Theo Trương Vĩnh Ký – một trong số các học giả nổi tiếng ở thế kỷ 19, bà Chiểu, bà Hạt, bà Hom, bà Điểm, bà Quẹo đều là vợ của một vị tướng, Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng) thời vua Tự Đức. Ông được phong chức lãnh binh trong thời gian chống Pháp ở Nam Kỳ.

Không ảnh vùng Bà Hom năm 1968, nhà cửa còn thưa thớt (Ảnh: Tư liệu)  

Tương truyền, để tránh các bà vợ không đụng nhau thường xuyên, dễ bất hòa nên ông Lãnh binh Thăng áp dụng phương pháp kinh tế tự túc cho mỗi bà. Theo đó, ông xây cho mỗi bà một cái chợ để tự cai quản. Vị lãnh binh đã lập 5 ngôi chợ nằm ở cách xa nhau và đặt tên theo tên các bà vợ…

Còn theo một số nhà nghiên cứu khác cũng như một số tài liệu ghi chép lại cho biết đó chỉ là tên của một vùng đất do những người phụ nữ khai hoang mở cõi.

Trong bài viết này, chúng ta không đề cập chi tiết hay truyền thuyết về 5 bà vợ của lãnh binh mà chúng ta chỉ nhắc vài nét về vùng đất Bà Hom. Và đặc biệt trong khu vực Bà Hom có thêm một địa danh tuy nhỏ bé chỉ là một thôn xóm nhưng rất nổi tiếng tệ nạn ngày trước. Đó là xóm Cây Da Sà.

Vùng đất Bà Hom

Có tài liệu nghiên cứu địa danh về vùng đất Bà Hom. Bà Hom có lẽ do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch, vì Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn cũng nói chệch thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn. Tại khu vực Bà Hom ngày xưa và cho đến những năm của thập niên 1980 vẫn còn nhiều bàu ao trồng rau muống hoặc ngâm thân tre dùng làm vật liệu xây dựng đơn giản. Nhiều cư dân lớn tuổi sống tại khu vực này nói rằng chưa bao giờ thấy các bàu ngâm hom tre. Có thể các bàu này xuất hiện từ xa xưa khoảng thế kỷ 19.

Vùng đất Bà Hom bắt đầu từ ranh giới mũi tàu Phú Lâm (ngày nay) ôm theo Rạch Lò Gốm qua Rạch Ông Buông giáp ranh làng Tân Hoá, Tân Khai thuộc Bình Trị Đông (vùng Tân Tạo). Từ xa xưa, khu vực này từng là nơi cư trú của người Miên, sau đó người Việt từ đàng Ngoài và người Minh Hương từ Cù lao Phố Biên Hoà kéo về sinh sống, tạo nên một cộng đồng đa sắc dân, sinh sống bằng nghề buôn bán và sản xuất đồ gốm, đồ sành.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

So với Phú Lâm (trước thuộc vùng đất Bà Hom) và sau này khi quân đội Mỹ xây dựng đài Radar Phú Lâm cũng như việc xây dựng khu cư xá Phú Lâm mà người ta tách Phú Lâm riêng ra để chỉ một khu vực nhỏ hơn. Khoảng thập niên 1950, nơi này có một ngôi chợ tự lập, dân chúng trong vùng gọi truyền miệng là chợ Bà Hom theo tên địa danh. Và sau này khi xây dựng chợ mới, người ta lấy tên Bà Hom đặt cho chợ. Cho nên việc ông Lãnh binh Thăng xây chợ cho bà Hom chỉ là truyền thuyết.

Vùng Bà Hom năm 1968 có rất nhiều bàu trũng trồng rau muống (Nguồn: Manhhaiflick)

Khu vực Cây Da Sà

Trong vùng đất Bà Hom còn có khu vực Cây Da Sà. Mấy trăm năm trước, ngay tại ngã ba giao lộ Bà Hom – An Dương Vương Q.6 ngày nay, có một cây da cổ thụ (vốn là cây da sà). Thân cây to lớn đến 2,3 người ôm, tán cây toả bóng mát cả một diện tích vài chục mét vuông. Phía trên tán cây, người ta dựng một am Ngũ Hành, còn dưới gốc cây người ta thờ thần tài thổ địa, nhang khói lúc nào cũng ấm cúng. Nhưng đêm đến thì dân địa phương hoặc khách bộ hành yếu bóng vía sợ đi ngang qua.

Hồi trước 1950, dưới bóng cây là bãi đậu xe ngựa. Mấy bác phu xe, lúc chưa đến giờ chở khách, tụ năm tụ ba lại gầy sòng đánh bài giải khuây, dần dà chơi sát phạt ăn tiền, khiến cho bãi xe Cây Da Sà không còn yên tĩnh. Khoảng năm 1956, cây da sà tự nhiên héo úa và chết dần, người ta phải đốn bỏ và cất trên mảnh đất đó một ngôi chợ. Từ đây, vùng đất Bà Hom có thêm chợ Cây Da Sà. Những người lớn tuổi ở đây cho biết sơ khai hai bên đường có rất nhiều cánh đồng rộng lớn. Dân cư thưa thớt, sống trong nhà tranh vách nứa, làm thuê, bốc vác, bán buôn ở chợ, chạy ba gác… Nhiều nhà dân khổ đến mức, nhà này nấu ăn phải chạy qua hàng xóm mượn đỡ chiếc nồi, que diêm.

Xem thêm:   Allen PAC

Nổi tiếng về thuốc phiện

Trước đó, năm 1954 một bộ tộc người Nùng từ Móng Cái – Quảng Ninh di cư vào Nam, được chính quyền ông Diệm cho định cư ở vùng đất Cây Da Sà. Người Nùng vốn dĩ từng trồng cây thuốc phiện và buôn bán chất gây nghiện nên khi đến vùng đất mới, một số họ tiếp tục bán thuốc phiện, mặc dầu chính quyền nghiêm cấm. Sang 1955, nhiều tay anh chị ở khu Chợ Lớn và giang hồ Đồng Nai kéo về đây sinh sống, kết hợp với người Nùng mở rộng lãnh địa thuốc phiện. Người dân hễ nói tới đàn em của A Hào, Vòng A Chảy, Vòng A Sáng … ai cũng khiếp sợ. Bởi, họ là những tay anh chị buôn bán thuốc phiện tiếng tăm.

Những ông trùm này lấy thuốc phiện từ bên Lào do các đầu mối cung cấp lại và biến khu chợ Cây Da Sà thành chợ ma túy khét tiếng vì thuốc phiện giá rẻ. Những ông trùm nơi đây đa số là người Nùng, lúc còn ở khu biên giới họ đã trồng cây cần sa dùng hằng ngày. Vì vậy, khi bán ma túy ở chợ Cây Da Sà, họ chế biến thêm để tăng độ “phê” cho người nghiện. Thuở ấy, vừa qua khỏi khu Phú Lâm, cảnh người nghiện ngồi bệt chìa tay xin tiền không phải là lạ. Không cho tiền, có khi bị gí dao vào cổ.

Ảnh minh hoạ chụp từ báo về khu vực Cây Da Sà (Ảnh: Internet)

…và ghi đề

Khu vực Cây Da Sà cũng là nơi xuất phát nạn đánh số đề và các đại lý (huyện đề) ghi số rộng khắp trong thành phố. Số đề xuất hiện tại Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1960. Người đầu tiên tổ chức ghi và đánh số đề là ông Bảy Diệm. Bảy Diệm vốn người Long Hựu Đông (Cần Đước – Long An) lên Cây Da Sà làm nghề xe ngựa chở khách tuyến đường Cây Da Sà – Chợ Lớn. Được một thời gian, ông nghỉ nghề xe ngựa lao vào tổ chức ghi đề. Đề của ông Bảy Diệm lúc bấy giờ chỉ có 40 con số lấy hình thể muông thú ghép vô. Đầu tiên là số 1 con cá, số 2 con ốc v.v. có vài con vật mang hai số như: cá số 1, cá 30, mèo 14, mèo 18, rồng số 10, rồng 26. Nhưng cũng có một số loài vật không có trong bảng phong thần của ông Bảy như con Thỏ, Kỳ Lân, Kỳ Đà, Hà Mã, Thằn Lằn. Qua một giấc ngủ hay đi trên đường hoặc một lý do nào đó gặp một con thú, người đánh đề nghĩ ngay đến con số tương ứng để đánh. Số trúng được trả 36đ cho 1 đồng ghi số. Mỗi ngày ông Bảy Diệm xổ 2 lần. Số trúng được ông mắc lên một nhánh cây cao trong xóm Cây Da Sà đồng thời thông báo cho các huyện đề.

Xem thêm:   Tháng 4 nhớ lại

Cuộc làm ăn của ông Bảy phát đạt kéo dài khá lâu cho đến khi có xổ số kiến thiết. Lúc bấy giờ, các tay trùm đề xuất hiện khá nhiều và chọn cách lấy theo kết quả xổ số và giải thưởng cao lên 1đ ăn 70đ. Có một câu chuyện. Một ông nọ chơi đề thua đến tán gia bại sản. Gia đình tan bầy xẻ nghé. Ông định chơi một cú chót để gỡ. Ông đã đến xóm Cây Da Sà tìm gặp người tham mưu thân tín nhất của ông Bảy. Ông này người Tàu được ông Bảy tin dùng trong việc kế toán sổ sách và xổ số hàng ngày. Ông ta kể lể về hoàn cảnh thua đề của mình và mong tay quân sư giúp cho gỡ nợ đồng thời hứa sẽ bỏ khi gỡ được vốn. Ông năn nỉ như thế nào mà tay quân sư của ông Bảy xiêu lòng. Tay quân sư nói rằng vì đã thề độc nên không thể cho số được nhưng ông sẽ chỉ vào một món đồ vật nào đó, rồi tuỳ vào sự phán đoán để ghi số.

Tay quân sư bất chợt chỉ vào bộ ván gỗ đỏ. Thời đó dân có tiền của ngoại tỉnh thường thích bộ ván gỗ đỏ, quý nhất là ván đôi. Mà ván gỗ loại tốt có lõi vằn vện tha hồ mà suy diễn ra hình thù con vật.

Kết quả sau buổi xổ số đó ông chơi đề thua trắng tay. Ông ta thất thểu, lên tìm tay quân sư để trách móc. Tay quân sư mới nói: “Ngộ chỉ cho nị rồi mà tại nị không hiểu. Bộ ván để lên đâu, có phải để lên 2 bộ chân không? Chân đó gọi là chân gì, không phải là chân ngựa sao? Chiều nay ngộ xổ con ngựa còn gì nữa”.

Đường Bà Hom năm 1968 (Nguồn: Manhhaiflick)

TN