Nguyễn Tú An phóng tác
Ðây là một mẩu chuyện do Rip thuật lại. Rip mới mười tám tuổi đã lẻn xuống chiếc tàu buôn để vượt biển. Nhưng vừa ra khơi thì bị lộ… Thay vì tống giam xuống hầm, viên thuyền trưởng đang thiếu nhân công, cho Rip làm phụ bếp. Chỉ vài bữa sau, Rip khám phá ra dãy cũi sắt giấu dưới hầm tàu, nhốt toàn da đen. Thì ra đó là tàu buôn nô lệ cung cấp nhân công cho các đồn điền trồng tỉa.
Truyện của Rip như sau:
“…Tàu đi về hướng Tây. Tôi nghe đám thủy thủ nói với nhau:
– Lão Bốc – tức là người thuyền trưởng – bao giờ cũng gặp may. Tàu của lão luôn luôn thuận buồm xuôi gió!… Ði được nửa đường rồi mà chẳng gặp cản trở gì, còn bọn nô lệ ăn no ngủ kỹ, chẳng đứa nào bệnh tật!
Họ nói đúng. Chuyến này chắc lão phát tài to, nên đôi khi thấy tôi, lão không quát mắng ầm ĩ như trước.
Trên tàu tôi chỉ có hai người không đồng ý với lão: đó là viên phó thuyền trưởng Cốc và gã da đen to lớn Ti-me. Mặt họ lúc nào cũng buồn thiu.
Một buổi sáng đẹp trời, có tiếng la trên vọng canh:
– Tàu buồm phía bên mặt!
Lão Bốc trèo vội lên phòng lái, chĩa ống nhòm coi rồi gọi Cốc rối rít. Hai người chăm chú quan sát con tàu lạ.
Ðó là chiếc tàu buồm tuyệt đẹp… Cả chục cánh buồm trắng chồng chất lên nhau trông xa như tòa lâu đài cẩm thạch. Nó lướt sóng nhẹ nhàng như con hải âu.
Lão Bốc ra lệnh căng buồm chéo phía lái… Ðám thủy thủ chạy rầm rập; tàu đổi hướng, nhưng chẳng bao lâu chiếc tàu buồm phía sau cứ mỗi lúc một gần.
Khoảng năm giờ chiều, tôi nghe hai tiếng đại bác nổ… Ðó là súng hiệu bắt dừng tàu. Lúc ấy tôi mới hay: chiếc tàu buồm là tàu tuần tiễu của Anh quốc, chặn bắt tàu buôn nô lệ.
Viên phó thuyền trưởng lo lắng:
– Làm sao giờ đây?
– Chống lại, chứ còn sao nữa!
– Ðiên à!… Tàu nó mười hai khẩu đại bác lại chạy nhanh như gió…
– Giữ sao được đến tối mịt là thoát… Gió có vẻ dịu đôi chút rồi đó, hay lắm!
– Lỡ nó tới vừa tầm bắn rồi nổ súng trước?
– Không lo… Mình thả ngay hai xuồng nước, rút lui… Trước khi đó, châm ngòi kho thuốc súng dưới hầm. Ta có hai phút để ra khơi… Chắc chắn lũ lính tuần sẽ nổ cùng con tàu, đúng lúc chúng áp mạn.
– Còn bọn nô lệ da đen?
– Làm sao đem theo được!… Vốn liếng tôi đành tan thành khói vậy.
Lão Bốc giơ hai tay lên như phân bua với trời cao:
– Nhưng chúng chưa tóm được tôi đâu, chớ vội lo!
Lão quay lại phía tôi, trợn mắt quát:
– Nhãi con! Ðứng đó làm gì?… Nghe lỏm chuyện tao à?… Liệu hồn đó!… Chiều nay, mày đem cơm vào cũi cho lũ da đen, đừng cho thằng nào ra ngoài, nghe chưa?
Tôi vừa làm cơm vừa ngó phía sau… Tôi nơm nớp sợ lúc bỏ tàu trốn đi, lão Bốc không gọi tôi thì nguy. Tôi sẽ nổ tung với bọn nô lệ và con tàu mất!
Công việc bếp nước vừa xong, lại nghe súng nổ. Thủy thủ gọi nhau ơi ới. Tôi vội vàng đổ cơm vào lon thiếc, đưa đến từng cũi một. Mọi khi vẫn có năm người phụ với tôi, nhưng bữa nay họ phải chiến đấu, nên một mình tôi vất vả mãi mới rồi. Lũ da đen cũng tinh lắm. Chúng đoán chừng có việc gì xảy ra, nên ăn uống uể oải, lấm lét đưa cặp mắt trắng dã nhìn tôi.
Một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển thân tàu. Bọn nô lệ thét lên… Tôi đoán chừng lão Bốc khai hỏa trước… Tôi toan mò lên boong xem sao, chợt nghe tiếng gã Ti-me. Gã đứng lom khom, bám vào chấn song sắt, ngước lên tôi nét mặt cầu khẩn:
– Cứu chúng tôi với, cậu!…
Tôi ngỡ ngàng chưa biết trả lời sao, đành tìm cách an ủi, trấn tĩnh y:
– Tàu mình bắn đấy mà, đừng lo!…
Nhưng Ti-me lắc đầu, y biết nhóm da đen sắp nguy đến nơi:
– Tôi không lầm đâu… Cậu không cứu, anh em tôi chết hết!
– Làm sao giúp?… Tôi cũng bị giam lỏng như anh đây.
– Cậu cho tôi cái gì để cắt xiềng, cắt chấn song là được rồi.
Tôi không ngờ y đề nghị táo bạo như vậy nên đâm sợ. Ti-me tưởng tôi bỏ đi, vội năn nỉ:
– Cậu tốt bụng, đừng từ chối, tội nghiệp… Chúng ta là anh em cả… Chúa dạy vậy. Chắc lương tâm cậu cũng chẳng muốn cả trăm người chúng tôi chết oan ức… Rồi cậu sẽ cùng về với tôi, cha tôi coi cậu như con… Của cải của tôi là của cậu… Không có cậu chúng tôi sẽ rũ xương trong cũi mất!
Nghe y nói tôi xúc động lắm. Tôi biết mình phải làm cái gì giúp chúng đây, thực khó khăn quá! Tôi đứng ỳ ra đó, trong lúc hàng trăm cặp mắt đặt hết tin tưởng vào sự giúp đỡ của tôi. Tôi bảo Ti-me:
– Nếu không có cách gì khác, tôi sẽ đem đồ dùng tới cho anh.
Trên boong lại có tiếng súng… Lần này chiếc tàu tuần tiễu nã đạn như mưa. Có lẽ nó biết lão Bốc buôn nô lệ, nên không nỡ bắn đắm tàu. Ðạn nhắm vào dãy cột buồm và phòng lái… Như vậy chỉ ít lâu tàu không chạy được mà đám nô lệ cũng khỏi chết chìm.
Tôi ngần ngại quá: chẳng biết rồi đây thái độ của nhóm da đen ra sao? Thoát khỏi xiềng xích, chúng dám giết hết thủy thủ để trả thù… Nếu chúng thất bại, lão Bốc hành hạ tôi phải chết! Lão may mắn quá khiến tôi cũng gờm.
Súng ngừng bắn. Tàu tuần tiễu tiến lại gần hơn, chờ lúc thuận tiện là áp mạn leo sang. Lão Bốc ra lệnh hạ thủy hai xuồng lớn. Tôi biết lão chuẩn bị hy sinh con tàu với đám nô lệ.
Chẳng ngần ngại gì nữa, tôi lẻn vào phòng đồ, lấy đủ thứ kìm búa, cưa giũa, đem tới cho Ti-me. Tôi cho y biết dã tâm của viên thuyền trưởng:
– Nhóm thủy thủ rời tàu rồi, anh nhớ chạy ngay lại hầm thuốc súng dập tắt ngòi nổ… Chắc tôi phải theo lão Bốc xuống thuyền ngay giờ nên không kịp làm việc đó đâu.
Ở đời có lắm cái bất ngờ xảy ra, không sao liệu trước được. Khi tôi lên trên boong tàu thì trời lặng gió, buồm nào buồm nấy buông thõng, thành thử hai chiếc tàu vẫn cách nhau khá xa. Lão Bốc vỗ tay reo:
– Trời tối là mình thoát, may thật!
Ðêm ấy tôi không sao nhắm mắt được: sáng mai biết tôi đem đồ dùng cho đám da đen, chắc lão băm tôi ra từng mảnh chứ chẳng chơi!… Khoảng nửa đêm gió hây hây, lão Bốc giương hết buồm, lủi thật nhanh.
Khi mặt trời mọc, tôi chẳng thấy tàu tuần tiễu đâu. Thế là lão gặp may lần nữa!
Tôi vẫn sửa soạn cơm nước như mọi ngày, nhưng tới lúc đem cơm cho bọn nô lệ, tôi lo xoắn cả ruột gan. Sáu thủy thủ giúp tôi làm việc này, nhưng thấy họ xuống mà không thấy họ lên… Tôi hiểu vì lẽ gì rồi. Lão Bốc đi bách bộ, mặt hớn hở như được bạc. Chợt lão khựng lại: Chiếc cửa gỗ phía đằng lái ăn lên boong chợt bật tung. Từ trong khuôn gỗ nhô lên, không phải thủy thủ mà là năm bảy cái đầu tóc xoăn tít của bọn nô lệ… Chúng tuôn lên như nước vỡ bờ, la hét như giặc…
Lão Bốc và đám thủy thủ rút nhanh lại đằng mũi. Dăm người khác chạy vào bếp với tôi. Lũ nô lệ vác kìm búa rượt theo… Thấy tôi, chúng dừng lại, chờ đợi… Một gã thủy thủ vớ con dao làm bếp giơ lên dọa nhưng vô hiệu, chúng càng tiến đến gần hơn. Tôi cũng sợ lỡ họ nổi hung giết tất thì nguy.
Nhưng đám đông tách ra làm hai. Ti-me bước tới, tươi cười nói với nhóm thủy thủ:
– Chống cự vô ích… Chúng tôi đông hơn. Không ai làm gì các anh đâu… Chúng tôi chỉ hỏi tội viên thuyền trưởng thôi. Tạm thời chúng tôi nhốt các anh lại, khi công việc xong xuôi, các anh được tự do ngay…
Ðám thủy thủ còn lưỡng lự… Tôi khuyên họ:
– Nghe đi là hơn… Chỉ có cách đó mới thoát chết.
Thế là Ti-me dẫn họ vào hầm tàu, trói lại. Y bảo tôi:
– Cậu thuộc về phe tôi… Tôi cần hạ lão Bốc ngay giờ.
Ðám nô lệ da đen reo ầm lên, bầu tôi và Ti-me cầm đầu. Chúng tôi vừa hò hét vừa tiến lại phía mũi tàu.
Lão thuyền trưởng và hơn chục thủy thủ đã dùng thùng gỗ với mảnh buồm làm chướng ngại rồi núp sau đó. Một hàng súng chĩa thẳng về phía tôi… Nhưng tôi sợ nhất là hai khẩu đại bác bắn đá… Chỉ vài phát là quét sạch boong tàu ngay. Kể ra địa vị chúng tôi còn chênh vênh lắm.
Lão Bốc thấy đoàn da đen ngập ngừng, liền dỗ dành:
– Hãy bảo nhau xuống khoang tàu nghỉ ngơi… Không những tôi không trừng phạt ai mà còn tặng khẩu phần cho các anh nữa… Nếu không nghe, sấm sét rớt xuống đầu bây giờ.
Lão vừa dứt lời, búa rìu, thanh sắt đã liệng sang như mưa. Nhóm thủy thủ không nổ súng vì lão Bốc chưa ra lệnh, lão không muốn món hàng thịt người của lão bị sứt mẻ. Mỗi tên nô lệ chết, lão thiệt bạc ngàn chứ chẳng chơi. Trước khi sử dụng phương pháp quyết liệt, lão phải hòa dịu đã.
Ðể đề phòng, viên thuyền trưởng tinh quái này cho rải trên boong, phía trước hàng rào gỗ, những “củ ấu” có bốn đinh nhọn bằng sắt. Bọn da đen đi chân đất, giẫm phải là què. Chúng tôi tạm rút lui. Hai bên đều án quân bất động. Tôi bàn với Ti-me, thử điều đình xem sao.
Tôi làm ra vẻ bình tĩnh, ung dung bước ra trước. Thực sự trống ngực tôi đập thình thịch. Tuy nhiên tôi còn tỉnh táo để chú ý tới bàn tay phải của lão Bốc, lăm lăm khẩu súng lục. Tôi cúi chào lão. Thay vì trả lời, lão nhổ bọt rồi gay gắt:
– Thằng nhãi, mày muốn gì?
– Tôi tới đặt điều kiện có lợi cho ông… Nhưng ông khinh miệt tôi quá, vậy ta chẳng cần thảo luận nữa.
Lòng tự ái khiến tôi đối đáp cứng cỏi làm lão Bốc sững sờ. Lão cố nén giận:
– Vậy lũ mọi muốn gì nào?
– Ðây là yêu sách của chúng tôi: Một, thủy thủ hạ khí giới. Hai, thuyền trưởng tạm giao tàu cho viên thuyền phó chỉ huy, chở chúng tôi về Phi Châu.
Về tới quê hương, chúng tôi để tùy ý ông và thủy thủ muốn đi đâu thì đi… Ông có ba phút để suy nghĩ.
Lão trả lời mau mắn lắm, vừa rút súng ra là bắn liền… May mắn tôi đoán ra được cử chỉ sát nhân ấy nên lăn ra đất, tránh thoát. Lão toan bắn phát nữa thì ông Cốc ghé vào tay lão nói thầm một hồi. Nhân dịp ấy, tôi lủi nhanh về phía sau.
Tôi thét lên:
– Cẩn thận, nằm hết xuống!
Tôi biết tính lão Bốc nóng như lửa. Quả vậy, lão ra lệnh nổ đại bác… Ðoàng, đoàng… Hai phát súng lớn làm bay mất dãy lan can tàu. Chúng tôi nhờ nằm sát sàn gỗ nên thoát chết. Khói súng chưa tan hết, tôi thấy lão thuyền trưởng vẫy đám thủy thủ chạy lại chỗ cửa ngăn để xuống khoang. Lão mà xuống được, chúng tôi bị nguy ngay. Lão sẽ giữ kho súng, khóa kho lương, hơn trăm người trên boong chắc chết đói.
Tôi hô anh em ào ra… Bọn nô lệ giơ dao, búa, lao tới hằm hè như đàn thú. Toán thủy thủ vội lùi về chỗ cũ. Lão Bốc chẳng làm thế nào hơn được. Thế là sự liều lĩnh của chúng tôi đem lại thắng lợi: bọn tôi lọt được xuống khoang.
Việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phá kho khí giới. Mọi người đều có giáo mác, hoặc súng trường, súng lục. Bọn người da đen xé vải buồm, quấn nhiều lần vào chân, đề phòng đâm phải chông. Chuẩn bị đâu đấy rồi, chúng tôi hàng ngũ chỉnh tề tiến lại phía địch. Lão Bốc hạ lệnh bắn, chắc chúng tôi chết hết; nhưng may mắn lão còn do dự, tính dỗ dành chúng tôi lần chót.
Một số da đen trèo lên hàng thang dây, thành thử ở ngay trên đầu bọn thủy thủ. Lão thuyền trưởng nghĩ chúng tôi liều lĩnh nhảy xuống đánh tập hậu, nên hết nhìn trước mặt lại ngó sau lưng. Nhóm thủy thủ cũng vậy. Tôi khẽ dặn Ti-me giả bộ điều đình, kéo dài thời gian đứng trên boong để tôi tính kế khác.
Sau đó tôi kéo mười người lực lưỡng, thụt xuống khoang, kiếm phòng thuyền trưởng. Căn phòng tai ác lại ở ngay trên đầu, thành thử khó phá lối vào quá. Tôi vớ chiếc búa, nạy một khoảng trần, hai gã da đen to lớn như hộ pháp tiếp tay với tôi. Chúng tôi nạy gỗ ầm ầm, nhưng tiếng la hét phía trên còn dữ dội hơn. Chỉ một lát sau, chúng tôi khoét được một lỗ đủ chui lên. Ðúng phòng thuyền trưởng thực! Ở đó, tôi nghe rõ tiếng la hét phía ngoài. Mấy gã da đen theo tôi nhe răng cười; họ biết tôi sắp giở trò gì đây! Sự tin tưởng của họ làm tôi thêm can đảm… Lão Bốc đâu phải người chịu thua một cách dễ dàng; con đường chiến đấu của chúng tôi còn lắm chông gai.
Tôi ra hiệu cho mọi người yên lặng, rón rén mở cửa phòng. Trước mắt tôi, ngay bậc thang, có hai gót chân ai… Tôi nép sau cánh cửa… Vài phút nữa, có tiếng chân bước, rồi viên phó thuyền trưởng Cốc vào phòng. Y đứng sững như pho tượng, há hốc miệng nhìn chúng tôi… Khi thấy y toan chạy lùi trở ra, tôi chĩa súng ngay sọ y:
– Chạy vô ích!… Những người da đen không làm hại ông đâu… Họ chỉ cần bắt viên thuyền trưởng. Theo chúng tôi là khôn ngoan nhất!
Y lắc đầu:
– Em còn trẻ quá mà!… Tin chúng sao được. Em cho rằng chiếm xong tàu, họ tha thủy thủ chăng?… Chẳng đời nào! Chúng ta sẽ chết hết cho coi… Trên những tàu buôn da đen, bao giờ cũng vậy, em ạ!
– Riêng lần này không!… Họ không trả thù ai. Họ cần thủy thủ đưa họ về Phi Châu… Vả lại, Ti-me là người ôn hòa, công bằng lắm.
– Chắc vậy sao?… Họ gạt em đó!
– Tôi không có nhiều thì giờ bàn cãi, ông Cốc ạ. Ông vui lòng ở đây cho tới lúc chúng tôi xong việc vậy. Ông hứa không tìm cách phá anh em tôi, tôi sẽ bảo họ tha trói cho ông.
Viên phó thuyền trưởng đứng lên một lúc, ngoẹo sang một bên, suy nghĩ lung lắm. Y liếc nhìn bọn người da đen đứng chung quanh: họ yên lặng như pho tượng, chờ lệnh tôi. Có lẽ tin vào tinh thần kỷ luật của họ, nên ông ta thở dài:
– Thôi, được, tôi theo các anh!
Tôi siết tay y tỏ lòng cám ơn. Viên phó thuyền trưởng rút hai khẩu súng lục trong ngăn kéo, rồi nói:
– Ðể tôi lẻn lên trước, như thế hoàn toàn bất ngờ, họ không trở tay kịp.
Ông Cốc lên thang, theo sau là nhóm da đen và tôi. Ðúng vào lúc thủy thủ nhìn về phía trước, nên chúng tôi đến sát lưng cũng chẳng ai hay. Nhóm da đen đang hát các bản chiến ca, nghe dữ dằn như tiếng thú rừng. Lão Bốc chưa ra tay, lão bảo thủy thủ:
– Cho chúng nó la hét mệt đi đã…rồi coi, chúng sắp kéo nhau tranh ăn, tranh uống như bầy chó đói, ta dồn vào cũi dễ ợt…chớ có bắn, đợi lệnh tôi đã. Dẹp xong vụ này, tôi tăng lương anh em, phát thêm rượu “rum” cho các cậu say sưa…
Ông Cốc đợi lão nói xong, mới quát lên:
– Thủy thủ!… Tôi chiếm tàu… Ai theo tôi, đứng lại đây.
Toán thủy thủ phải mất một phút đồng hồ mới hiểu chuyện gì xảy ra. Cả lão Bốc cũng sững sỡ. Ông Cốc nhân dịp họ còn hoang mang, tìm cách vận động khéo:
– Anh em thủy thủ!… Thuyền trưởng đã lừa dối anh em. Khi mướn người, ông ta đã che giấu ý định buôn bán nô lệ của mình. Nếu tàu tuần tiễu bắt được, có phải lúc này anh em đã trên đường tới lao tù rồi không?… Hãy theo tôi… Tôi cứu được anh em. Nhóm da đen đông hơn chúng ta, chống họ là tự sát. Lựa chọn đi… Chọn thuyền trưởng Bốc, người không nghĩ tới ai khác ngoài túi tiền của ông, thì đứng với ông ấy. Chọn tôi, xin bước lại đây… Anh em có mười giây để quyết định. Ai nổ súng sẽ bị treo cổ lập tức.
Vài giây yên lặng… Ðúng vào lúc lão Bốc sắp há miệng nói, quá nửa thủy thủ vừa reo vừa chạy lại với chúng tôi. Số còn lại đắn đo chưa dám bước đi… Ðối với họ, mặc dù trong hoàn cảnh này, lão Bốc vẫn còn đáng sợ.
Lão Bốc biết khó thắng nổi, nhưng chưa chịu thua ngay. Lão bất ngờ đưa súng ngắm vào viên phó thuyền trưởng.
Ông Cốc lạnh lùng nhìn thẳng vào lão:
– Coi chừng…hối không kịp đa!
Mấy lời ngắn ngủi đó như gáo nước lạnh tạt vào mặt lão Bốc. Lão không tính bắn nữa, cầm súng liệng xuống sàn một cách tức tối.
Nhóm thủy thủ còn ở bên lão cũng làm theo. Thế là chúng tôi làm chủ được con tàu.
o O o
Ti-me giữ lời hứa. Tàu được giao cho viên phó thuyền trưởng chỉ huy. Anh em thủy thủ không ai bị giết hại. Lão Bốc tuy bị giam giữ nhưng cũng được đối đãi tử tế.
Một tháng sau, tàu trở lại Phi Châu. Nhóm người da đen chia nhau số hàng hóa trên tàu rồi giải tán. Ông Cốc và tôi cùng về quê Ti-me.
Chiếc tàu trống được giao trả lão Bốc. Như vậy cũng đã là may mắn cho lão lắm rồi!
Nguyễn Tú An phóng tác,
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970
Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2023