Lời tòa soạn: Tháng 5-1991 trên tạp chí Văn Học số 63, thời kỳ Nguyễn Mộng Giác làm chủ biên, họa sĩ Võ Đình đã phê phán các họa sĩ Việt Nam sao chép hình mẫu thiếu nữ của danh họa Modigliani trong một thời kỳ dài. Tuần này là phần tiếp theo của tiểu luận ấy.

Kỳ cuối

Ngay sau cái chết của “Mô-đi”, họa phẩm của chàng tăng giá vùn vụt. Paris lại bắt được một thiên tài đọa đày mới toanh. Ba mươi tám năm sau, con bé mồ côi ngày nào được mời đến tham dự buổi khai mạc như một thượng khách. Người ta biết rằng suốt đời nàng không bao giờ có được trong tay một tác phẩm của cha. Tranh “Mô-đi” đã vượt quá khả năng tài chánh của một giáo sư Ý-văn tỉnh lẻ miền Bắc nước Pháp. Jeanne không có được một tác phẩm, không có được một bức phác họa của thân phụ trong nhà, nhưng khuôn mặt của nàng nói lên quá nhiều về nghệ thuật của ông. Cô đơn, hèn mọn, tái tê. Và thật. Thật như con người. Thật như cuộc nhân sinh.

Năm “Mô-đi” đặt chân đến Paris (1906) là năm Cézanne, ông cha đẻ của nền hội họa hiện đại, qua đời. Picasso đã đi qua Thời Kỳ Xanh và Thời Kỳ Hồng. Trong khi “Mô-đi” còn đang loay hoay vật lộn với bao nhiêu khó khăn sinh sống cũng như nghệ thuật thì Picasso đã bắt đầu khai thác nghệ thuật điêu khắc Hắc Phi để từ đó tiến về con đường Lập-thể Phân-tích (Cubisme Analytique) và Lập-thể Tổng-hợp (Cubisme Synthétique). Braque đã vẽ bức danh họa Nhà ở Estaque (1908). Duchamp đã vẽ Người khỏa thân đi xuống cầu thang (1912). Kandinsky đã vẽ Ánh sáng số 166 (1913), những bức họa đã làm nên cuộc cách mạng mỹ thuật của đầu thế kỷ XX. Trong một thập niên, từ ngày bước chân lên đất Pháp, lăn lộn nhiều trong giới nghệ sĩ đương thời (Chagall, Léger, Lipchitz, Kisling, Pascin, Utrillo, Soutin, v.v…) “Mô-đi” vẫn thủ một thế đứng biệt lập. Thiên tài của “Mô-đi” là nhìn thấy và vẽ lên được cái đẹp lớn của những khuôn mặt nhỏ nhoi, của những kiếp sống tầm thường, như thân phận những cô hầu bàn ở các tiệm ăn bình dân, những đứa con gái suốt đời chui rúc trong những xóm nghèo khu Montparnasse.

Nói cho ngay, bắt đầu từ 1916, 1917 trở đi, “Mô-đi” cũng có hoàn thành một số tranh lõa thể và những tranh lõa thể này đã cùng với những chân dung, sau cái chết của “Mô-đi”, dựng nên sự nghiệp rực rỡ của chàng. Tuy rằng những tranh lõa thể này, với những đường cong tuyệt mỹ gợi nhớ gốc gác quê hương Florence và các bậc tiền bối lẫy lừng như Botticelli, Pollaiuolo, Simone di Martino, chúng vẫn tiềm tàng một nỗi cô quạnh, lẻ loi khác thường.

Cô đơn, hèn mọn, tái tê, cô quạnh, lẻ loi… Ấy vậy mà những người nữ “Mô-đi” lại đã đi vào lịch sử hội họa Việt-Nam hiện đại. Có một tần số chung nào đó trong sự rung cảm sắc màu, trong âm vang đường nét? Từ thế hệ tiền chiến đến bây giờ, người nữ trong tranh Việt lúng túng quẩn quanh trong vòng vây những vết cọ tài tình của thằng “Mô-đi”. Những khuôn mặt thon dài, quá dài, những con mắt không ngươi, những chiếc cổ cao, cao quá cỡ, những đôi vai gầy, xuôi, những tấm thân mảnh dẻ…

Tranh Modigliani

Nhưng Paris đầu thế kỷ không phải là Hà-Nội tiền chiến và Sài-Gòn sau Genève. Người nữ của “Mô-đi” là người nữ của Paris trời xám, của những chung cư tồi tàn, của những quán cà-phê nồng nặc mùi rượu vang rẻ tiền và thuốc lá đen. Trong không khí lãng mạn cố hữu Việt-Nam và dưới ánh sáng mặt trời nhiệt đới, họ đã đổi thay. Họ rời bỏ nét buồn xóm nghèo Montparnasse. Họ đã “điểm phấn đeo hương não nùng” (4). Họ thoáng hiện (…) về trong đáy cốc/Nói cười như chuyện một đêm mơ” (5). Khuôn mặt họ vẫn gầy, vẫn dài nhưng óng ả ra. Thân hình họ mảnh mai nhưng được khoác lên hoặc chiếc áo cánh nõn nường, hoặc cái áo dài tha thướt, áo lụa, áo nhiễu, áo gấm, áo nhung. Những bàn tay, ngón tay người nữ “Mô-đi” vốn là những nét phác họa sơ sài phóng túng, thuôn dài ra, biến thành những ngón tay tiên, tay tơ, những cánh bướm phảng phất phấn hương. Ở Paris, họ lo buồn vì tiền nhà tiền chợ, vì chồng vì con. Ở Việt-Nam, họ “buồn ơi, xa vắng mênh mông là buồn” (6)…

Tranh Nguyễn Trung

Người họa sĩ Việt-Nam tài tình quá đỗi, khéo léo quá đỗi! Chẳng là người Việt ta xưa nay vốn có khả năng tiếp nhận và dung hợp đó sao? Nếu cổ tích Việt-Nam có chuyện Hoàng tử Cóc, thì bây giờ quả là có chuyện Công chúa Ễnh ương. Cũng khuôn mặt dài “Mô-đi” ấy, cũng cặp mắt không ngươi “Mô-đi” ấy, cũng đôi vai xuôi “Mô-đi” ấy, những người đàn bà con gái xóm nghèo khu Montparnasse dưới những vuốt ve tô điểm của một số tay cọ Việt-Nam trở thành những nàng Bao Tự của thế kỷ XX, những người “em sầu mộng của muôn đời” (2). Người ngoại quốc yêu tranh nhìn nàng, nhất định phải giật mình kinh ngạc, thán phục cái tài “làm đẹp” của một số nghệ sĩ tạo hình Việt-Nam trong một nửa thế kỷ tàn khốc vừa qua.

Tranh Nguyên Khai

Và thương cho những bà cụ Việt-Nam tóc bạc da mồi, ngồi khóc con khóc cháu sinh Bắc tử Nam, sinh Nam tử… Miên. Thương cho những cô gái bình dân bán quà vặt, gánh nước, mồ hôi đẫm ướt lưng áo sờn vai. Thương cho những thiếu phụ tháng ngày lật đật, dậy sớm thức khuya, chồng con cơm áo. Thương tất cả! Tất cả những người đàn bà con gái Việt-Nam, từ bà mệnh phụ cho đến cô gái điếm, từ nàng minh tinh cho đến mụ bán chè, từ cô giáo cho đến chị vú, từ bà già hom hem cho đến em bé gái mắt đen tròn xoe… Thương họ không được hiện diện, thật sự hiện diện trong hội họa Việt-Nam, để 50 năm, 100 năm, 500 năm nữa, các thế hệ sau có cơ hội ngắm họ và khóc cười với họ. Như chúng ta ngày nay vẫn cười vẫn khóc với cái cô nàng bạc phận nhưng nhan sắc khuynh thành, cái nàng có “làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” độ nào…

Tranh Đinh Cường

o O o

Từ thời thượng cổ, văn minh giống người này ảnh hưởng văn minh giống người kia, phong tục xứ sở này ảnh hưởng phong tục xứ sở nọ là điều tự nhiên và cần thiết. Trong sinh hoạt chung của nhân loại, giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật là một hiện tượng rõ nét.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Trong cuốn Gởi Hương Cho Gió, ấn hành năm 1945, dưới nhan đề bài thơ của mình Xuân Diệu cho in một câu thơ của Baudelaire. Chắc hẳn nhà thơ lấy làm đắc ý lắm. Xuân Diệu “tiêu hóa” Baudelaire thật ngon lành. Viết về Thu, Baudelaire có những câu rùng rợn như:

Tiếng thảm não vọng về sân bên cạnh

Cành khô gầy đổ xuống một nơi xa (7)

Cũng viết về Thu, Xuân Diệu lại Việt-Nam không chịu được:

Gió thầm mây lặng dáng thu xa,

Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà

Trước nữa, Yên Ðổ Nguyễn Khuyến đậu Tam-nguyên, nếu không phải là người tài hoa thì cũng là kẻ làu làu thiên kinh vạn quyển. Vậy mà rút lui về vườn, một ngày thu nọ cụ mời các Tứ Kiệt, Tứ Hữu, các ông Ðào, ông Lý, ông Ðỗ, ông Bạch đi chơi chỗ khác để cụ ung dung một mình:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền con bé tẻo teo

Tranh Đinh Cường

Lại Việt-Nam không chịu được. Không phải Việt-Nam ở “thầm”, ở “lặng”, ở “thu xa”, “chiều tà”, mà là ở “mưa trưa”. Không phải Việt-Nam ở “ao thu”, ở “thuyền con”, mà ở mấy chữ “veo”, “tẻo teo”. Chỉ cần có thế. Trời đất là của chung. Quê hương mới là của riêng. Riêng ở một chút mưa trưa nhiệt đới, ở cái veo cái teo chẳng ra gì. Trong mỹ thuật cũng vậy. Ta học vẽ sơn thủy (văn-nhân-họa, quay ngược về tận Tô Ðông Pha đời Tống) vẽ hoa điểu thảo trùng của Tàu. Rồi ta lại học vẽ sơn dầu, phong cảnh, chân dung, tĩnh vật của Tây. Ấn-tượng, Tượng-trưng, Siêu-thực, Siêu-tả-chân, Trừu-tượng, hầm bà lằng. Tìm đâu ra cái của ta, cái “chẳng ra gì” của riêng ta?

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Có lẽ những người đàn bà con gái xóm nghèo khu Montparnasse gợi nhớ “Mô-đi” về những người đàn bà con gái ở quê hương Tuscany của chàng, những người nữ nổi tiếng Âu-châu về cái nhan sắc đặc thù Ðịa-Trung-Hải của họ: bình dân mà cốt cách, tự nhiên mà mặn mà, quê mùa mà nồng nàn, thô sơ mà quyến rũ. “Mô-đi” vẽ cái “chung” mà làm thành cái “riêng”. Ðể bên cạnh La Primavera của Botticelli (thế kỷ XVI), những người con gái của “Mô-đi” không đến nỗi phải xấu hổ.

Tranh Modigliani

Yên Ðổ, Modigliani, Xuân Diệu là những người biết rõ cái riêng của mình mà cũng biết lấy cái của thiên hạ mà làm thành cái riêng. Họ làm được vì họ biết cả hai cái riêng và chung thật thấu đáo. Họ biết rằng nghệ thuật đến từ nghệ thuật, mà nghệ thuật cũng đến từ cuộc đời, đời ta và đời chung quanh ta.

Bàn về điểm này André Malraux có viết những câu cực kỳ xác đáng và lý thú: “Thuở niên thiếu, có cơ hội gần gũi nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật, và cảm thấy xúc động – xúc động sâu xa vì chính những tác phẩm hơn là vì những sự vật hay đề tài được trình bày – đó là cơ duyên tạo nên một nghệ sĩ. Người cầm cọ đâu có tà tà đi từ những bức tranh đã vẽ hồi còn con nít đến những tác phẩm của mình về sau. Kẻ nghệ sĩ không lớn lên từ thuở ấu thơ; họ trưởng thành nhờ những va chạm, những xung đột giữa chính họ và những tâm thức chín muồi xa lạ” (8).

Tranh Thái Tuấn

Những cây cọ Việt-Nam vẽ tranh đàn bà con gái với ảnh hưởng không phủ nhận được của Modigliani, đã thừa hưởng thật nhiều những “va chạm”, những “xung đột” đó. Nhưng “tâm thức chín muồi” của “Mô-đi” vẫn còn quá xa lạ với tâm thức các họa sĩ chuyên trị “người đẹp” của ta. Với hậu quả là chúng ta có những nàng “Bao Tự mặt sầu bi”, những người “em sầu mộng”, những cô “gái trong song cửa”. Nhưng chúng ta lại không có được những người nữ Việt-Nam. Những người nữ đài các hay bình dị, mập mạp hay gầy gò, xinh đẹp hay thô thiển, cục mịch hay nõn nường. Họ thế này thế kia không quan trọng.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Quan trọng chăng là chúng ta có được những người đàn bà con gái biết khóc biết cười, biết thương biết ghét, những con người lỡ tay thì chảy máu, hờn tủi thì nước mắt lưng tròng, lạnh lẽo thì co ro, nực nồng thì đổ mồ hôi hột. Những hình ảnh như vậy mới xứng đáng với người nữ Việt-Nam, những con người thật, những người chúng ta “yêu”, như nhà văn nọ đã từng nói hôm ra mắt sách. Xứng đáng với người đi trước mở đường, “thằng Mô-đi”, Amedeo Modigliani, vị vương tử của chốn nghệ sĩ giang hồ, tài hoa, đọa đày, ngang tàng, yểu mệnh.

Washington D.C.

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019 từ bản in trên Tạp chí Văn Học số 63 tháng 5-1991, trang 18 đến 32.

(*) phụ bản tranh Modigliani và tranh Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyên Khai, Thái Tuấn https://www.google.com/imgres?imgurl=https%3A%2F%2Fi5.walmartimages.com%2Fasr%2F547e2d78-0000-437c-8912-7891c553f13b_1.7f8c8fb939b7fcdd83d615d0d4ce8a78.jpeg%3FodnHeight%3D450%26odnWidth%3D450%26odnBg%3DFFFFFF&imgrefurl=https%3A%2F%2Fwww.walmart.com%2Fip%2FLunia-Czechowska-1919-Poster-Print-by-Amedeo-Modigliani%2F191945083&docid=2m4lmXdn66ZiNM&tbnid=h5gevQGNOKGhCM%3A&vet=10ahUKEwiHurfhqOfkAhWRCTQIHWosAR0QMwhuKAUwBQ..i&w=450&h=450&hl=fr&bih=601&biw=1280&q=modigliani%20%20&ved=0ahUKEwiHurfhqOfkAhWRCTQIHWosAR0QMwhuKAUwBQ&iact=mrc&uact=8.

Chú thích của Võ Đình:

(1) Đã nhiều năm nay, từ dân gian vẫn được thông dụng, trong nghĩa nghệ thuật dân gian (arts populaires, folk arts). Chúng tôi thiển nghĩ từ bình dân rõ ý hơn.

(2) Lưu Trọng Lư

(3) Xuân Diệu

(4) Chinh Phụ Ngâm

(5) Quang Dũng

(6) Thế Lữ

(7) Charles Baudelaire, Sonnet d’Automne (Les Fleurs du Mai), V.Đ.M. dịch

(8) André Malraux, Les Voix du Silence, p.279, 1951, V.Đ.M. dịch