Một nhà báo nổi tiếng nọ khi đã có một gia đình hạnh phúc, với một bà vợ xinh đẹp giỏi giang và hai đứa con xinh xắn, chợt nhớ tới mẹ của ông – một người đàn bà bất hạnh, lại không may mắn có thêm đứa con ích kỷ là ông. Chính ông là người gây thêm cho mẹ nhiều buồn khổ, bằng những cử chỉ và hành động nông nổi, mà ngày đó ông tưởng là vì quá yêu mẹ. Bây giờ nghĩ lại, ông mới biết đó là điều ngộ nhận, ông chẳng hề yêu mẹ, mà chính là yêu ông thì đúng hơn.

Mẹ ông là cô giáo, còn bố ông chỉ là thợ sửa xe, chưa học xong trung học. Ðã thế, bố ông còn mang tật ghiền rượu. Thuở nhỏ, bố mẹ phải sống cạnh bà nội vì không có tiền mua nhà. Ngoại trừ chịu đựng tật nghiền rượu của bố, mẹ tôi còn phải chịu sự đay nghiến của bà Nội, vì cho rằng mẹ là loại đàn bà cấp tiến: đọc sách và cắt tóc ngắn. Trong khi thời đó đàn bà để tóc dài và quanh quẩn trong bếp, hay lui cui làm vườn. Mẹ thì không, nấu ăn dọn dẹp xong thì lấy sách ra đọc. Chuyện này làm ngứa mắt nhiều người.

Tôi thường la cà quanh quẩn bên nhà Nội, cho đến khi xế chiều mới chịu về nhà. Nhiều khi tôi giả vờ không nghe tiếng mẹ gọi, chờ tới khi mẹ qua hàng rào, bước vào tận cửa bếp, để thấy bà đưa cho tôi một miếng bánh mì có bỏ jam bên trên. Mẹ tôi chỉ nói: Sắp tới giờ cơm, mẹ đừng cho cháu ăn ngọt. Ðể đáp lại, bà tôi múc thêm một muỗng đầy mứt trái cây chồng thêm lên cao, rồi quát: Cầm lấy, đừng làm “trứng khôn hơn vịt”, tao đã nuôi thằng bố mày và bao nhiêu đứa khác.

Mẹ tôi lặng lẽ dắt tay tôi về, và tôi phải cầm theo miếng bánh. Mẹ tôi sợ nghe thêm một tràng những chữ mày tao, thằng này, thằng nọ… là những chữ mẹ tôi cấm tôi không được dùng khi nói chuyện. Nhưng đây là bà Nội, người mà mẹ không được phép trả lời.

Rồi gia đình tôi cũng dọn đi xa, ký ức của tôi không còn hình ảnh của bà Nội, lâu dần tôi cũng quên mất mình có một bà Nội hay đay nghiến rầy rà mẹ tôi vô cớ.

Khi bố mất, tôi có tất cả 3 chị em, mà tôi là đứa con trai duy nhất. Dĩ nhiên mẹ kỳ vọng vào tôi, hơn cả chị lớn và em gái, vì vậy mẹ rất khắt khe với tôi.

Bố tôi mất được 1 năm, thì mẹ tôi quá đuối sức nuôi gia đình 4 miệng ăn, nên mẹ cho em gái út làm con của cậu, vợ chồng cậu không có con. Còn lại 3 người, mẹ bắt đầu kiếm việc cho cả ba: Chị thì phụ mẹ nấu ăn và sửa quần áo của hàng xóm. Còn tôi, mẹ xin cho việc bỏ báo vào sáng sớm, xong việc mới đi học.

Thắm Nguyễn

Cứ 4 giờ sáng tôi phải đi bộ đến lấy báo ở tòa soạn, cách nhà cỡ 2 dặm. Mẹ tôi may cho tôi một túi vải để đựng báo, đeo vắt chéo vai. Bán hết 20 tờ, tôi được trả 20 xu mang về đưa mẹ. Mẹ xoa đầu khen giỏi, rồi hôn lên má tôi giục ăn sáng, kẻo trễ giờ học.

Xem thêm:   Tự thú

Có lần tôi cảm thấy hình như có giọt nước mắt của mẹ rơi xuống, vì chỗ má mẹ hôn hơi ướt, nhưng vì mải lo trễ giờ, tôi ít để ý. Bây giờ nghĩ lại, hẳn lúc đó mẹ tôi đau lòng lắm, bởi vì báo có hàng ngày, nhưng trời thì có hôm lạnh hôm mưa tầm tã.

Mẹ tôi không bao giờ mở miệng nhờ vả hay xin xỏ ai điều gì. Với số tiền ít ỏi kiếm được của ba mẹ con, chúng tôi cũng đắp đổi sống qua ngày. Tôi nhớ có lần cùng mẹ dùng một xe đẩy trẻ con, ghé tới siêu thị gần nhà. Chúng tôi chất đầy xe những đồ hộp sắp hết hạn người ta cho miễn phí. Suốt con đường dài, trời hơi hơi lạnh, mà sao khi về tới gần nhà, mẹ tôi kêu: nóng quá. Rồi mẹ cởi áo khoác ngoài, phủ chụp lên đống đồ hộp, nhìn từ xa tưởng có em bé nằm trên xe. Ngày đó, tôi mới 9 tuổi, chẳng hề nghĩ mẹ không muốn hàng xóm biết mẹ con tôi đi nhặt đồ hết hạn.

Một cô giáo mẫu mực, không cho phép mẹ phản ứng lại những lời đay nghiến của bà Nội. Lòng tự trọng không cho phép mẹ nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người vẫn thường bao quanh ve vãn mẹ. Một điều rất khó hiểu, mẹ xinh đẹp, lại có học, còn bố tôi chỉ là người thợ sửa xe, chưa học xong trung học. Nhưng mẹ vẫn kể chuyện tình của bố mẹ cũng đẹp, và thơ mộng như bất kỳ chuyện tình nào khác.

Mẹ kể ngày bố mẹ gặp nhau như một sự sắp xếp của định mệnh. Mẹ đang dạy trẻ con trong lớp, thì phía ngoài đường có cái xe hơi cũ kỹ nằm ụ ngay cổng trường.Gọi là trường cho oai, chứ thật ra trường làng chỉ có một lớp. Cô giáo kiêm luôn hiệu trưởng, và một ông lao công quét dọn. Cô giáo đó chính là mẹ tôi.

Thấy anh chàng mặt mày lấm lem, bò vô bò ra cái gầm xe cũ kỹ với bộ mặt rầu rĩ, trông thật thểu não tức cười. Từ trong lớp, mẹ tội nghiệp bước ra cổng hỏi thăm. Chàng tuổi trẻ với đôi mắt xanh biếc, đã hớp hồn cô giáo trẻ. Sau khi hỏi han, cô gọi ông lao công ra giúp, cũng chẳng được. Vì cái xe cần phải thay một phụ tùng nào đó, mà phải ra phố mới có. Tối hôm đó, chàng xe hư được ở tạm nhà ông lao công, để rồi mấy tháng sau cô giáo cũng bỏ ngôi trường làng, đi theo tiếng gọi của con tim, đôi mắt xanh biếc kia đã hớp hồn cô.

Mẹ tôi không bao giờ than thở chuyện nghèo khó vì lấy bố tôi. Mẹ bảo nếu không có con ma rượu, thì bố tôi là một người tuyệt vời. Bố là người con ngoan, một người chồng tốt, một người cha đáng kính. Rất tiếc, ma men đã hủy hoại cuộc đời bố. Nhưng mẹ tôi bảo rằng tôi là hạt mầm tốt cần gieo trên mảnh đất tốt. Bố tôi có bản chất tốt, chúng tôi có bà mẹ sáng suốt. Mẹ tôi gọi chúng tôi là món quà thượng đế ban tặng cho bà.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Nuôi con không phải chỉ nuôi thân xác cho lớn. Nếu thương con thật sự, phải nuôi dưỡng tâm hồn, hướng dẫn con thành người tốt. Bởi vì trẻ con không phải là cái cây, tự hút chất nuôi dưỡng từ đất, không cần cây mẹ. Nhưng trẻ con từ nhỏ cần người nuôi và dạy. Nếu chỉ nuôi cho lớn tức là chỉ có cái xác.

Mẹ tôi không biết bơi, nhưng chúng tôi phải biết bơi. Mẹ bảo rằng: Bà sẽ làm tất cả, để khi cần thiết chúng tôi có thể tự cứu mình. Lúc nào mẹ cũng nhắc nhở: phải học, kiến thức không phải là mớ hỗn độn có thể nhét vô cái nhà kho một lúc. Kiến thức phải được hấp thụ mỗi ngày một ít: khi nhỏ nhận ra điều nhỏ, khi lớn nhận ra điều lớn.

Cùng với chuyện bắt đọc sách, mẹ còn bắt chúng tôi tập những thói quen tốt. Dạy sớm  sửa soạn đi học, luôn luôn kiểm soát lại, để chắc chắn không quên ở nhà, mọi thứ cần trong lớp. Sau cơm chiều, nghỉ ngơi một lát, rồi ngồi vô bàn học. Khi bắt đầu buồn ngủ thì xếp sách lại, mẹ bảo lúc này kéo dài thêm thời gian là vô ích. Tôi nhớ mãi lời mẹ: vô ích. Ðến nỗi cho đến bây giờ 2 tiếng đó hằn sâu trong đầu tôi, đến thành phản xạ thói quen. Làm gì cũng cân nhắc: nên hay không nên. Có ích hay vô ích.

Khi tôi học lớp 5, thì mẹ tôi quen một người đàn ông hơi đứng tuổi, chúng tôi gọi là Bác Minh, bác rất hiền lành, ít nói. Chị lớn và tôi cũng chỉ chào hỏi qua loa, chứ không chú ý lắm. Dần dần tôi thấy bác Minh hay ở lại ăn cơm tối với chúng tôi, lúc này tôi hơi khó chịu, vì tôi quen chỉ có ba mẹ con. Tôi bỗng không thích sự có mặt của bác Minh, trong bữa ăn bác hay hỏi han chuyện học hành. Thường thì bác hỏi tôi nhiều hơn chị, tôi lại càng bực mình, trả lời cộc lốc cho qua. Mẹ tôi chỉ lặng thinh, chắc bác Minh cũng biết tôi không ưa ông.

Một ngày kia, đúng ngày sinh nhật của tôi, thường mọi năm mẹ tôi chỉ làm một cái bánh nhỏ. Nhưng hôm nay khi đi học về, một cái xe đạp thật đẹp, nằm chễm chệ ở phòng khách. Cái xe mà tôi hằng mơ ước, vừa lúc bác Minh bước vào hỏi: Sang năm lên lớp 6, trường xa không đi bộ được, Bác cho cháu cái xe làm quà sinh nhật.

Trước con mắt kinh ngạc của mẹ tôi, là khuôn mặt sượng sùng của bác Minh, tôi đá ầm ầm vào cái xe, bỏ vào trong phòng, vẫn còn nghe tiếng chị vói theo: Kìa em, sao lại thế?

Tôi úp mặt vào gối khóc nức nở, thế là dự định của bác Minh, mời cả nhà đi ăn tiệm hôm đó, phải hủy bỏ. Có lẽ mẹ định nói với chị em tôi chuyện gì đó, lúc đi ăn. Tôi thấy chị và mẹ cùng im lặng khi thấy tôi ra. Mẹ chỉ nói nhỏ: Các con thương mẹ, hiểu cho mẹ, bác Minh là người tốt.

Xem thêm:   Vợ cũ

Cho tới bây giờ, tôi mới hiểu tâm lý của những đứa mất cha, lúc nào cũng sợ mất mẹ. Tôi đã không hiểu cho những khó khăn trong cuộc sống của một người đàn bà còn son trẻ, cần có một chỗ dựa, một bàn tay nâng đỡ. Tôi không hề biết bác Minh giúp mẹ những gì, tôi còn nhỏ quá, để thấy được những giọt lệ hoen trong khoé mắt của mẹ mỗi đêm về.

Thỉnh thoảng cậu mợ cho em Út ghé nhà, em ăn mặc thật bảnh bao, còn mẹ nhìn em nén tiếng thở dài. Chẳng đặng đừng mẹ mới cho em cho người khác nuôi, dù người đó là em ruột của mẹ. Chẳng đặng đừng mẹ mới quen bác Minh. Có lẽ vẻ buồn hiu của chị và thái độ thô lỗ của tôi, làm mẹ chùn bước. Không thấy bác ghé nhà, chúng tôi cũng quên bẵng.

Mẹ con cứ đắp đổi qua ngày, rồi tôi cũng được học bổng vô đại học, chị tôi cũng học xong trung cấp, đi làm kế toán cho một hãng buôn gần nhà.Tôi mải mê bận rộn chuyện học hành, cũng không nhớ mẹ và chị sinh sống ra sao. Mỗi năm chỉ về nhà dịp Tết, thấy chị có việc làm ổn định, mẹ cũng đỡ vất vả. Tất cả những gì tôi đạt được ở trường, đều là công lao của mẹ và chị. Vừa đi làm vừa đi học, chắt chiu mọi thứ để có ngày hôm nay đều ảnh hưởng từ cô giáo nghèo là mẹ tôi. Bây giờ tôi đã thành đạt, chạnh lòng nhìn về quá khứ, tôi tưởng như mọi chuyện vẫn hiện rõ mồn một trước mắt.

Mẹ tôi ở vậy cho đến cuối đời, mỗi lần ghé thăm mẹ ở nursing home, tôi thấy mình quá nông nổi. Tôi muốn cầm tay mẹ nói lời xin lỗi, nhưng mẹ tôi giờ đã lãng trí. Mẹ tôi đã nuôi dạy chị em tôi nên người, dù vất vả nhọc nhằn.

Mẹ ơi muôn đời con mang ơn mẹ. Mẹ ơi hãy tha thứ cho con mọi lỗi lầm, con quá ích kỷ, chỉ muốn giữ mẹ cho riêng mình. Mẹ ơi con chỉ còn biết trả ơn mẹ, bằng cách nuôi dạy các cháu của mẹ: Hạt giống tốt nảy mầm trên đất tốt. Các cháu của mẹ sung sướng hơn con của mẹ ngày xưa nhiều lắm. Chúng không phải dậy sớm đi bán báo. Nhưng chúng ngồi vào bàn học sau mỗi bữa cơm chiều. Con bảo với chúng rằng: Chính bà Nội đã cho các con gia sản này. Ngày nay Bố thành danh, tất cả đều nhờ công lao của bà Nội. Các con hãy ghi nhớ công lao này, để truyền thống tốt đẹp của gia đình rạng danh mãi mãi.

Làm sao con quên được mẹ, mẹ ơi!

LTM