Saipan đi vào lịch sử thế chiến dưới tên gọi Địa ngục Thái Bình Dương. Đến Iwo Jima, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đặt tên Địa ngục của Địa ngục. Lý do: Trung tướng Tadamichi Kuribayashi, vị tướng đã thảo kế hoạch đánh chiếm Hương Cảng và được xem xuất chúng, nhận lệnh chống trả đến cùng, chết tại chỗ! Biết sẽ không trở về, ngày đáo nhậm Iwo Jima, Kuribayashi chỉ đem theo thanh kiếm sắt mà không mang bên mình thanh kiếm bằng bạc của Thiên hoàng ban tặng. Ý chí quyết tử của hai mươi ba ngàn binh sĩ Nhật sẽ gây thương vong cho hai mươi sáu ngàn lính Mỹ. Iwo Jima là trận chiến khốc liệt nhất trong tất cả những cuộc đổ bộ. Tên Hán-Việt của Iwo Jima là đảo Lưu Huỳnh vì chứa chất diêm sinh dùng làm diêm quẹt; tự thân Iwo Jima đã là một thùng thuốc súng.
Riêng với Sakai, sau thuyên chuyển về Không đoàn Thủ đô Yokosuka, đã nhận lệnh ứng chiến trên hòn đảo bé xíu này với nhiệm vụ phòng thủ không trung. [Trần Vũ]
Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật
Nhiều kỳ – Kỳ 26
Chương 23
Suốt thời gian được bổ nhiệm đến Yokusuka, tôi thường viếng thăm Ðông Kinh. Ðể thăm chú thím tôi và cũng để thăm Hatsuyo. Nàng vẫn thân mật, trìu mến và dịu dàng, tuy hai chúng tôi tránh nhắc đến việc chậm lập gia đình của cả hai. Tôi cùng dạo phố với Hatsuyo nhiều bận. Trong 18 tháng vắng mặt của tôi, thủ đô đã thay đổi. Màu sắc và sự vui tươi biến mất. Ðường phố ưu sầu, mất hẳn sinh động. Dân chúng cúi đầu bước đi với vẻ trầm tư. Con cái, cha anh, chú bác, thân thuộc của những người này đã ra đi, và không bao giờ trở lại. Những tiệm buôn đã cạn hàng hoá, bán theo tem phiếu hiện là một nội quy bắt buộc. Dân chúng kiên nhẫn đứng nối đuôi trong gió lạnh, chờ đợi để nhận thức ăn. Tôi ý thức để khoản đãi tôi trở về nhà, thím tôi với Hatsuyo đã phải xếp hàng và tích trữ thức ăn rất lâu. Tuy nhiên thủ đô vẫn nguyên vẹn, ngoại trừ một cuộc không tập duy nhứt xảy ra vào năm 1942.
Nhưng chiến tranh lấn bước đến Nhựt Bản vào tháng 6 năm 1944, gây ảnh hưởng không tốt đối với công chúng. Vào ngày 15 tháng 6, dân chúng Ðông Kinh đã xúc động khi nghe tin 20 pháo đài bay địch đã bay một mạch từ Trung Hoa đến tấn công một thành phố phía Bắc Kyushu là đảo Cửu Châu. Cuộc oanh tạc không gây hư hại bao nhiêu. Nhưng trong nhà và trong các cửa tiệm, trong những cơ xưởng và trên đường phố khắp nơi ở Nhựt, ai ai cũng bàn tán đến vụ oanh tạc, nói về việc các chiến đấu cơ của chúng tôi đã thất bại không chận đứng nổi các oanh tạc cơ địch. Tất cả đều có chung những câu hỏi: thành phố nào sẽ bị oanh tạc kế đó? Khi nào? Và bao nhiêu oanh tạc cơ? Bao nhiêu bom?
Ðài phát thanh lại loan đi một tin tức gây lo âu khác. Người Mỹ đã đổ bộ lên Saipan. Chiến tranh đã đến gần quê hương bằng một lối khác nữa. Saipan không xa mấy. Những tấm bản đồ được mở ra, và người dân giựt mình nhìn thấy hòn đảo nhỏ li ti sát bờ biển Nhựt. Và họ nhìn lẫn nhau. Họ đã bắt đầu đặt những câu hỏi, thì thầm, về các tin tức chiến thắng loan đi thường xuyên trên đài phát thanh. Làm sao Nhựt Bản có thể nghiền nát chiến hạm, tiêu diệt phi cơ địch, đánh tan lực lượng của đối phương một khi Saipan đã bị xâm phạm. Ðó là một câu hỏi mà ai ai cũng đặt ra, nhưng chỉ một vài người dám đưa ra lời giải đáp.
Tiếp liền tin tức về Saipan, chúng tôi nhận được tin các lực lượng hùng hậu thuộc hạm đội của chúng tôi tiến đến quần đảo Mariana, tham dự vào trận đánh mà mọi người ở Yokosuka đều biết sẽ là một trong những trận đánh quyết định cuộc chiến. Chúng tôi không còn mưu định đổ bộ lên các hòn đảo bên ngoài, chúng tôi đang canh gác ở ngay những cổng bước vào quê hương chúng tôi.
Sáng hôm sau, Không đoàn Yokosuka nhận lịnh di chuyển đến đảo Iwo Jima. Bộ Tư Lịnh Tối Cao của chúng tôi e rằng một khi Saipan thất thủ, quân Mỹ sẽ bước thêm bước nữa, bằng cách tấn công địa điểm chiến lược này. Với Iwo Jima trong tay đối phương, toàn thể nước Nhựt sẽ bị uy hiếp.
Thực sự, việc Iwo Jima không bị chiếm đóng vào mùa Hạ năm 1944 là một kinh ngạc cho chúng tôi. Phòng thủ trên đảo này lúc đó rất yếu kém. Chỉ cần một phần lực lượng đổ bộ lên Saipan, địch quân có thể đặt chân lên các bãi cát Iwo Jima và tẩy sạch sức đối kháng của lực lượng phòng thủ trên đảo dễ dàng. Không hiểu vì lý do nào, cuộc đổ bộ bị trì hoãn nhiều tháng, cho phép Lục quân và Hải quân Nhựt đổ người và vũ khí lên hòn đảo chiến lược nhỏ bé này.
Khi nhận được lịnh thiết lập một mạng lưới bảo vệ không phận hòn đảo, Không đoàn Yokosuka do phần lớn máy bay đã tăng phái cho Phi Luật Tân chỉ có vỏn vẹn ba mươi chiến đấu cơ khả dụng. Ba mươi chiếc Zéro, giống như mấy chiếc Zéro mà tôi đã từng bay ở Trung Hoa gần 5 năm trước đây. Chỉ có bao nhiêu đó! Cho một Không đoàn Thủ đô có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng gia!
Tuy nhiên, cuộc đổ bộ chưa xảy ra. Chúng tôi coi biến cố này như một phép lạ. Trung tá Nakajima đã trở về Yokosuka. Một tháng sau khi ông rời căn cứ Toyohashi nằm trong vịnh Phong Kiều để đến Rabaul, Ðông Kinh đã gọi ông về và chỉ định chức vụ chỉ huy trưởng Không đoàn Yokosuka. Bây giờ, sau một năm trên đất liền, ông ta lại ra đi nữa. Lần này ông sẽ đối diện với một mặt trận bi tráng hơn bất kỳ mặt trận nào khác trong đời chỉ huy của ông. Tôi nhận được lịnh trình diện ông trong văn phòng. “Sakai, tại sao anh không đi với tôi lần này?” ông hỏi. “Anh biết là tôi nôn nóng muốn bay trở lại với anh đến mức nào không. Tôi bất cần những gì mấy thằng bác sĩ cứ lải nhải. Hiện thời, đối với tôi, anh vẫn là một phi công xuất chúng. Anh đã chứng tỏ điều này mỗi khi tôi thấy anh bay.”
“Saburo, tôi cần anh đi với tôi. Cần lắm. Anh sẽ giống như một vị thần hộ mạng đối với những phi công mới này. Có anh bay với chúng tôi, tinh thần của họ sẽ lên cao. Họ sẽ theo anh bất cứ nơi nào.”
“Trung tá cần phải hỏi tôi nữa sao?” Tôi nói. “Trung tá yêu cầu tôi đi với Trung tá phải không? Bao nhiêu lần tôi đã khẩn khoản! Bao nhiêu lần tôi đều bị lắc đầu, “anh không thể bay được đâu, Sakai, anh nửa đui nửa sáng mà còn bay với bổng gì nữa, Sakai.” Dĩ nhiên, tôi muốn đi! Tôi muốn đi với Trung tá. Tôi muốn chiến đấu trở lại!”.
Thời gian đã đổi thay. Không một viên y sĩ nào tỏ vẻ phản đối ý định của tôi. Những lời đầu môi để giữ một viên phi công độc nhãn đứng bên ngoài cuộc chiến không còn nữa. Nhựt Bản không thể nào lo nghĩ đến những chi tiết nhỏ mọn như vậy nữa. Nhựt Bản đang lâm nguy, và một phi công độc nhãn có đầy đủ kinh nghiệm chiến đấu như tôi phải gánh vác trách nhiệm.
Tôi lại ra đi. Xứ sở đang cần tôi.
Chúng tôi nhận lịnh đến Iwo Jima tức khắc. Chúng tôi không có cả thì giờ liên lạc với gia đình. Không có những lời từ biệt. Tôi thực tâm muốn từ giã Hatsuyo nhưng tôi chỉ kịp viết vội vài dòng thông báo vắn tắt lên một tấm bưu thiếp.
Vào sáng ngày 16 tháng 6-1944, chúng tôi cất cánh từ Yokosuka và bay trong đội hình, với tôi dẫn đầu, trực chỉ hòn đảo xa xôi. Nhưng chúng tôi không đến được mục tiêu. Sau 100 dặm bay trong những đám mây dầy đặc sa mù sà thấp và những cơn mưa như thác lũ, chúng tôi bắt buộc phải quay về Yokosuka. Mùa mưa của Nhựt Bản đã bắt đầu. Với tất cả dữ tợn của thiên nhiên. Nakajima và tôi, cũng như một số phi công kinh nghiệm khác có thể bay đến Iwo Jima dễ dàng, nhưng đa số ba mươi phi công thuộc không đoàn đều là tay mơ. Mưa bão sẽ đánh dạt họ ra khỏi đội hình không biết lúc nào, và điều đó có nghĩa là họ sẽ mất tích và mạng sống của họ chấm dứt.
Iwo Jima là một hòn đảo nhỏ cách phía Nam Yokosuka 650 dặm, tính bằng hải lý. Bề ngang lớn nhứt của hòn đảo chỉ khoảng hai dặm. Trên mặt bản đồ thế giới, Iwo Jima có vẻ như là một hòn đá cuối cùng của một loạt các hòn đá trải dài từ Yokosuka đến Guam. Tuy nhiên, các bản đồ thường đưa đến những sai lầm tai hại, và trên đường bay bao la của Thái Bình Dương, khoảng cách giữa mỗi điểm nhỏ có thể được phỏng định chênh lệch một cách khủng khiếp. Quả thật, không radar, ngay cả vô tuyến cũng không có, chúng tôi không dám liều lĩnh, vì như vậy hầu hết phi cơ của chúng tôi có thể đi đời.
Chúng tôi đã từng gặt hái kinh nghiệm bi thảm về vấn đề này. Ðầu năm 1943, nhiều phi đoàn chiến đấu cơ Lục quân, được lái bởi những phi công không có một chút kinh nghiệm nào trong các phi vụ vượt đại dương, vì chỉ tác chiến trên lục địa, cất cánh ở Nhựt Bản để đến một căn cứ phía Nam. Trên đường đi họ chạm trán với tình trạng thời tiết tồi tệ, nhưng họ không chịu quay về. Kết quả hầu hết phi cơ đều biến mất trong khoảng không trình hun hút sâu vô tận của Thái Bình Dương.
Chúng tôi cố lên đường một lần nữa vào sáng ngày 17 tháng 6. Lần này chúng tôi rời khỏi Yokosuka chưa đầy 200 dặm thì bị các trận bão đẩy bật trở lại, mặc dù theo báo cáo thì thời tiết ở Iwo Jima và quần đảo Mariana rất tốt đẹp. Chúng tôi nằm lì trong doanh trại, nghe tin tức do đài phát thanh loan đi liên quan đến quân trú phòng trên đảo Iwo Jima. Theo đó, đối phương đã tung các cuộc không tập lên hòn đảo này suốt ngày suốt đêm.
Bốn lần, chúng tôi cất cánh, và bốn lần chúng tôi đều bị các trận bão đẩy bật trở lại. Vào ngày 20 tháng 6-1944, khi chúng tôi cố gắng lên đường lần thứ năm, tình trạng thời tiết vẫn hoàn toàn không bảo đảm an phi. Tuy nhiên, Trung tá Nakajima quyết định lướt qua. Chúng tôi để những phi công không kinh nghiệm bay ở cánh và đuôi, rồi tất cả xông vào mưa bão mù mịt.
Không ai trong chúng tôi biết được vào ngày này nhiều hải hạm đội quan trọng của chúng tôi đã chịu đựng một cú đấm thảm khốc do phi cơ và trọng pháo của lực lượng đặc nhiệm đối phương ở quanh quần đảo Mariana tung ra.
Cuối cùng, chúng tôi thoát ra khỏi trận mưa bão. Chúng tôi bay được 650 dặm, là đã vượt 1,200 cây số và nhiều phút sau đó, đỉnh của ngọn núi lửa trên đảo Iwo Jima hiện ra lờ mờ trên mặt nước, Trung tá Nakajima bắt đầu đảo một vòng rộng lớn trên phi đạo thứ nhì, thiết lập trên sườn núi Motoyama, nằm chính giữa hòn đảo. Tôi những tưởng những phi đạo lấm bụi ở Lae là tồi tệ, nhưng phi đạo này còn tồi tệ hơn nữa. Ðáp xuống sân bay ngắn trên một hàng không mẫu hạm có lẽ còn đơn giản hơn đáp xuống phi đạo khủng khiếp ở dưới kia. Hai phía của phi đạo vách đá dựng đứng. Chỉ cần đáp trật một chút, chúng tôi sẽ đâm sầm vào núi và biến thành trái cầu lửa ngay. Và một tường đá cao chớn chở chắn ngang cuối phi đạo chờ đợi những phi công không thận trọng.
Đảo Iwo Jima với đỉnh núi Suribachi
Trung tá Nakajima từ chối thử sức các phi công của ông trên phi đạo cấm kỵ này. Ông dẫn cả nhóm trở lại phi đạo thứ nhứt, nằm ở mặt phía Nam của hòn đảo. Phi đạo này rộng và dài. Lần lượt, các chiến đấu cơ hạ cánh.
Ðã có hơn 90 phi cơ đậu dọc theo phi đạo, không còn chỗ trống nào dành cho các chiến đấu cơ của chúng tôi. Nakajima đưa tay ra khỏi phòng lái vẫy vẫy ra dấu cho chúng tôi đi theo ông. Một con đường dốc lộng gió dẫn từ phi đạo chánh đến phi đạo phụ dài hơn một dặm. Tôi cảm thấy buồn cười khi chạy cà xốc men theo con đường này. Giống lái xe đò. Ðây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi mới biết leo lên sườn núi với một chiến đấu cơ và một dọc ba mươi chiến đấu cơ phía sau, rồi chạy vòng như taxi đón khách.
Một tiểu đoàn bộ binh đã kinh ngạc đến nỗi há hốc khi nhìn đoàn công-voa tung xốc nối đuôi kêu vang rầm trời và quậy bụi mù mịt của chúng tôi. Nhiều người đưa tay chỉ chỏ, cười nghiêng ngửa. Riêng chúng tôi khó thể nào cười nổi. Lái một chiến đấu cơ lên dốc, với một chiếc ở phía trước và một chiếc khác quay cánh quạt vù vù thổi tung đất cát ở phía sau trong khi phải cố gắng đối phó với mấy chỗ lượn cong, đầy ổ gà còn hóc búa hơn duy trì đội hình bay khít khao trong một đám sương mù dầy đặc.
May mắn thay, chúng tôi đến Iwo Jima trong thời gian các trận đánh lắng dịu tạm thời. Chỉ vào ngày trước đó, hòn đảo đã náo động dưới hàng ngàn quả đại bác của lực lượng đặc nhiệm đối phương chạy dọc theo bờ biển. Hải pháo 400 ly từ các thiết giáp hạm Mỹ đào những hố sâu hơn bể bơi Ðông Kinh.
Chúng tôi may mắn, vì hiện thời đối phương đã quay hướng đến Saipan để dập các pháo đài Nhựt trên hòn đảo này. Trong ba ngày, chiến tranh buông tha Iwo Jima. Nhưng không một người đàn ông lành mạnh nào muốn ở đây. Nó vừa ảm đạm vừa bất an, không cảm thấy dễ chịu như ở Rabaul. Nhưng chúng tôi thích nghi với hoàn cảnh, lợi dụng thời gian yên tĩnh giả tạo để trầm mình trong các suối nước nóng chảy róc rách thường xuyên qua các kẽ đá từ bên này đến bên kia phi đạo.
Cuộc chiến chưa bao giờ kỳ dị hơn đối với chúng tôi. Chúng tôi biết được tin hạm đội của chúng tôi đã tan tác trong trận hải chiến ở quần đảo Mariana. Và tất cả các phi công của các hàng không mẫu hạm đều chết rụi không còn một mống. Những lực lượng đổ bộ của địch có sức mạnh siêu việt là điều không thể nghi ngờ được. Với sự yểm trợ của hàng ngàn phi cơ, hàng trăm đại bác trên các chiến hạm, những lực lượng này chắc chắn sẽ diệt các đơn vị Nhựt trên đảo Saipan đến người cuối cùng.
Các sĩ quan của chúng tôi đã đến hồi tuyệt vọng. Họ biết rõ Saipan cần được giúp đỡ. Nhưng chúng tôi có thể làm gì được? Một cuộc tấn công toàn lực bằng chiến đấu cơ của chúng tôi chỉ hiệu quả nhứt thời, nếu không nói là vô nghĩa. Bởi lẽ Saipan nằm cách phía Nam Iwo Jima đến 600 hải lý. Mặt khác, nếu chúng tôi rời Iwo Jima mà không để lại một số chiến đấu cơ khả dụng, lúc đó quân Mỹ có thể thừa nước đục thả câu, đập tan hệ thống phòng thủ và quét sạch sức đề kháng yếu ớt trên hòn đảo.
Cuối cùng, quyết định được đưa ra: chiến đấu cơ ở lại, nhưng các oanh tạc cơ sẽ cất cánh tấn công các tàu chiến Hoa Kỳ trên đường đến Saipan. Mỗi cuộc tấn công đều được thực hiện vào ban đêm, các oanh tạc cơ không hộ tống sẽ cất cánh từng nhóm tám hoặc chín chiếc.
Khoảng thời gian giữa mỗi phi vụ oanh tạc cơ cất cánh rồi quay về là một khoảng thời gian vô tận. Chúng tôi nôn nóng sốt ruột chờ đợi. Các phi công của chúng tôi đã thi hành nhiệm vụ với lòng dũng cảm tột cùng và đã đạt được một số hiệu quả. Nhưng mà những hiệu quả này có nghĩa lý gì? Ðó chỉ là cái đập cánh của lũ thiêu thân.
Tuần sau: Chương 24
Tử chiến với Mèo Hỏa Ngục F6F Hellcat
Saburo Sakai, Đông Kinh 1956. Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956.
Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972
Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn
của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957
Minh họa AirCraft of The Aces