Các bản dịch thủy chiến trong Nam trước 75 ít khi phân biệt Thủy lôi với Ngư lôi. Thủy lôi (Naval Mine) là mìn đại dương, tức một khối chất nổ trong vỏ bọc sắt thả xuống nước rồi trôi dập dình cho đến khi va vào một vật rắn và phát nổ. Thủy lôi là mìn cố định, dùng phong tỏa một hải cảng hay làm rào ngăn tàu chiến đối phương xâm nhập. Ngư lôi (Torpedo) ngược lại, sau khi phóng đi sẽ tự di chuyển và tìm mục tiêu. Ngư là cá, có nghĩa đây là những khối chất nổ có động cơ với cánh quạt và chân vịt để tự bẻ lái.

Ngư lôi của Đức và Nhật được xem nguy hiểm nhất. Ngư lôi Đức gắn đầu nam-châm (magnet) để có thể tự hút vào lườn tàu sắt khi đến gần và gắn máy thẩm âm (acoustic) tự định hướng theo tiếng động chân vịt phát ra từ tàu đối phương. Tuy nhiên chính hai khí tài này, vì chỉ hiệu quả khi khoảng cách không xa, khiến ngư lôi Đức trên các tàu ngầm U-boot tầm xa lý thuyết không vượt quá 5 km.

Từ cuối 1928 Nhật Bản sáng chế thành công ngư lôi viễn dương kiểu 93 (là năm sản xuất 2593 theo lịch Chiêu Hòa) với mục đích: đánh đắm tàu thép Anh-Mỹ trước khi ngư lôi của Đồng Minh chạm đến tàu Nhật. Đặt tiên đề như trên, nên The Japanese Type 93 Torpedo được chế tạo với tầm xa 40 km khi phóng vận tốc 39 hải lý và tầm xa 22 cây số khi phóng vận tốc 49 hải lý. Gấp 3 đường kính tấn công của ngư lôi Anh-Mỹ.

Đặc điểm khác: Ngư lôi Nhật không chạy bằng bình ắc-quy điện mà bằng Ôxy ép đặc, khi lao chìm dưới biển không sủi bọt. Một vũ khí lợi hại tương đương với tên lửa hành trình phóng đi từ các chiến hạm ngày nay.

Đóng góp của Hara là đã cải tiến lý thuyết phóng ngư lôi của Hải quân Thiên hoàng thành một cẩm nang ứng dụng thực tiễn giúp các khu trục hạm Nhật chiếm ưu thế trong hầu hết các trận thủy chiến vào đầu cuộc chiến. Bản thân Hara cũng sẽ đánh đắm 3 tàu Hoa Kỳ bằng chính lý thuyết của mình.

Ngư lôi 93 đi vào lịch sử dưới tên gọi Long Lance, “Lưỡi giáo dài”.

Xin phép dịch giả Nguyễn Nhược Nghiễm thay các chữ Thủy lôi của ông bằng Ngư lôi như trong bản Pháp văn.

 [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương VII

Mặc dù hàng ngày được Nagumo khuyến khích và quan tâm đến, tôi đã rớt kỳ thi tuyển vào trường Cao Ðẳng Tham Mưu. Thay vào đó, vào tháng 9 năm 1932, tôi được chỉ định làm một huấn luyện viên. Nhiệm vụ này gây cho tôi sự bối rối, những sự chỉ định như vậy ít thấy xảy ra trong Hải quân Hoàng gia. Tôi được chọn vào nhiệm vụ này có nghĩa là tôi phải từ bỏ hẳn hy vọng trở thành một sỹ quan tham mưu để trở thành một chuyên viên hẳn.

Trong thời gian ba năm sau khi kết hôn, tôi ráo riết theo đuổi một dự án riêng… Biết rõ dự án có vẻ liều lĩnh, tôi không hề thảo luận chi tiết với bất kỳ người nào. Tôi cũng hiểu nếu các đồng nghiệp của tôi biết được công tác tôi đang làm, chắc chắn tôi sẽ gặp sự chế nhạo.

Khi Ðại tá Nagumo khuyến khích tôi chuẩn bị thi vào trường Cao Ðẳng Tham Mưu, tôi đọc mọi sách giới thiệu cũng như các bài bình luận về khả năng di động tính của Hải quân Hoa Kỳ do chính ông viết trong thời gian đi tu nghiệp. Nhưng tâm trí tôi để đâu đâu. Tôi biết các dự án riêng của tôi có tầm quan trọng nên tôi không thể phân tâm để học hỏi những vấn đề khác. Do đó dù được ngay cả Nagumo đích thân yểm trợ, kỳ thi vào trường Cao Ðẳng Tham Mưu vẫn vuột khỏi tay tôi.

Dự án của tôi hoàn thành vào giữa năm 1932. Dự án này liên quan đến hàng trăm bài toán phức tạp. Tóm lại, tôi đã sử dụng toán học để chứng minh những sai lầm của các lý thuyết về ngư lôi được Nhựt áp dụng xưa nay, và tôi đưa ra một lý thuyết khác dùng làm kim chỉ nam mới.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Một lý thuyết mới thật khó xen vào để tìm chỗ đứng trong một tổ chức quân đội. Hầu hết các sỹ quan được huấn luyện theo các lý thuyết quân sự cũ đều bảo thủ và phản ứng không thuận lợi đối với những sáng kiến mới mẻ. Nhưng rất may là lý thuyết mới của tôi không hề gặp sự chống đối quan trọng nào và đã trở thành lý thuyết ứng dụng về ngư lôi chánh thức của Hải quân Hoàng gia. Ðương nhiên lý thuyết cũ được bãi bỏ. Và kết quả, tôi được bổ nhiệm về trường Cao Ðẳng Tham Mưu để giảng dạy về lý thuyết mới này. Thi rớt rồi về làm giảng viên ngay tại chính ngôi trường mình hỏng thi… là trường hợp hy hữu!

Sau này nhìn lại, mặc dầu tôi hoàn thành nhiều lý thuyết khác trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, nhưng có lẽ lý thuyết về ngư lôi vẫn là lý thuyết sở đắc nhứt của tôi. Giải thích rành mạch về lý thuyết này không phải dễ dàng, vì trong ấy tôi đã sử dụng nhiều bài toán liên quan đến đại số, hình học, lượng giác và tích phân để áp dụng chính xác vào thực hành. Tuy nhiên tôi có thể nói phớt qua: năm 1932, sau khi tốt nghiệp trường chuyên môn Yokosuka, tôi lại được bổ nhiệm phục vụ trên khu trục hạm, và giữ chức vụ ngư lôi trưởng như thường khi. Tôi đã được học hỏi và huấn luyện tỉ mỉ về vấn đề phóng ngư lôi. Có thể nói là hầu hết thời gian trong suốt ba năm, quyển thuật ứng dụng ngư lôi cũ của hải quân là thánh kinh của tôi. Mỗi tuần chiếc khu trục hạm của tôi đều ra khơi để thực tập phóng ngư lôi. Ðể tiết kiệm, các ngư lôi diễn tập đều không có đầu đạn, và mục tiêu giả có khoảng trống phía dưới để ngư lôi chạy xuyên qua. Sau ba năm huấn luyện lý thuyết và thực hành liên tục, tôi bắt đầu nghi ngờ lý thuyết cũ, vì hiếm khi tôi bắn trúng mục tiêu.

Phản ứng đầu tiên khi bắn hụt là tôi tự thóa mạ tôi, và tôi càng cố gắng học hỏi hơn nữa. Tôi luyện tập thuần thục đến nỗi tôi chỉ cần liếc qua ống dòm là có thể cho biết được khoảng cách mục tiêu bao xa, mức độ gió, mực độ sóng biển, hướng chuyển vận và tốc độ di động của mục tiêu đó như thế nào. Sau khi kiểm chứng lại bằng các giác cụ chuyên môn, tôi nhận thấy tôi đã xác định mục tiêu rất đúng nhưng phóng vẫn trật. Do đó, tôi bắt đầu ngờ vực lý thuyết cũ của hải quân.

Theo lý thuyết cũ, một chiếc khu trục hạm, thường có chiều dài khoảng 90 thước, chạy với tốc độ 30 hải lý hoặc hơn, tiến sát đến tàu địch, khai hỏa mọi loại súng và cuối cùng dứt điểm bằng các quả ngư lôi. Một khu trục hạm Nhựt chỉ mang 16 ngư lôi. Từ 4 ống phóng phía trước và 4 phía sau, “8 con cá” vọt ra cách nhau mỗi con hai giây. Tám quả khác được đưa vào tái nạp vào tám ống phải mất khoảng mười phút. Các loại súng nhỏ của một khu trục hạm không có hỏa lực quyết định như những thiết giáp hạm, thành thử nếu loạt ngư lôi đầu vô hiệu, vận mạng của một khu trục hạm như cáo chung. Nó dễ dàng bị đánh chìm trong khoảng 10 phút cần thiết để nạp lại ngư lôi.

Vì đó mà trong khi thực tập, chiếc khu trục hạm của tôi kể như bị “đánh chìm” nhiều lần, giữa lúc tôi đứng bó tay và nghiến răng trên đài chỉ huy sau khi nhìn thấy các “con cá” của tôi lạc mất hút. Tôi quan sát nhận thấy tài phóng ngư lôi của các khu trục hạm khác cũng không hơn gì mình. Tôi đi đến kết luận là phóng ngư lôi thẳng vào mục tiêu ít có hy vọng trúng, và như vậy có nghĩa là lý thuyết cũ đã sai lầm.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Theo lý thuyết cũ, tám trái ngư lôi được phóng thẳng sẽ trải rộng 1 góc 20 độ. Sau khi phân tách cẩn thận tất cả các yếu tố liên quan, tôi kết luận rằng với góc 20 độ như vậy mục tiêu sẽ được phóng trúng nếu chiếc khu trục hạm của tôi chạy nhanh 30 hải lý theo một đường lượn cong, giống như một đường cầu vồng hyperbole, và ngư lôi phải được phóng ra ở ngay đỉnh của đường cong đó vào một mục tiêu cách xa 2,000 thước, và sau khi phóng ngư lôi xong, chiếc tàu sẽ giảm tốc độ xuống còn 20 hải lý. Qua nhiều tuần lễ diễn tập, tôi cũng khám phá ra chiếc tàu đối nghịch đủ thời gian để lảng tránh trước khi tàu của tôi sẵn sàng để khai hỏa. Và tôi cũng khám phá nhiều yếu tố cần thiết cho việc định lại các phương thức khác, bao gồm khoảng trống 2 giây của tám trái ngư lôi được phóng ra.

Công việc nghiên cứu này khiến tôi mở rộng tầm mắt, và mỗi khám phá mới đều được tôi áp dụng ngay vào thực hành, và đạt được mức độ chính xác gần như cố định. Tôi nổi danh, và được xem là sỹ quan phóng ngư lôi chính xác nhất của toàn thể binh chủng hải quân. Vào thời gian này tôi phục vụ dưới quyền của Ðại tá Nagumo. Có lẽ thành tích này đã khiến ông thích tôi, và cũng vì vậy mà lý thuyết của tôi được hải quân chấp nhận vào năm 1932.

Chỉ trong vòng một năm sau khi lý thuyết của tôi được học hỏi, kỹ thuật phóng ngư lôi của hải quân Nhựt đã đạt đến mức độ chính xác vượt bực.

Năm 1933, Ðề đốc Kaneji Kishimoto và Ðại tá Toshihidé Asakuma thuộc Ủy ban Nghiên cứu Ngư lôi Kuré chế tạo một loại ngư lôi được phóng đi bằng sức ép của Ôxy thay vì không khí. Việc phát triển này rất quan trọng đối với chiến pháp ngư lôi của Nhựt. Ưu thế của loại ngư lôi mới này, mà bí mật giữ kín, vượt trội tất cả mọi loại ngư lôi của các quốc gia khác, qua bảng so sánh bên dưới:

Như vậy, ngư lôi Nhựt ngoài khả năng vừa nhanh vừa có tầm xa hơn các loại ngư lôi tốt nhứt của Hoa Kỳ và Anh quốc, đặc biệt mang chất nổ nhiều hơn, còn có thêm những tiến bộ to tát khác. Các loại ngư lôi thông thường khi phóng ra sẽ tạo thành một vệt dài màu trắng nổi trên mặt nước, khiến cho một chiếc tàu chạy nhanh cũng có thể phát hiện và lẫn tránh dễ dàng. Nhưng một trái ngư lôi đẩy bằng sức ép Ôxy khi chạy đến mục tiêu sẽ không thấy dấu vết gì trên mặt nước cả (Loại ngư lôi này Nhựt giữ bí mật tuyệt đối, đến sau chiến tranh hải quân Hoa Kỳ mới học hỏi được đầy đủ các đặc tính của nó).

Bảng so sánh

Lý thuyết của tôi cùng với việc phát minh loại ngư lôi mới đã nâng cao tinh thần của thủy thủ khu trục hạm. Và khi khu trục hạm nhanh chóng trở thành “báu vật” của hạm đội Nhựt, các kiểu tàu mới được đóng đều đều vào thời gian đó. Các sỹ quan khu trục hạm không mấy lưu tâm đến một số thiệt thòi của Nhựt qua thỏa hiệp giải trang cuối cùng. Họ biết khu trục hạm của Nhựt đang nắm ưu thế to tát và tiên đoán loại tàu này sẽ giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến sắp đến.

Họ đã thiếu cân nhắc về sự phát triển kỳ diệu của các loại Radar điện tử và khả năng không quân vượt bực của Hoa Kỳ. Hai lãnh vực này là yếu tố quyết định dứt khoát kết quả của Ðệ Nhị Thế Chiến.

Dù thiếu cân nhắc như vậy, nhưng không thể nói chúng tôi đã tự mãn. Hơn bao giờ hết chúng tôi cố gắng huấn luyện để gia tăng sự thành thục với loại ngư lôi mới. Nhựt lịnh huấn luyện của chúng tôi là chỉ phóng loại ngư lôi có tầm xa này khi nào đã tiến sát vào 500 thước cách mục tiêu. Mọi sỹ quan cũng được lịnh tìm cách thâu hồi ngư lôi, cho dù trong các buổi thực tập không có gắn đầu đạn.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Chúng tôi đã thi hành triệt để, bởi giá một ngư lôi không đầu đạn lúc đó là 5,000 yên (2,500 Mỹ kim). Hơn nữa, chúng tôi không thể để loại ngư lôi mới này rơi vào tay địch quân, vì như vậy bí mật của nó sẽ bị khám phá. Thỉnh thoảng toàn thể hạm đội phải dàn hàng ngang lướt qua một khu vực rộng lớn của đại dương trong nhiều giờ để chỉ thâu hồi một trái ngư lôi phóng lạc xa khỏi mục tiêu. Vào những ngày có bão, chúng tôi đình chỉ tất cả các buổi diễn tập.

Trong suốt cuộc chiến, hướng tiến đến của các chiến hạm địch không thể nào định trước được. Theo lịnh, các khu trục hạm Nhựt phải tiến thẳng vào mục tiêu, khai hỏa cận và đổi hướng nhanh chóng. Nhưng một khu trục hạm có tốc độ cao không thể nào giảm tốc độ một cách mau lẹ để tránh khỏi đụng chạm và ai cũng đoán biết những đụng chạm giữa đại dương gây chết người là thường. Hơn nữa tiến sát vào địch quân trong vòng 500 thước có nghĩa là đưa đầu vào họng súng của họ.

Trong các buổi diễn tập, chúng tôi thường phóng ngư lôi cách mục tiêu 2,000 thước. Và khi đối đầu thực sự với tàu chiến địch, khoảng cách trung bình để phóng ngư lôi có thể từ 4,000 đến 5,000 thước, một khoảng cách mà các ngư lôi Hoa Kỳ vẫn còn ngoài tầm. Sau này tôi đã đánh chìm ba khu trục hạm Hoa Kỳ bằng cách áp dụng phương pháp mới đó, từ lý thuyết do chính tôi đặt ra.

Tôi được thăng cấp thiếu tá vào ngày 15 tháng 11 năm 1933. Tôi đã có hai con gái, và nhìn lại 12 năm đã trôi qua, kể từ khi tôi rời Hàn lâm viện Eta Jima, tôi cảm thấy đã trở thành một sỹ quan hải quân đầy đủ lông cánh, và là một trong những sỹ quan trẻ tuổi nhứt trong Hải quân Hoàng gia, vượt hẳn những bạn đồng khóa của tôi, ngay cả những người đã tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Tham Mưu.

Tôi vẫn còn nghĩ đến mối tình đầu của mình là Utamaru. Tôi nhớ đến ánh mắt sáng tươi của nàng mỗi khi bước chân vào căn phòng tôi thuê sát bến cảng Kuré. Nhớ giọng nói dịu êm của nàng “Em đến rồi đây Tamei.” Nhớ những ngón tay của nàng khi tháo đai lưng và quân phục cho tôi với nụ cười trêu ghẹo “Anh thêm rám nắng Tamei. Em thích anh rám và rắn.” Utamaru có lối nói tinh nghịch nhưng duyên dáng và nàng luôn chìu tôi với hết tấm lòng. Một đôi lần nàng đem theo đàn bầu và hát cho tôi nghe ca khúc Hana-kago no uta, là bài hát Lẵng Hoa khá thịnh hành khi ấy nhưng tôi nhớ nhứt vẫn là thân thể ấm của nàng, tan vào thân thể tôi khi tôi ôm nàng và hỏi “Em chọn đất hay biển?” Nàng trả lời “Nơi anh cặp bến” và đè lên tôi làn môi thơm của nàng. Rất nhiều lần tôi tự hỏi có phải tôi đã đánh đổi nàng để lấy những quả ngư lôi? Những quả ngư lôi nặng ba tấn với chiều dài chín thước… Những khi ấy tôi cảm thấy hổ thẹn là đã cư xử không phải với nàng và đã tiếc nuối trước khi tự trấn tĩnh rồi tự an ủi là những quả ngư lôi cũng chính là đời sống và đam mê của tôi. Trong căn buồng dành cho sỹ quan tôi đã vội vã đốt đi những phong thư cũ kỹ rồi vội vã nhớ đến vợ con với nhiều ăn năn cho dù tôi biết, tôi sẽ còn tiếp tục ăn năn vì sẽ còn nhớ đến Utamaru.

Tên thật của nàng là Haruko Takai.

Tuần sau: Chương VIII

Biến cố Thượng Hải 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa Japanese Imperial Officers với minh tinh Haruka Ayase