Sáng sớm tinh sương, sau khi đứa em thả hai vợ chồng tôi ở tiệm bánh mì nổi tiếng Lee Sandwiches, chúng tôi đón chuyến xe đò Hoàng từ San Jose xuống Quận Cam, thường gọi là Orange County, nói tắt là OC – ở miền Nam của tiểu-bang California. Tôi vào tiệm gọi cà-phê và xôi, ngồi ăn trong lúc đợi xe đến.

Tuy thời gian và không gian khác hẳn với cách đây hơn ba mươi, bốn mươi lăm năm về trước, nhưng nó cũng đủ để làm tôi nao nao nhớ lại những giây phút chờ đợi chuyến xe đò đưa tôi đi đến những tỉnh nhỏ trên quê-hương. Ðó là những chuyến xe đưa hành khách từ Sài Gòn đi Ðà-Lạt, Nha-Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Mỹ-Tho, Cần-Thơ, Bến-Tre v.v. Cũng những giây phút ngồi chờ đợi như thế này, trong một quán cóc bên cạnh những bãi xe, gọi cho mình ly cà-phê và ăn một gói xôi hay dĩa bánh mì trứng.

Thuở đó tôi còn hay hút thuốc lá – tuổi thanh thiếu-niên mà – thấy người lớn hút thuốc thì mình cũng bắt chước, nhưng may mắn thay, chả nhớ vì lý do gì mà thời gian ngắn sau, tôi đã bỏ cái thói quen đó. Những buổi sáng ngồi co ro trong cái lạnh của ban mai, ngồi uống ly cà-phê nóng và ăn sáng – nó vừa ấm cái bụng và làm giảm bớt cái nao nao trong lòng khi biết mình sẽ sắp sửa lên đường đi về một vùng đất xa lạ, ngay cả lúc biết mình sẽ được gặp lại cái quang cảnh và không khí đã quen thuộc ở nơi chốn mình sắp đến, như Ðà-Lạt chẳng hạn.

Ði xe đò Hoàng là một sự tiện lợi cho những người chưa biết đường, hay lười lĩnh như tôi lần này – không muốn lái xe, nhất là khi đến những thành-phố từng nổi tiếng với bao nhiêu là  xa-lộ chằng chịt, hay bị kẹt nghẽn lưu-thông như vùng Quận Cam chẳng hạn. Thêm vào đó, không biết ai khác nghĩ sao – chứ ngồi giữa đám người cùng màu da và ngôn ngữ, được nghe những chuyện trên trời, dưới đất – chả khác gì như những ngày tôi đã từng nghe những “bà già trầu” đi xe đò về quê, than phiền hoặc khoe về những thành quả của bao người con từng bỏ mảnh vườn, thửa  ruộng để lên tỉnh làm ăn, sinh sống…

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Như thường lệ, khi anh phụ xế leo lên xe và phân phát cho mỗi người một chai nước lọc để uống dọc đường, cái thói đùa cợt trong tôi vẫn chưa chừa, vừa nhận chai nước tôi hỏi:

Anh ơi, cho đổi lấy chai bia được không?

– Chỉ có tài-xế mới được uống bia để lấy can đảm lái xe…

Anh phụ xế có lẽ quá quen thuộc với những câu chọc ghẹo, than phiền… cho nên đối đáp tỉnh bơ. Lúc phát ổ bánh mì cũng thế, tôi làm bộ lấy làm ngán ngẩm: “Bánh mì thường quá rồi, cho tôi tô phở đi!”. Vừa mới bị đòi hỏi một chai bia, hắn  cũng mau mắn đáp lại, bảo rằng nồi nước phở đang nấu – chờ … hơi lâu.  Rồi đến lúc anh ta trở lại để thâu tiền cũng thế, lúc đến băng ghế chỗ tôi ngồi, vừa đưa tiền tôi vờ kỳ kèo: “Chốc nữa nếu cho nghe nhạc vàng thì được, chứ bắt tôi nghe cải-lương hay Hồ Quảng thì phải bớt tui 5 đồng nghen!” Anh chàng bây giờ quá quen nên chỉ cười hề hề. Vài người ngồi xung quanh cũng vui vẻ hùa theo, cười theo câu nói đùa của tôi khiến cho không khí đỡ trầm lặng tẻ nhạt, ngoại trừ khi có chuyện lạ gì xảy ra trên chuyến đi.

Nói về chuyện lạ, mà kể cũng lạ thật – cách đây độ ba năm – hai vợ chồng tôi cũng đón chuyến xe đò Hoàng – sau khi viếng thăm gia-đình ở San Jose – xuống OC thăm bà con và bạn hữu ở đây, tôi gặp anh chàng ca-sĩ A.K., người có giọng hát thật “đa sầu, đa cảm” trước thời 75, cho nên tôi đã đặt cho cái biệt-hiệu là AK75 để mọi người khỏi chú ý khi hai vợ chồng tôi nói về anh ta. Lần này vô tình không hẹn mà cũng gặp lại ca sĩ AK75 này. Trước khi leo lên xe, tôi chào anh và khen: “Mấy năm gặp lại thấy anh vẫn thế, chả mấy gì thay đổi.” Câu nói làm anh chàng vui mừng hay sao mà cám ơn tôi rối rít.

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Sau khi xe rời bến và ra khỏi ngoại-ô thành phố, người tài-xế cho mọi người xem cuốn băng nhạc Paris By Night, với chủ đề là mừng Xuân. Một bài hát quá quen thuộc từ bao nhiêu thập-niên mà trước đây tôi chỉ nghe tai này rồi lọt qua tai khác, chẳng mấy chú ý:

Mong đầu năm, cuối năm gặp may
gia đình luôn hạnh phúc sum vầy…

Giờ nghe đến đoạn này tôi bỗng dưng tự nhủ thầm “Thảo nào,  chúc Tết chỉ  đầu năm, cuối năm gặp may cho nên  trong năm xúi quẩy hoài!” Mà xui thật, mới chơi được vài bài thì cái đầu máy DVD bị hỏng cho nên mọi người không còn gì để tiêu-khiển, giải trí. Cho nên khi anh tài-xế dùng microphone báo cáo, xin lỗi hành khách về sự trục trặc kỹ-thuật, tôi lại nổi lên cái máu tửng:

Sẵn có cái microphone,  góp ý anh tài nên hát vài bài karaoke cho bà con nghe chơi?

– Ý kiến hay lắm đó!

– Oh Yeah!…

Có lẽ tôi nói hơi nhỏ hay là anh tài-xế muốn làm bộ bận chăm chú lái xe cho nên chơi cái màn lờ đi, làm như không nghe, giữa tiếng cười khúc khích của vài hành-khách với cái đề nghị nghịch ngợm vừa rồi.

Cái xui không chỉ ngưng ở đó, khi vừa đến bến ở bãi đậu xe của chợ ABC khu Westminster, tôi lại gặp một “trục trặc vì lý do kỹ thuật” nghề-nghiệp cho nên không thể ghé thăm bạn hữu và vài tay nhiếp-ảnh ở đây, để cùng nhau đi “uống cà-phê ở quán” như đã tưng bừng hứa hẹn. Nhất là sau khi được biết rằng sẽ có một cuộc triển-lãm của hơn hai mươi nữ nhiếp-ảnh-gia, mà trong đó có hai cái tên Thanh-Thuỷ, Mai Keleman là  hai “gà nhà”, quen thuộc của nhóm  VDAphoto. Hy vọng sau khi chấm dứt cái hợp-đồng làm việc với MS, tôi sẽ “giải nghệ” sớm, lúc đó sẽ tha hồ ôm cái máy ảnh đi cùng bạn bè khắp nơi cho thỏa chí tang bồng. Ðời quá ngắn để đi làm công mãi cho thiên-hạ trong khi cuộc đời mình tựa như cái bóng bên đường dưới ánh nắng ban mai – thoáng chốc sẽ phai mờ, biến mất.

Xem thêm:   Arkhom

Cái ý tưởng này thoáng qua khi tôi nhìn thấy cái bóng của mình đổ dài trên mặt đường trong lúc chờ đợi chuyến xe khởi hành. Tôi nghĩ đến cái thân phận con người, con đường dài xuống OC và quãng đời còn lại, để rồi thốt lên hai câu triết-lý rất ư là vô duyên, thật huề vốn: “Ối! Ðời là C’est la vie, tình là C’est l’amour”… Ủa, hình như mình dịch sai thì phải! Thôi kệ, miễn là nghe thấy nó “hưng phấn” thì cũng chả chết thằng tây nào…

SVT