Chứng nhân Chiến Tranh Đông Dương CHLOÉ MASERO thực hiện  *  Trần Vũ dịch thuật

Sinh ngày 11 tháng 5-1929 tại Lourdes, Pierre Latanne lớn lên trong một gia đình luật gia chánh quán miền Bordeaux. Sau cử nhân luật, Latanne tình nguyện vào Nhảy dù và là khóa sinh sĩ quan tại Pau. Ra trường Latanne sang Đông Dương phục vụ ở Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam với cấp bậc thiếu úy trung đội trưởng của Đại đội 1 của trung úy Marcel Rondeau. Đại đội 2 do trung úy Phạm Văn Phú chỉ huy. Đại đội 3 của trung úy Jean Gaven và Đại đội 4 dưới quyền trung úy Jacques Marquès. Trong số 4 đại đội trưởng, sẽ chết 3.

Cấp số lý thuyết của Tiểu đoàn 5 là 1,080 binh sĩ nhưng chiều ngày 14 tháng 3-1954 chỉ có 642 quân nhân nhảy xuống Điện Biên Phủ. Sau trận chiến Việt Minh trao trả vỏn vẹn 87 lính và sĩ quan của tiểu đoàn. Những con số nói lên tính chất khốc liệt của trận đánh.

Pierre Latanne về hưu với cấp bậc thiếu tướng, chính là viên thiếu úy đã mở đường máu từ Huguette 6 để rút về Huguette 1. Latanne cũng là sĩ quan đầu tiên cho biết số phận của hai thiếu úy Lộc và Ty bị cách chức đày ra lao công rồi thiệt mạng. Thất bại phản kích lên đồi Gabrielle bám theo Tiểu đoàn 5 Việt Nam trong tất cả sách sử nhưng lính nhảy dù Việt Nam đã chứng minh ngược lại, là họ đã tiếp tục chiến đấu anh dũng cho đến phút cuối cùng. Chỉ cần nhìn vào lịch tác chiến, không dưới 8 trận phản công ác liệt do Nhảy dù Việt Nam thực hiện trên những ngọn đồi thấp cày bom đạn. Đại úy Phạm Văn Phú là tấm gương can trường. Tạp chí Uniformes số 296 tháng 9-2014 dành nguyên trang vinh danh.

[Trần Vũ]

Hai kỳ – Kỳ 2

Lễ Thiêu Sinh”

G&H: Vài giờ sau khi chạm đất, Nhảy dù Việt Nam được giao nhiệm vụ phản công lên đồi Gabrielle để giải tỏa cứ điểm đang bị uy hiếp; mặc dù đơn vị hãy còn hỗn độn và chưa thông thuộc địa hình. Cuộc phản kích diễn ra như thế nào?

Pierre Latanne: Ngay khi lệnh ban ra, hai trung úy Jean Gaven và Jacques Marquès từ chối thi hành vì thấy rõ đơn vị bị hy sinh, cho vào cối xay. Phải hiểu là trong số các tiểu đoàn ứng chiến, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù luôn bị cử đi trước tiên – vì là lính Việt. Ðại tá De Castries ôm như báu vật Tiểu đoàn 8 Nhảy dù Thuộc địa và Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương sát cạnh bộ chỉ huy của mình. Phần lớn các cuộc phản kích bên trong chiến lũy đều diễn ra như thế. Nhảy dù Việt Nam đi đầu. Do đó, xảy ra sự lộn xộn ở các toán khinh binh khi di chuyển từ Éliane đến điểm xuất phát. Éliane ở phía Ðông-Nam trong lúc điểm xuất phát nằm ở Anne-Marie phía Tây-Bắc. Toàn chiến lũy quanh co giao thông hào, chi chít vách ngăn, lá chắn. Tiểu đoàn mất hai tiếng đồng hồ để vượt 3 cây số hào chập chùng kẽm gai và ụ súng. Từ Anne-Marie còn 4 cây số nữa mới đến chân đồi Gabrielle. Việt Minh (Trung đoàn 88 của Sư đoàn 308) chốt chặn ở Bản Kê-Phai. Hai thiếu úy Lộc và thiếu úy Ty chỉ huy hai trung đội mở đường, tiến rất chậm vì không nắm vững địa hình. Chiến xa M-24 Chaffee của thượng sĩ Guntz bị bắn cháy. Trọng liên 12 ly 8 (Ðại đội 213 Việt Minh) quét ngang dọc. Sau thất thủ Gabrielle, hai viên thiếu úy bị buộc tội không muốn chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng Botella nổi điên, muốn đem ra xử bắn. Cuối cùng thiếu úy Lộc và thiếu úy Ty bị lột lon đày ra lao công chiến trường. Cả hai thiệt mạng khi thu nhặt tiếp liệu thả dù.

(Ghi chú của dịch giả: Pierre Latanne không nói rõ trung úy Jean Léon Auguste Gaven và trung úy Guy Roger Jacques Marquès sau từ chối thi hành lệnh, hậu quả ra sao? Có bị kỷ luật? Binh sĩ dưới quyền họ có tham gia phản kích hay không? Việc Gaven và Marquès tử trận sau đó cùng ngày 31 tháng 3 trên cao điểm Éliane 4 cho thấy họ vẫn được lưu dụng.

Trong hầu hết các sách đều ghi thiếu úy Ty và thiếu úy Lộc là trung úy (lieutenant). Lần đầu tiên Pierre Latanne nói rõ họ là thiếu úy (sous-lieutenant).

Câu hỏi khác: Nguyên nhân thất bại giải vây đồi Gabrielle đêm 14 rạng 15 là do thiếu đảm lược của Nhảy dù Việt Nam?

Câu trả lời là lính Việt trách nhiệm 1/3. Còn lại là sự thiếu cương quyết của đại tá De Castries; tính vị kỷ của trung tá Pierre Langlais (chỉ huy Chiến đoàn 2 Không vận kiêm Phân khu Trung tâm) đã không muốn sử dụng Tiểu đoàn 8 Nhảy dù Thuộc địa (8e BPC) và Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương (1er BEP) là hai tiểu đoàn đã được sắp xếp cho việc phản kích và đã thực tập nhiều lần. Langlais giữ 2 tiểu đoàn này để bảo vệ bộ chỉ huy. Sau nữa, là thiết kế phản kích bấp bênh của trung tá Hubert de Séguin-Pazzis (chỉ huy trừ bị lúc đó).

Xem thêm:   Hang gấu

Làm sao 1 tiểu đoàn Dù có thể phá chốt của nguyên 1 trung đoàn Việt Minh chốt chặn ở Bản Kê-Phai để tiến ra đồi Gabrielle? Mà không phải một trung đoàn địa phương mà là một trung đoàn chính quy, là Trung đoàn 88 đã tràn ngập Tiểu đoàn 1 Tán Binh Marốc (I/1er RTM) ở Tu Vũ trong chiến dịch Hòa Bình đêm 10 tháng 12-1952.

Làm sao chiếm lại đồi đã bị hai Sư đoàn 308 và 312 của Vương Thừa Vũ và Lê Trọng Tấn chiếm hết 3/4? Nếu chiếm lại được, thì giữ bằng gì, với hầm hố sập nát, rào kẽm gai và bãi mìn đã bị bộc phá địch phá hủy? Trên Gabrielle đêm đó, thiếu tá Roland de Mecquenem và thiếu tá Edouard Kah đều đã bị thương và bị bắt; toàn Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 7 Tán binh Algérie (V/7e RTA) chỉ còn một đại đội của đại úy René Gendre là còn kháng cự. Ngay khi trông thấy quân dù, lính Algérie lập tức bỏ vị trí. Phản kích Gabrielle bắt buộc thất bại. Quá ít và quá chậm là nguyên nhân).

G&H: Vị trí đóng quân đầu tiên của Nhảy dù Việt Nam trong lòng chảo Mường Thanh?

Pierre Latanne: “Stick” đầu tiên thả dù lúc 3 giờ chiều. Mất gần hai giờ để toàn tiểu đoàn xuống đất. Tập hợp xong lúc chạng vạng và trong bóng tối lội qua các chiến hào đến điểm tập trung. Ngọn đồi chúng tôi bị quăng lên chưa có tên. Ðến khi chúng tôi đào đất mới mang tên Éliane 4. Là một doi đất hung hiểm, khía vài đường hào nhầy bùn, tiểu đoàn Marốc đóng trước đó tổ chức phòng thủ sơ sài, không có công sự vững chắc. Ðể nghi lễ thêm đầy đủ… trời vụt mưa! Cơn mưa nhỏ nhưng xuyên thấu làm hố đất chúng tôi vừa đào xong hóa thành ao sình. Ðêm đầu tiên là một trong những đêm ác nghiệt nhất. Ai đã trú pháo trong sình lỏng sẽ không quên. Lính tráng với sĩ quan bẩn thỉu, ướt át ngấm tận xương. Ðói nữa. Vì chúng tôi chưa ăn gì hết từ lúc lên máy bay ở Gia Lâm. Là trưa hôm trước. Nhưng cảm giác bất an lên đến mức không ai còn nghĩ đến thức ăn. Chúng tôi sẽ còn trải qua thống khổ nhiều hơn nữa nhưng đêm đó, là đêm đầu tiên. Tôi đã nghĩ không gì có thể tệ hơn. Gần sáng lệnh nai nịt chuẩn bị phản kích ra Gabrielle!

(Ghi chú của người dịch: Mường Thanh hay Mường Then là tên địa phương của sắc tộc Thái trắng sống trong thung lũng. Sắc tộc Thái đen sống phía bên kia sông Đà, về phía Lai Châu và Sơn La. Điện Biên Phủ là tên của triều đình Huế đặt cho thủ phủ của Mường Thanh, và là Phân khu Trung tâm của chiến lũy).

G&H: Sau phản kích thất bại, đại đội của thiếu tướng lên đóng trên cao điểm Dominique

Pierre Latanne: Chúng tôi được lệnh cố thủ. Phải sửa sang lại hầm hố. Rạng đông ngày 16, kinh hoàng tái diễn. Cách vài trăm thước Việt Minh dễ dàng trông thấy 60 lính nhảy dù đang di chuyển trên đỉnh đồi trọc. Chúng nã cối liên tiếp. Khá đông binh sĩ thương tích. Không gì xuống tinh thần bằng phải chịu đựng trong chờ đợi bất lực, những quả đạn trút xuống đầu mình với tiếng «départ» nghe rõ mồn một! Chống cự cách nào ngoài rụt cổ xuống vai? Siết chặt nắm tay trong lúc cơ thể căng ra chịu trận. Rồi là tiếng xì xì xạc xạc một giây trước tiếng nổ. Giống chơi roulette Nga. Cho một viên đạn vào súng ru-lô, xoay mạnh rồi kê vô màng tang. Bóp cò. Cơ bẩm đập trúng viên đạn hay không? Trời biết.

(Ghi chú của người dịch: Khác Gabrielle (đồi Độc Lập trên phóng đồ Việt Minh) là một cứ điểm (Point d’Appui PA), Éliane là một trung tâm đề kháng (Centre de Résistance CR). Gabrielle chỉ có một cao điểm Gabrielle, không có Gabrielle 1, 2, 3. Ngược lại Éliane ngay từ đầu đã có 2 cứ điểm Éliane 1 và Éliane 2. Sau đó thành lập thêm Éliane 3, 4, 10. Một trung tâm đề kháng như thế có nhiều cứ điểm phối thuộc liên hoàn, như Béatrice (đồi Him Lam) có 3 cứ điểm Béatrice 1, 2, 3. Tương tự với Dominique 1, 2, 3, 4 và Huguette 1 đến 7. Một trung tâm đề kháng do một hoặc nhiều tiểu đoàn phòng thủ, còn một cứ điểm do một, hai đại đội hoặc nhiều nhất là một tiểu đoàn cố thủ.)

Tiểu đoàn 5 NDVN trên đường mòn Pavie, trong hành quân Pollux đón quân trú phòng Lai Châu. Sẽ đụng Trung đoàn 88 của Sư đoàn 308 tại Bản Tâu và Mường Pồn.

G&H: Sau mưa cối, phát sinh đe dọa khác… 

Pierre Latanne: Yên tĩnh trở lại, cho đến một đêm chúng tôi nghe tiếng cuốc xẻng của Việt Minh đang đào xung quanh vị trí, với quyết tâm rất mãnh liệt vì nhịp xẻng rất nhanh. Tiếng động dây chuyền, tách bạch rõ ràng. Nhưng đêm tối như mực khiến chúng tôi không sao nhìn thấy họ. Tiếng cào đất liên tục làm chúng tôi thức suốt đêm. Trí óc của chúng tôi hoạt động mạnh, hình dung bọn Việt (Les Viets) đang đào một đường hầm bên dưới, để chất đầy cốt mìn cho chúng tôi nổ tung. Nếu là vậy, thì còn kịp phản ứng vì họ không thể hoàn tất trong vài giờ. Ngay trước bình minh, mọi tiếng động bỗng dưng ngưng bặt đột ngột. Các toán thám thính lập tức lợi dụng lớp sương mù ban mai để ra thám sát. Kinh ngạc! Chúng tôi sững sờ khám phá bọn Việt đào nhiều giao thông hào đâm vào cứ điểm, đã khá sâu và đủ rộng, chỉ còn cách rào kẽm gai 50 thước. Chúng tôi kinh hoàng vì tiến độ nhanh của công trình. Với vận tốc này, chưa đầy hai đêm là chúng đã áp sát các lỗ châu mai.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

(Ghi chú của dịch giả: Như đã phụ chú trong phần 1, quy ước Pháp văn của Quân đội Pháp khi viết “Les Viets” (Bọn Việt) hoặc “Les soldats Viets” là ám chỉ Việt Minh. Khi viết “Les soldats vietnamiens” là nói lính Việt Nam Quốc gia. Một quy luật bất thành văn. Viets là Cộng sản, còn Vietnamiens là dân Việt hay Việt Quốc gia.)

G&H: Phải làm?

Pierre Latanne: Ðại đội trưởng của chúng tôi là đại úy Alain Bizard (thay thế trung úy Marcel Rondeau tử thương ngày 26 tháng 3) quyết định lấp các giao thông hào. Phải làm sao lấp nhanh hơn vận tốc đào của địch. Các trung đội luân phiên lấp đất. Gài mìn và cài lựu đạn cách vài thước trước khi đổ đất lên. Nhưng ngay khi sương mù tan, cối 61 ly, 82 ly của địch ụp xuống. Thương vong rất cao. Ðịch cối suốt thời gian lấp đất. Vì chúng ở những điểm cao hơn nên nhìn thấy chúng tôi rất rõ và vì chúng điều chỉnh tác xạ bằng mắt, nên ngay khi địch pháo trúng là chúng tôi thay đổi vị trí lấp hào, buộc chúng phải tái điều chỉnh hỏa điểm, giúp thêm thời gian. Các trung đội thay phiên và đại úy Bizard ước tính sát sao nguy hiểm để phân chia đồng đều công tác. Vì không có gì khủng khiếp hơn là cố tình phơi mặt ra chết. Mỗi 48 tiếng, công việc cực nhọc vô nhân tính này tái diễn. Sẽ vô cùng khủng hoảng nếu nghĩ chỉ hai giờ sau khi bắt đầu, một trung đội 20 lính còn chưa đến 15. Và mỗi hai ngày là đến phiên.

Chúng tôi đứng cách nhau thật xa, để tránh cho một quả pháo sát thương nhiều mạng một lúc. Thiếu úy, chuẩn úy, thượng sĩ, trung sĩ thao tác như nhau. Không ai có quyền từ chối. Nhưng ban đêm bọn Việt đào nhanh hơn chúng tôi lấp đất ban ngày. Chúng luôn đi trước chúng tôi và càng lúc càng tới sát rào phòng thủ.

G&H: Trận cường tập thứ nhì khai diễn lúc nào?

Pierre Latanne: Hỏa tập bắt đầu lúc 6 giờ chiều 30 tháng 3. Pháo kích dữ dội cùng khắp. Nhiều khẩu pháo của chúng ta ở Phân khu Trung tâm (Claudine) bị tiêu hủy. Ðến 10 giờ đêm, địch tiến công. Chúng tôi ở tâm điểm của tấn công. Bộ chỉ huy cố gắng tăng viện cho chúng tôi nhưng quân trú phòng bị chia cắt, vây thành từng cụm nhỏ. Ðến rạng đông, nhịp bắn suy giảm. Chuỗi tiếng nổ cuối cùng chấm dứt trả lại sự yên lặng kỳ lạ. Chúng tôi ghi nhận mức độ thiệt hại và lập bản liệt trận rùng rợn cho những mất mát chết chóc phía mình. Cứ điểm của chúng tôi chỉ còn là một đống đất xáo trộn, nhất là mỏm phía Bắc đã rơi vào tay Việt Minh. Thiếu úy Jean Claude Thélot chết đêm đó.

(Ghi chú của người dịch: Vào cuối tháng 3, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam không còn trên các cao điểm Dominique vì đã bàn giao cho Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 3 Tán Binh Algérie (III/3 RTA) của đại úy Jean Garandeau (sẽ tử trận trên Dominique 1). Tiểu đoàn 5 ra tăng phái cho Huguette là chuỗi căn cứ phía Tây phi đạo. Dominique và Éliane phía Đông.)

G&H: Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 2 Lê Dương (I/2 REI) thay thế Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam (5e BPVN) trên Huguette 6. Là 1 tháng 4-1954. Thiếu úy Latanne rời đồi sau cùng vì phải ở lại để bàn giao

Pierre Latanne: Không còn cấp chỉ huy, cũng không nhiệm vụ đặc biệt ngoài đợi viên trung úy Lê Dương đến nhận vị trí. Tôi đi dọc giao thông hào, vào các công sự tìm một chỗ ngả lưng. Tôi không phải tìm lâu, vì một trận mưa pháo ập xuống xô tôi vào một căn hầm. Pháo kích kéo dài nhiều giờ, mà chúng tôi không sao biết là quấy rối, gây hỏa mù hay bắt đầu một trận tấn công lớn. Cá nhân tôi nghĩ là pháo dọn đường: dập cho choáng váng trước khi xung phong.

G&H: Vậy là tổng công kích?

Pierre Latanne: Khoảng 9 giờ đêm thì chúng tôi biết chắc là tổng tấn công. Suốt đêm chúng tôi cố gắng thoát ra khỏi địa ngục. Ðến sáng mới về đến tuyến sau. Thêm một lần nữa, điểm danh những đồng đội vĩnh viễn vắng mặt. Trên Huguette 6, lúc triệt thoái chúng tôi khoảng ba trăm binh lính và sĩ quan, tính luôn đại đội Lê Dương. Còn đúng 67 người.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Quân số hao hụt nên các trung đội phải sát nhập. Chính lúc này tôi được giao nắm trung đội hỏa lực của tiểu đoàn, gồm súng cối 60 và 81 ly, đóng trong một khoang đất moi lên trên Éliane 4, hứng đủ gió mưa và pháo kích. Cường tập không chấm dứt. Vài ngày sau địch bứng Éliane 1. Chỉ trong ba giờ đồng hồ hai đại đội của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 Săn giặc Nhảy dù (II/1er RCP) chết phân nửa. Trung tá Bigeard tung Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) của thiếu tá Thomas, rồi Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương (1er BEP) của thiếu tá Guiraud, rồi Tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê Dương (2e BEP) của thiếu tá Liesenfelt giành giật từng thước đất. Nhảy dù chiếm lại đồi rồi bị đánh bật xuống. Rồi chiếm lại, rồi lại bị đánh bật ra. Ðêm 10 tháng 4, trừ bị cuối cùng là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam. Ðại đội 3 của đại úy Henri Guilleminot (thay trung úy Gaven chết đêm 31 tháng 3 trên Éliane 4) và đại đội 2 của trung úy Phạm Văn Phú xung phong lúc ba giờ sáng. Ðại úy Guilleminot bị thương ngay phút đầu tiên, trung úy Phú chỉ huy hai đại đội chiếm được đỉnh đồi và giữ vững cho đến trưa. Éliane 1 chỉ rơi vào tay Việt Minh đêm 1 tháng 5, sau khi Nhảy dù Việt Nam đã bàn giao cho Tiểu đoàn 2 Nhảy dù. Trung úy Phú thăng đại úy quyền tiểu đoàn phó sau trận này.

G&H: Đoạn kết của Điện Biên Phủ?

Pierre Latanne: Ngày 5 tháng 5 trời sập dưới hình thức một trận lũ trong kinh thánh. Một khai vị của tận thế. Căn hầm của tôi biến thành bồn tắm ngập sình chảy xuống từ sườn đồi như các mảng nham thạch lỏng. Ngày 6 tương đối yên tĩnh. Trước 5 giờ chiều pháo dội xuống vị trí. Ðịch điều chỉnh tác xạ. Rồi là các giàn “phong cầm Staline” với 48 ống phóng rốc-kết 132 ly dập suốt đêm. Mọi thứ bị hất tung, vỡ tan, lộn ngược. Tôi bị thương lúc ra giao thông hào. Một tia chớp lóe đến lòa mắt, tiếp liền là tiếng nổ. Màn đen kín bưng sau ánh lửa chói chang. Giống bị xé mất chân ở khúc đùi, tôi không cảm thấy một chân của mình nữa và đui mù. Tôi dùng tay sờ nắn, dưới lớp kaki rách các ngón tay tôi chạm vào một dung dịch ấm sền sệt. Tôi đoán không khó khăn là đầu gối của mình đã bị cày xới thành một khúc thịt méo mó, nhớp nháp đầy máu. Chiến hào vẫn rối loạn. Hỗn loạn khôn tả, tiếng kêu, tiếng hú, tiếng nổ. Không khác một lò sát sanh. Còn một chân lành, tôi cố gắng lết xuống bộ chỉ huy báo là tôi bị thương, cần thay thế. Ðại úy Botella quát: “Anh làm chó gì ở đây? Về vị trí chiến đấu!”

“Vị trí chiến đấu” của tôi là đỉnh Éliane 4 đang bị pháo băm vằm. Tôi lết xuống trạm y tế của tiểu đoàn. Trạm cứu thương hay trạm y tế là danh từ quá lớn lao cho căn hầm đào trong hốc đá chất ngập thương binh của đêm hôm trước. 2 giờ sáng, Éliane 2 sát ngay cạnh chúng tôi bị địch đào hầm nhồi 2 tấn TNT cho nổ tung, chôn vùi trọn đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 Nhảy dù (1er BPC). Tất cả kết thúc khi rạng đông.

G&H: Sau đó?

Pierre Latanne: Sau đầu hàng, tôi vẫn ở trong chiến lũy thêm 3 ngày. Bị thương nên tôi di chuyển khó khăn. Tôi chứng kiến hàng hàng tù binh đi qua… Nhiều binh sĩ ném cho tôi thuốc lá, bánh biscuits, trái cây khô… Ðám Bộ đội canh gác không can thiệp và không tra hỏi. Sau đó bọn Việt giam tôi chung với các thương binh khác. Hôm đó là ngày 11 tháng 5-1954, trời nắng, tôi tròn 25 tuổi. Tôi biết ở nhà, tại thị trấn Lourdes nơi Ðức Mẹ từng hiện ra, cha mẹ tôi đang khóc.

(Ghi chú của dịch giả: nguyên văn Les Bô Đôi trong bản Pháp văn.)

G&H: Trong trại tù binh ra sao?

Pierre Latanne: Gần năm ngàn thương binh về các trại Mường Phăng, Tuần Giáo, sau đó là trại tập trung khổng lồ ở Tuyên Quang. Ðối với tôi, thế giới lao tù Việt Minh là cơn ác mộng. Sau các buổi “kiểm điểm”, “tự phê”, “học tập chính trị” và “giác ngộ” là hai ca cơm không rau cải, không một lát thịt, không một miếng mỡ. Một chế độ dinh dưỡng chết đói. Cũng không săn sóc thương binh. Họ không cho một viên thuốc nào. Cuối tháng 8 bắt đầu trao trả tù nhân. Tôi trong số những sĩ quan cuối cùng rời trại ngày 7 tháng 9. Tôi về Pháp sau ba tuần điều trị. Tôi còn nằm bệnh viện thêm gần một năm mới hồi phục trước khi sang tham chiến bên Algérie./.

CM

TV dịch từ bản Pháp in trong nhị nguyệt san Guerres & Histoire số 69 tháng 10-2022, trang 36-42, tổng hợp với phiên bản thâu âm phỏng vấn Pierre Latanne http://www.frequenceluz.com/…/1242-1er-salon-du-livre….

Về quân số và thiệt hại của Tiểu đoàn 5 NDVN, xem:

Lourdes: Journée nationale d’hommage aux “Morts pour la France en IIndochine” LOURDES-ACTU (lourdesactu.fr)