Có người cho rằng: “Gặp nhau là ý trời, bên nhau là ý người”…

Hạm đội của Quang có kết giao mối tình dân quân thắm thiết với trường nữ trung học Gia Long, ông hạm trưởng có nhã ý dành cho học sinh một chuyến du ngoạn thú vị bằng tàu của hải quân VNCH. Mỗi lớp chỉ có trưởng lớp được tham dự và những chàng lính thủy có nhiệm vụ hướng dẫn, bảo vệ những cô nữ sinh áo trắng, xinh xắn, bé nhỏ từ lớp 6 đến lớp 12 trong suốt chuyến du hành trên đất liền cũng như trên sông biển.

Ngọc Yến, trưởng lớp 10 A1, vui mừng, háo hức vì lần đầu được đặt chân lên chiếc thuyền lướt sóng, dưới trời mây mênh mông, trên sông nước miền Tây vào một ngày đẹp trời. Rời con tàu, đổ bộ trên con đường đất ghé thăm giang sơn của ông Đạo Dừa ở cồn Phụng thuộc tỉnh Bến Tre, Yến bị hụt chân té nhào vào một chàng lính biển đang đứng canh dưới con đường dốc vừa hẹp vừa gập ghềnh khó đi. Người con gái mới lớn mắc cỡ, thẹn thùng pha lẫn cảm xúc yêu đương len nhẹ vào lòng… Dịp ấy đến thật tình cờ, như một nhân duyên tiền định, Quang và Yến yêu nhau.

Cha của Ngọc Yến là Trung tá thuộc Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, gia đình sống trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Quang thường đến thăm và xin đưa Yến đi chơi, dạo phố mỗi khi anh được nghỉ phép. Đôi lứa yêu nhau, mơ màng dệt mộng, nguyện xin suốt đời được sống an vui, hạnh phúc bên nhau. Quang chờ mong cho Yến học xong trung học rồi xin cưới.

Quang rất yêu mê biển, anh sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, quê hương có những bãi cát trắng chạy dài với biển trời xanh biếc, có những hàng dương lả lơi soi bóng. Là người lính, ôm mộng hải hồ, lênh đênh phiêu bạt với những chuyến hải hành để bảo vệ vùng biển của quê hương, Quang thường gởi nhớ thương về cô học trò nhỏ xinh và âu yếm gọi người yêu là “Hải  âu”, cánh chim của biển xanh sóng bạc. Trong thời chiến, những lá thư tình của lính thì đong đầy những nhớ nhung mà hạnh phúc bên nhau suốt đời thì mong manh như những ánh sao rơi.

Vào những ngày yên bình trên biển, Quang thường mộng mơ có con chim “nghiêng cánh nhỏ”, cùng anh ngắm “bóng chiều sa”(*) và nhìn trăng lung linh trên sóng nước. Lính biển nổi tiếng là những chàng thủy thủ hào hùng nhưng cũng  hào hoa, đa tình và lãng mạn, Yến thường hay bâng khuâng rồi ghen… mơ màng nghĩ đến chuyện tình yêu của loài chim hải âu sống đến 60 năm cuộc đời, chỉ 1 vợ 1 chồng. Yến thường thỏ thẻ: “Nếu lỡ mai em chết, anh yêu người khác em sẽ hiện hồn thành chim hải âu bay về cắn mổ anh.”

Năm 1975, miền Nam thất thủ, Quang phải vào lao tù, thư gởi đi cho Ngọc Yến không hề thấy thư về. Quang ôm nhiều đau khổ trong lòng, nước mất nhà tan, người yêu giờ xa vắng, lưu lạc nơi đâu? Hơn 3 năm sau, Quang ra tù, gõ cửa đến tìm Yến thì nhà đã đổi chủ. Bơ vơ, buồn bã không biết về đâu, chợt nhớ đến Yến có người dì sống ở khu nhà gần Hồ Con Rùa… đi lang thang mong tìm gặp lại người yêu, mắt Quang mở lớn khi nhìn thấy dưới giàn hoa Tigôn một tấm bảng be bé “Cafe Hải  Âu” treo bên cánh cổng của một ngôi biệt thự.

Bảo Huân

Tim đập nhanh, hồi hộp và xúc động, Quang vội bước vào quán… cây cối um tùm, trời âm u, cảnh vật buồn rầu, sầu muộn làm sao! Quang tìm ghế ngồi và gọi ly cafe phin, mắt luôn nhìn vào trong quầy tìm kiếm bồn chồn như kẻ gian. Buồn ơi, người chủ quán nhìn thật xa lạ, Quang buồn lặng lẽ, lòng xa vắng… Tiếng nhạc ngoại quốc không lời êm êm tha thiết… La Paloma, Somewhere my love, Love Story… càng làm Quang thấm thía nỗi sầu cô quạnh. Có lẽ cả nhà Yến đã đi nước ngoài hay về vùng kinh tế mới? Quang chán nản, thất vọng rời khỏi quán cafe và đi xuống phố…

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Trời u buồn, mây đen kéo đến, gió thổi lay lắt trên những cành cây, ngọn lá, mưa bắt đầu rơi… Chân bước, Quang quên cả tiếng mưa, tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng người qua lại mua bán, réo gọi nhau… Quang thẫn thờ đi trên phố, băng ngang qua đường và bước vào Brodard là nơi Yến thích ăn kem, ăn bánh ngọt… Quang lại ngồi nhìn những giọt cafe đen rơi tí tách, lòng cay đắng mang nỗi buồn mất mát, chia ly.

Rạp Rex và Eden còn đó, đang chiếu phim “Sao tháng tám” , “Cách mạng tháng Mười” và phim ngoại quốc “Xê Muốc” của Ba Lan. Người ta nhếch nhác, nhốn nháo, chụp giựt mua bán những món hàng vặt vãnh trên vỉa hè, góc đường, con hẻm… thành phố trở nên xơ xác, tiêu điều và vẻ lo âu, sợ hãi lẫn đói khổ lộ rõ trên mặt người. Mọi thứ đã đổi thay, kỷ niệm cũ của ngày xưa thân ái nay tìm đâu thấy nữa, ôi! đau đớn, xót xa …

Còn đây không gian xưa quen gót lầy

Bên hè phố cây lá thưa, chim đã bay

Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay …

(Rồi mai tôi đưa em – Nhạc của Trường Sa)

Dọc theo đường Lê Thánh Tôn, đi qua một dãy hàng bán giày dép, Quang lang thang đến khu Tạ Thu Thâu (nay là đường Lưu văn Lang). Mắt lại mở to khi nhìn thấy tấm bảng “Hải  Âu” trước một cửa tiệm bán vải lụa, tim đập nhanh khi chợt nhớ Ngọc Yến rất thích thêu thùa, may vá, nàng là nữ sinh của trường Gia Long nổi tiếng với “công, dung, ngôn, hạnh”. Quang vội vã bước vào, bà chủ tiệm đon đả mời chào:

– Cậu mua vải thêu à, có nhiều hàng mới đẹp lắm, mời cậu vào xem.

Quang thảng thốt, ngẩn người vì bà rất giống mẹ của Ngọc Yến nhưng trẻ hơn. Quang ngại ngùng một chút rồi lắp bắp hỏi:

– Dạ… dạ… thưa, cháu không mua vải, cháu chỉ muốn hỏi thăm tìm một người bạn tên Ngọc Yến.

Trong tiệm, có cô gái đang ngồi thoăn thoắt đưa mũi kim bé tí trên khung vải, nghe như có tiếng ai gọi tên mình, cô ngước nhìn lên, mắt họ gặp nhau…

–  Anh… trời ơi… anh Quang…!

Quang ôm người yêu bé nhỏ, lòng sung sướng, rộn ràng sau bao năm tháng xa cách đầy nhớ thương, mà tưởng chừng như không bao giờ còn thấy nhau trong đời.

Phút giây tương phùng, mừng vui lẫn đau buồn… Ông bố của Yến đã vào trại tù xa xôi tận miền Bắc, người anh trai và em trai đang bị cầm tù ở Trà Vinh vì tội vượt biên. Cán bộ chiếm nhà, cả gia đình bị đuổi ra khỏi cư xá, vô gia cư đành phải ăn nhờ ở đậu nhà dì Út. Bà mẹ của Yến là cô giáo dạy Văn nay mất việc vì chồng là sĩ quan VNCH, bà phải ra chợ trời tảo tần buôn bán nuôi chồng tù tội, nuôi con đói khổ. Mấy chị em Yến đan móc, thêu thùa, may vá và phụ dì Út mở quán cafe để kiếm sống. Quang chua xót nghe kể về những khốn khổ điêu linh khi nước mất nhà tan, người người chịu đựng những đau khổ khốn cùng, phải chật vật sống trong một “nhà tù” lớn, thật thảm thương!

Xem thêm:   Món nợ năm xưa

Quán cafe Hải  âu gần Hồ Con Rùa chính là nhà của dì Út, nhưng khi Quang đến tìm đã ngại ngùng không dám mở lời hỏi thăm. Yến lấy cái tên “Hải  âu” để nhắn gửi thông điệp cho người yêu. Thỉnh thoảng Yến có ghé nhà cũ hỏi thăm gã cán bộ đang chiếm ngụ, để mong có ai gởi thư hay đến tìm Yến, nhưng gã vẫn hằn học xua đuổi. Bao nhiêu thư của Quang gởi chắc hẳn gã đã đọc rồi cười hả hê.

Quang vội xin cưới Ngọc Yến rồi tìm đường vượt biên. Là sĩ quan được huấn luyện tại trường Hải Quân Nha Trang, Quang biết lái tàu, rành về đường hàng hải nên nhiều tổ chức vượt biển đi tìm tự do đã bí mật mời gọi.

Thoát ra đến hải phận quốc tế, con tàu lênh đênh đơn độc trên biển. Sau thời gian đầy căng thẳng, lo âu mọi người đều vui mừng vì đã đến được vùng biển tự do. Nhiều người say sóng nằm la liệt trên sàn tàu, mặt Yến tái nhợt, nàng mệt mỏi ngồi bệt, dựa vào vách gần nơi buồng lái để Quang còn nhìn thấy vợ. Nhưng vui mừng chưa được lâu chợt thấy đàn hải âu bay lượn, hoảng hốt, dáo dác gọi nhau.

Bầu trời bỗng trở nên âm u, mưa vần gió vũ, sấm chớp nổi lên, cả tàu lo sợ và nhốn nháo. Bất ngờ có bão, Quang kêu gọi mọi người sẵn sàng chống chọi để sống còn. Quang trấn an và tìm những vật dụng trên tàu để làm phao cho đàn bà và con nít. Quang lấy cái thùng nhựa, cột vợ vào rồi dặn dò: “Có gì xảy ra em phải ráng ôm giữ cái thùng phao này nhé!”. Yến sợ hãi nép vào bên chồng, Quang ôm vợ an ủi: “Ráng lên, mình sắp đến bến bờ tự do rồi, có anh ở đây, đừng lo sợ gì!”

Biển động, sóng gào, gió dập đã nhồi con tàu như chiếc lá nhỏ bé, mong manh; nó rệu rạo, lắc lư, chòng chành như giãy giụa trước giờ lâm tử. Đối mặt với nỗi sợ hãi hùng của trùng dương mênh mông, sóng đã ôm chầm lấy con tàu và đập nó vỡ vụn! Tiếng sóng cuồng nộ át cả những tiếng kêu gào trong vô vọng … Quang chỉ thấy đầu người lố nhố và thấp thoáng bóng cái thùng nhựa mang người vợ yêu quý, nhấp nhô trên sóng rồi xa dần … Còn lại một màu đen ngòm phủ xuống đám người đang ngoi ngóp. Quang ngụp lặn mãi, trong cơn mơ màng dường như có bóng chim vụt bay lên khỏi mặt biển rồi tan thành sương khói, nhẹ tựa như mảnh hồn ai mong manh vừa lìa khỏi xác! …

Quang nhận ra mình đang ôm một tấm ván, bềnh bồng, chơi vơi, giữa biển trời không biết đâu là bến bờ! Những người trên tàu đánh cá Mã Lai đã cứu vớt Quang và 3 người bạn đồng hành đưa vào trại tị nạn Bidong. Hơn 100 người trên chuyến tàu gặp nạn, nhưng không có 1 cái xác nào tắp vào bờ, ngoài 4 người được cứu sống khi đang thoi thóp, ngoi ngóp trên biển. Ôi, con tàu mang một màu ly biệt!

Ngọc Yến, người vợ trẻ của Quang đã chìm dưới lòng biển sâu hay trôi dạt nơi đâu? Hải  âu ơi! sao không sống cùng anh cho đến 60 năm cuộc đời? Quang buồn khổ, hận mình đã đem cô vợ nhỏ bé, yếu đuối đi cùng trên chuyến tàu định mệnh mà giờ đây đã nghìn trùng xa cách.

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Quang đến Mỹ định cư ở Houston, Texas. Ít lâu sau, anh gặp lại Thành một người bạn trong quân ngũ đang sống ở Galveston và cùng nhau đi biển làm nghề đánh cá để sinh sống. Quang siêng năng, chăm chỉ, dành dụm lo giúp đỡ gia đình 2 bên nội ngoại còn ở lại quê nhà, rồi anh mua một chiếc tàu đánh cá, sống lênh đênh trên biển. Mỗi lúc ra khơi, Quang thường thấy có con chim hải âu bay lượn cứ quấn quýt quanh tàu rồi biến mất khi ánh chiều buông. Quang nghĩ đó là hồn của vợ thương nhớ đến thăm.

Khuất nẻo chân trời bóng chim sa,

Ngẩn ngơ thương nhớ, hồn vương vấn.

(Thơ GVV)

Đêm đêm, Quang thường mơ màng như có ai đến vỗ về, ôm ấp, mùi hương tóc mây mềm còn vương trên vai; khi buổi sớm mai vừa tỉnh giấc thoáng thấy bóng chim vụt bay rồi tan biến sau khung cửa sổ còn mờ sương trắng. Bàng hoàng tiếc thương linh hồn người vợ hiền vẫn quyến luyến theo anh đi khắp chân trời góc bể, không chịu rời xa. Khi yêu, người ta luôn mang nỗi nhớ, không gặp thì nhớ mong, vừa gặp vẫn nhớ, bên nhau cũng nhớ, cho nên suốt đời mãi nhớ nhau.

Quang thường về sống cùng gia đình Thành để tránh mùa mưa bão và nghỉ ngơi khi không đi đánh bắt cá. Nhiên, em gái của Thành rất yêu mến Quang. Một hôm Quang bị bịnh nặng, Nhiên chăm sóc anh. Đêm đó, Nhiên kinh hãi không ngủ được vì cứ mơ thấy một con chim đến mổ vào người như muốn xua đuổi. Nhiên kể cho Quang nghe về giấc mơ, anh xót xa nói: “Đó là linh hồn con chim nhỏ hiện về vì ghen”. Vậy mà khi xưa anh lại hay trêu đùa: “Lúc ấy hồn em về, chỉ nhìn rồi nước mắt rơi rơi thôi chứ chẳng làm được gì mà cứ thích ghen!”

Quang vẫn bùi ngùi sống độc thân, anh còn vương mang lời thề mãi nhớ thương người vợ trẻ. Vào một ngày mưa gió, có con chim lạc đàn, nó hoảng hốt bay lượn quanh rồi buồn bã đậu trên mũi tàu “yêu thương”, cất tiếng kêu tha thiết như tìm gọi người bạn tình xa vắng. Quang âu yếm ấp ủ, nó dụi mãi vào lòng Quang. Từ đó con chim nhỏ sống trên tàu, quanh quẩn bên Quang như hình với bóng. Đôi khi, Quang nghe như con chim nhỏ cất tiếng thì thầm, thỏ thẻ … âm vang của ma mị hay trong giấc chiêm bao mơ như Yến đang ở bên anh …!?

Em ơi! cánh buồm xưa còn vương bao lời thề 

Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt, tóc xanh nay phai màu

Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu …

(La Paloma – Cánh buồm xa xưa – Lời Việt của Phạm Duy)

Giọng hát êm êm thường ru Quang vào giấc ngủ với con tim luôn nức nở, tiếc thương, nhớ nhung một bóng hình. Bóng chim lúc ẩn, lúc hiện, nhất là vào những buổi chiều tà … đôi ngã chia ly, cánh chim nhỏ phiêu bạt phương nao mà khiến người ở lại luôn khắc khoải trong lòng với nỗi buồn hiu quạnh…

Yêu nhau một thời, rồi xa nhau một đời.

Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi.

(Giọt lệ cho ngàn sau – Từ Công Phụng)

Nửa thế kỷ đã trôi mau, tóc xanh nay bạc màu sương khói. Chiều chiều, nhìn đàn hải âu bay lượn, hồn lãng đãng phiêu bồng bên bến bờ thương nhớ, Quang mơ mình là cánh chim bay vào không gian, tan vào cõi Vĩnh Hằng …

GVV

(*) Trích bài thơ “Tràng Giang” của Huy   Cận.