Nghe vẻ nghe ve 

Nghe vè cái chợ

Sáng mơi xách rổ 

Đi giáp một vòng

Hàng hóa mênh mông

Kêu bằng Chợ Lớn…

Chợ Lớn Mới hay còn gọi là Chợ Bình Tây khai trương năm 1928 (Nguồn: Manhhaiflickr)  

Chợ Lớn cũ, Chợ Lớn mới – Chợ Bình Tây

Chợ Lớn trong bài vè không phải chỉ trung tâm của vùng đất Chợ Lớn rộng lớn buôn bán nhộn nhịp từ thuở xa xưa mà nói rõ cái tên chợ. Chỉ tiếc là dân gian không phân biệt Chợ Lớn cũ hay Chợ Lớn mới trên đường Tháp Mười tức chợ Bình Tây sau này (1975). Nhiều người lớn tuổi như má tôi vẫn gọi cái tên Chợ Lớn Mới như ngày xưa người ta từng gọi như thế. Có Chợ Lớn mới đương nhiên có Chợ Lớn (cũ) mà theo tài liệu xưa thì Chợ Lớn (cũ) thuộc nền đất của Bưu điện quận 5 bây giờ.

Chợ Lớn (cũ) khi xưa là chợ bán cá nằm tại vị trí Bưu Điện quận 5 ngày nay (Nguồn: Manhhaiflickr)

Vị trí của Chợ Lớn mới – Chợ Bình Tây

Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Hoàng Quân trong bài viết “Thử nhận diện Chợ Lớn – di sản” đưa ra văn bản Annuaire Administratif de I’Indochine (Ðông Dương hành chánh niên giám) do người Pháp in năm 1906 và ông Nguyễn Bá Trác dịch sách này ra chữ Hán (bản chép tay) về phần địa dư Chợ Lớn như sau: “Toàn thành hữu tứ đại thị viết Trung thị, Ngư thị tại Hội Hợp Kinh thượng, viết Bình Tây thị, viết Ðệ Cửu Hộ thị (Toàn thành phố có 4 cái chợ lớn, là chợ Trung (tâm), chợ Cá trên bờ kênh Hội Hợp, chợ Bình Tây và chợ số 9).

Trong đoạn văn trên chỉ xác định được hai chợ trong trung tâm Chợ Lớn ngày xưa là: chợ Trung tâm cùng chợ Cá nằm trên bờ kênh Hội Hợp (đường Vạn Kiếp sau này) gần đấy có đường Rue du Marché (Ðường Chợ) sau này là đường Mạc Cửu. Tức khu vực Bưu điện Q.5 nằm giữa Mạc Cửu và Nguyễn Văn Thạch (sau 1975 đổi thành Nguyễn Thi). Còn chợ Bình Tây và chợ số 9 không rõ nằm ở vị trí nào. Tài liệu ảnh xưa cũng chỉ cho thấy một ngôi chợ nhỏ mang tên Bình Tây (Marché Binh Tay) chụp khoảng đầu thế kỷ 20, không rõ ở vị trí nào (có tài liệu xác định ở Bến xe lửa đi Mỹ Tho và đường Bình Tây). Có lẽ đây là chợ Bình Tây được nhắc đến trong 4 ngôi chợ lớn tại Chợ Lớn trong cuốn Ðông Dương hành chánh niên giám chăng?

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Trương Vĩnh Ký viết trong Gia Ðịnh phong cảnh vịnh: “Trong Chợ Lớn thinh thinh / Góp nhóp đủ loài rừng vật biển / Trên cầu Quan lộ lộ / Lại qua nhiều kẻ chú Ðội cậu Cai…”. Ông còn ghi chú: “Chợ Lớn là chợ tại huyện Tân Long, thân trong toà phủ Tân Bình. Ở đó bán đủ đồ, nhiều món ngon vật lạ. Cầu Quan là xóm ở chợ Kho giáp ra chợ Ðũi, có rạch có cầu, có giếng Ông Tân, chỗ nhà quan ở nhiều, nên kêu là cầu Quan”.

Theo địa dư chí phủ Tân Bình, xưa huyện Tân Long trong có thôn ở phía Ðông gọi là Bình Ðông, phía Tây thôn Bình Tây. Nơi đây còn dấu ấn đường Bình Tây thông ra kênh Tàu Hủ (Bến Bình Ðông) trên trăm năm trước cuối con đường này còn cây cầu gỗ mái che bắc sang kênh. Ðầu đường phía trên giáp kênh Bãi Sậy (nay đã lấp) thành đường Bến Bãi Sậy nằm phía sau Chợ Lớn Mới của ông Quách Ðàm. Như vậy chợ Bình Tây ngày xưa và Chợ Lớn Mới là hai chợ khác nhau nhưng gần nhau về vị trí. Chợ Lớn Mới xây xong rồi thì dẹp cái chợ nhỏ Bình Tây nên mấy ai còn sống để mà nhớ. Có lẽ người ta khôi phục lại tên chợ Bình Tây như một dấu ấn xưa đã từng có ngôi chợ này.

Trụ sở hàng buôn xuất nhập cảng Thông Hiệp của ông Quách Đàm tại Chợ Lớn (Nguồn: Manhhaiflickr)

Quách Đàm xây Chợ Lớn Mới

Ðã có nhiều chuyện ông Quách Ðàm xây Chợ Lớn Mới viết trên báo chí, nhắc lại thành thừa. Chỉ xin nhắc lại một vài điểm chính hình thành nên chợ. Vào đầu thập niên 1920 khi chính quyền thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn nhận thấy ngôi Chợ Lớn (Trung tâm) nằm ở chân cầu Chà Và chật chội nên muốn dời sang địa điểm mới rộng lớn hơn. Ông Quách Ðàm – một thương nhân người Hoa và là thành viên trong Hiệp hội Thương mãi thành phố và là chủ cơ sở buôn bán hàng nhập cảng Thông Hiệp lớn nhất ở Chợ Lớn nắm ngay cơ hội, thoả thuận với chính quyền, bỏ tiền mua 2.5 hécta đất tại thôn Bình Tây và cả tiền xây chợ với điều kiện ông được cất hai dãy phố cặp hai hông chợ và đặt bức tượng đồng tạc hình của ông mặc áo mang đầy huy chương do chính quyền Pháp tặng, dưới chân là hai con lân sư bằng đồng. Tượng Quách Ðàm do nhà điêu khắc người Pháp Paul Ducuing thực hiện. Ông cũng là người tạc tượng vua Khải Ðịnh ngồi trên ngai vàng dựng bên trong Ứng Lăng ở Huế.

Xem thêm:   Đông dược

Do chính quyền không mua được mảnh đất rao bán giá cao nên dễ dàng chấp thuận sự trao đổi đôi bên đều có lợi. Ngôi chợ mang kiến trúc Á Ðông được xây theo kỹ thuật hiện đại bê tông cốt thép, mái lợp ngói ống, diềm mái giọt nước ngói lưu ly, vách cẩn gạch gốm rồng chầu nguyệt, có 12 cửa chính phụ, có khoảng không thông thoáng rộng lớn ở giữa. Thế nhưng khi chợ chuẩn bị khởi công (1928) thì ông Quách Ðàm bệnh chết đột ngột (5/1927). Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, ông Vương Hồng Sển có nhắc đến: “Khi Quách Ðàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng với đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên… Khách đi đường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay lave (bia) và tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (một số tiền) đền ơn có lòng đưa đón. Quách Ðàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm, giáp ranh Chợ Lớn và Gia Ðịnh”.

Chuyện Quách Ðàm chết vẫn không ảnh hưởng gì đến tiến trình xây Chợ Lớn Mới. Và chính quyền cũng thực hiện những thoả thuận với gia đình Quách Ðàm như lúc ông còn sống. Sau khi chợ xây xong (1930), tượng ông được đặt giữa khuôn viên chợ và người làm ăn buôn bán trong chợ thành kính đốt nhang khấn vái một ông “thần tài” có công dựng nên chợ. Sau 75, tượng Quách Ðàm bị tháo dỡ, lưu cất trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.

Cũng như chú Hỏa (Hui Bon Hoa) từ người mua bán ve chai may mắn bắt được hũ vàng, làm ăn rồi trở nên giàu có. Huyền thoại về ông Quách Ðàm cũng vậy. Từ một người tay trắng, buôn bán lông gà lông vịt, da trâu da bò, làm ăn tích cóp lần hồi mà trở thành thương gia nhà thầu cung cấp lúa gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn, Cần Thơ, trong tay nắm nhiều nhà máy xay lúa. Không chỉ vậy, ông còn làm chủ một đội tàu hàng vận chuyển lúa gạo sang tận Nông-Pênh (Phnom Penh).

Đám tang ông Quách Đàm (Nguồn: Manhhaiflickr)

Là người làm ăn (đương nhiên có thủ đoạn) mánh lới trở nên giàu có, Quách Ðàm còn là người khôn ngoan, đoán trước được thời cuộc, ra sức đóng góp cho xã hội, hỗ trợ xây dựng trường học, bệnh viện, chợ búa theo nguyên tắc “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Cần lưu ý vào thời điểm sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã xảy ra hai sự kiện chính trị ảnh hưởng tới người Hoa ở toàn Nam kỳ. Ðó là phong trào tẩy chay hàng hoá buôn bán của người Hoa năm 1919 và năm 1924. Chợ Lớn lại là cái nôi xảy ra các cuộc biểu tình chống đối chuyện buôn bán của giới thương nhân lớn nhỏ, từ chuyện bán hàng lên giá trục lợi, cho đến sự cạnh tranh làm ăn của các thương nhân người Việt với người Hoa. Nhưng nói chung việc tẩy chay hàng hoá buôn bán của người Hoa không phải là thượng sách trong khi mọi người dân đều cần các loại nhu yếu phẩm mà chỉ có tư thương người Hoa đáp ứng được.

Xem thêm:   Trường Quốc Gia Nghĩa Tử

Ngày nay, ngôi chợ vẫn còn đó, trải qua bao năm vật đổi sao dời, giờ phải trùng tu để lưu giữ một công trình xây cất chợ có nét kiến trúc đẹp và là trung tâm mua bán hàng hoá sỉ sầm uất nhất Sài Gòn. Ký ức về hình ảnh sinh hoạt mua bán của những người lớn tuổi về Chợ Lớn Mới hay chợ Bình Tây vẫn còn hiển hiện khi ông bạn tôi chợt nghe nhắc đến.

Ông bạn tôi không nhớ chuyện ông chủ chợ Quách Ðàm giàu nứt đố đổ vách mà lại nhớ đến người chú ruột ở Bến Tre hằng tuần đều lên Chợ Lớn Mới lấy hàng thau rổ bằng nhựa mang về quê buôn bán. Cứ mỗi tuần lên Sài Gòn, người chú đều ghé qua nhà ông nghỉ ngơi một bữa cho tiện việc. Thế là hôm đó tha hồ ăn hột vịt lộn. Ông kể có lần theo người chú đi Chợ Lớn Mới cho biết. Ôi thôi đúng là tràn ngập hàng hoá, người khuân kẻ vác tới lui. Nhất là khu vực cuối chợ hướng ra bến Bãi Sậy, ghe thuyền lớn nhỏ theo kênh Tàu Hủ vào nằm xếp hàng chờ cất lấy hàng. Quang cảnh náo nhiệt vui thật là vui, dãy cuối chợ là các sạp vựa trứng gà trứng vịt, trứng muối chất cao trên từng giỏ cần xé. Người chú lại mua vài chục hột vịt mang về. Trứng vịt lộn ở đây lựa trăm trứng như một, con vừa ăn, ngon đáo để. Ông còn nhớ những xe hủ tiếu mì bò viên bán bên hông chợ dọn ra chiều tối sau khi các sạp hàng đóng cửa ra về, những món chỉ có người Tàu nấu mới ngon.

Chợ Lớn Mới với ông bạn tôi chỉ như vậy, hàng hoá, đồ ăn thức uống ngon bán đầy bên hông chợ. Còn tôi lại nhớ đến những kiosk bên ngoài chợ dọc theo vỉa hè đường Tháp Mười. Những kiosk nhỏ xinh, mái lợp ngói vòm cong tô điểm cho ngôi chợ càng thêm sinh động nhưng nay đã không còn.

TN