Đêm 30 Tết, đối với tôi, luôn là những khoảnh khắc đặc biệt khó diễn tả. Dù không còn ở Việt Nam và năm nay, dù đêm 30 Tết không còn được rảnh rỗi, tôi vẫn muốn viết một điều gì đó cho bóng đêm đáng nhớ này.
Tôi sững sờ với tin bà Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, so sánh biến cố tại điện Capitol (nhà Quốc Hội Hoa Kỳ) ngày 06 tháng Giêng 2021 với vụ khủng bố 11 tháng 09 năm 2001.
Song, định thần lại một chút, tôi gạt được ngay sự bối rối nhưng vẫn trĩu nặng một cảm giác tiếc nuối.
Theo một triết lý phương Ðông cổ xưa, có sinh là có diệt, không có gì là mãi mãi. Một khám phá hiện đại của phương Tây cũng gần như có cùng kết luận như thế: entropy.
Dân Chủ (democracy), dù hiểu theo nghĩa nào, do con người tạo ra, sinh ra, vậy tất yếu không thể tránh được quy luật vừa nói.
Hiểu theo một cách, Dân Chủ là một phương tiện đã được con người cấu tạo để ức chế cái Ác của con người – sự quá đà, lạm dụng quyền lực, bạo lực của những con người cầm quyền. Trong khi đó, cái Ác (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, ác hành …) lại có biểu hiện thuộc về bản tính của con người, nó không được sinh ra mà nó đã tự nhiên nằm trong con người, do vậy nó có khả năng trường tồn, bất tử chừng nào con người chưa tuyệt diệt. Mọi trang sử, dấu tích xa xưa nhất của nhân loại đều cho thấy các nền văn minh, các chế độ chính trị rực rỡ theo hướng khống chế, tiết chế cái Ác đều sụp đổ hay suy thoái bằng nhiều cách khác nhau. Duy nhất một chế độ, một đặc tính chính trị luôn tồn tại, hay thay nhau tồn tại, là chế độ chính trị, đặc tính chính trị có tính Ác (chuyên chế, độc tài).
Do vậy, sự suy thoái của Dân Chủ ở mức độ toàn cầu từ khoảng 10 năm trở lại đây, hay những biến động có tính suy thoái của một trong những nền Dân Chủ già dặn và có suy tính kỹ lưỡng nhất – Dân Chủ Mỹ – trong nhiều hơn 4 năm vừa qua là điều có thể hiểu được. Cảm giác tiếc nuối, khó chấp nhận trước sự suy thoái này cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Hiểu theo một cách khác, Dân Chủ, cũng giống như các cấu tạo cơ học (thậm chí ngay cả các tồn tại tinh thần, tình cảm) cần phải được chăm sóc, bảo dưỡng đều đặn nếu không muốn «chết máy giữa đường» hay sớm phải thải hồi. Theo cách nhìn này, sự suy thoái Dân Chủ hiện thời là tất yếu bởi người sử dụng chỉ biết tận hưởng các lợi ích của «cỗ máy» Dân Chủ nhưng lơ là, thờ ơ, lười nhác trong việc chăm sóc, bảo trì thậm chí không quan tâm đến chính trị – «cỗ máy» Dân Chủ: Tỷ lệ tham gia vào các cuộc bầu cử tại các nền dân chủ mạnh nhất từ nhiều năm qua đều ở mức thấp ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt.
Nếu coi Dân Chủ là biểu hiện cho tính Thiện của sinh thể nhân loại, tính Thiện này ắt hẳn luôn bị cạnh tranh, ước chế, giằng xé, đánh phá bởi tính đối lập tất yếu của chính sinh thể nhân loại. Sự cạnh tranh, đánh phá này xảy ra theo chiều kích cả bên trong lẫn bên ngoài nền Dân Chủ bởi tính Ác – sự đối lập của Thiện – luôn tồn tại ở khắp nơi. Ðiển hình của sự cạnh tranh, đánh phá Dân Chủ từ bên ngoài trong 20 năm qua là các chính sách phát triển của Trung Cộng. Ðiều trớ trêu, nhưng không lạ lùng, là không phải tất cả mọi người đều nhận ra sự nguy hiểm của Trung Cộng- cái Ác trong sinh thể nhân loại. Trong ba thập niên qua Trung Cộng đã học hỏi, đã lấy được nhiều tri thức, công nghệ của Dân Chủ nhưng không phải để thiết lập Dân Chủ mà là để tăng lực, củng cố thêm cho sự vững chắc của cái Ác – độc tài phi nhân. Kết quả này không chỉ đến từ sự suy tính xảo quyệt của cái Ác mà còn là do sự ngây thơ, cả tin hay hảo tâm vốn là bản tính thường có của Thiện.
Theo một nghiên cứu của CNRS (Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp), năm 1999 Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép đào tạo tại chỗ và du nhập mô hình đào tạo quản lý công cao cấp (MPA – Master in Public Administration) từ các viện đại học lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực này như Maxwell School of Syracuse University, John F. Kennedy School of Harvard University, Carnergie Mellon University, Columbia University. Một số nhà quan sát đã nghi ngờ tính hiệu quả của chương trình này vì hệ thống chính trị của Trung Cộng hoàn toàn không thích ứng (thiếu đặc tính rule of law, bất chia tách quyền lực, thiếu vắng các tự do cơ bản) ; một số nhà quan sát khác thì hy vọng chương trình kiểu Mỹ sẽ góp phần đẩy chính trị Trung Cộng theo hướng dân chủ. Nhưng cả hai đều sai vì sau gần 20 năm, Trung Cộng đã có nhiều ngàn quan chức được đào tạo theo đúng mô hình MPA của Mỹ nhưng toàn hệ thống công của Trung Cộng vẫn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc trung thành chính trị (la loyauté politique) – phụng sự trước hết cho lợi quyền Ðảng Cộng sản – nhưng những tri thức MPA của Mỹ đã cho Bắc Kinh nhiều cách xoa dịu bức xúc xã hội, triệt tiêu các yếu tố đối lập, khai phóng, duy trì sự ổn định xã hội – những ước muốn muôn thuở của kẻ độc tài.
Song, Dân Chủ hoàn toàn không phải là cây đũa thần, cũng không phải là phương thuốc vạn năng, các thể chế Dân Chủ đáng kính nể nhất cũng chứa đầy khuyết tật, sai lầm và tha hóa chưa kể xã hội Dân Chủ luôn có xu hướng náo loạn vì quyền than vãn, bất bình, tụ họp, đả phá kẻ cầm quyền và đả phá lẫn nhau được công nhiên thừa nhận. Song, bất chấp các bất tiện đó, hầu như mọi kẻ phải tha hương trên toàn cầu, kể cả những kẻ độc tài, đều nhắm cùng một đích: các nước Dân Chủ. Ðúng ra là các nước Dân Chủ Âu-Mỹ.
Nói về sức mạnh kinh tế, sự phồn thịnh vật chất, Nhật Bản hơn hẳn tất cả mọi quốc gia Dân Chủ khác, ngoại trừ Mỹ, nhưng Nhật Bản chưa bao giờ có tên trong danh sách những quốc gia đáng nhớ trong việc dang tay đón nhận người tha hương. Hướng đi của dòng người tỵ nạn toàn cầu hẳn phải làm cho các chỉ trích có tính bác bỏ phương Tây đỏ lựng nếu những con chữ, lời nói cũng có khả năng tự vấn.
Sự di chuyển của dòng người tha hương toàn cầu còn cho thấy trong Dân Chủ phương Tây có một yếu tố đặc biệt nhưng tiềm ẩn, đó có thể gọi là văn hóa Cơ-Ðốc, là triết lý nhân bản hoặc đơn giản là lòng thương người. Cứ là người là thương, là quý, là yêu, là đùm bọc, che chở bất kể nguồn gốc, màu da, đảng phái.
Nhìn vào Nhật Bản, chúng ta thấy nền Dân Chủ nơi này, dẫu thuộc loại tốt (full democracy, hơn hẳn Pháp, Mỹ theo xếp hạng của EIU 2020), là nền Dân Chủ cấy ghép-cưỡng bức, không phải nền Dân Chủ tự đâm chồi. Nhưng nếu Trung Cộng, hoặc một số quốc gia khác, cũng có một nền Dân Chủ như Nhật Bản, hoặc kém hơn, chắc chắn nhân loại hiện nay bớt được nhiều lo lắng, rắc rối.
Những vấn đề vừa nêu gợi ra hoặc nhắc lại cho chúng ta những câu hỏi không dễ trả lời:
Văn Hóa quyết định Dân Chủ/Phi Dân Chủ?
Dân Chủ có khả năng/bất khả năng cải biến Văn Hóa?
Dân Chủ có khả năng tự sửa để tiếp tục tồn tại hay sẽ bị Phi Dân Chủ tiêu diệt?
Phải chăng sự áp đặt chính trị không hẳn xấu?
Nhân loại, cả con người Dân Chủ lẫn con người Ðộc Tài, đang ráo riết tìm cách chiếm lĩnh, thuộc địa hóa các hành tinh khác, song nếu có một cuộc cưỡng ép chính trị văn minh hơn từ một sinh thể khác trong vũ trụ, loài người sẽ xử sự ra sao? Khiêm nhường để tiếp nhận hay, vì lòng tự ái nhân loại (homo-sapiensism), sẽ quyết chống trả đến con người cuối cùng?
PHS