Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Yamato ra lịnh gia tăng khoảng cách các chiến hạm lên 5,000m, một khoảng cách căn bản để chống không kích. Yahagi và 7 khu trục hạm khác gia tăng tốc lực, và các xạ thủ vào vị trí chiến đấu.

6 khẩu pháo 150 ly, 4 khẩu phòng không 80 ly và 40 khẩu đại liên của Yahagi đều chĩa thẳng lên trời. Trưa đến, không có một dấu hiệu nào cho thấy sắp xảy ra một cuộc tấn công, đầu bếp mang bữa trưa đến các vị trí chiến đấu. Mọi người ăn uống vội vã. Tôi rất hài lòng khi nhìn thấy sự chuẩn bị chu đáo này. Sự lo lắng của tôi biến mất và tôi biết chiếc Yahagi sẽ ghi điểm thắng đầu tiên.

Vào lúc 12g20, radar của Yamato phát hiện “rất nhiều phi cơ địch còn cách 30 km ở hướng 35 độ mạn trái,” và ra lịnh cho tất cả các chiến hạm hướng về phía trước với tốc độ tối đa và chuẩn bị chống phi cơ.

Mệnh lịnh được thi hành nhanh chóng. Tất cả chiến hạm đều đạt tốc độ 30 hải lý. Với Komura và các sỹ quan khác, tôi leo lên đài chỉ huy tác xạ nằm phía sau đài chỉ huy chính. Những cuộn sóng khổng lồ nổi lên sau khi soái hạm Yamato lướt ào ạt trên mặt biển với tốc lực tối đa. Ðại thiết giáp hạm 72,400 tấn này đã thu hút muôn ngàn cặp mắt đổ dồn vào nó.

Yamato đã trở thành niềm tin thần thánh với toàn thể binh chủng Hải quân. Niềm tin này càng dâng cao khi Yamato trở về an toàn sau trận đánh ở vịnh Leyte mà không bị một vết sướt nào, trong khi thiết giáp hạm cùng lớp Musashi bị đánh chìm. Ðề đốc Morishita, từng chỉ huy Yamato trong trận Leyte, hiện là tham mưu trưởng của Ito, nên tôi nghĩ ông sẽ đem may mắn cho chiếc tàu này một lần nữa. Không ai có thể tưởng tượng chiếc thiết giáp hạm vĩ đại này sẽ chìm trong hai giờ nữa.

Ngay cả đứng trên đài chỉ huy, chúng tôi vẫn không thể thấy phi cơ bay đến. Mây sà thấp trên mặt biển ở cao độ 1,500m, và một cơn mưa luồng thình lình trút xuống bao phủ mọi cảnh vật. Thời tiết tồi tệ như thế là cùng. Hiện thời phi cơ địch chắc chắn đã ở trên đầu, nhưng vì mây che phủ nên chúng tôi không nhìn thấy. Mặc dù hỏa lực của Yahagi được loại radar mới hướng dẫn, nhưng chỉ hữu hiệu với các mục tiêu trên biển mà bất lực trước các mục tiêu trên không. Nếu phi cơ địch bất thần chui ra khỏi mây, tôi biết rằng mọi loại súng thông thường của chúng tôi bó tay, ngay cả thời gian nhắm bắn cũng không đủ.

Một quan sát viên la lớn: “Hai phi cơ địch trước mũi tàu! Mạn trái!”

Tôi nhìn lên. Không phải hai mà là hai mươi, bốn mươi và có thể nhiều phi cơ hơn nữa thình lình chui ra khỏi mây. Tôi ra lịnh khai hỏa, đồng hồ chỉ đúng 12g32.

Thay vì chúi xuống tấn công ngay lập tức, các phi cơ bay vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, ngay phía dưới những cụm mây. Sau đó, một trong ba nhóm phi cơ này tách ra, bay vòng tròn ngược lại chiều kim đồng hồ. Diễn biến lạ lùng đã gây rối loạn cho chúng tôi. Các xạ thủ cố gắng điều chỉnh tầm súng, nhưng không thể nào khai hỏa kịp.

Ðịch đang ngắm nghía nạn nhân của họ. Một vài chiến hạm khai hỏa lẻ tẻ và sau đó bắt đầu khai hỏa toàn diện. 9 đại pháo 460 ly của Yamato bắn 9 trái đạn loại số 3 – tức loại đạn nổ trên không – nhưng còn cách mục tiêu quá xa. Thình lình, tất cả các phi cơ đảo cánh và chúi xuống như sấm sét, nhắm vào các mục tiêu đã chọn lựa, trong lúc đa số súng trên các chiến hạm Nhựt vẫn còn loay hoay định hướng.

Nhóm phi cơ đầu tiên chúi xuống tuần dương hạm Yahagi là 4 oanh tạc cơ Avenger. Tất cả mọi loại súng trên tàu đều khai hỏa, cùng lúc với loạt bom được thả xuống. Tôi ra lịnh bẻ hết tay lái về phía phải. Chiếc Yahagi đáp ứng lịnh này một cách hoàn mỹ. Mấy quả bom rơi xuống cách tàu 500m, tạo ra những cột nước thực cao.

Nhóm phi cơ thứ hai đâm đầu thực sát vào chiếc Yahagi là các khu trục cơ Hellcat. Tôi nhìn thấy cả gương mặt của viên phi công khi hắn ta cho phi cơ lên cao trở lại, vượt ngang qua phía trước. Ðạn đại liên máy bay bắn như vãi trấu, chạm trổ dọc theo thân tàu, nhưng rất may là không có thủy thủ nào trúng đạn. Các xạ thủ vẫn giữ vững vị trí và bắn không ngừng nghỉ, nhưng đều phí công vô ích.

Tôi liếc mắt một vòng, nhận thấy tất cả các chiến hạm đều chạy với tốc lực tối đa, gây những làn sóng trắng xóa trên đại dương đồng thời mọi loại hỏa lực đều lên tiếng. Nhìn xuống mặt nước, tôi phát hiện nhiều làn bọt sủi lên một cách bất thường. Tôi hiểu ngay đó là ngư lôi do phi cơ địch thả xuống đang lướt tới.

“Xoay phải lập tức! Tốc độ tối đa!” Tiếng hét của tôi cùng lúc với hàng chục chiếc phi cơ đang chúi đầu xuống. Những quả bom màu đen tạo nên những tháp nước màu trắng vượt cao lên không cả trăm mét. Sau loạt bom, các chiến đấu cơ quày lại và sà thấp xuống quạt đại liên vào chúng tôi. Mọi loại súng giăng một tấm màn lửa lên không trung. Cả hai phía vẫn chưa ai ghi điểm.

Xem thêm:   Hang gấu

Một quan sát viên la chói lói: “Thêm nhiều oanh tạc cơ mới!” Tôi hét: “Bẻ lái sang phải lập tức!” Xoay gấp rút, chiếc tuần dương hạm 8,500 tấn hơi lảo đảo, khiến cho hướng nhắm của tất cả súng trên tàu đều sai lệch, nhưng phi cơ địch cũng phải điều chỉnh lại góc độ oanh tạc.

Khi nhóm phi cơ thứ tư đã đến trên đầu, phòng truyền tin báo chiếc Asashimo đang bị tấn công. Không có thời gian để nghĩ đến chiếc tàu hỏng máy đơn độc này, chúng tôi còn mắc bận lo bảo vệ lấy thân. Cho Yahagi lướt xuyên qua tấm màn bom đạn, và một lần nữa, chúng tôi thoát khỏi. Bây giờ tôi mới nghĩ đến chiếc Asashimo. Với máy móc trục trặc, chiếc tàu này khó có thể sống sót. Ðối phương đã dồn hết nỗ lực để đánh hải lực chính của chúng tôi trong khi vẫn còn thừa một số phi cơ để truy đuổi một kẻ chạy lang thang ở cách xa hơn 20 dặm, là một việc kỳ dị không thể tưởng.

Thiết giáp hạm Yamato vẫn lao hết tốc lực về phía trước. Các khu trục hạm chạy quanh, thoạt ẩn thoạt hiện trong làn sóng bủa cao trên mặt đại dương, tô điểm thêm bằng những chiếc nấm khổng lồ do những quả bom tạo nên. Nhiều quả bom lạc xa, gần trúng hoặc trúng mục tiêu, khiến quang cảnh thay đổi liền liền, từ ngoạn mục sang hồi hộp, đến khủng khiếp.

Nhiều phi cơ khác lại ùa đến quyết nhận chìm chiếc Yahagi, nhưng nó vẫn thoát khỏi. Ðiều này khiến tôi yên tâm, vì nhận thấy lối chạy uốn éo và xoay trở nhanh chóng không ngờ lại tránh né phi cơ địch một cách hữu hiệu. Nếu có đầy đủ thời gian cân nhắc, tôi sẽ không cho tàu chạy theo lối này.

Một vạch nước trắng xóa chĩa thẳng vào chiếc tàu. Ngư lôi địch! Tôi ra lịnh bẻ lái, nhìn xuống, và thở hổn hển. Ba quả ngư lôi lao xé tới cách tàu vài mươi mét. Ðó là ngư lôi do các oanh tạc cơ địch vừa thả xuống. Không theo dõi những kẻ tấn công đang vượt qua như sấm động trên đầu, tôi nhìn chăm chăm theo những vạch nước sủi bọt. Một lần nữa, chiếc Yahagi vẫn đứng vững trong cơn bão tố. Nhưng ngay lúc đó, chiếc tàu bỗng rùng mình. Một quả ngư lôi đánh trúng mạn trái, chính giữa thân tàu, ngay dưới mực nước.

Và một biến cố kế tiếp mà ngày nay tôi không sao tin được. Chiếc Yahagi chạy một cách lừ đừ, chậm chạp đâu khoảng vài phút rồi khựng lại thình lình và dừng hẳn. Một chiến hạm to lớn như thế này mà bỗng nhiên chết đứng chỉ vì một quả ngư lôi duy nhứt chạm phải là điều khó chấp nhận. Nỗi ngẩn ngơ của tôi càng gia tăng khi tôi nhìn xuống đồng hồ: 12g46. Nghĩa là chúng tôi mới chiến đấu có được 12 phút.

Tôi yêu cầu phòng máy báo cáo tình trạng hư hại. Không ai trả lời. Tôi gọi lại, nhưng vẫn như lần trước. Bây giờ tôi hiểu ngay là quả ngư lôi đã trúng ngay phòng máy. Tôi than trời, nhưng đối phương không cho phép than thở. 6 chiếc phi cơ khác chúi xuống thả bom. Tôi nhìn thấy rõ ràng một quả bom trúng ngay sàn giữa và nổ tung, đốn ngã ít nhứt 10 thủy thủ, có 6 cái xác bay tung lên không. Tiếp theo một tiếng nổ ở phía sau đuôi khiến toàn thân chiếc Yahagi rung chuyển dữ dội.

Một thoáng, tôi nhớ lại hình ảnh chìm dần của chiếc tàu hải vận Tokyo Maru, nạn nhân của một quả ngư lôi duy nhứt trúng ngay buồng máy. Cùng lúc, tôi nhớ lại hình ảnh 2 thiết giáp hạm khổng lồ Repulse và Prince of Wales của Anh, cả hai đã bị đánh chìm bởi một số phi cơ Nhựt ít hơn số phi cơ đang đối đầu với chúng tôi rất nhiều. Niềm tin trong lòng tôi bỗng tiêu tan.

Một thủy thủ hối hả leo lên tháp báo cáo: “Ngư lôi phá vỡ buồng máy và nước đã tràn vào đầy cả rồi!”

Tôi hỏi: “Ðóng các vách ngăn chưa?”

“Ðang làm công việc này, thưa Ðại tá.”

Chiếc tàu nghiêng về mạn phải ở một mức độ đáng ngại. Tôi nghe Komura nói: “Hamakaze tiêu rồi!” Tôi nhìn sang phía trái, về phía Komura đang nhìn trừng trừng, tôi chỉ kịp thấy cái bụng sơn màu đỏ chói của chiếc Hamakaze trước khi nó biến mất giữa những lượn sóng.

Chúng tôi chưa kịp đắp điếm vết thương thì một cuộc tấn công mới lại ùa đến. Uchino chạy xuống cầu thang để ra lịnh cho các xạ thủ. Ðó là lần cuối cùng tôi thấy viên hạm phó xuất sắc của mình. Tất cả mọi loại súng đều khai hỏa, và lần đầu tiên trong trận đánh này, Yahagi bắn hạ hai phi cơ địch.

Chiếc tàu, đã chết đứng trên mặt nước, nhận lãnh bom đạn của hết loạt phi cơ này đến loạt phi cơ khác. Phi công địch can trường đâm thẳng vào hàng rào hỏa lực của chúng tôi. Ðuôi chiếc tàu lại trúng bom và rung chuyển dữ dội. Tôi nhìn ngoái lại, và thấy 3 xác người tung lên cao có gần 20m. Cùng lúc, Yahagi lĩnh thêm một quả ngư lôi nữa vào đằng mũi.

Chiếc tàu rung như một tờ giấy căng trước gió. Bám chặt vào chấn song của tháp chỉ huy, tôi thấy rõ lỗ thủng vĩ đại ở mũi Yahagi do quả ngư lôi gây ra. Ðộ nghiêng gia tăng nhanh chóng. Một nhóm oanh tạc cơ và chiến đấu cơ khác lại ùa đến, và tất cả đều dồn hết hỏa lực vào chiếc mũi đã bị vỡ. Những tràng đại liên đinh tai nhức óc của phi cơ địch được chấm câu bằng tiếng nổ dữ dội của một quả bom trúng thẳng vào pháo tháp số 1, thổi bay toàn thể pháo thủ và nghiền nát những người đứng ở sàn giữa. Một điều lạ lùng là không có quả bom nào trúng đài chỉ huy chính hoặc tháp chỉ huy tác xạ. Nhưng tất cả đinh tán đều long ra hết, khiến hai nơi đây rung động liên hồi, không biết sụp xuống lúc nào. Sườn của pháo tháp số 1 vẫn còn nguyên nhưng áp lực của quả bom 250 cân Anh thổi bay tất cả vách thép dày bao chung quanh. Khói màu vàng cay nồng len lỏi qua các lỗ thủng bay lên. Giữa cảnh tàn phá, tôi sửng sốt khi nghe một tiếng la to của sỹ quan pháo thuật, Ðại úy Hatta, ra lịnh tháo nước vào kho chứa đạn của pháo tháp số 1. Khói màu vàng tan dần vì lửa bị dập tắt. Nếu kho đạn này nổ, chiếc tàu sẽ vỡ vụn, những kẻ còn lại không mong gì sống sót. Nhưng kho chứa đạn đầy nước sẽ khiến cho độ nghiêng của chiếc tàu càng trầm trọng thêm.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Phi cơ địch vẫn tấn công không ngừng nghỉ, và nhóm kế tiếp đã oanh tạc trúng đích nhiều đến nỗi tôi không thể nào đếm xuể. Khi chuỗi tiếng nổ chấm dứt, tôi rùng mình nhận thấy nhiều ụ súng và các xạ thủ đều biến mất. Một cấp chỉ huy có thể chịu đựng bao lâu trước cảnh thuộc cấp của mình lần lượt bị xé nát? Vẫn chưa trái bom nào trúng đài chỉ huy chính hoặc đài chỉ huy tác xạ.

Tôi bừng tỉnh khi phòng ngư lôi gọi tên tôi. Ðó là Thiếu Tá Takeshi Kameyama, yêu cầu cho phép phóng tất cả ngư lôi trong ống. Ông ta nói: “Nếu các quả ngư lôi này nổ, tàu sẽ bị phá tung.”

Tôi chấp thuận. Lập tức, một loạt 16 quả ngư lôi được phóng ra. Tôi tưởng tượng đến cảnh hư hại mà những quả ngư lôi này có thể gây ra cho hạm đội địch. Ðó là tưởng tượng ở giây phút cuối cùng của định mệnh.

Hành động của Thiếu tá Kameyama không sớm quá một giây. Quả ngư lôi cuối cùng vừa thoát ra mặt nước, nhiều quả bom rơi xuống phá tung các ống phóng và đốn ngã tháp sau của Yahagi. Vẫn an toàn trên đài chỉ huy, tôi nhìn về phía cuối tàu và nhận thấy chiếc máy phóng phi cơ của chúng tôi đã tan ra từng mảnh. Chiếc phi cơ duy nhứt, một phút trước đây vẫn còn toàn vẹn, hiện tại là một đống sắt vụn. Một vài khẩu súng vẫn còn lên tiếng và nhiều thủy thủ mình mẩy đẫm máu vẫn chưa chịu rời bỏ vị trí chiến đấu.

Hàng loạt oanh tạc cơ Avenger tiếp tục ùa đến như những làn sóng, và hàng loạt ngư lôi ném xuống. Tôi không thể nào biết rõ bao nhiêu quả đã trúng vào chiếc tàu. Tiếng nổ hàng loạt khiến cho con tàu đang hấp hối của chúng tôi rung lên từng cơn. Cuối cùng tiếng nổ chấm dứt, nhưng độ nghiêng vẫn tiếp tục gia tăng trong lúc sóng biển bắt đầu tẩy sạch những vũng máu trên sàn tàu và những xác chết lần lượt lăn xuống mặt biển.

Và bây giờ làn sóng cuối cùng của khoảng 100 phi cơ địch đã thi hành xong nhiệm vụ và bay đi. Tôi nhìn quanh. Tất cả pháo tháp đều bị thiêu rụi. Chiếc tuần dương hạm đầy kiêu hãnh của tôi bây giờ chỉ còn là một đống sắt nổi trên mặt nước, nhưng lạ lùng thay, tôi nghĩ, không hề có một đốm lửa nào. Nhìn cảnh tượng kỳ quái này, tôi chực nhớ lại hình ảnh tuần dương hạm San Francisco của Hoa Kỳ, chiếc tàu giống như ma quỷ đó đã khiến cho chiếc Amatsukaze suýt tan tành trong đêm tối bưng ở gần Santa Cruz. Hiện thời Yahagi cũng là một chiếc tàu ma. Không vật gì còn động đậy trên sàn tàu. Ða số thủy thủ đã bị tiêu diệt.

Nhưng trên đài chỉ huy mọi người đều lành lặn. Ðề đốc Komura nói: “Hara, tôi đề nghị tốt hơn là chúng ta nên rời khỏi đây ngay bây giờ, nếu không tôi sợ sẽ lỡ dịp. 250 phi cơ địch hình như đã làm xong nhiệm vụ của chúng.”

Tôi không biết nói sao. Tôi cúi đầu và sau đó ấp úng: “Thực đáng tiếc, thưa Ðề đốc.”

“Chúng ta hãy chuyển soái kỳ sang một trong những khu trục hạm, và cố gắng tiến đến mục tiêu của chúng ta ở Okinawa. Anh nghĩ thế nào?”

Tôi nghĩ thế nào? Ðể mất chiếc tàu và thủy thủ đoàn. Gánh nặng đang oằn xuống vai.

“Hãy nhìn kìa, Hara, khu trục hạm Isokaze vẫn còn hoạt động!” Thực đáng kinh ngạc khi tôi nhận thấy Isokaze vẫn còn nằm đúng vị trí của đội hình vòng tròn trước đây, cách phía trái chúng tôi khoảng 3,000m. Chiếc tàu hình như không bị hư hại gì và đang hướng mũi chạy về phía chúng tôi. Ðó là một vài giây hy vọng trong trận đánh.

“Phải rồi, thưa Ðề đốc, chúng ta đành bỏ rơi Yahagi.” Và tôi gọi: “Truyền tin, yêu cầu Isokaze tiếp cứu khẩn cấp!”

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Sau lịnh của tôi, đèn hiệu cực mạnh được chớp lên và đồng thời một nhân viên truyền tin cũng sử dụng tín hiệu bằng cờ. Chúng tôi truyền miệng cho các thủy thủ sống sót chuẩn bị bỏ tàu, Isokaze đáp lại tín hiệu của chúng tôi, và xả hết tốc lực chạy về phía Yahagi. Còn cách khoảng 1,000m, Isokaze giảm tốc lực và từ từ tiến sát vào chúng tôi. Tôi ra lịnh bỏ tàu.

Nhưng một quan sát viên la lên: “Phi cơ địch!” Một phút sau, một làn sóng oanh tạc cơ và chiến đấu cơ Mỹ ùa đến. Chiếc Isokaze chỉ còn cách chiếc Yahagi 200m. Nhiều phi cơ đang tấn công soái hạm Yamato đã tách ra một số để đuổi theo chiếc khu trục hạm di chuyển chậm chạp này. Isokaze đã xả hết tốc lực để lẩn tránh, nhưng phi cơ địch xuất hiện mọi lúc mọi nơi, cùng với bom rơi xuống như mưa. Tiếng nổ rền rền cho đến khi chiếc Isokaze biến mất trong một cột khói màu đen.

Yahagi đã gây họa cho Isokaze. Trường hợp vừa xảy ra không khác với trường hợp chiếc Shigure của tôi khi tuần dương hạm Sendai bị tấn công ở vịnh Nữ hoàng trước đây, nhưng lúc ấy tôi đã từ chối lời yêu cầu tiếp cứu của chiếc tàu này.

Sau khi thanh toán xong Isokaze, phi cơ địch quay lại Yahagi, những gì còn lại trên tuần dương hạm này lại bị đạn đại liên cày thêm một lượt nữa. Tôi chỉ biết bám vào song sắt của đài chỉ huy một cách tuyệt vọng.

Khi cơn quằn quại của Yahagi hạ xuống, tôi ngẩng đầu lên, và kinh ngạc nhìn thấy chiếc Isokaze nhô ra khỏi bức tường khói dày đặc bao quanh. Mang thương tích, nhưng vẫn còn sống, chiếc tàu đang cố gắng tháo chạy. Phi cơ địch quay lại, chúi mũi xuống, và một lần nữa, chiếc tàu biến mất trong màn khói.

Sau khi đảo cánh rời khỏi khu trục hạm Isokaze, phi cơ địch cảm thấy cần phải chào từ giã chiếc tuần dương hạm đang hấp hối của tôi. Chúng tôi không còn biết làm gì khác hơn là bám vào song sắt để chịu trận. Nhưng hiện thời bom đạn không làm chúng tôi sợ hãi bằng những cơn giật nẩy mình trước khi tắt thở của chiếc tàu.

Trung úy Yukio Matsuda, sỹ quan hoa tiêu, đã gom được hơn một chục thủy thủ bị thương và đang cố gắng mang họ xuống một xuồng cấp cứu. Hành động này đã chọc tức 3 máy bay địch. Cả ba đã tập trung hỏa lực, đập tan chiếc xuồng ra thành từng mảnh và dìm 13 xác chết xuống khoảng biển đẫm máu.

Các thủy thủ còn lại trên tàu đều nhảy xuống nước. Ðịch quân không cho họ kịp thở. Một làn sóng khác của khoảng 100 phi cơ ào đến dội bom và bắn vào tất cả những gì còn động đậy. Kỳ lạ thay, Komura cùng một vài sỹ quan khác và tôi đứng trên đài chỉ huy tác xạ, giữa cảnh đổ nát của chiếc tàu mà vẫn không hề hấn gì. Nhìn ra xa, tôi nhận thấy chiếc Isokaze gần như bất động, và mặc dù không bốc cháy, chiếc tàu lắc lư không khác gì say rượu. Cách đó không xa, chiếc Suzutsuki đang bốc cháy, tuôn ra từng cuồn khói đen mù mịt. Và chiếc Kasumi chạy xiêu vẹo, tín hiệu bằng cờ cho biết bánh lái của nó bị trục trặc.

Thiết giáp hạm Yamato thoạt nhìn có vẻ như vẫn còn trong tình trạng an toàn. Ở một khoảng cách 3 dặm, tôi không làm sao biết được đại chiến hạm từng là niềm kiêu hãnh của Hải quân này đang lâm vào tình trạng tồi tệ không kém gì tuần dương hạm Yahagi. Hai khu trục hạm Yukikaze và Fuyutsuki chạy lướt qua lướt lại nhanh như thoi đưa trong nỗ lực can đảm nhằm bảo vệ soái hạm khổng lồ.

Vẫn chưa hài lòng với một Yahagi trong cơn hấp hối, làn sóng thứ 5 với hơn 100 phi cơ nữa lại ùa đến. Ðạn bay veo véo quanh tôi. Không còn biết sợ là gì nữa, tôi nghiến chặt răng: “Phải rồi, mấy tên Yankee quỷ quái này, tụi bay hãy dứt điểm đi.”

Như để đáp lại lời tôi, tiếng rít của một viên đạn bay đến trúng vào cánh tay trái và đẩy tôi ngã chúi. Lúc ngã xuống, tôi lại càng kinh ngạc hơn khi nhận thấy những lượn sóng đã mấp mé đến đài chỉ huy, nơi mà hiện tại chỉ còn mình tôi và Ðề đốc Komura.

“Bây giờ, Hara, chúng ta nên đi chưa?” Komura hỏi một cách bình tĩnh.

“Ði!”

Trong lúc chúng tôi tháo bỏ giày vớ, tôi vẫn kịp nhận ra lúc ấy là 14g06. Phi cơ địch lại gầm thét trên đầu. Sóng bủa lên đầu gối lúc chúng tôi nhảy ra khỏi đài chỉ huy. Bơi đâu được khoảng một vài thước, tôi cảm thấy một sức mạnh khổng lồ lôi tôi mạnh xuống đáy biển. Tôi chòi đạp, vùng vẫy, nhưng vực nước xoáy do một chiếc tàu chìm tạo ra có một hấp lực không thể nào chống trả nổi. Tôi chịu thua, không vùng vẫy nữa, chấp nhận cái chết…

Tuần sau:  Chương L

Vĩnh biệt

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships