Tết, Ngàn gọi, “hếp pi liu zia”. Bị phá giấc, tôi quạu:

– Mới sáng mùng một mà nghe liu zia chắc là xui cả năm!

Ngàn cười ha hả, đáp:

– Bà này có đạo mà dị đan! Bên này là sáng mùng một nhưng bên mình Tết từ mười hai tiếng trước rồi bà ơi, không xui nổi đâu.

Tôi nói tôi dị ứng với cái kiểu lờ nờ ngọng nghịu. Ngàn cười lớn hơn. Bà kỳ thị kẻ tật nguyền, “lam” bắc à nhen! Tôi hỏi có chuyện gì mới sáng sớm đã gọi. Ngàn nói tui kiếm ra cho bà được một ông, chuẩn bị chiều nay đi gặp. Tôi la làng:

– Không cần “thằng” nào hết!

Ngàn nhằn nhì, cha nội này không… thi sĩ, không văn sĩ, cũng không nhạc sĩ, tui bảo đảm trăm phần trăm bà sẽ không phải bị đọc thơ, đọc văn hay nghe nhạc gì của thằng chả đâu mà sợ! Tôi không nhịn được cười. Cái kiểu cách nói chuyện bá láp của con nhỏ này lúc nào cũng làm tôi khó mà bực bội lâu được. Ngàn ngưng một giây. Tui điều tra lý lịch thằng chả rồi, kỹ sư, ly dị vợ, cuộc sống đàng hoàng ổn định… Tôi ngắt lời, vậy thì dành cho mi đi. Ngàn chậc lưỡi, sao được chớ, không có chiện tình chị duyên em, tui mà không gả chồng cho bà thì sẽ không bao giờ yên tâm nhắm mắt. Tôi trợn mắt ngó lên trần nhà như ngó vô chính giữa mặt con nhỏ, chưa kịp kiếm ra một câu để mắng cái kiểu nói hệt như má tôi đang… trăn trối, Ngàn đã lại nhí nhố:

– Bà có nghĩ là năm nay Chúa muốn dành cho bà cơ hội “loài người không thể phân chia” không? Ði đám cưới nào với bà, cũng nghe giảng là Chúa không muốn con dân Ngài sống lẻ loi, còn bà thì nói Chúa làm ông Adam xong là phán “loài người ở một mình không tốt, ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” vì vậy mà mới có bà Eva ra đời. Ðúng không, đúng không? Tui tin Chúa sẽ không để cho bà lẻ loi! Tân xuân, bà cũng nên “tân”, nên “xuân” đi!

tan-xuan

Bảo Huân

Tôi chẳng thèm trả lời cái con nhỏ nhớ nhiều câu Kinh Thánh tôi chia sẻ, nhưng không  chịu đi nhà thờ. Ngàn léo nhéo tiếp, chiều bốn giờ tui qua bà, nhớ ăn mặc đẹp đẽ, sơn phết trang trí mặt mày cho ngon lành. Tôi đáp tôi sẽ không đi đâu hết. Ngàn như không nghe thấy gì, cứ tiếp tục:

– Ðàng nào cũng phải tới nhà chị Hương ăn Tết. Cứ thử là đi coi mắt một lần đi, như phim Hàn vậy đó. Không được thì thôi, chết chóc gì mà sợ.

Tôi nói mắc mớ gì sợ mà chỉ không thích, nhưng nghĩ bụng nếu không tìm ra được câu gì để làm cho con nhỏ này câm chắc coi bộ sẽ phải khổ sở triền miên cả ngày hôm nay cho xem. Tuy nhiên sau khi léo nhéo một hồi thì Ngàn bỗng nhỏ giọng, “bày tỏ mối quan ngại”:

– Chỉ xin thành thật khai báo là ông này chỉ hơi trật tiêu chuẩn của bà chút xíu. Kinh tế thường thường bậc trung vì đang phải trợ cấp cho con gái. Bên này ly dị thì phải như vậy rồi, bà biết mà, đúng không…

Tôi vẫn chưa tìm ra câu chận họng, bất thình lình Ngàn bỗng lại cao giọng:

– Bình thường bà có thể làm cao mặc dù bà hơi… lùn, nhưng Tết nhứt, thì cũng nên… discount cho người ta chút đỉnh, hạ thấp tiêu chuẩn xuống cho người ta nhờ đi bà ơi!

“Tiêu chuẩn” tôi hay đùa với Ngàn là kiếm cho tôi một ông già góa vợ, già lụ khụ nhưng giàu có và khi giã từ dương thế thì có ý muốn sẽ để gia tài lại cho… tôi. Lúc mới nghe, Ngàn hỏi bộ bà… dị mộng hả, trên đời này nếu có một ông già lụ khụ mà giàu có, con cháu của ổng đã xếp hàng dài dài, trên vai mang sẵn một bao đựng tiền chờ cho ổng ra đi là nhào dzô chia chác, hay không chừng đã cầm tay bắt ổng ký vô di chúc lâu rồi, lấy đâu ra tới phiên bà mà đặt “niềm tin yêu và hy vọng”. Nói tới nói lui, cuối cùng Ngàn lắc đầu:

– Cái thằng cha yêu bà lúc còn trẻ, đòi tự tử vì bị gia đình bà cấm không cho quen nhau, cày cục mới lấy được bà, mà về sau còn giở thói cà chớn, bà mong chi ở một thằng cha làm lụng cả đời cực nhọc mới có của mà để lại cho bà hưởng khơi khơi!

Tôi đáp bởi vậy tao mới không thèm tái hôn. Tôi lại trêu Ngàn, thời buổi này kiếm ra một người đàn ông tử tế y như đi tìm động vật quý hiếm, thỉnh thoảng khảo cổ còn đào ra bộ xương khủng long, người tiền sử, chứ nam nhân tử tế thì chắc chắn đã tuyệt chủng, nên không bao giờ nghe có ai tuyên bố đã tìm thấy. Tôi trêu thêm tôi thề là sẽ không đời nào phí sức vô ba cái chuyện “trai gái”.

– Thời này thì mấy ông đàn ông cũng không tin còn có bà Trần Tế Xương. Vì bà Trần Tế Xương chỉ là người có trong sách vở, ông chồng bả “thi vị hóa”, nịnh vợ, chớ ai lại quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi chồng với năm con lại không bao giờ cằn nhằn. Cam đoan với bà, đàn ông ai ai cũng dư sức biết điều đó nên sẽ không đòi hỏi gì quá đáng ở bà đâu.

Sau đó Ngàn cứ đi theo hỏi tới hỏi lui tiêu chuẩn thiệt của tôi là gì. Và mặc dầu tôi đáp không muốn bước tới bước lui gì ráo, cũng không nghĩ ngợi tới tiêu chuẩn tiêu đời gì hết, Ngàn vẫn rên rỉ nói tôi làm cao, muốn đòi hỏi đủ thứ nên không làm sao kiếm ra người. Rồi cũng nhiều lần tôi gắt gỏng nói không cần, Ngàn vẫn cứ chạy ngược chạy xuôi đem tôi đi… gả khắp nơi. Chỉ cần nghe nói, hay biết ai đó “thấy được”, là con nhỏ nằn nì bảo tôi gặp mặt, cố tình làm mai làm mối cho tôi. Ngàn rủ tôi coi phim Hàn, hớn hở “động viên” tôi:

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

– Cái vụ coi mắt này của tụi Hàn có lý lắm đó bà. Nhiều cặp kết hôn qua môi giới vẫn hạnh phúc tới già. Bà có kinh nghiệm yêu mới cưới mà ending chỉ có nước mắt, không hếp pi gì ráo trọi rồi, cho nên bà cần phải “thay đổi tư duy” mới được.

Cái con nhỏ cà chớn, cố tình đâm tôi lủng ruột lủng tim mà không cần tới ỷ thiên kiếm đồ long đao chỉ vì mong tôi “có một người hủ hỉ lúc tuổi già”. Vậy mà khi tôi hỏi lại vậy tại sao bản thân Ngàn vẫn một mình một bóng mặc dầu còn trẻ hơn tôi rất nhiều, Ngàn trả lời chưa kiếm ra người. Nói thêm, hôn nhân của tôi đổ vỡ là vỡ luôn cả tình yêu nên mới cần kiếm người “thế vì”, còn Ngàn thì lấy chồng chỉ vì thấy gia đình chồng khá giả, thấy người đàn ông có thể bảo bọc cuộc đời mình. Ngàn nói, không yêu, không đớn đau nên không cần kiếm… tình yêu mới!

Cái kiểu lập luận quái gở của Ngàn, người khác nghe chắc chịu không nổi vì chẳng… logic chút nào, nhưng tôi nghe nhiều lần đâm… quen. Nhớ lần đầu gặp lại Ngàn sau hơn hai mươi năm bặt tin tức, hoàn toàn chẳng nghe Ngàn tâm sự gì cả ngoài câu “chuyện chồng con khó nói lắm chị ơi” tôi đã ngần ngại, lại thấy Ngàn còn khác xa một trời một vực với cô nhỏ trong ban văn nghệ nhí nhảnh yêu đời tôi từng biết ngày xưa, tôi khá bàng hoàng. Ngàn chẳng còn chút dịu dàng nhỏ nhẹ, mà ngược lại ăn nói báng bổ, cay độc khiến tôi không tin nổi vào mắt, vào tai mình. Cái cô bé học sau tôi mấy lớp, làm văn nghệ văn gừng với tôi, mặc dầu rất nhiều tài năng, hát rất hay, đóng kịch cũng rất giỏi nhưng rụt rè, khép nép, lúc nào cũng chọn một chỗ khuất phía sau lưng mọi người ấy, bây giờ là một người phụ nữ trung niên với mái tóc cắt tém như đàn ông, đôi mắt sắc sảo đầy vẻ nghi ngờ khi nhìn người khác, và một nụ cười nửa miệng khinh khỉnh lúc nào cũng có thể nở trên môi. Phải thành thật mà nói, tôi đã rất e dè, không biết nên đối xử với Ngàn như thế nào cho đúng khi chẳng còn thấy dáng vẻ của cô bé rụt rè ngày xưa vẫn chờ tôi chở về vì không có xe đạp và không dám nhờ ai khác.

Ngàn, lúc tôi gặp lại, khi nhận ra tôi đã lôi tôi xềnh xệch ra khỏi đám đông của bữa tiệc cưới, miệng bi ba bi bô không kịp thở:

– Ði chỗ khác kiếm cái gì uống, hàn huyên tâm sự chút đi. Chời ơi, em đi tìm chị muốn khùng luôn. Gặp ai ở nơi chị định cư, em cũng hỏi biết chị không, y như em là người u mê, không biết xứ sở người ta to rộng tới chừng nào mà lại hỏi những câu ngớ ngẩn như vậy!

Tôi không thể nào kịp trả lời bất cứ câu hỏi nào của Ngàn, và lòng lao chao… sợ. Cuộc sống với những biển dâu từ trong nước ra tới hải ngoại khiến tôi luôn dè giữ với bất cứ người nào, lạ cũng như quen, gặp Ngàn trong trường hợp như vậy, tôi bối rối vô cùng. Thường tôi vẫn rất khó làm thân với người mới sơ giao, lại càng không dễ thân mật với người mình chưa biết rõ, Ngàn không lạ, không sơ giao, nhưng “quen” mà như cái la bàn đổi hướng ấy làm tôi mất phương hướng.

Có thể nói là mối thâm tình của tôi với Ngàn nếu như không nhờ sự cố gắng và nỗ lực của Ngàn, có lẽ đã chìm theo thời gian. Thuở ấy gần như Ngàn đã gọi điện thoại cho tôi mỗi ngày. Tâm tình có, an ủi có, cười nói có, và khóc lóc cũng nhiều. Mãi sau cùng chúng tôi mới lấy lại được khoảng cách của hơn hai mươi năm không tin tức. Cũng mãi cho đến lúc đó tôi mới biết ra vợ chồng Ngàn ly dị sau vài năm đến được bến bờ tự do và Ngàn không được quyền nuôi con không những vì không có việc làm, không đủ khả năng tài chánh, không biết tiếng Anh, mà còn vì con Ngàn không muốn sống với mẹ. Tôi hỏi tại sao. Ngàn cười:

– Tâm lý trẻ con mà chị. Khi bố đưa ra nhiều điều kiện rất hay ho giữa lúc mẹ chẳng có gì, thì thằng bé chọn ở với bố là đúng rồi. Phần em cũng sợ con theo mình sẽ khổ cho nó quá, nên phải nhắm mắt đồng ý. Nhưng sau khi ly dị, Ngàn đã sống giống như một người mất trí vì xuống tinh thần. Ðã nhớ con, lại còn ray rứt vì sự bất lực của mình, Ngàn hỗn loạn, đứng ngồi không yên mãi cho đến khi cái khát khao giành lại được quyền nuôi con mới làm Ngàn rùng mình trở dậy. Ngàn lao ra ngoài, đi học, đi làm thay cho những ngày ru rú trong bốn bức tường trong căn phòng bé nhỏ than thân trách phận. Cô nhỏ của tôi kể thêm:

Xem thêm:   Vợ cũ

– Tới lần kiện thứ ba thì em mới mang được con về, nhưng lại đúng ngay cái thời điểm nó chuẩn bị chuyển qua giai đoạn tuổi mới lớn, dậy thì. Mà chị biết đó, hồi trước chỉ gặp được thằng bé vào cuối tuần, em đâu có đủ thì giờ để hiểu về bản thân nó, nói gì tới bè bạn, mơ ước hay những gì thằng bé đang trải qua, cộng thêm cái lúng túng vì mất… thói quen làm mẹ đã lâu, đem được con về nhà rồi em cứ như phải sống với một kẻ xa lạ. Nhiều lúc không biết bắt đầu với nó như thế nào, em khổ tâm quá, chỉ muốn tự tử cho rồi.

Tôi trố mắt ngó Ngàn. Mọi điều, mọi thứ, hoàn toàn vượt qua sự tưởng tượng của tôi. Ngàn lại bật cười:

– Ở đời có nhiều khi đời vẫn trớ trêu, mâu thuẫn như vậy đó. Lúc có thể chết cho rảnh nợ, nhưng thèm được nuôi con quá thì em đâu có dám tự tử, mà lúc mang nó về được rồi, khổ hơn, lại càng không dám tự tử mới ác chớ!

Chuyện tự tử, chết chóc, mà Ngàn nói như giỡn chơi! Chuyện cuộc sống, qua lời Ngàn, cũng không khác gì chuyện phiếm, chuyện của ai đó. Ngàn kể vì không biết tiếng Anh, không có khả năng gì khác để xin việc nên cuối cùng Ngàn đã phải chọn việc đi lau chùi dọn dẹp cho thiên hạ. Nhưng về sau Ngàn mới kể rõ ra đó cái may mắn cho cuộc đời của mình vì được chùi dọn cho một dãy văn phòng bác sĩ mà một trong những ý tưởng làm lại cuộc đời đã xuất phát từ những gì Ngàn nhìn thấy ở các nơi đó. Ngàn nói:

– Công việc có thể nói cũng không nhàn hạ gì, nhưng trong khi dọn dẹp thì em lại có nhiều thì giờ để suy nghĩ về đời sống, về con người. Em đã nhận ra thế giới không thể sụp đổ vì mình không biết cách sống hay không biết… tiếng Anh, mà chỉ có chính mình tự mình giết chết mình vì những tư tưởng yếm thế, không chịu trở dậy mà thôi.

Ngàn đã nỗ lực tìm mọi cách để trở lại trường học. Cuối cùng sau nhiều năm cực nhọc vất vả, vừa học vừa làm, Ngàn xong cái bằng dental assistant và ra làm việc cho một văn phòng nha sĩ. Và cái ý chí của người con gái làm tôi nể phục ấy khiến chúng tôi trở lại thân nhau hơn. Cái ranh giới giữa chúng tôi biến mất. Tôi coi Ngàn như em ruột của mình. Ngàn đổi ra “bà bà tui tui” với tôi hồi nào không hay. Tôi cũng mi mi tao tao với Ngàn hồi nào không biết. Và cuối cùng là Ngàn hì hà hì hục lo đường tình duyên cho tôi.

oOo

Buổi chiều, như sợ tôi không đi, Ngàn tới nhà tôi thật sớm. Ý cò ý kiến đủ thứ trên trang phục trang sức của tôi. Tôi lườm:

– Tao có cảm giác như đang sống trong thời kỳ bị bà già quản thúc mọi mặt.

Ngàn tỉnh bơ:

– Bà phải có ai đó tui mới yên tâm.

Tôi không thèm trả lời. Lên xe rồi, Ngàn lại tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tôi chuyện nọ chuyện kia thể như người môi giới hôn nhân thứ thiệt. Tôi nghĩ bụng nếu tôi mà “nên duyên” với kẻ này thì chắc con nhỏ này sẽ trở thành… má của tôi.

Người đàn ông, khi đến “trình diện” với chúng tôi, quả có nhiều điều giống như Ngàn đã tả. Dung nhan nhìn được. Vóc dáng cao ráo, bảnh bao. Nam nhân tuổi quá lục tuần mà vẫn còn giữ được tướng tá thon gọn, nhanh nhẹn như vậy kể cũng hiếm. Cách ăn mặc của người này lại giản dị, màu sắc hài hòa, quần tây áo chemise, bên ngoài thêm cái áo len mỏng trông rất dễ chịu. Và nhìn qua là có thể đoán ngay dân ngồi bàn giấy.

Ngàn nói nhỏ vào tai tôi, tui thấy ok đó bà. Tôi quay nhìn Ngàn, cười vì cách nói của con nhỏ nhưng trông Ngàn có vẻ rất yên tâm khi không thấy tôi giãy nảy phản đối. Và có lẽ do “ý đồ” của chủ nhà và của Ngàn, nên tôi được sắp xếp ngồi gần người đàn ông ấy. Phải thành thật mà nói là tôi khá lúng túng vì trong đời tôi chưa bao giờ bị… ép gả cho ai kiểu này cả. Tôi bối rối không biết mình nên ứng xử như thế nào để không bị “phát giác” ra vẻ gượng gạo và ngượng ngùng vì một trăm phần trăm là con nhỏ Ngàn và chị Hương ngồi xeo xéo phía đàng kia thể nào cũng đang để ý rình ngó.

Suốt cả buổi tối tôi hoàn toàn chẳng biết cái hương vị Tết nhất mà chị Hương đã cẩn thận bày vẽ, nấu nướng như thế nào. Miếng bánh chưng bánh tét ở cái tỉnh nhỏ thiếu vắng đủ mọi thứ món ăn quê hương, phải đợi đến những ngày mà tôi và Ngàn hay gọi trêu là “các mùng” mới thấy mặt, được dọn ra với thịt kho trứng vàng óng, dưa món củ kiệu cắt tỉa rất khéo, nhưng cứ nghẹn cứng ở cổ họng tôi. Cả cái bức tường dán mai vàng liễn đỏ đối diện rất dễ thương, dễ gợi nhớ, nhưng chừng như chỉ mang một màu đen thùi lùi trong mắt tôi.

Tôi hết tự rủa mình, rồi rủa qua con nhỏ Ngàn “gây nên cuộc hí trường” lúc nghĩ tới chuyện thiếu nữ bị kẹt trong trường hợp này mới ngượng ngùng, chứ già quắc cần câu như tôi mà cũng…! Tôi đâm ra “căm hận” con nhỏ. Nhiều lần tôi đã loay hoay tìm cách đứng dậy ra ngoài, nhưng nhà chị Hương nhỏ, cái phòng ăn nhét gần ba chục người chật cứng như ép mắm hết đường rục rịch, và như chị tuyên bố ngay từ đầu là “ăn” Tết, nên tôi đành ngồi chết một chỗ để… ăn. Lòng rất khó chịu nhưng thỉnh thoảng phải quay đầu trả lời vài câu hỏi của người đàn ông mà Ngàn muốn tôi sẽ cùng đi cho đến hết cuộc đời, tôi khổ sở như bị lên đoạn đầu đài, chỉ trông cho chóng hết giờ.

Xem thêm:   Tự thú

Hẳn nhiên cuối cùng thì bữa ăn rồi cũng xong. Buổi tối rồi cũng trôi qua. Lúc được đứng dậy rời chỗ ngồi, tôi muốn thở phào một hơi nhẹ nhõm, nghĩ bụng chắc là phải hát bài… Giải Phóng Miền Nam cho hợp thời hợp cảnh! Sau khi lẹ làng chào người bên trái người bên phải, tôi phóng về phía bếp. Ngàn lót tót chạy theo, níu tay hỏi bộ tôi không tiễn “người ấy” sao. Tôi gắt:

– Tao phải đi vệ sinh!

Ngàn tròn mắt ngó nhưng cũng tránh sang một bên để tôi vào restroom, và nói sẽ chờ tôi. Nhưng khi tôi trở ra, không phải Ngàn mà chị Hương đang đứng gần đó với vẻ mặt đầy tò mò và thắc mắc. Chị lật đật hỏi tôi có muốn cà phê không. Tôi nói cám ơn chị, bảo sẽ về ngay vì hơi mệt. Chị Hương lúng túng “ồ”, “à” có lẽ vì không biết nói gì thêm. Tôi đoán chị đã tưởng tôi sẽ hân hoan ở lại để… phát biểu cảm tưởng về buổi “hội ngộ”. Tôi cung chúc tân xuân, cung hỉ phát xồi, vạn sự như ý, an khương thịnh vượng chị một hồi rồi chào chị. Ngàn lúp xúp chạy theo tôi. Ra đến sân, Ngàn níu tay hỏi “sao rồi, sao rồi”. Tôi nói sao trăng gì đâu. Lên xe xong, Ngàn không chịu nổ máy mà quay nhìn tôi, giọng vướng víu chút gì đó thất vọng:

– Hổng xong hả?

Tôi lườm:

– Bộ mi thèm ăn đầu heo lắm sao mà rối rít?

Ngàn eo xèo, tui lo cho bà. Tôi định hỏi rồi ai lo cho mi, nhưng thấy cái vẻ mặt ỉu xìu đầu năm của con nhỏ mà thương, nên vờ nghiêm mặt:

– Nói nhiều lần rồi, cuộc đời tao là do Chúa định. Nếu Chúa muốn, thì không chịu cũng không được. Cũng nói nhiều lần là tao không có xin Chúa cho tao lấy chồng mà mi cứ quýnh lên đi tìm kiếm giùm tao là sao chớ!

Ngàn chưa chịu thua:

– Bà không xin, nhưng biết đâu Chúa muốn và Chúa… mượn tay tui thì sao?

Tới đó thì tôi không nhịn được cười:

– Nếu có mượn, tao tin chắc Chúa cũng sẽ mượn người tài giỏi hơn mi!

Ngàn lườm tôi. Và không thèm… quê một cục, Ngàn hỏi liên tục, ổng ra sao mà bà chê, ổng có gì không hợp với bà hay sao, tui thấy ổng được quá mà chắc là bà kén chọn… Vân vân và vân vân. Cũng một kiểu hỏi “phủ đầu” y như ngày mới gặp lại, không để cho tôi kịp trả lời câu nào, trong khi Ngàn làm cái máy phát thanh thì tôi làm thinh đưa mắt nhìn ra ngoài trời tối nhờ nhờ bên ngoài khung cửa kính xe.

Chung quanh chúng tôi hoàn toàn chẳng thấy chút hương vị mùa xuân nào vì tuyết phủ dày kín hai bên đường. Ngọn đèn vàng chao nghiêng soi xuống mặt đường lạo xạo những mảng nước đã bị đông cứng thành đá trông buồn bã vô cùng. Tôi bỗng nghĩ đến mùng một mùng hai ở quê nhà. Nghĩ đến những cái Tết dẫu đói nghèo, dẫu khổ cực đến trăm bề nhưng màu sắc Nguyên Ðán, Tân Xuân vẫn rực rỡ, vẫn đằm thắm.

Tự dưng tôi buồn đến muốn khóc. Tôi muốn nói với Ngàn, có những thứ to tát hơn, lớn lao hơn, vượt qua những cái “tôi” nhỏ mọn, tầm thường, mà cũng không còn thuộc về chúng tôi, cũng đã mất hút ở phía sau lưng rồi, thì huống gì là một đoạn đời rất ngắn còn lại trước mặt.

Tôi quay sang nhìn Ngàn. Thấy con nhỏ vẫn còn liến thoắng, tôi thở ra. Nghĩ bụng, dẫu gì hôm nay cũng còn là mùng một, không lẽ lại nói với con nhỏ những điều buồn bã này, nên tôi lại vờ nghiêm mặt:

– Hồi nhỏ mình hay nói “đẹp trai học giỏi con nhà giàu” để “oánh giá” một tên con trai. Nói cho cùng, là cái ông này cũng đung đúng một phần tiêu chuẩn đó, nhưng tao nghĩ bắt đầu từ giờ trở đi, mi phải thêm vô một điều kiện nữa mới được.

Ngàn nhanh nhẩu:

– Ðiều kiện gì? Bà lại muốn cao thêm nữa hả?

Tôi chậc lưỡi:

– Không cao ráo gì hết. Nhưng từ hồi tối tới giờ, tao mệt muốn chết là vì mới gặp, mà cái ông nội này đã hỏi như vầy, “cô bao nhiêu tuổi, chắc là cô nhỏ thua tôi?” y thể cái mặt tao già giống… má ổng. Sau đó ổng còn hỏi thêm “cô cũng ly dị rồi phải không, lý do là gì vậy?”, rồi lại còn “cô làm gì, ở đâu, lương có khá không?”…

Tôi chưa kịp kể thêm, Ngàn đã la lên choi chói:

– Hỏi kiểu gì kỳ dzậy cha nội?

Tôi bật cười:

– Thì dzậy đó! Dzậy đó cho nên tao mới nói là lần sau mi nhớ thêm vô, đẹp trai học giỏi con nhà giàu và không được… dzô dziên nữa nghe chưa, con khỉ!

HN

SIOUX FALLS, SD