Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI, của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài. BBT Trẻ.

Dương Như Nguyện

Cô tôi đó, người phụ nữ yên lặng, chịu đựng, can đảm đứng ra nhận việc trông coi phòng lương cho cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ DAO, trong một đất nước chiến tranh mà sự có mặt của đồng minh đôi khi là đối tượng ganh ghét hay dè bỉu của dân phản chiến hay bài Mỹ, của một “thành phần thứ ba” không chấp nhận “Ðồng Minh.”  (Thế bây giờ thì sao? Tôi tự hỏi. Việt Nam muốn và cần có Ðồng Minh để giúp bảo tồn các đảo biển Ðông, có “thành phần thứ ba” nào than phiền không? Và đầu tư nước ngoài đầy rẫy trên cùng lãnh thổ, từ xí nghiệp nhà máy cho đến khách sạn, thi hoa hậu, trung tâm du lịch, nghỉ mát, vân vân, khắp hang cùng ngõ hẻm, tạo nên hiện tượng “bán thực dân/neo-colonialism” mà  các học giả nhân quyền quốc tế để tâm lưu ý:  “thành phần thứ ba” đâu rồi, không còn thấy kêu ca?)

Tôi lắc đầu ôm vai như “con chó ốm” của Nguyên Sa, và quay lại với hình ảnh người con gái Sơn Tây ở Saigon, trước 1975, là cô Yến tôi, sở hữu chủ của đôi tay, đôi chân tuyệt đẹp giấu kín dưới trang phục áo dài truyền thống…

Theo tục truyền thì con gái Sơn Tây da mặt bánh mật nhưng tay chân trắng đẹp như hoàng hậu. Con gái Sơn Tây, theo ca dao, bị mang tiếng là “yếm thủng tày dần.” Tôi nghĩ đó chỉ là cách nói thậm xưng nhằm mô tả “toà thiên nhiên trong ngọc trắng ngà” như Thuý Kiều tắm sau bức màn voan tha thướt, vì gái Sơn Tây luôn luôn phải tắm gió ngâm sương, sát cánh với đàn ông Sơn Tây làm việc quán xuyến không hở tay trên đồng ruộng xứ Bắc, nhưng lại rất nghiêm trang đức hạnh không lả lơi đùa giỡn với các anh làm ruộng.  Anh nào vớ vẩn sẽ bị gái Sơn Tây mắng cho.  Bà nội tôi kể rằng thôn Hát Môn của Hai Bà Trưng cũng ở Sơn Tây.  Nhờ chịu ơn linh hiển của Hai Bà, gái Sơn Tây ở Hát Môn gánh 4 bó lúa trong khi đàn ông tiu nghỉu, hì hục mãi cũng chỉ gánh được có … 2 bó!  Các ông sinh ra mặc cảm.  Sơn Tây lại là đất của nhân tài thi ca, mà điển hình là Tản Ðà và Quang Dũng.  Chắc gái Sơn Tây cũng hay chữ vì hồn thơ lai láng trong huyết quản từ giang sơn gấm vóc của Ðà Giang, Ba Vì, Tản Viên, cho nên các nàng Sơn Tây nghiêm nét mặt, mắng trai ghẹo nguyệt bằng thi ca trên cánh đồng gặt lúa, thành ra bị các anh nông dân sàm sỡ thù ghét, và kết quả là các nàng bị các anh này mô tả thậm xưng thành hình ảnh khả ố thay vì khả ái.

Tôi chưa hề có mặt ở đồng lúa Sơn Tây để nghe con gái Sơn Tây hát và chiêm ngưỡng việc chăm làm của các nàng gánh lúa, nhưng tôi biết tính chăm làm của bà nội tôi và cô Yến tôi.

Kỷ niệm xứ Huế lại hiện về. Bàn tay đẹp của cô Yến tôi…

8

Viết đến đây, tự nhiên tôi ớn lạnh. Hình ảnh cô Yến tôi ngày ở Huế, tuổi học trò, phải chạm trán với gia biến: chị dâu ngất xỉu ở bục gỗ trường học, và cha tôi vội vã mặc áo ra khỏi nhà. Nóng lòng vì muốn biết tin anh chị, cô Yến tôi để “Cái Ngủ” một mình với hai người vú, rồi tất tả đạp xe trong mưa đến trường để lấy tin và giúp đỡ anh chị đang gặp nạn. Trong mưa, người nữ sinh đạp xe ngã vào kẽm gai của trại lính, vết tích sự có mặt của chiến tranh trên đất Thần Kinh.

Xem thêm:   Tự thú

Một lần  nữa, tôi liên tưởng đến hình ảnh đôi chân trắng trong như mỡ đọng của cô tôi, đầy nữ tính và yếu ớt, luôn luôn được che giấu dưới quần trắng hay đen, trái ngược hẳn với da mặt sậm màu vì dễ bắt nắng.  Ðạp xe mà ngã vào vào dây kẽm gai có phải chăng vì đôi chân cô yếu như loài chim yến, không đủ sức chống xuống đất ngăn vòng bánh xe khi cô nhận thức mình đang tông vào vòng dây kẽm gai? Chắc chắn sau đó cô tôi đã ngất xỉu đi, vì vụ té quá sức bất ngờ và đau đớn. Không ai biết cô nằm trong dây kẽm gai, rồi cô tỉnh dậy, phải cố gắng tự cứu mình trong cơn mưa trút nước.  Cô tôi tự gỡ dây kẽm gai để giải cứu không những chính tấm thân bị xước trầy, mà cả chiếc xe đạp nữa, để cô có thể về nhà. Khi về đến nhà cô lại sợ hãi sẽ bị cha tôi la, vì trong trí óc của cô, sự thuần thục kín đáo của người con gái Việt Nam coi anh Cả là hình ảnh người cha có quyền thưởng phạt la rầy. Cô đau đớn tấm thân mà không dám khóc lớn tiếng. Cô chỉ ngồi trong góc thu mình để mọi người chung quanh không nhìn thấy cô nữa, vì cô hối hận đã làm việc không suy nghĩ.  Tôi, “Cái Ngủ” của cô, là nhân chứng nhìn thấy sự nhẫn nhục nhưng rất can đảm của cô Yến tôi.

Tôi không có chút ký ức nào về việc làm sao cô tôi qua được tai nạn hàng rào kẽm gai để lành lặn và vẫn tiếp tục đi học Ðồng Khánh những ngày kế tiếp. Chắc chắn cô đã không đi nhà thương.  Cô có được chích ngưà vi trùng “Tê-Ta-Nốt” ở văn phòng bác sĩ nào không, tôi còn bé quá, cũng chẳng biết.  Cha tôi cũng chẳng thấy la rầy, chắc ông không biết là em gái bị té vì ông ưu tư chuyện khác, những “nỗi niềm riêng” của ông, và cô tôi thì luôn…lẫn trốn ánh mắt của ông anh. Cô đã tiếp tục can đảm bình thường hóa đời sống, ngay sau tai nạn và cú “shock” của mình để cha mẹ tôi khỏi bận lòng. Không đi nằm bệnh viện, chắc chắn cô tôi đã phải tự săn sóc các vết trầy xước và tự chế ngự cơn “shock” tinh thần.  Cô không hề than thở trong những ngày kế tiếp.

Tôi lại liên tưởng đến hai bàn tay búp măng của cô Yến tôi.  Như đã nói, từ bé đến lớn, tôi nhận ra rằng cô tôi có hai bàn tay rất đẹp, nhưng hình như chưa bao giờ cô tôi đánh móng tay như phụ nữ đài các theo kiểu bà Ngô Ðình Nhu. Ở Huế, trong sinh hoạt gia đình, cô thường kéo tôi vào lòng, ôm “Cái Ngủ” của cô, và đưa tay ôm phía dưới cằm tôi khi tôi dựa vào cô. Tay cô rất mềm và ấm, nhưng tôi không biết tại sao lúc nào tay cô tôi cũng phảng phất mùi hành tây. Bây giờ tôi mới hiểu ra. Cô nữ sinh ngoài giờ học và trông cháu, còn lăn xuống bếp phụ bà vú, hoặc bà ngoại tôi, để làm cơm.  Mẹ tôi, một nữ giáo sư, ít khi phải lo lắng việc làm cơm vì ngoài bà vú, còn có mẹ ruột là bà ngoại tôi từ làng lên phố thường xuyên ghé vào thăm, và cô em chồng ngoan ngoãn ở trong nhà.  Trong bếp, chắc cô tôi thường xuyên đảm nhiệm chức vụ thái hành, một công việc ít ai ưa thích, vì mùi hành xông lên cay mắt và hôi tay.  Rửa nước bao nhiêu vẫn còn thoang thoảng mùi hành, trừ phi xức kem hay nước hoa. Cô tôi không xức kem hay nước hoa vào tay bao giờ,  nhưng bàn tay cô lúc nào cũng đẹp, và lúc ở Huế, chắc mỗi ngày cô nữ sinh Ðồng Khánh gốc Bắc đều luôn ngoan ngoãn tự nguyện thái hành để giúp đỡ người nhà trong bếp.

Xem thêm:   Món nợ năm xưa

Ở Mỹ, mỗi lần thái hành, tôi đều nghĩ đến bàn tay xinh đẹp của người cô hiền thục luôn giữ tôi trong lòng cô bằng cách để bàn tay dưới cằm tôi.  Kỷ niệm về bàn tay làm việc của cô tôi khiến tôi mường tượng thấy hình ảnh bà nội tôi, khi sinh cô Yến. Tôi chắc bà tôi đã hình dung ra được tính chất đứa con gái ấy lớn lên sẽ trở thành người phụ nữ chăm làm.  Ở khía cạnh đó, cô tôi chăm chỉ luôn tay làm việc, có khác chi loài chim Yến miệt mài đôi cánh trong cuộc sinh nhai?

Trong một văn hóa chủng tộc đầy thành kiến với phụ nữ làm việc cho các cơ quan Pháp hay Mỹ, cũng chính đôi bàn tay xinh đẹp nhưng đơn sơ đó đã phân phối, sắp xếp công việc, lo toan giấy tờ, kể cả việc đánh máy, soạn hồ sơ để chính phủ đồng minh phát lương hằng tháng cho tất cả nhân viên cơ quan DAO ở Việt Nam, Mỹ cũng như Việt.

Tôi lại rùng mình: năm 1975, nhờ những chuyến bay, chuyến tàu thoát hiểm đã chuyên chở người tỵ nạn Việt Nam ra khỏi nuớc, cho nên những nguời dân hiền lành chăm chỉ có khả năng hành chính cao như cô tôi và nhóm bạn của cô, các sinh viên đại học miền Nam giỏi tiếng Anh đi làm thông dịch viên cho DAO chẳng hạn, mới có cơ hội xây dựng lại đời sống ở các nước tự do.  Nếu họ kém may mắn ở lại, cùng những người giống như họ, tất cả đều sẽ bị kết án là tay sai Mỹ Ngụy, phản quốc, hay điệp viên cho CIA để nhận đòn thù đến từ người cùng chủng tộc với mình, cùng tất cả miền Nam trải qua chế độ “bao cấp” trong đói khổ như hàng triệu người Việt Nam trên dải đất hình chữ S. (Thế nhưng, trong tình trạng ngày nay, thì những cá nhân có khả năng hành chính cao như cô tôi và các nhóm bạn của cô ngày xưa — sinh viên đại học miền Nam giỏi tiếng Anh đi làm thông dịch viên hay kế toán cho chính phủ Mỹ –  đều có thể trở thành gạch nối hiệu lực giữa Việt Nam sau chiến tranh với thế giới bên ngoài, vì kinh nghiệm và khả năng của họ.  Trớ trêu thay, trong hoàn cảnh hiện tại, họ lại trở thành những báu vật cho kinh tế và bang giao “Ðổi Mới.”)

Tôi chống khuỷu tay lên bàn để trầm tư.  Trong căn bản là một phụ nữ yêu thương cái đẹp của nhân loại, tôi đã lảng xa môi trường chính trị và từ bỏ những cơ hội nghề nghiệp có liên quan đến việc thi thố quyền lực trong dòng chính Hoa Kỳ. Tôi nghĩ về mình như một kẻ cầm bút để ca tụng cái đẹp, chứ chẳng bao giờ tôi muốn làm một chính trị gia trên bàn cờ quyền lực.  Thế nhưng, khi phải nhìn lại lịch sử gia đình trên đất Mỹ, tôi bắt buộc phải đọc, nhìn lại quá khứ,  và ngẫm nghĩ.

Sau khi trưởng thành ở Mỹ, và đọc lại lịch sử, tôi mới nhận thức ra sự thật thế nào là văn phòng DAO nơi cô tôi làm việc ở Saigon: Trong bang giao quốc tế, “tuỳ viên” là một chức năng ngoại giao mà quốc gia nào cũng có, thuộc về toà đại sứ (bây giờ trong nước gọi là Ðại Sứ Quán). Dưới đại sứ là tùy viên văn hoá, tuỳ viên kinh tế, tuỳ viên chính trị, tuỳ viên quốc phòng, toàn là viên chức ngoại giao. Nhân viên bản xứ làm việc cho các văn phòng tuỳ viên ngoại giao này chỉ là nhân viên hành chánh mà thôi, họ không biết gì cả về chính sách quân sự, an ninh quốc phòng, hay quyết định của Ðồng Minh trong vấn đề chiến tranh Việt Nam.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Văn phòng DAO không phải là tình báo CIA, cũng chẳng phải là cái nhân điều khiển viện trợ quân sự Mỹ tham chiến tại miền Nam (đó là một cơ quan khác mang tên MACV, U.S. Military Assistance Command, Vietnam, trực thuộc bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ).  Nếu người cô hiền lành của tôi ở lại Việt Nam sau 1975 rồi bị kết án, đày đọa học tập cải tạo kinh tế mới chỉ vì việc làm hành chánh ở DAO, thì đó là cả một sai lầm vô nhân: một trừng phạt quá đỗi bất công và thương tâm, chẳng khác chi việc thanh trừng địa chủ rất tàn nhẫn ngoài Bắc. Thảm cảnh 1954 như thế lại xảy ra ở miền Nam 1975 hay sao, mà nạn nhân là người dân vô tội. Họ không phản quốc, không gây hại cho ai. “Tội” độc nhất của họ là đã hiện đại hoá, đem sức lao động, khả năng đầu óc ra để đi làm nhằm bảo đảm kinh tế, có cơm ăn áo mặc, theo nhu cầu hạnh phúc của con người, như tỷ tỷ lương dân trên mặt đất.

Trái lại, sự có mặt của Ðồng Minh, trong bang giao quốc tế hiện đại, trở thành một nhu cầu cần thiết cho việc quân bằng quyền lực quốc tế ở khu vực biển Ðông, và đồng thời cũng là căn bản của lý thuyết “tham dự,” dịch chữ “interventionism,” hoặc lý thuyết “ngăn chận,” dịch chữ “containment,” được thực hành bởi một cường quốc tư bản như Mỹ, trong cuộc chiến tranh lạnh giữa thế giới tư bản với Nga-Tàu ở thế kỷ hai mươi. Chính sự bành trướng của Nga Tàu, dùng cần trục Việt Nam, đối địch với chính sách “tham dự” và “ngăn chận” của Mỹ trong vai trò đại diện cho thế giới tư bản tự do, đã biến Việt Nam thành chiến địa và người Việt thành những con vật thí thân bi thảm.

Chính phủ Mỹ có thể đã làm những lỗi lầm trong sách lược tham chiến, nhưng hoàn toàn chẳng có việc người Mỹ xâm lăng lãnh thổ hay đặt ách cai trị ở Việt Nam để cho dân miền Nam phải chịu tiếng “ngụy” và lãnh đòn thù, gây ra cảnh “nồi da xáo thịt.” Hơn thế nữa, ngoài Mỹ còn  có Úc và Nam Hàn tham chiến, như thế Úc và Nam Hàn cũng “xâm lăng lãnh thổ” và đặt ách cai trị Việt Nam như Tô Ðịnh của Ðông Hán ngày xưa hay sao?

Nước Mỹ là một quốc gia đã giải phóng nô lệ, được xây dựng trên mồ hôi nước mắt củả người di dân bị đàn áp ở cố quốc, phải vượt biển đi tìm tự do trên chuyến tàu lịch sử Mayflower, đã đặt nền móng dân chủ qua hiến pháp dựa trên tự do cá nhân và trên cơ chế tam lập phân quyền.  Ðó là nước Mỹ đã đón nhận gia đình chúng tôi.  Nước Mỹ hùng mạnh ấy có can thiệp vào chính trị thế giới, và tượng trưng cho tư bản, nhưng Mỹ chưa bao giờ là Ðông Hán.

Sự xúc động làm tôi bỏ máy vi tính ra vuờn để nhìn ánh nắng mùa xuân của nuớc Mỹ.

Bây giờ là tháng tư. Muà xuân lộng lẫy.  Chẳng mấy chốc, trời sẽ bắt đầu vào hạ.

(còn tiếp)