Khoảng đầu thập niên 1960, chính quyền thành phố Sài Gòn cho mở rộng con hẻm phía đối diện góc xéo cuối chợ Hoà Hưng, trải nhựa đen và đặt tên là đường Hoàng Đạo (nay là Trần Văn Đang). Con đường dài chừng trăm mét dẫn thẳng vào khu Cống Bà Xếp, đụng một con hẻm nhỏ khác (nay cũng mang tên Trần Văn Đang), chạy ngoằn ngoèo dọc theo ga Hoà Hưng rồi thoát ra đường Nguyễn Thông. Dân cư tứ xứ đổ về ngày càng nhiều, cất nhà tạm bợ sống quanh đường tàu.

Depot xe lửa Chí Hoà ngay ngã ba Cống Bà Xếp (Nguồn: Manhhaiflickr)  

Nhiều bài viết về vùng đất này, cho rằng cái tên Cống Bà Xếp hình thành là do bà vợ người Việt của ông sếp ga Hoà Hưng người Tây, làm một cái cống thoát nước ra kênh Nhiêu Lộc để giúp bà con trong vùng không phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi khi mưa to, triều cường dâng cao. Không biết đây là chuyện có thật hay là giai thoại để giải thích địa danh Cống Bà Xếp?

Theo tôi có thể chỉ là giai thoại, vì vùng đất này còn quá mới so với việc phát triển thành phố Sài Gòn khi Pháp vừa mới đến. Một vài người dân cố cựu cho biết vào khoảng thập niên 1950, dân cư tứ xứ bắt đầu đổ về đây sinh sống. Còn cái cống thoát nước có hay không, hoặc chỉ là một rạch nước lộ thiên để thải nước sinh hoạt của khu dân cư ra kênh Nhiêu Lộc. Giữa những năm sáu mươi, tôi thỉnh thoảng theo mấy thằng bạn trong xóm nhỏ Hoà Hưng đi vớt lăng quăng, trùn chỉ về nuôi cá phướn (một loại cá đá). Nước trong mương chỉ sâu tới đầu gối, nhưng độ sâu của mương phải trên hai mét, lộ ra vài lỗ cống thoát nước của khu dân cư phía mặt tiền đường Lê Văn Duyệt. Con mương này ăn thông với kênh Nhiêu Lộc nằm cách xa chừng hơn trăm mét. Do bề ngang mương rộng chừng năm sáu mét, nên chính quyền cho xây một cái cầu bê tông bắc ngang con hẻm chính (Trần Văn Ðang) thông đường vào khu depot xe lửa Chí Hoà. Tại cây cầu này hình thành một cái chợ chồm hổm nho nhỏ cho bà con trong vùng tiện chuyện mua rau dưa mắm muối. Depot được xây dựng từ năm 1928 đến năm 1932 thì hoàn thành. Ðây là nơi cung cấp, sửa chữa đầu máy, toa xe chuẩn bị cho việc thông tàu xuyên Việt vào năm 1936.

Xem thêm:   Đông dược

Ðể nhìn rõ thực trạng khu vực Cống Bà Xếp, tôi tạm thời chia thành hai phần chính, khu dân cư tự phát và khu vực depot xe lửa.

Khu depot xe lửa

Từ cuối năm 1920, chính quyền Pháp thuộc mở rộng ranh giới quận 3 (trước đó ranh giới quận 3 phía Tây Bắc chỉ đến hữu ngạn rạch Avalanche tức Thị Nghè-Nhiêu Lộc). Thời gian này, vùng đất hai bên đường Lê Văn Duyệt từ trường đua ngựa chạy dài đến gần khu Ông Tạ mang tên làng Hoà Hưng hay Chí Hoà. Một số nhà dân đã hình thành thưa thớt dọc theo hai bên đường, bên trái là thành Pháo Thủ (Lê Văn Duyệt sau là Biệt Khu Thủ Ðô), bên phải là đường xe lửa vào ga Hoà Hưng, khi đó bên khu đường tàu là mảnh đất trống khá rộng và dài.

Ðến năm 1928, Sở Hoả Xa Sài Gòn mới cho xây cất một depot sửa chữa đầu máy ở chỗ mà sau này gọi là Cống Bà Xếp. Thực ra khu sửa chữa và đóng toa xe đã hình thành ở ga xe lửa Sài Gòn (khu vực khách sạn New World hiện nay) nhưng do kế hoạch phát triển đường hoả xa xuyên Việt, nên Sở Hoả Xa xây cất thêm một depot mới nhằm giải toả bớt mặt bằng vốn có của depot xe lửa hiện hữu nằm ngay trung tâm thành phố, trả lại chức năng của một nhà ga trung tâm Sài Gòn. Depot Chí Hoà khi đó rộng 3,600 mét vuông, xây kiên cố có mái che lại được thêm một khu đất rộng, ôm theo đường tàu từ depot ngược lên đến đoạn đối diện trại Lê Lợi bên ngoài đường Lê Văn Duyệt (sau là xưởng cơ khí hậu cần) dùng làm kho bãi lộ thiên lưu giữ toa xe hư cũ, tà vẹt, thanh ray đường tàu.

Ðoạn rộng nhất tôi nói ở trên bắt đầu từ ngôi nhà biệt thự trên đường Lê Văn Duyệt đối diện gần trại Lê Lợi. Ngôi nhà này nguyên là nhà của cha mẹ một người bạn tôi từ thời học đệ thất. Tôi có đến chơi vài lần, phía sau có mảnh vườn trồng chuối và vài cây xoài. Sau vườn có một tường gạch block khá cao và chắc chắn do chính quyền xây. Vách tường này được dựng lên cả hai bên, dài đến nhà ga Hoà Hưng rồi tiếp tục kéo dài tận gần cuối đường Hoàng Ðạo, phía bên kia là depot. Mục đích chính của hai vách tường này là ngăn chặn việc lấn chiếm đất của các hộ dân vào hành lang an toàn của đường ray xe lửa.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tuy có vách tường ngăn cách nhưng nhiều hộ dân sống sát vách hai bên tường tự động đập vách, trổ đường một vài chỗ, băng qua đường ray và bãi kho lộ thiên, tiện việc đi ra đường Nguyễn Thông. Do vậy, từ phía đối diện thành Lê Văn Duyệt có thể ra khu vực này bằng ba con hẻm. Một hẻm nhỏ cạnh bên tiệm nước, hẻm khác rộng hơn ở đoạn quanh thành Lê Văn Duyệt một chút, và hẻm cuối cùng là hẻm ra ga Hoà Hưng, kế bên sạp báo khá lớn phía trái rạp hát Thanh Vân. Những năm học trung học đệ nhất cấp, tôi thường hay đi qua các con hẻm này để đến trường ở đường Kỳ Ðồng. Do đó, tôi có dịp la cà cùng chúng bạn mỗi khi tan học vào khu toa xe cũ bắt dế than.

Việc hình thành depot xe lửa Chí Hoà sau đó lần hồi kéo theo làn sóng dân lao động nông thôn tứ xứ tìm đến mảnh đất mới này làm ăn sinh sống. Mảnh đất trống này nguyên thuỷ là một đồng cỏ, những hộ dân cố cựu sống tại đây thường thả bò chăn dê. Họ không có nghề nghiệp chuyên môn để có thể trở thành công nhân cơ khí mặc dù sát cạnh nơi sinh sống có một depot xe lửa luôn cần công nhân.

Ngay Cống Bà Xếp hình thành một chợ chồm hổm cho bà con quanh vùng (Nguồn: Manhhaiflickr)

Khu dân cư tự phát

Bên cạnh một số dân cư cố cựu sống tại Cống Bà Xếp, từ giữa thập niên 1950 khu vực này bắt đầu nhận dân lao động tứ xứ tới. Ban đầu họ cất nhà cửa dọc theo hai bên khu vực đường tàu và những con hẻm nhỏ chằng chịt lần lượt hình thành. Người đến định cư trước chia nhỏ mảnh đất của mình bán lại cho người đến sau, đa phần họ là những người nghèo từ các tỉnh lên thành phố mưu sinh, cất nhà tạm bợ che nắng che mưa, nghề nghiệp không có, đa số làm phu phen. Từ đó tệ nạn phát sinh, mại dâm, buôn bán ma tuý ngày càng nhiều ở khu vực Cống Bà Xếp và dọc theo khu dân cư ga Hoà Hưng. Ngày trước nổi tiếng nhất trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện với Biệt Khu Thủ Ðô có con hẻm số 2 tai tiếng một thời đến nỗi bên quân đội có ra chỉ thị cấm các quân nhân léng phéng vào đây.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Từ đầu thập niên 1960, chiến tranh nổ ra khắp nơi, người dân tìm về thành phố lánh nạn mưu sinh càng nhiều nên khu dân cư càng mọc lên hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Kênh Nhiêu Lộc ở đoạn này bắt đầu thu hẹp bề ngang theo địa hình tự nhiên, kéo dài đến thượng nguồn gần phía sau trường Tân Bình (nay là THPT Nguyễn Thượng Hiền). Riêng đoạn ở khu vực Cống Bà Xếp, người dân cất nhà tôn vách ván, dọc theo đường hẻm chính (nay là Trần Văn Ðang), rồi tự mở những con hẻm nhỏ dọc ngang, chằng chịt thông vào xóm nhà lá ở ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Có những con hẻm nhỏ lót ván tạp trên những chân cầu gỗ chông chênh. Rác rến xả thẳng xuống bờ kênh, mùa nắng mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Khu dân cư Cống Bà Xếp mé kênh Nhiêu Lộc trở thành khu nhà ổ chuột, phần đông do người dân chiếm đất, cấm dùi dọc theo bờ kênh, cất nhà sàn lụp xụp, nhếch nhác. Cống Bà Xếp trở thành ổ tệ nạn, nơi dung thân của nhiều băng đảng giang hồ. Ban đêm, người lạ sống ngoài khu vực không dám đi vào khu Cống Bà Xếp. Thực ra, vào thời gian này không ít những con hẻm nơi dân lao động sống quanh trung tâm thành phố, luôn có những tay giang hồ, băng nhóm thanh niên hăng máu đánh nhau hà rầm. Chẳng hạn xóm đình Chí Hoà, xóm kênh vòng đai (khu vực mé kênh Nhiêu Lộc, đường Kỳ Ðồng) và còn nhiều nơi khác nữa.

Ngày nay, khu dân cư Cống Bà Xếp đã được chỉnh trang cùng với hàng ngàn ngôi nhà khác dọc theo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Con hẻm đất nhỏ bé ngày xưa đã trở thành đường Trần Văn Ðang rộng lớn, nối vào đường Nguyễn Thông. Hẻm trong xóm mở rộng khang trang, xe hơi có thể ra vào. Riêng đoạn đường tàu từ Công trường Dân Chủ vào ga Hoà Hưng được chỉnh trang thành đường Nguyễn Phúc Nguyên.

Dân cư Cống Bà Xếp quá quen thuộc với những chuyếu tàu qua (Ảnh: Ngọc Dương)

TN