏ và riêng tư ấy mang lại tự do cá nhân, mạnh ai nấy sống nhưng đã khiến cư dân Huê Kỳ trở nên cô đơn, thiếu kiểu mẫu để làm gương và nhất là sự liên hệ lỏng lẻo giữa thân tộc nên khó lòng trợ giúp lẫn nhau lúc cần thiết. Trận đại dịch Vũ Hán đã giúp bá tánh nhìn nhận rõ ràng hơn sự quan trọng của nếp sống quây quần, trợ giúp lẫn nhau và con người đang loay hoay trở về nếp sống gia đình trước đây. Tạm hiểu là ta đi từ nếp sống “chung” đến nếp sống riêng và ngày nay, sắp sửa trở lại cách sống gần gũi hơn với thân nhân, bạn bè.

Kiểu mẫu “sống chung” có hai thể loại chính: Nếp sống có tên là “multigenerational family”, sống chung dưới cùng một mái nhà nhưng vẫn duy trì được sự riêng tư. Những căn nhà kiểu mẫu kể trên đang được xây cất hoặc sửa chữa để ba thế hệ có thể sống chung với nhau. Cha / mẹ, người chủ nhà và con cái chia nhau phòng ốc chính trong khi ông / bà có phòng riêng (kiểu studio), đôi khi có cả lối đi riêng, với đầy đủ tiện nghi như nhà tắm riêng và cả nơi đọc báo, xem tivi… mà không cần sử dụng phòng giải trí chung của căn nhà. Nghĩa là ông / bà nếu thích thì ra họp mặt với con cháu, khi uể oải thì vào phòng riêng để thoải mái nghỉ ngơi. Con cái có thể trợ giúp cha mẹ khi cần thiết hoặc ngược lại khi đôi vợ chồng có con nhỏ cần người giúp trông nom trẻ em, ông bà có thể làm công việc “baby sitter”.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Nếp sống “co-housing”, chung nhà, bao gồm các đơn vị riêng tư nhưng chia chung phòng ốc chính như nhà bếp, phòng ăn, phòng giải trí. Ðây là kiểu mẫu sống chung của những người có ý thích tương đồng, chấp nhận sự chia sẻ [tối thiểu] để có người chung quanh lúc tối lửa tắt đèn. Lối sống chung của những người không cùng huyết thống. Ðể thích ứng với kiểu mẫu “co-housing”, nhiều chính quyền địa phương đã thay đổi luật lệ xây cất, zoning laws, cho phép cư dân “chia nhà” một cách chính thức và hợp pháp.

Các kiểu mẫu sống chung kể trên dù được hoan nghênh và áp dụng vì sự cần thiết về tinh thần nhưng vẫn được các tay tài chánh tính toán đo đếm về sự hữu dụng về kinh tế. Khi sống chung, những phí tổn để duy trì đời sống được tiết giảm khá nhiều, đầu tiên là chi phí về chỗ ở, thuê mướn, thuế má hoặc mortgage; kế đến là chi phí về điện nước, gas chưa kể các chi phí về di chuyển, giải trí, du lịch… cũng tiết giảm khi hai, ba người cùng sử dụng một dịch vụ so với cá nhân.
Sống chung mang lại nhiều lợi ích từ tinh thần đến vật chất như thế nên xã hội Huê Kỳ đang thay đổi từ từ để thích ứng với cư dân già trẻ ngày nay.

TLL