Chuyện hay chuyện vui, cái đẹp, cái thiện ta mở mắt nhìn ngắm để mong thu góp cho hết những thứ khiến cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống. Kể chuyện vui, điều tốt là việc làm tương đối dễ dàng. Còn chuyện dở, chuyện không vui, tin buồn thì sao? Có thể nào nhắm mắt lại, bỏ qua, hay trốn tránh? Nhắm mắt lại thì ta không phải giải quyết nữa?

Như lần thăm bệnh mới đây, bệnh nhân có hai lá phổi kia đầy nước. Người đàn ông ngồi trên giường thở dốc từng chặp và rên rỉ… tôi sắp chết, tôi sắp chết… Tiếng không khí đi qua lá phổi sũng nước có âm thanh tắc nghẽn, òng ọc trong ống nghe. Tấm hình quang tuyến cho thấy nước lên đến nửa hai lá phổi. Những thử nghiệm kế tiếp, máu, nước rút từ phổi… và nhóm người chăm sóc đứng bên giường người bệnh đang khò khè nhướng mắt chờ đợi. Ông ấy trông mong một mẩu tin về tình trạng sức khoẻ mình. Dế Mèn nói thẳng băng… ông không chết đâu

Bệnh nhân thở ra như thể cái gánh nặng ngàn cân vừa thoát khỏi lồng ngực, đôi lông mày dãn ra, những thớ thịt trên mặt rung động tạo nên một nụ cười méo. Trong bệnh viện, nhất là khu chữa trị bệnh nặng, Intensive Care, như thế này, người ta e dè tránh né chữ “chết”. Không ai nhắc đến sự chết. Vậy mà phe ta phóng miệng, nói xong, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều nhẹ gánh!

Chuyện vui nên phóng miệng nói thẳng nói thật là điều dễ dàng, ngay cả điều người ta tránh né như sự chết. Phép xử thế dạy ta cách im lặng. Người khôn ngoan là người biết tránh né những thứ không ảnh hưởng đến mình, nghĩa là thấy điều không hay nhưng không nói ra. Ngay cả những việc liên quan đến mình, chuyện không vui cũng cần kết hoa kết lá để tiết giảm hậu quả của món tin buồn kia!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Dế Mèn đứng trước mặt một khối tin tức khó chịu và cứ ngẫm nghĩ chưa biết phải giải quyết thế nào cho ổn thoả. Bệnh nhân là một phụ nữ, chứng ung thư di căn đã lấy đi gần hết đời sống của bà ấy, ba lần mổ, hai lần hoá chất và bây giờ bắt đầu cuộc chữa trị hoá chất thứ ba. Trên giường bệnh, bà ta nghe nhạc đọc sách giết thời giờ. Ðó là những thời khắc êm ả, khi cần thay khăn trải giường, dọn ăn, lấy huyết áp … là những lúc khốn khổ cho nhân viên của bệnh viện. Bệnh nhân tru tréo, càm ràm đến độ không ai muốn đến gần. Hôm nọ người điều dưỡng gọi điện thoại chỉ để nói cho phe ta biết rằng bệnh nhân kia từ chối việc lấy máu và thòng theo một câu, bệnh nhân của bác sĩ là một người tai quái nhất ở đây (doc, your patient is the meanest…).

Nghe xong cú điện thoại, Dế Mèn tần ngần: Tại sao người điều dưỡng gọi điện thoại? Bà ta không thể giải quyết câu chuyện “chẳng có gì” kia? Viết vào hồ sơ mấy chữ “bệnh nhân từ chối…” đâu phải là chuyện lạ chưa bao giờ xảy ra? Có lẽ nào người điều dưỡng đi kiếm Dế Mèn chỉ để báo mẩu tin vô thưởng vô phạt như thế? Hay câu nói chót trước khi kết thúc câu chuyện mới là mục đích của cú điện thoại? Bà ta muốn than thở cho đỡ bực bội về người bệnh khó chịu kia? Nói điều không hay về một bệnh nhân gần gặp mặt tử thần là chuyện không tử tế? Dĩ nhiên là bà ta biết rõ rằng Dế Mèn chẳng ăn nhậu chi đến tư cách của bệnh nhân và cũng chẳng thể nào thay đổi được cách xử sự của họ?! Thế thì than thở để làm gì?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Kế tiếp là những ý nghĩ lặt vặt khác. Mèn ơi, đâu phải lời nói nào cũng đi đôi với việc làm? Và câu than thở nào cũng để đi tìm cách giải quyết? Vậy thì ta dấn thân làm chi? Chuyện bệnh nhân và y tá thì để họ giải quyết với nhau? Ta nghe chỉ để nghe vậy thôi và có lẽ khi đi thăm bệnh, sẽ phải đẩy đưa vài câu đại loại như thôi bỏ qua đi, bà ta đau ốm … Không biết phản ứng của người điều dưỡng sẽ như thế nào? Gật đầu chấp nhận hay sẽ hậm hực mà biểu đâu phải chỉ mình bà ấy đau ốm? Ai biết đâu! Có lẽ phản ứng kia sẽ tuỳ thuộc vào lúc mưa hay nắng, người điều dưỡng vui hay buồn? Và nhất là Dế mèn có đủ thời giờ mà dành năm phút để trò chuyện hay không, hay là lại tất tả đi một mạch, khám bệnh, ghi chép giấy tờ rồi cắm đầu cắm cổ chạy vì bận rộn?

Nhưng sao câu chuyện chỉ có bấy nhiêu mà ta mất bao nhiêu thời giờ ngẫm nghĩ? Có lý nào người bệnh kia chiếm hết tâm trí ta trong một khoảnh khắc? Căn bệnh đến giây phút cuối cùng, chẳng còn bao nhiêu bước nữa để tiếp tục cố gắng, con người sống bằng hy vọng (?) nhưng có nên hy vọng hão huyền? Và tiếp tục chịu đựng những thứ vô lý như người bệnh kia?

Thế rồi Dế Mèn gặp cô con gái của bệnh nhân, cô gái trong tuổi 20 nhưng đã khá trưởng thành sâu sắc trong cái nhìn sự vật chung quanh. Cô bé hỏi về bệnh trạng của mẹ, phe ta vừa trả lời vừa dọ dẫm tìm hiểu xem gia đình đã sửa soạn cho một sự mất mát lớn trong đời sống họ. Dế Mèn hỏi dò về việc gặp gỡ với chuyên viên tâm lý, bệnh nhân và thân nhân có cần giúp đỡ về mặt tinh thần hay không? May ra người bệnh bớt giận dữ, bớt hung hăng với người chung quanh, cách xử sự của một con thú bị thương nặng và bị dồn đến bước cuối cùng? Cô con gái oà khóc và nói rất chậm về việc bà mẹ khó tính, hay bắt lỗi, đe nẹt, chê bai… cô ta không hợp tính với bà mẹ, tuổi thơ ấu là chuỗi ngày hờn oán bất an…

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Buổi tiếp xúc nặng nề rồi cũng đến lúc chấm dứt. Dế Mèn hiểu ra vài điều, có những sự việc tự nó sẽ đi vào quên lãng và ta không cần giải quyết như câu chuyện người bệnh khó khăn nọ. Ðiều cần giải quyết là việc an ủi người điều dưỡng, nói với bà ấy rằng hãy tiếp tục công việc đang làm bằng lương tâm nghề nghiệp, Dế Mèn là người ghi nhớ sự hết lòng ấy. Nếu phe ta có đủ sức và muốn dấn thân thì sẽ cần giúp đỡ cô bé sắp mất mẹ kia tìm thấy tình thương yêu ở những người còn lại trong gia đình.

Làm sao để có thể giải thích rằng tình thương yêu đến từ sự quý trọng, cung cấp cơm áo là bổn phận, cô bé này sẽ có bổn phận tương tự khi có con cái trong tương lai. Cơm áo là chuyện thiết thực, quà cáp là việc xử thế thường tình, không có lòng yêu thương, mấy thứ này là những cái hộp nhiều màu trống không?!

TLL