Trải qua gần 200 năm phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn, người sống lần hồi chiếm cứ, giải tỏa những khu nghĩa địa để xây cất nhà cửa, tạo những công viên phục vụ đô thị. Sài Gòn hui nhị tỳ (nghĩa địa tại Sài Gòn) chỉ còn lại trong ký ức của người lớn tuổi.

Nghĩa trang Bắc Việt nằm phía sau Bộ Tổng Tham Mưu trước 1975 (Nguồn: Manhhaiflick)  

Nghĩa trang Mả Ngụy

Khu vực ngã sáu Công Trường Dân Chủ, đường Trần Quốc Toản (3/2 ngày nay), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8) và Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) khi xưa từng là một cánh đồng mồ mả. Đây cũng là vị trí được cho là có ngôi mộ tập thể (Mả Ngụy) gần 2,000 người già, trẻ, trai, gái bị xử tử vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1833-1835 dưới thời vua Minh Mạng. Mả Ngụy hay Mả Biền Tru vốn nằm trong vùng đất khá rộng gọi là Đồng Tập Trận – nơi tập trận và diễn binh của nhà Nguyễn (về sau người Pháp đặt tên là Đồng Mồ Mả) ở Gia Định thành ngày xưa.

Sau vài năm Pháp chiếm được Sài Gòn, để kiếm đất làm trường đua ngựa giải trí cho sĩ quan binh lính và Pháp kiều cư ngụ tại Sài Gòn, người Pháp cho giải tỏa Đồng Mồ Mả, biến thành nơi tập bắn cho đội pháp binh và xây một trường đua ngựa. Trường đua này tồn tại cho đến năm 1938 sau khi di dời về trường đua mới ở Phú Thọ nhường chỗ cho việc phát triển mở rộng quận 3 đến nghĩa địa đất Thánh Chà nằm trong làng Hoà Hưng.

Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi trước 1945 làm nơi dành cho sĩ quan và Pháp kiều (Nguồn: Manhhaiflick)

Nghĩa trang Bắc Việt

Chuyện giải tỏa nghĩa địa trong thành phố để mở rộng khu dân cư là chuyện bình thường. Những khu nghĩa địa mới dần dần bị đẩy ra ngoại ô thành phố. Nghĩa trang của Hội Tương tế Bắc Việt do một vài nhà đầu tư người Bắc di cư ở khu vực Phú Nhuận hợp tác mua đất xây dựng dành làm chỗ chôn cất cho người đồng hương hồi đầu thế kỷ 20. Nghĩa trang này nằm phía sau Bộ Tổng Tham Mưu cũ và phía đối diện là Trung tâm hành quân. Tuy nhiên trong bài ký “Hui nhị tỳ I” viết hồi năm 1952 của Bình Nguyên Lộc thì đây không chỉ là nghĩa trang của Hội tương tế người Bắc di cư qua nhiều thời kỳ mà có cả mộ phần của người miền Trung và miền Nam nữa. Ông viết: “Riêng người Nam Việt chết, họ lập mỗi tỉnh một ô riêng, ngăn ranh giới bằng dây kẽm gai, ý chừng ngừa xâm lăng”.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Chuyện “xâm lăng” mà Bình Nguyên Lộc nhắc đến ở đây ý nói đến dòng người di cư ở thôn quê lên Sài Gòn vì chiến tranh từ giữa thập niên 1950. Ngay cả nghĩa trang tư gia của dòng họ Đỗ Hữu Phương ngày xưa nằm ở vườn Bà Lớn trên đường Phan Thanh Giản trong một khu đất riêng biệt hẻo lánh cũng bị xâm lấn: “người sống tràn đến đây đốn rụi lũy tre xanh, cả vườn xoài bên trong không còn một cây để che mồ. Những con đường mòn trải sạn trắng trong nghĩa địa đã biến thành những lối mòn ngập đất và cái ao sen ở giữa ngày xưa liễu rũ soi bóng dưới nước xanh lơ, bây giờ dùng làm hầm đổ rác”.

Mãi đến đầu thập niên 1950, khu vực quanh nghĩa trang Bắc Việt vẫn còn thưa thớt dân cư, hầu hết là đất đai quân sự. Ông Bình Nguyên Lộc tả: “Qua khỏi chùa, cảnh như cảnh quê miền Đông với những con đường mòn núp bóng bờ tre, với các cây rơm phơi giữa đám gốc rạ. Rồi thì tới cửa nghĩa địa”. Tuy nhiên, nhà báo Phạm Quỳnh ở ngoài Bắc vào Sài Gòn trong chuyến đi Pháp dự đấu xảo (hội chợ) Marseille năm 1922, có đến viếng nghĩa trang này. Ông viết trong cuốn “Pháp du hành trình nhật ký”: “5 giờ chiều (ngày 14/2/1922) cùng mấy ông ngoài ta (người Bắc) đi xem vườn Bắc Kỳ nghĩa trang, cách thành phố 6 – 7 kilomet. Đó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn. Số người ngoài ta vào lập nghiệp trong ấy ngày một nhiều, mà từ trước đến nay không có một khu đất nào riêng để chôn những người mất. Nay nhờ có mấy ông hữu tâm xướng lên, mua được một khu đất chừng 10 mẫu, kinh doanh làm vườn nghĩa địa, hiện nay đã có vài ba mộ mới chôn. Tình đồng quận, nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Việc ông Phạm Quỳnh dùng chữ “vườn nghĩa địa” làm tôi hình dung ra được thời ấy nơi người sống đã dành cho người chết một nơi an nghỉ nên thơ với khung cảnh hữu tình mà ngày nay người ta gọi là “công viên nghĩa trang” như cái mốt nở rộ cho các nhà kinh doanh địa ốc dành cho người chết ở các tỉnh quanh Sài Gòn như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đầu tư kiếm nhiều lợi nhuận. Một “vườn nghĩa địa” chỉ có vài ba nấm mồ thì phong cảnh hẳn nhiên là nên thơ giữa cảnh trí rộng lớn, còn một khi đông đúc người chết chen nhau phần mộ thì cái đẹp hữu tình thiên nhiên kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nhất là từ khi các làn sóng di cư qua nhiều thời kỳ từ các tỉnh đổ về Sài Gòn tìm sự bình yên làm ăn sinh sống.

Do vậy, cái tên nghĩa trang Bắc Việt cũng chỉ là một cái tên chung cho khu vườn nghĩa địa có từ trước khi ông Phạm Quỳnh ghé Sài Gòn hồi năm 1922. Sau đó vài năm đã có các Hội tương tế các tỉnh miền Nam xin gia nhập làng nghĩa trang này. Năm 1927, lần lượt xuất hiện các Hội Gò Công tương tế, Sa Đéc, Cần Thơ … rồi Hội tương tế tỉnh miền Trung cũng tham gia xí phần đất. Vài ba thập niên sau, nghĩa địa Bắc Việt có thêm tình bạn láng giềng từ khắp nơi làm ấm cúng cho người nằm xuống miền đất lạnh quê người. Sau năm 1975, nghĩa trang Bắc Việt cùng với nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giải tỏa di dời gần như cùng thời gian.

Nghĩa địa lính Pháp ở Ngã Tư Bảy Hiền (Nguồn: Manhhaiflick)

…Và các nghĩa trang khác

Từ giữa thập niên 1960, làn sóng di cư từ các tỉnh miền Trung ồ ạt vào Sài Gòn sinh sống, Hội tương tế miền Trung đã tìm riêng cho mình mảnh đất làm nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức). Ở Sài Gòn, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được xem như nghĩa địa “quý tộc” dành riêng cho quan chức từ thời Pháp và những người thuộc giới thượng lưu. Đến khi giải tỏa, ngoại trừ những người Pháp không biết có quy hồi cố hương hay không nhưng người Việt giàu có, quyền cao chức trọng được thân nhân cải táng mang về quê chôn cất chứ ít khi hỏa táng đem tro cốt vào chùa. Tiếp đến là giải tỏa khu nghĩa trang lính Pháp tại Ngã tư Bảy Hiền (sau này xây thành Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình) và một số mồ mả quanh khu vực Lăng Cha Cả. Đất Thánh Chà cũng nằm trong trường hợp tương tự, khu Hòa Hưng có nhiều mảnh đất nghĩa trang nhỏ của người gốc Ấn, sau năm 1954 và 1975 người Ấn di cư ra nước ngoài, đất Thánh Chà đóng cổng suốt năm hiếm khi tiếp nhận một đám tang.

Xem thêm:   Trường Quốc Gia Nghĩa Tử

Sau đó, nghĩa địa Đô Thành Chí Hoà bị giải tỏa vào giữa thập niên 1980. Đây là nghĩa trang dành cho giới bình dân hình thành cuối thế kỷ 19. Cả hai nghĩa trang của giới giàu nghèo khi chết đều như nhau trở thành công viên cho dân Sài Gòn dạo cảnh. Nghĩa trang này dựng  tượng Địa Tạng Vương, bà con kháo nhau đồn linh thiêng lắm. Người không đi đưa đám vẫn cứ ghé nghĩa trang thắp nhang cầu xin mọi chuyện. Sau khi giải  tỏa, tượng Địa Tạng Vương này di dời về An Dưỡng Địa ở Phú Lâm. Một nghĩa địa lớn của người Hoa Chợ Lớn là Nhị tỳ Quảng Đông phía trên trường đua Phú Thọ cũng được giải tỏa, mở đường và xây Trung tâm thương mại và chung cư Thuận Kiều Plaza.

Do làn sóng di cư từ các tỉnh khắp nơi về Sài Gòn, những vùng đất trống quanh Sài Gòn nhà cửa cất lên san sát. Người chết cần thêm nhiều nghĩa trang mới hoặc mở rộng thêm như khu An Dưỡng Địa Phú Lâm, nghĩa địa Bình Hưng Hoà. Trong đó Bình Hưng Hoà là khu nghĩa trang lớn nhất do đất đai rộng rãi, có thể chứa đến 70 ngàn mộ phần. Nhưng rồi Bình Hưng Hoà cũng đã bị giải tỏa để xây công viên và khu dân cư. Xét cho cùng, người chết trở về với cát bụi, đất đai Sài Gòn chỉ dành cho người đang sống.

Nghĩa địa Bình Hưng Hoà một trong những nghĩa địa tại Sài Gòn có diện tích rộng lớn nhất (Ảnh: Internet)

TN