Quê Bến Tre, Cao Bình Minh tên thật Tô Văn Minh sinh năm 1953 học Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, rồi Đại học Văn khoa Sàigòn khóa 71-73 và Quốc gia Hành chánh khóa 71-74. Trước 75 từng viết cho các báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, Cao Bình Minh vượt biên đến Hoa Kỳ năm 1980 và học Nhiếp Ảnh ở Pasadena City College, California. Bút hiệu khác: Sao Y.

Là tiểu sử ghi trong tuyển tập các cây bút nữ Trăng Đất Khách, do Làng Văn xuất bản 1987.

Kín đáo, không giao tiếp, khiến lai lịch Cao Bình Minh là một bí ẩn. Gần đây nhà văn Ngô Nguyên Dũng viết về bí mật này nhưng đây là chuyện khác.

Thập niên 80 Cao Bình Minh gây chú ý trên văn đàn bằng lối văn dạn dĩ cùng lúc tự nhiên. Sau Điệp Khúc đã đăng lại trên tuần san Trẻ trước đây, Ngón Tay Đeo Nhẫn Con Sóng (tiếp theo tuần sau), tiêu biểu cho lối văn này. Đánh máy lại, cùng với Bài Thơ Trên Quạt của Ngô Nguyên Dũng, để tìm về quá khứ.

[Trần Vũ]

Bài thơ trên quạt

Gởi CBM

viết tặng ai bài thơ trên quạt

gởi qua miền gió bạt triền vai

mồ hôi buổi nắng tháng hai

xô tóc lệch che hồn bụi bám

bút tôi thử ướm lời trên quạt

phơi da thơm ngát giấy bạch vân

bàn tay xòe phẩy quạt sắc không

đời mây nước cũng thành sương khói

thơ là vọng dù câm không nói

là thời gian chảy lặng trong tâm

là tiếng kêu gỗ đá âm thầm

như ngôn ngữ không hề biết khóc

ngô nguyên dũng

Thứ Sáu vừa về tới nhà thì điện thoại ré lên. Phúc gọi rủ tôi buổi tối tới phòng anh nghe mấy dĩa nhạc, quà mang về từ Pháp của một tên bạn. Bắt đầu weekend là đã có mục, tôi mừng rơn nhưng vẫn còn làm bộ nói:

– Trời ơi, cứ nghe nhạc Tây nhạc Pháp… rủ nhau thành cả một phong trào… Nghe nhạc mới rồi luôn cả mấy bản đã cũ móc ra chùi rửa, đánh xi lại để nghe nữa… Ðể coi có rảnh không đã.

Phúc chắc lưỡi:

– Thôi mà! Sửa soạn sẵn sàng, đúng sáu rưỡi sẽ tới đón. Không cần ăn cơm nhà làm chi -tôi thích chí vì câu cuối- Nhớ đúng giờ nghe!… À còn một chuyện nữa -giọng Phúc làm bộ quan trọng- cái máy đã sửa xong, bảo đảm trăm phần trăm y như máy mới!

Rồi Phúc cúp trong khi tôi vẫn còn cười vì câu thông báo chót. Cái máy lạnh hiệu Whirlpool gắn ở cửa phòng của Phúc cứ trở chứng hư hoài. Suốt mùa Hè những khi tới chơi tôi luôn miệng than nóng quá chịu không nổi, bắt Phúc phải mở hết cửa lớn cửa nhỏ rồi phải xuống mượn của bà Kung, quản lý người Tàu, cho tôi cây quạt điện hoặc cái quạt giấy. Tôi hỏi sao ông không đòi chủ phố thay cái máy mới. Phúc nhún vai:

– Bà già nói phải đợi cha chủ đi Hồng Kông về đã… Vả lại bả nhứt định là cái máy còn tốt.

Tôi trề môi:

– Xì… Tốt dữ! Thứ máy ra lò hồi Mao xếnh xáng còn mặc quần xẻ đáy giữa… Còn chờ thằng cha kép bụng phệ của bả về chắc đã tàn mùa Hè qua tới Christmas luôn… Hay ông mua đại một cái mới rồi trừ vô tiền nhà sau.

– Ôi…ôi… cái nóng cái lạnh thì cũng có gì quan trọng đâu mà phải rắc rối dữ vậy!

Tôi mỉa:

– Ờ thì ông là dân mình đồng da sắt mà…

Có lẽ không muốn phải nghe tôi chê bai, cằn nhằn về cái máy hoài nên những lần đi chơi Phúc rất ít rủ tôi về phòng mà chỉ chở đi lòng vòng, đi uống cà-phê, coi phim hay chun vô mấy vũ trường nghe nhạc. Vậy mà cũng có đề tài khác cho tôi chuyển: chiếc xe Chevrolet màu đen, cũ mèm, bự kềnh càng Phúc đang chạy. Tôi kêu là chiếc ghe chài, là chiếc thiết giáp hoặc con cá voi… rồi xúi Phúc đổi xe khác. Phúc nhún vai:

– Ôi ôi…một chiếc xe để làm chân thì có gì quan trọng đâu mà phải thay với đổi.

Lúc mới quen, tôi thấy ghét cái lối nói chuyện hay xài mấy chữ “có gì quan trọng đâu” của Phúc lắm nên thường hay sừng sộ cãi lại. Có một lần đi picnic ở Big Bear, tôi đang đứng nướng thịt bên gốc thông. Ðám bạn kéo nhau đi trượt tuyết tản mát đâu hết. Phúc từ đâu phía sau thình lình ôm ngang hông tôi hôn lên ót: “Cái ót đẹp quá!”. Tôi vùng ra hét lên: “Trời đất ơi, bộ…” thì Phúc cười nhướng mắt: “Ôi ôi… một cách chiêm ngưỡng nét đẹp thôi mà… có gì quan trọng đâu mà phải la lối kinh hoàng như vậy…” Tôi rủa một câu rồi phang cái dĩa thịt đang cầm trên tay bay sớt qua mặt Phúc, trúng một thân thông bể nát, thịt văng tứ tung. Phúc cười tỉnh bơ bỏ đi.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Tới giờ sinh hoạt, anh chàng lại ngồi kế bên tôi, mặt mày bình thường như không có gì xảy ra hết. Tôi chửi trong bụng chưa thấy mặt ai vừa dày vừa trơ tráo mất dạy như cái thằng này hết và phải chịu bấm giận bỏ qua. Nhưng từ từ tiếp xúc riết, tôi bắt đầu quen với cái tánh kỳ cục – gàn không ra gàn mà khùng cũng không hẳn khùng- của Phúc. Bỏ mấy cái tánh quái đản đó qua một bên, dù sao anh chàng cũng có được một vài ưu điểm khác để bù đắp.

Nằm lơ mơ trên giường cho tới bốn giờ hơn tôi mới vô phòng tắm mở nước kỳ cọ. Sau đó tôi cuốn tóc, chải sấy rồi ngồi vô bàn phấn trang điểm thật tỉ mỉ như sắp đi dự một đám cưới lớn hay một tiếp tân quan trọng nào. Tánh tôi vốn như vậy nên mới có chuyện cho Phương nhăn nhó: “Em đã đẹp lắm rồi cần chi viện trợ thêm mỹ phẩm, thêm màu sắc nhiều như vậy…”. Tôi trả lời: “Tại em không muốn mỗi khi ra ngoài, mỗi khi tiếp xúc với thiên hạ mà mình cứ bị ám ảnh mình đang lôi thôi, đang xấu xí trong cái nhìn của họ!”. Phương vặn vẹo: “Chỉ cần anh thấy em đẹp là đủ rồi, quan tâm làm chi tới thiên hạ. Hay em còn muốn làm đẹp cho một ai khác nữa?”.

Tôi làm thinh nhớ tới lời con Kim Oanh bạn thân. Khi nghe tôi sửa soạn đính hôn với Phương, nó đùng đùng chạy tới để nghe tôi xác nhận rồi than: “Thiệt tình tao không hiểu nổi mày chút nào hết Trân à. Khi không đang tự do đang phơi phới như vậy tại sao lại đưa cổ vô tròng, đút đầu vô cũi chứ?”. Thì chính tôi cũng chẳng hiểu được rõ ràng tại sao mình lại làm như vậy. Lòng còn nhiều xôn xao, chân còn muốn nhảy nhót… khi không tôi bỗng… xếp giáp quy hàng. Ngoan ngoãn đưa tay cho Phương lồng vô ngón áp út cái nhẫn đính hôn mà kềm giữ hơn nửa phần sự tự do của mình. Lễ đính hôn xong, buổi tối ngồi một mình nơi bàn phấn ngắm nghía cái nhẫn vàng nhỏ xíu trên ngón tay áp út của bàn tay trái, tự nhiên tôi khóc ngon lành. Nước mắt nước mũi tuôn dầm dề không cầm lại được.

Sau đó tôi tháo chiếc nhẫn ra bỏ chung với mớ bông tai, cà rá, chuỗi hột màu mè… trong cái hộp sơn mài nâu có hình mấy cành lan tím trên nắp. Tôi chỉ lấy ra đeo những khi có Phương về vì tánh tình Phương vốn hay quan trọng chuyện hình thức mà tôi cũng không muốn anh phải buồn lòng. Dầu sao cũng đâu phải lỗi của Phương. Chắc tại vì một tuần lễ ở Hawaii -nơi tôi gặp Phương- quá vui. Vì đêm đó ngoài bao lơn của khách sạn khung cảnh quá hữu tình: ánh trăng, bóng dừa cộng thêm tiếng đàn của Phương réo rắt khiến tôi xúc động đê mê không còn biết rõ lòng mình… Mà cũng có thể vì biết ba má Phương có một tiệm bán nữ trang lớn ở San Francisco còn Phương thì sửa soạn ra trường để hành nghề trong một clinic trang bị tối tân do gia đình dọn sẵn… khiến tôi động lòng cũng nên.

Khi nghe tôi nói ra những nguyên nhân này, con Kim Oanh trợn mắt: “Vậy mầy không có thương thằng cha Phương đó sao?”. Chắc chắn là chưa nhưng tôi nghĩ mình sẽ… nếu Phương đừng làm tôi nản lòng một cách quá sớm như vậy. Chưa chi mà Phương đã quyết liệt chiếm cứ tôi từ tinh thần đến vật chất. Phương muốn che phủ, muốn ôm siết hết tôi không chừa chỗ hở, không cho một nhúc nhích, cục cựa. Từ San Francisco, mỗi tuần Phương gởi về ba bốn lá thơ mà nội dung chỉ toàn là những câu hỏi, những dặn dò nhắc nhở. Những cú điện thoại bất ngờ -thường vào buổi tối hoặc cuối tuần- cũng chỉ để chất vấn hay ra cho tôi những mệnh lệnh. Riết rồi tôi muốn ngộp hơi, tôi phát mệt và đâm ra chán ngán khi nhìn tới một cách rõ ràng cái tương lai tù túng của mình sau đám cưới. Tôi đâm ra lính quýnh tiếc rẻ mớ tự do cuối cùng còn lại từ đây cho tới cuối năm -Phương tốt nghiệp và đám cưới sẽ cử hành- nên vội quơ quào, nạo vét tận hưởng cho cùng cạn.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Nghĩ tới đám cưới hai mắt tôi đâm cay phải mau lấy tờ kleenex ra chậm sợ nước mắt chảy ra làm hư đường viền và ố lớp phấn vẽ đánh công phu nãy giờ. Thôi mà -tôi ráng tự dỗ dành- cũng còn lâu, vẫn còn rộng ngày tháng dài vậy đừng thèm nghĩ tới nữa. Ðừng để cái ám ảnh đó phá đám những ngày vui vẻ cuối cùng. Sửa soạn đứng lên thay quần áo, nghĩ sao tôi mở hộp sơn mài lục tìm cái nhẫn đeo vào tay.

Chuông điện thoại ré lên. Giọng con Kim Oanh chói lói:

– Ê Trân đó hả? Lúc nãy ra phi trường đón bà dì, tao đụng đầu thằng cha Phương. Chả nói về bất thình lình không thông báo để dành ngạc nhiên cho mày… Vậy là weekend này tha hồ mà mùi hén…

Phúc ghé trạm xăng để mua gói thuốc. Ngồi trong xe ngó ra, tôi chợt thấy chiếc Volkswagen bỏ mui của Phương đang quẹo trái. Phương mặc sơ-mi màu xám lợt có kẻ sọc đen ngang…

Tôi với Phúc vừa nghe nhạc vừa ăn gà hấp muối, mì xào giòn và cá hấp -ghé mua dưới phố Tàu- và uống một chai rượu chát. Bắt chước ý của một nhà văn nữ tôi nói:

– Mình đang làm hư hết hai việc: ăn và nghe nhạc. Làm sao có thể biết nhạc chơi hay hay dở, gà có hấp thấm, mì có xào giòn hay không cùng một lúc được?

Phúc cười:

– Ôi ôi, chỉ là cái cớ để có buổi tối này thì đâu có gì quan trọng đâu mà sợ làm hư làm hỏng. Uống thêm đi, rượu Tây chính hiệu đó!

Tôi đẩy cái ly ra nói:

– Lấy thêm ít đá đi. Tự nhiên đêm nay sao trời trở nóng. Vậy mà ông dám nói cái máy sửa xong, có thể chạy y như máy mới.

Phúc lắc đầu:

– Thằng cha thợ này dỏm thiệt! Rồi đứng lên đi lại tủ lạnh cạy đá cồm cộp.

Trở lại bàn bóc mấy viên đá bỏ vô ly của tôi, Phúc nói:

– Chắc đi mua cái tủ lạnh khác, loại làm đá tự động cho tiện…

Tôi tán thành:

– Ờ ờ mua cái mới xài cho sướng. Ông định chọn hiệu nào… hiệu nào xài bền… xài lâu hư.

Phúc hơi nhướng mày:

– Chắc hiệu nào cũng như hiệu nấy, lựa chọn chi cho mệt!

Tôi nguýt: “Nói chuyện nghe khó chịu!” rồi lấy cái khăn giấy ra chặm nhẹ lên môi sợ làm lem lớp son màu cánh sen ra mép, và bỏ ra ngồi ở sofa. Phúc ngạc nhiên:

– Ði đâu vậy? Sao không ăn tiếp. Ăn thêm đi, còn gần nguyên con cá…

– Thôi, no quá rồi, đủ rồi… nhường hết cho ông đó.

Phúc rùng mình nhẹ, buông đũa:

– Thôi, cũng ớn rồi… mỡ dầu nhiều quá!

Lấy tờ báo Time dưới bàn lên lật lật, thấy trang quảng cáo hãng hàng không JAL có hình cô tiếp viên Nhật mặc kimono trắng vẻ hoa đỏ, tím cười tươi rói với mâm đồ ăn trên tay, tôi chợt nhớ, bật cười nói với Phúc:

– Nè, ông có thấy mình đang làm gì không? Ðang ăn cơm Tàu, ở nhà Mỹ, uống rượu Tây…

– Và lấy vợ Việt Nam.

Phúc nói hớt ngang, mắt ngó tôi chăm chăm. Tôi đâm lúng túng quay ra làm bộ kéo rộng cái màn cửa sổ ngó xuống đường.

Trời như không có gió, mấy cây trồng theo lề đường đứng im ru. Mấy người đàn ông Mễ tụ họp uống bia bên chiếc truck. Tôi nghĩ phải chi có mưa đổ xuống cho mát mẻ rồi chợt nhớ tới những mùa mưa cũ bên nhà và những trận mưa liên miên dài cả tuần trên đảo tị nạn của Mã Lai. Tôi hỏi:

– Có bao giờ ông dầm mưa đi chơi chưa Phúc?

Ðang lục đục dọn mấy món đồ ăn còn dư cất vô tủ lạnh, nghe tôi hỏi, Phúc bật cười:

– Ðừng có “mát” quá vậy cô nương…

Tôi mơ màng:

– Thiệt đó. Ði dưới mưa thích lắm. Tự nhiên thèm có mưa, thèm đội mưa đi lòng vòng… vừa mát mẻ vừa tình nữa…

Phúc bỏ mấy cái chén dĩa dơ vô bồn nghe lổn cổn rồi mở nước rào rào và nói:

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

– Ờ ờ chịu khó chờ một chút sẽ có mưa. Lúc sáng chương trình khí tượng trên ti-vi dự đoán không chừng đêm nay có mưa lớn mà! Không thấy trời nóng dữ dội đó sao? Sửa soạn mưa đó!

Phúc lau tay, đem ly rượu qua để trước mặt tôi:

– Uống hết đi… giọt rượu là giọt máu, đừng nên phí phạm.

Tôi nhắp nhắp lớp rượu loãng bên trên vì đá tan hơi nhiều trong khi Phúc ngồi xuống bên cạnh đốt điếu thuốc. Mùi Marlboro nồng nồng, tôi hít hít mũi. Phúc hỏi:

– Muốn hút một điếu không?

Tôi háy dài:

– Âm mưu đầu độc vừa vừa thôi bạn. Chừng nào rủ tôi đi Casino, chở đi Las Vegas cho đủ bốn món ăn chơi, đủ bộ tứ đổ tường rượu chè, cờ bạc, hút xách đây?

Phúc cười hề hề:

– Ôi ôi hút một điếu thuốc thì…

Tôi ngắt ngang để khỏi nghe Phúc xài mấy chữ dễ ghét đó, hất hàm:

– Nhạc hết từ nãy giờ, không nghe nữa thì tắt máy đi chớ.

Phúc gạt tàn vào cái gạt bằng sứ có vẽ hình con ngựa màu đen đang cất vó:

– Ôi ôi tắt hay mở có gì quan trọng đâu…

Tôi hỏi:

– Vậy với ông cái gì mới quan trọng?

– Quan trọng là… có bằng lòng ở lại đây đêm nay không?

Tôi ngó mau mặt Phúc rồi cúi xuống ly rượu còn phân nửa, nói nho nhỏ:

– Phương về rồi…

Phúc nói giọng êm ái:

– Thì có gì quan trọng đâu…

Tôi bỗng bật cười. Cười hắc hắc, cười rũ rượi và cố gắng quá, có lẽ cười nhiều quá, nên có chút nước mắt sống ứa ra hai bên khóe.

Bộ đồ ngủ màu cà-phê có vẽ ô hình thoi màu kem lợt của Phúc rộng lùng thùng làm tôi có cảm tưởng mình đang vướng trong lưới. Tôi ngồi trở lại chỗ cũ co chân lên bưng ly rượu uống cạn sạch, lấy tờ báo lật lật rồi ngó cái đồng hồ treo gần tấm poster gần đó, hình một đám con gái mặc bikini nằm sắp lớp như cá mòi trên bãi cát. Phúc lục đục phía trong và hát một bản nhạc Pháp phổ lời Việt giọng thấp lè tè nghe muốn cười. Bên ngoài cửa sổ hình như có luồng chớp kéo qua, tôi xoay ra nhìn thấy đang có gió mạnh làm hàng cây lay động và rác rưới dưới đường cùng bụi cát bốc lên kéo chạy. Mấy người Mễ đã đi mất chỉ còn bỏ lại một cái vỏ bia trên nắp chiếc xe. Trời có vẻ chuyển mưa. Không lẽ khi nãy Phúc nói thật vụ tiên đoán thời tiết trên ti-vi? Tôi lẩm bẩm vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách… Ủa vậy ra tôi đang mong có mưa như mong vào một cái cớ…?

Phúc trở ra chỉ mặc cái quần ngủ có sọc xanh. Da Phúc ngâm đen có nhiều nốt ruồi trên ngực. Phúc tới trước mặt tôi, nói:

– Không lẽ ngồi đây chờ cho tới sáng sao?

Tôi ngó thẳng đụng ngay khoảng bụng Phúc đang thở phập phồng có đường lông đen loắn xoắn. Dường như mấy ly rượu chát uống nãy giờ bắt đầu có tác dụng, tôi cảm thấy mặt nóng rần rần, máu chảy mạnh dồn lên đầu. Phúc kéo tôi đứng lên ôm hôn lên mũi, lên môi tôi. Cặp môi Phúc ươn ướt đầy mùi rượu mùi thuốc lá Marlboro làm tôi hít vào xây xẩm thêm. Tôi lính quýnh chụp lưng Phúc, da Phúc hơi khô và lưng cũng có mấy nốt ruồi lớn…

Trời mưa không biết từ lúc nào, hơi lạnh cùng ánh sáng ngọn đèn ở bàn ngủ vuông không tắt làm tôi thức giấc. Mưa có vẻ lớn, có chớp lóe lên ngó thấy qua cái cửa sổ vuông nhỏ không kéo màn. Kế bên tôi, Phúc vẫn ngủ ngon lành, tay chân dang rộng thoải mái thỏa mãn. Tôi đi vào phòng tắm mở đèn đứng ngó mình trong tấm kiếng nơi bồn rửa mặt. Nơi hai đầu ngực còn lờ mờ mấy vết răng của Phúc, tôi lấy mấy ngón tay chà lên nhè nhẹ làm da thịt nổi gai. Và mắt tôi chạm vô chiếc nhẫn vàng đeo ở ngón tay áp út bàn tay trái. Tôi đưa bàn tay ra ngắm nghía chiếc nhẫn nghĩ giờ này Phương không biết đã ngủ hay còn thức. Tôi lẩm bẩm cuối năm nay là cái đám cưới.

Tôi đi tiểu, tắt đèn rồi trở ra nằm xuống cạnh Phúc và ngủ thiếp đi.

CBM

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 12-2021 từ bản in trên Làng Văn số 44/1988