Vẻ đẹp muôn đời vẫn là lợi thế. Phụ nữ đẹp, nam nhân điển trai luôn được người chung quanh ưa thích, ít nhất là trong những cái nhìn đầu tiên.

Người lớn biết nhìn ngắm, thẩm định hình dạng đã đành nhưng trẻ em cũng thế. Trẻ sơ sinh, qua giai đoạn “đánh hơi”, cũng biết nhìn ngắm và có khuynh hướng nhìn theo người có khuôn mặt dễ nhìn, ánh mắt thân thiện; cái đẹp lúc ấy tuy giản dị nhưng vẫn là vẻ thu hút từ trẻ thơ. Ngược lại, khi nhìn ngắm một khuôn mặt không mấy bắt mắt, con người có khuynh hướng xa lánh, rời bỏ. Vẻ đẹp do đó khá quan trọng trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên chẳng có gì là vĩnh cửu, vẻ đẹp thay đổi theo thời gian và sự thẩm định của người xã hội. Ngày xa xưa, khuôn mặt tròn với bộ lông mày dày (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang?), thân mình mũm mĩm được xem là nét đẹp của phụ nữ trong khi vóc dáng cao lớn [hình tượng của uy mãnh] được ghi nhận cho nam nhân (vai năm tấc rộng, thân mười thước cao). Tranh vẽ thời cổ cho thấy ít nhiều những phụ nữ có thân mình phốp pháp, ngực lớn mông to; và thường là bá tánh ghi chép vẽ vời những thứ được xem là “đẹp”, thu hút. Ngược lại chỉ khi cần mô tả những thứ gớm ghiếc, đáng sợ [để tránh xa] như ma quỷ, ta mới thấy cái “xấu”.

Quan niệm thẩm mỹ thay đổi khá nhiều, những năm 80 của thế kỷ trước thì phụ nữ phải ốm o, mảnh mai, mặt mũi hốc hác (?) đủ để thấy đôi gò má cao, được cho là đẹp. Vẻ đẹp ấy khởi đầu của những chương trình nhịn ăn, ăn uống theo regime (“khuôn khổ” hay “chế độ”?) để giữ thân mình gầy ốm theo tiêu chuẩn thời trang. Đến thời @ còng thì vẻ đẹp ấy đang hóa thân, phụ nữ xem ra chán việc nhịn thèm, ăn uống kham khổ [để thu hút người chung quanh] nên xoay ra tháo bỏ các khuôn mẫu xã hội. Họ chú trọng đến sức khỏe và phát triển tài năng [để tranh giành với nam nhân trên mọi lãnh vực?] nên các chương trình thể thao thể dục ùn ùn xuất hiện. Phụ nữ “đẹp” có thân mình rắn chắc, bắp thịt hiện rõ qua những cái áo, chiếc quần bó sát thân mình. Người nam cũng không thua kém chút nào dù rắn chắc vẫn là khuôn mẫu của vẻ đẹp. Ấy là chuyện hình vóc [thật] mới cần khổ luyện chứ khuôn mặt muốn “đẹp” thì ta chỉ cần có tiền. Chưa kể việc lắp ghép các món phụ trội để trình bày với nhân gian, bộ ngực tấn công, đôi mông phòng thủ, trong dáng đứng ưỡn người ra phía trước chưng vòng số một và chổng mông, đưa vòng số ba ra đằng sau. Với sự trợ giúp của khoa giải phẫu thẩm mỹ và các trung tâm làm đẹp thì nam cũng như nữ, “ra đường” hay vào chơi liên mạng là ta thấy nhan nhản các vẻ đẹp kia.

Xem thêm:   Không nói nhưng vẫn “nói” ngôn ngữ của cơ thể

Vẻ đẹp “liên mạng” xuất phát từ những nghệ sĩ trình diễn, nhất là ca sĩ và “múa sĩ”, phô trương từ mặt mũi đến thân mình, càng lộ liễu gợi dục càng bắt mắt. Có ca/ múa sĩ “tuột” áo (tự ý hay ‘tai nạn’ vẫn là câu hỏi) khi đang trình diễn được báo chí đùa cợt là “y phục bất khiển dụng” (malfunction wardrobe). Việc “tuột áo” [hở ngực] trở nên lẫy lừng nên được nhiều người trẻ làm theo, lúc ra đường quần áo mặc hờ hững để tuột dễ dàng. Gián tiếp, các hình tượng gợi dục ấy trở thành trào lưu xã hội? Những người chưa nổi tiếng cũng bắt chước và càng đi xa hơn nữa để được nổi tiếng và thu hút khán giả, trở thành “online influencer” để kiếm tiền. Quần áo lót [bên trong] thành quần áo mặc bên ngoài. Tựu trung, việc lộ liễu, phô bày thân thể chốn công cộng trở thành chuyện thường ngày, không mấy ai còn thấy lạ.

Trào lưu trưng bày thân thể rất thịnh hành trên liên mạng, nhất là những trang nhà tìm bạn tình ngay cả khi đã ràng buộc, điển hình là Tinder và Bumble. Việc phô trương để biến mình thành hình tượng gợi dục ấy nói gọn là ‘tự gợi dục’; hay “Self sexualization”.

Việc phụ nữ phơi ngực trần chốn công cộng (bên ngoài các bãi biển khỏa thân) xuất hiện từ thập niên 70 trong thế kỷ trước khi phong trào đòi nữ quyền khởi đầu. Chiếc nịt vú bị xem là gò bó, ràng buộc người mặc nên họ tháo bỏ như một hình thức phản kháng. Việc đòi quyền bình đẳng nam / nữ vẫn âm ỉ, diễn ra tại công sở, nơi làm việc qua lương bổng, chức vụ, ngày nghỉ ăn lương, xuất hiện đều đều trong văn chương, khảo luận…
Gần đây, tại Nga Sô, ban nhạc nữ “Pusy Riot” bị giam tù vì dám trình diễn hầu như khỏa thân trước chốn công cộng; việc trình diễn ấy bị xem như một hình thức phản kháng chính quyền Putin. Ở bên nhà, khi bị cưỡng chế đất đai, kêu nài mãi không xong, như mức cuối cùng, mấy phụ nữ đáng thương ấy đã chịu lõa thể mặc tình công an lôi kéo, đẩy họ vào nhà tù. Ngay cả những phụ nữ biểu tình chống đối, khi bị bắt giữ và lột quần áo để khám xét trước ống kính, họ đã không chống cự để phản kháng một cách thụ động. Để xem ai đáng hổ ngươi, xấu h… Đến nước ấy thì công an chẳng dám phơi bày các khúc phim kia và chấm dứt việc lột quần áo phụ nữ để trừng phạt. Tại các vùng đất Hồi giáo, dù chỉ xuống đường biểu tình, phụ nữ khi bị giam giữ thường bị sỉ nhục qua việc lột truồng khám xét thân thể, đôi khi bị cai tù truyền tay hãm hiếp để trừng phạt làm gương. Cách lột truồng phụ nữ ở những vùng đất kể trên được xem như sỉ nhục, trừng phạt.

Xem thêm:   Cúm gia cầm chuyện cũ nhưng vẫn mới

Ngày nay, phơi bày thân thể không còn là sự phản kháng (trừ Việt Nam / Trung Đông xem trọng sự kín đáo?) mà là việc sử dụng thân thể để thu hút bá tánh. Hiện tượng này được các chuyên viên tâm lý, xã hội tìm hiểu, phân tích rồi tạm kết luận là người nọ “bị ám ảnh hình dạng”. Đại khái là thích phô trương thân thể là người tự ti, không thoải mái với hình dạng của mình, “negative body image” hay “Body Dysmorphia”?!

Theo bản tường trình trên tạp chí Body Image, các “app” hẹn hò, tìm kiếm bạn tình đã tạo ra “khuôn mẫu” của cách tự giới thiệu cho phụ nữ. Khác với nam nhân, chụp hình bắp thịt trên thân thể để khoe thành quả của việc khổ luyện, phụ nữ cũng khoe thân thể khi tìm bạn hẹn hò, nhưng chú trọng đến sự gợi dục để thu hút bá tánh. Những tấm hình, khúc phim gợi dục thu hút nhiều lần xem, càng lộ liễu càng tăng số người nhìn ngắm và muốn kết bạn.
Trong cuộc trưng cầu ý kiến có 443 người tham dự, tuổi 18-30, 72% là phụ nữ với những tấm hình, phim ảnh ưng ý nhất và bản tự giới thiệu của họ. Ngoài hình ảnh phô trương thân thể, các bản tự giới thiệu sử dụng nhiều chữ gợi dục để mô tả thân thể, hình dáng cũng như tính dục và tình dục, ước muốn những gì từ bạn tình. Nôm na là tui đẹp / hay như thế này đây, tìm kiếm bạn tình tương tự về vóc dáng và tính dục…

Qua kết quả từ những câu hỏi trắc nghiệm tâm lý, các chuyên viên ấy kết luận rằng phần lớn (68%) người chọn việc trưng bày thân thể không hài lòng với vốn trời cho, từ mặt mũi đến vóc dáng, những phụ nữ này lựa chọn hình tượng vừa ý, ráo riết tìm cách sửa chữa rồi trưng bày trước người xem. Dùng sắc vóc gợi dục để thu hút bạn tình trên liên mạng. Câu kết luận này xem ra tương phản với khái niệm “đẹp khoe, xấu che”?! Hoặc giả sau khi sửa chữa những món không vừa ý thì ta hài lòng hơn và sẵn sàng phô trương với bá tánh?

Xem thêm:   Đêm trăng đầy

Nhìn chung, thời @, hầu như người ta nhìn ngắm vẻ đẹp không còn là việc thụ cảm đơn sơ thuần túy thẩm mỹ mà nghiêng về tính dục, gợi cảm; nam cũng như nữ, người già cũng như trẻ em ngay từ tuổi dậy thì. Cứ nhìn ngắm trang phục của những đứa bé gái dậy thì, đi học cũng như đi chơi, chuộng cách ăn mặc lộ liễu cho hợp thời trang. Dù kỹ nghệ rao bán tình dục vẫn làm ăn ngày đêm qua phim ảnh, thân thể con người không chỉ là sản phẩm được/bị sử dụng trong khung cảnh riêng tư mà ngày nay đã trở thành bình thường, chuyện nhỏ. Hẳn là ta đang sinh sống trong “hypersexualized culture”, một nền văn hóa nặng phần tính dục?!

TLL