Kỳ 1

Lời của U

Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Ðêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Ðã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.

Cánh tay mụ đỡ đưa cao lắm. Cánh tay lằn những sợi gân oan nghiệt. Miểng chai cắm lùi trong than hồng đỏ rực. Loại miểng chai sắc cạnh, bén nhọn chỉ dùng cho mỗi thứ công việc đành đoạn là cắt cổ người, hoặc nhẹ nhàng lắm: thọc huyết trâu. Vợ Trần Lý co rúm như con lợn lôi ra sân bếp. Tôi nhắm mắt, đã hiểu mình sẽ không bao giờ lớn. Trần Thị mất mẹ ở hành động cưỡng ép chối bỏ tình mẫu tử đó. Cuống rốn nắm trong tay mụ đỡ hiểu được số mệnh, vùng vẫy, cựa quậy, tháo thân, cuống rốn như con rắn nước liều lĩnh kháng cự trước lúc bị chặt đầu. Miểng chai xắn xuống, xắn xuống, cứa mãi, thịt rách, gân đứt, máu phụt, vợ Trần Lý căng, đạp, thét la oằn oại gào trong mất mát. Trần Thị bật khóc, tiếng khóc đầu tiên vỡ òa khi cuống nhau nối mình vừa đứt. Máu tiếp tục phun. Nước mắt tôi chảy cho Trần Thị: Vào đời giữa máu me hung bạo.

Tôi về ở cho tộc Trần, như thế, từ sau đêm máu me ấy. Tộc Trần là một tộc lớn, ngự trị khắp phủ Xuân Trường. Hiếm ai ngờ một dòng họ còn sót lại từ thời Bắc Tống, kéo xuống lập nghiệp phương Nam khởi đi từ nghề đánh cá nhỏ mọn, sau một trăm năm lại hùng mạnh chừng ấy. Ở cho một gia tộc quyền thế, song công việc của tôi cực nhàn nhã. Ngày ngày theo chân Trần Thị, lẫm chẫm quanh vùng Hải Ấp, rồi lớn dần chạy nhảy bên bờ sông Thao. Trần Thị lớn vụt lên như lẫm lúa bát ngát mênh mông của tộc Trần. Sức sống của con sông Thao cuồn cuộn chảy buông mênh mang về Phú Thọ, cũng chở mang sắc đẹp của Trần Thị. Mỗi dòng sông ở đầu thế kỷ 13 mang một vẻ đẹp riêng, nhưng sông Thao mang vẻ đẹp của đất nước.

Xem thêm:   Hang gấu

Nhưng nếu tôi không bao giờ lớn, ở lại mãi mãi cái đêm sinh nở tàn bạo, thì Trần Thị trổ vươn như nhành lúa bắn mình đẹp đẽ. Nhành lúa đẹp tựa một ánh chớp sánh bừng rực rỡ, ửng hồng giữa bầu trời tối tăm tàn tạ cuối triều Lý. Chưa ý thức, song Trần Thị thường nắm tay tôi nhìn đăm ra khoảng sân sau, khoảng sân huyễn hoặc, lót đá vân lọt thỏm giữa lòng nhà lưa thưa nắng. Những tia nắng kỳ ảo lấp lánh lăn quăn khắp bức tường loang loáng vẽ nghìn tia ngũ sắc ngời ngời óng ả phản quang không ngớt trên mặt vại nước. Trần Thị kéo tay tôi ngồi xuống. Chúng tôi ngồi sát nhau tưởng chừng có thể nhập làm một, như thể tôi với Trần Thị chỉ là một – một người con gái nhiều giờ liền ngắm bức tường say mê. Nắng nung những ước vọng thầm kín trong tôi, còn khoảng tường vạch lên trước mắt Trần Thị vị trí của tộc Trần. Có lẽ trưa đó, Trần Thị cũng bắt đầu nhận biết vai trò của mình trước lịch sử khi đối diện khoảng tường soi nắng ấy. Nắng soi như chưa bao giờ được soi xuống từ mảnh ngói vỡ vàng chóe, lập lòe, rũ màu sắc, buông thả từng đường, từng mảng, từng cánh tay ôm choàng ngang bức tường rêu cũ kỹ xanh ố mờ thời gian. Cả bức tường vụt sống. Cả thời gian cũng vụt trỗi mình quẩy cuồng sáng lóa trong khóe mắt Trần Thị. Tiếng nước rỏ xuống sân nghe váng âm hắt dội giữa trưa vắng tịch mịch, chợt vang vang thành bước chân của những tên khổng lồ đuổi bắt thời gian. Thời gian của thời đại hay của định mệnh? Gã khổng lồ mang thân xác tên tuổi tộc Trần — tôi rùng mình nhớ tới Thủ Ðộ — Trần Thị cũng rùng mình lúc tôi cởi cúc, tuột áo, bắt đầu múc nước từ bồn chứa xối cho Trần Thị tắm. Những ngón tay tôi xoa nắn, những ngón tay Trần Thị nắm lại. Mặt đất nở hoa. Không khí thơm sữa. Trần Thị khép hờ mắt, chỉ còn thân xác hiến dâng trọn vẹn. Tôi đuối vào giữa ngực Trần Thị, ngỡ mình sẽ hưởng những dòng máu chảy ấm bên trong, sẽ ôm lấy vào lòng thịt da run rẩy, sẽ ấp ủ thân thể trắng trong mềm nõn. Dưới trần mái âm u không tiếng động, ngón tay tôi ngẩn ngơ mê mẩn, những ngón tay Trần Thị chậm lắm níu chặt, kéo giữ bàn tay tôi ở lại, thúc hối nhịp nhàng nhịp nhàng từng khắc từng khoảnh khắc van lơn nài kéo. Tôi mê man xoa nắn, mân mê âu yếm. Trần Thị khép mở đùi rồi thõng hai tay ngửa mặt buông cho thể xác tận hưởng chút thiên nhiên mỏng manh đang lọt vào tòa nhà. Từng đốm sắc xanh mờ tối, nhảy múa lung linh như có lân tinh, tôi hôn tới đâu đốm sáng bốc thành ngọn lửa phụt cháy. Tôi nuốt lửa cuồn cuộn trên ngực Trần Thị nghe vang vang tiếng nước chảy róc rách, nhưng không chỉ có tiếng nước mà bất chợt tiếng đập cánh huyên náo của bầy quạ đen thất thanh ầm ĩ trên mái vùng bay. Trần Thị giật mình bấu lấy tay tôi thảng thốt:

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

– Chị Ðào! Dung sợ!

Mình mẩy ướt đẫm, tôi cũng sợ. Nhưng không phải nỗi sợ hãi vu vơ của cánh quạ đen tuyền đập phần phật quýnh quáng âm động giữa không gian vắng. Nhưng là nỗi sợ hãi sâu chín hun hút từ thịt da trắng ngần trong trẻo của Trần Thị như có nạm ngọc. Mỗi một hột nước là một hạt trân châu óng ánh không bao giờ tắt. Cánh tay tôi cứng sững không dám vươn tới, không bao giờ chạm vào được thân Trần Thị lõa thể đứng tắm giữa sân. Qua mí mắt Trần Thị tôi đã hiểu: Bức tường choáng ngợp. Rõ ràng là Trần Thị không thuộc về tôi, nhưng thuộc về khoảng tường xây đắp hơn một trăm năm của tộc Trần. Bức tường đối diện, sừng sững, ngạo mạn đầy uy quyền đời đời không bao giờ sụp đổ. Cả tiếng nước rỉ, võng âm như bước chân của gã khổng lồ man dại chạy sầm sầm cũng trở nên đe dọa… Nắng nghiêng dần, bức tường lùi vào bóng tối, tới lúc những giọt nắng cuối cùng từ trong gáo nhiểu bay thánh thót chạm đất, vỡ toang trên nền đá ẩm, thì hai chúng tôi mới bừng tỉnh. Khoảng tường cuốn hút kỳ lạ. Bờ tường ủ ê hâm hấp. Bàn tay tôi trơ trẽn, buông vội tiếc rẻ vuông ngực trần mơn mởn, đầu vú nhọn nhú lên xuôi mềm mại tròn trĩnh trắng muốt thắt hẹp ở hông rồi lại nở vung ôm chặt lấy đáy thân Trần Thị. Trần Thị cắn môi nhìn tôi bẽn lẽn, một tiếng trống chùa xa xa nhắc nhở…

Tắm xong, tôi lấy xiêm áo cho Trần Thị thay. Vải lụa tím ngà thêu những nụ thủy tiên thôi còn e ấp, nhưng bắt đầu nở. Trần Thị xỏ ống tay áo, khép vạt, chéo áo lập lòe bâng quơ rộn ràng đàn bướm vàng rực. Trần Thị xoay mình ngắm, vạt áo xòe rộng ở gót chân, trong gương váy áo phập phồng phơi múa giống chiếc đuôi của loài công làm đẹp cho cơ ngơi tộc Trần. Tôi không khỏi ngăn mình liên tưởng Trần Thị cũng là một con công, song không phải một loài công nuôi, mà là thứ công để thịt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu tục ngữ: nem công, chả phượng. Trên đất nước này, loài vật đẹp đẽ nhất, cũng chỉ phục vụ cho mục đích phàm phu nhất.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Chúng tôi bước ra gian thờ. Trần Thị nhắc tôi khép cửa. Căn buồng đóng lại, chỉ còn hương thơm thoang thoảng theo dấu chân Trần Thị. Công việc của tôi ngoài nuôi nấng Trần Thị, còn được giao trọng trách chăm sóc bàn thờ. Thứ trọng trách mà tộc Trần chỉ giao cho kẻ bất lực, không có khả năng chống đối, lật đổ tham vọng. Mỗi ngày tôi với Trần Thị quẩn quanh, chữa lại một cành vạn thọ cắm không ngay, treo thêm những vòng nhang xoắn, đốt cho khói hương không bao giờ đứt. Bột nhang vàng lấm tấm, tàn nhang cong oằn, tôi quét dọn tro than không ngừng rơi xuống. Trần Thị hay phụ tôi xếp những trái vải đỏ mọng, xoay những quả cam Bố Hạ phơi mặt vàng óng, rồi lau khắp lượt những mặt người quá cố. Chân dung Trần Kính vẽ bằng than chì như hãy còn sống, nhìn thèm muốn từ bắp chân Trần Thị lên quá đùi. Con ruột Trần Kính là Trần Hấp, cha đẻ của Trần Lý cũng nhìn Trần Thị như thôi miên. Cặp mắt hấp háy của bức vẽ truyền thần tôi lau tới đâu sáng quắc tới đó, muốn hớp hồn, níu kéo từ cổ tay trắng mịn của Trần Thị lục lọi mân mê cho đến tận bờ ngực con gái mềm vun. Tia mắt sờ soạng rờ rẫm. Tia mắt dâm dật ruột thịt. Trần Thị hốt hoảng đánh rơi mâm ngũ quả, những trái hồng quân lăn trên đất chạy trốn. Tôi cũng hốt hoảng bởi hiểu trong cái nhìn ham muốn thèm khát của Trần Hấp đầy dẫy những đòi hỏi chiếm hữu. Trần Thị tung chạy ra cửa, vụt đứng sững ngay lại: Tiếng vó ngựa dồn dập dã man phóng nước kiệu trên con đường đất đỏ bụi mù dẫn đến gian nhà thờ. Tim tôi cũng đập mạnh đứt quãng, cái con người hung hãn nắm vận mệnh tộc Trần đã đến. Yêu Trần Thị nhưng tôi bất lực, thứ bất lực của kẻ ở theo hầu một triều đại.

(còn tiếp 2 kỳ)

(*) Tranh sơn dầu của Lu Jian Jun và ảnh Lưu Diệc Phi cùng hình tài liệu quan triều Huế ở Vinh.