Chuyện khan hiếm vật liệu, thức ăn, đồ dùng bắt đầu từ lúc xảy ra đại dịch và tiếp tục kéo dài đến hôm nay. Khi đại dịch bùng nổ, cơ xưởng đóng cửa, hàng quán đóng cửa, trường học đóng cửa… hầu như mọi sinh hoạt cần thiết hằng ngày đều dừng lại, trong khi chuyên viên y tế loay hoay xoay trở, vừa chữa trị triệu chứng (đau đâu chữa đó, sưng phổi thì tiếp dưỡng khí, dùng máy trợ sinh…) vừa tìm hiểu căn bệnh và chia sẻ các dữ kiện với đồng nghiệp để hỗ trợ nhau.

Cả thế giới dường như nín thở chờ đợi. Chờ đợi trận dịch đi qua nhanh chóng, chờ đợi các chuyên viên tìm ra cách phòng ngừa, cách chữa trị hiệu quả hơn.

Thế rồi thuốc chủng ngừa xuất hiện và đang được sử dụng. Thuốc chữa trị Covid-19 cũng đã có, giảm thiểu sự tàn phá thân thể con người từ cơn bệnh dữ nhưng hậu quả của trận đại dịch mỗi ngày một rõ ràng hơn.

Sau nhiều ngày dừng chân tại chỗ, cơ xưởng bắt đầu nhúc nhích, mở cửa trở lại. Hàng quán cũng mở cửa làm ăn nhưng rồi ai nấy đều kêu trời vì khan hiếm vật liệu.

Các hàng quán chịu tai ương nặng nề nhất vì rau cỏ không thể giữ lâu. Những ngày đầu đại dịch, chủ quán đã phải đổ đi cả tấn hành củ, rau héo, thịt cá ươn vì chẳng ai dám ra khỏi cửa. Những món ăn bán qua ngả “take-out” là những món “ăn đỡ”, “ăn tạm”, nấu nướng từ các vật liệu đông lạnh, sấy khô, đóng hộp, đóng gói… Những công ty cung cấp cũng kêu trời vì hàng quán chỉ đặt mua cầm chừng.

Thế rồi sự việc thay đổi nhanh chóng. Cửa tiệm nào chịu không nổi lỗ lã thì đóng cửa luôn; nơi nào còn “thoi thóp” làm ăn thì đồng loạt mở cửa đón khách. Và bây giờ thì hãng xưởng chẳng thể cung cấp đủ số lượng đặt mua từ khách hàng. Cà phê Starbucks thì kêu thiếu kem để pha ca cà phê sữa, hết nước trái cây đóng hộp như nước đào, nước mận… McDonald’s thì than thở việc thiếu những gói ketchup nhỏ nhỏ bán kèm với hamburger, khoai chiên. Không có ketchup thì làm sao ta ăn khoai chiên cho ngon miệng? Hmm.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Thiếu nguyên liệu cần thiết thì các đầu bếp xoay sở ra sao? Họ đành chế biến những món thường thường với vật liệu dễ kiếm. Những món “đặc biệt” giúp nhà hàng nổi tiếng thì chịu thua. Và món thông thường trở thành đặc biệt, “special of the day”, trên tấm thực đơn mỏng dính, “số lượng” cũng như phẩm chất món ăn không còn như “xưa”, thời “tiền-đại dịch”.

Ngoài vật liệu để chế biến món ăn, hàng quán còn gặp khó khăn về nhân công. Trong đại dịch, nhân công bị (cho) nghỉ việc; họ phải xoay trở kiếm sống bằng các công việc khác như giao hàng, vận chuyển và khi quen nghề rồi thì chẳng muốn quay về làm nhà hàng nữa. Vì hàng quán mở cửa có giờ giấc, cuối tuần ngày lễ đều phải làm việc trong khi công việc vận chuyển thì thời khóa biểu có phần dễ dãi hơn. Thế là nhà hàng mở cửa, khách ăn tấp nập nhưng chủ nhân lo không xuể vì thiếu vật liệu nấu nướng và thiếu cả nhân viên.

Thiếu nhân viên thì ta hiểu phần nào nguyên nhân, nhân công không muốn làm công việc cũ nữa vì đã có cơ hội thay đổi công việc mới. Nhưng khan hiếm vật liệu thì do đâu? Theo giáo sư Trey Malone, một chuyên viên về kinh tế nông nghiệp và thực phẩm tại College of Agriculture and Natural Resources, đại học Michigan State, thì: thế giới liên kết với nhau chặt chẽ hơn ta nghĩ. Thực phẩm đến từ một mạng lưới có tính cách quốc tế, từ việc trồng cấy, thu hoạch đến phân phối. Ðiển hình là thịt heo, thịt bò. Khi trận dịch đang hoành hành, cơ xưởng đóng cửa, chẳng mấy chỗ pha thịt, đóng gói. Thế là sản phẩm ứ đọng ngay từ nơi “trồng cấy” hay nông trại nuôi gia súc. Khi hãng xưởng mở cửa lại, nhân viên trước đây đã bỏ đi và tìm được việc khác. Thế là thiếu người tại nơi “thu hoạch”. Khi thịt đã cắt cứa, đóng gói xong thì gặp khó khăn về “phân phối” vì cửa sông, cửa biển thiếu nhân công bốc dỡ hàng hóa, chuyển sản phẩm từ tàu bè qua xe vận tải để đi phân phối. Vấn nạn này xảy ra khắp nơi và xảy ra cho mọi loại hàng hóa, sản phẩm, từ thực phẩm đến vật dụng điện tử… Nông trại, chỗ trồng cấy, hãng chế tạo… không chỉ hiện diện tại Huê Kỳ mà có mặt tại nhiều quốc gia khác và ai cũng cần hệ thống vận chuyển để đưa hàng hóa, sản phẩm đến người tiêu thụ.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Nhà hàng, quán ăn kêu trời, kỹ nghệ xây cất cũng la làng vì thiếu vật liệu. Gỗ, tôn, cát, gạch đá…, thảy đều khan hiếm. Xưởng xẻ gỗ đóng cửa vì đại dịch nay mở cửa thì lại thiếu nguyên liệu. Gỗ từ rừng chưa được thu hoạch và vận chuyển đến xưởng cưa. Gạch đá cũng chịu khó khăn tương tự. Hậu quả là các đề án xây cất đều giậm chân tại chỗ, “nhẹ” thì chậm trễ 3-6 tháng, “nặng” thì đề án ngưng luôn cho đến năm tới vì giá cả gia tăng chóng mặt. Chủ nhân không đủ sức cáng đáng phí tổn khi ngôi nhà đang xây cất mà vật liệu, công thợ bị tăng giá thêm 30% nữa.

Ngành xây cất chịu đình trệ, nhà mới chưa kịp tạo dựng, nhà cũ chưa kịp sửa sang theo ý chủ nhân nhưng nhu cầu mua nhà lại gia tăng. Bá tánh ùn ùn mua nhà để được sống thoải mái hơn. Những ngày đại dịch ta phải bó chân lẩn quẩn trong nhà, căn nhà trước đây có vẻ “đủ ở” nay trở thành chật chội vì không có chỗ làm việc, học hành,… cho mọi người trong gia đình. Hầu như ai cũng mơ ước một không gian rộng rãi, thoải mái hơn.

Kỹ nghệ sản xuất xe hơi đang chật vật vì không đủ xe mới để bán. Nghề mua bán xe cũ bỗng dưng phát tài quá xá, hễ xe đem sửa chữa, đem “tune-up” là chủ nhân được rủ rê “bán cho tui đi, giá hời lắm!”. Có nơi lại chỉ cần một cú điện thoại là người mua đến tận nơi, mang theo tiền mặt và rinh xe cũ đi luôn sau khi thuận giá mua bán! Chưa bao giờ Dế Mèn thấy việc mua bán xe cũ lại dễ dàng nhanh chóng đến như thế. Hẳn thị trường mua xe cũ đang nóng hôi hổi?

Thế rồi mùa lễ thủng thẳng trở về trên đất Huê Kỳ. Ðầu tiên là lễ ma quỷ khi con nít được hóa trang và được cha mẹ dắt đi xin kẹo bánh. Các món quần áo hóa trang cũng khan hiếm. Cha mẹ nghèo với ngân quỹ eo hẹp thì đành cắt cái bao gối cũ, khoét hai lỗ mắt và vẽ lòe loẹt cho vui mắt. Chỉ có mấy bà mẹ chiều con và khéo tay, những thợ may rảnh rỗi… mới ngồi may mấy tấm áo xanh đỏ cho trẻ em chơi trong vài tiếng đồng hồ, công chúa, hoàng tử, bà tiên, quỷ dữ nhe nanh… đủ mặt. Nếu không, phải đi mua ở tiệm bán đồ chơi con nít với giá khá đắt như năm ngoái.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tiếp đến là Lễ Tạ ơn, bá tánh đang kháo nhau rằng muốn mua gà tây, turkey, thì nhanh tay lẹ chân lên nhé, tiệm thực phẩm nào cũng không đủ gà bán cho ngày lễ. Muốn gửi quà tặng cho thân nhân ở xa thì liệu liệu mà đặt hàng kẻo quà sẽ đến muộn. Bưu điện Huê Kỳ đã công bố về việc tăng giá chuyển bưu phẩm và bưu phẩm, thiệp Tết, thư từ sẽ chậm chạp lắm lắm trong những ngày sắp tới! Rồi giáng sinh, năm mới nữa chi? Con nít háo hức với đồ chơi đang lưỡng lự chưa biết xin ông già Noel món gì thì cha mẹ đã hối thúc kịch liệt và sửa soạn thương lượng với con cái vì món đồ chơi kia chưa chắc sẽ có mặt trên thị trường để mà mua!?
Ôi chao, bá tánh ùn ùn sắm sửa từ những ngày chớm thu để sửa soạn cho mùa lễ kẻo không có hàng hóa mà mua sắm. Thế là ta thấy giá cả của hàng hóa cứ tăng vùn vụt. Số cung thấp hơn lượng cầu mà! Khi cả nước bảo nhau đừng thèm mua nữa thì giá cả sẽ xuống chăng?

Riêng Dế Mèn thì cứ thủng thẳng, chẳng tha thiết chi đến việc mua sắm. Có dự tiệc tùng chi cũng mặc quần áo cũ, chẳng sao cả. Mỗi ngày một ít, phe ta đang tìm cách tiết giảm việc mua sắm của mình kẻo nhà cửa sẽ chật cứng, hết chỗ để chứa đồ đạc. Hình như câu nói của bà mẹ quá vãng bây giờ mới “thấm”: “Quần áo đồ đạc cá nhân (của con) nhiều như thế thì lúc chết phải đốt ba tuần mới hết!”.

TLL