Những ngày “cấm cung” rồi cũng đi qua. Cách ly, giãn cách chán rồi thì mở cửa và bá tánh cứ xúm xít quây quần với nhau, cố trở lại nếp sống trước đại dịch. Mấy năm ròng rã, trong thời gian kinh hoàng của bệnh tật, người ta “chế” ra những cách làm ăn mới, và phổ thông nhất là nghề giao hàng, delivery.

Bảo Huân

Ðại dịch chậm chạp đi qua nhưng những cách buôn bán, làm việc “mới” thì vẫn tiếp tục vì bá tánh nhìn ra quá nhiều thứ thuận tiện từ các thay đổi ấy. Người làm việc ở nhà, bận con nhỏ, chăm sóc người thân … nên cần sử dụng các dịch vụ giao hàng, từ đi chợ mua bán thức ăn đến các món gia dụng, quà cáp. Tiện quá xá là tiện nên dịch vụ giao hàng phát triển rầm rộ.

Từ khi việc giao thực phẩm trở nên thông dụng, đắt hàng thì người cung cấp bắt đầu tìm cách tiết giảm chi phí. Chợ thực phẩm không còn “đắt” như cũ vì đã có những dịch vụ “mua giùm” thế chỗ, rồi các dịch vụ này lại không tính thêm lệ phí giao hàng nữa nên sự tranh đua trở nên rầm rộ hơn, nóng hổi giữa các siêu thị và dịch vụ “mua giùm”. Walmart, Amazon vs. DoorDash…

Cách làm ăn

Kỹ nghệ giao hàng bắt đầu mở mang, nhiều công ty từ từ xuất hiện, DoorDash, Getir, Gopuff … và tranh đua kịch liệt, mở đầu cho cách làm ăn mới: mua hàng hóa từ các nhà kho không bảng hiệu hay “dark store”, dành riêng cho công ty giao hàng.
Khắp các thành phố lớn, những “nhà kho” ấy đang chiếm dần đất của các cửa tiệm bán lẻ ngày trước với mục đích lấy hàng và giao hàng trong vòng 15 phút kể từ lúc đặt mua. Việc mua bán quá nhanh chóng nên bá tánh ưng ý lắm, nhất là những người bận rộn. Không phải ra phố đi chợ, mua hàng là ta có thể tiết kiệm biết bao thời giờ, cả mấy tiếng đồng hồ trong một ngày! Này nhé, ta phải lên quần áo, đi bộ hoặc lái xe đến tiệm, đậu xe, mua sắm rồi trở về nhà … Bây giờ chỉ việc đặt hàng trên liên mạng, 15 phút sau là có người mang hàng hóa đến tận nhà, voila!

Kiểu mẫu giao hàng tức tốc, ultrafast delivery, đang phát triển vì lợi nhuận xem ra khá cao. Chủ nhân không cần mướn nhiều nhân viên, chỉ cần những cỗ [người] máy khuân vác hàng hóa, xếp đặt theo thứ tự và người giao hàng chỉ việc theo bản đặt hàng mà thu góp sản phẩm; cùng kiểu mẫu làm việc của Amazon với hệ thống điều khiển bằng máy móc.
Cách làm ăn này dựa trên sự rành rẽ, hiểu biết về cách mua bán trên liên mạng của khách hàng, từ thực phẩm đến mọi thứ gia dụng khác. Delivery Hero, Gorillas, Gopuff, Fridge No More… và mới nhất là công ty Jokr đang góp mặt trong kỹ nghệ mới keng này. Chủ nhân cũng như nhân viên thường là các “cựu” nhân viên của các công ty lớn như Walmart, Uber, Softbank… những người giàu kinh nghiệm về cách buôn bán trên liên mạng, digital commerce.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Theo ông Zachary Dennett, một nhân viên cao cấp của Jokr, “instant commerce” là một kiểu mẫu buôn bán mới, không phải chờ đợi lâu và cũng chẳng tốn kém chi nhiều so với việc tự đi mua sắm!

Ðể đáp ứng với nhu cầu thuận tiện và nhanh chóng, các công ty giao hàng lập những nhà kho nho nhỏ khắp nơi, khu phố nào đông dân cư càng dễ làm ăn, và cách buôn bán này đang hồi kiếm bạc.

Con số ‘15 phút’ xuất phát từ đâu? Khoảng thời gian này ảnh hưởng ra sao đến khách hàng? Hiện nay, với hạ tầng cơ sở sẵn có, đây là khoảng thời gian cần thiết để công ty giao hàng có thể thực hiện theo lời hứa hẹn “superfast”. Nghĩa là khoảng thời gian không do khách hàng yêu cầu mà do khả năng cung cấp dịch vụ của người bán.
Kiểu buôn bán cấp tốc này xuất phát từ việc khách hàng cần một vài thứ nguyên liệu để nấu ăn và không thể chạy ngay ra tiệm để mua nên sử dụng dịch vụ giao hàng cấp tốc. Người ta không còn phải tính toán hoạch định sẽ nấu nướng những gì cho bữa ăn chiều từ ngày hôm trước mà cứ thủng thỉnh chờ …nước tới chân. Khi bắt đầu nấu nướng mới sửa soạn nguyên liệu, thiếu món chi thì cứ lên liên mạng, đặt mua rồi trả tiền và chỉ 15 phút sau, hàng hóa sẽ đến tận cửa!

Ích lợi của ultrafast delivery

Tiện lợi như thế nên ta chẳng cần mua sẵn nữa vì kiểu mua bán nhanh chóng này sẽ dần dần thay thế việc “tích trữ”? Người nấu bếp sẽ chẳng còn phải mua nguyên liệu để dành nữa, vì lúc nào cũng có thể mua hàng nhanh chóng?
Câu trả lời là tùy địa phương, bạn ạ! Ở các thành phố lớn, đông dân cư thì kiểu làm ăn này thịnh hành. Khoảng cách giữa các chung cư thường ngắn hơn, nóc gia nhỏ hơn, ít chỗ chứa đồ đạc nên người thành phố khó lòng dự trữ thực phẩm hay các món gia dụng. Ngược lại, ở ngoại ô, việc giao hàng cấp tốc sẽ khó khăn hơn, khu dân cư xa cách nhau, làm sao “bay” cho kịp giữa các địa điểm nhận hàng? Chưa kể yếu tố nhà cửa rộng rãi, có nhà kho, nhà để xe, tầng hầm … nên bá tánh tha hồ cất giữ từ giấy vệ sinh đến gạo muối!?

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Hiện nay các công ty giao hàng chưa tính tiền chuyên chở hoặc đặt lệ phí tối thiểu mỗi lần giao hàng, họ còn đang câu khách qua kiểu “tiện mà không tốn kém cho lắm” và cũng vì không mấy khách hàng chỉ mua mỗi một thứ họ đang cần nên sau mỗi chuyến giao hàng công ty cung cấp đã thu về đủ sở hụi chưa kể lời lãi kha khá. Ðây là điều dễ hiểu vì hầu như người mua nào cũng mua các thứ khác ngoài món chính. Từa tựa như khi ta đi chợ, dù có danh sách các món cần thiết nhưng bá tánh ai cũng rinh về thêm vài thứ khác nhất là các món đang hạ giá, mấy thứ đang bày trước chỗ ra vào bắt mắt quá xá! Do đó, việc giao hàng cấp tốc đang kiếm bạc [lẻ] nhưng từ từ sẽ kiếm [bộn] bạc triệu khi bá tánh quen thuộc, ưa chuộng và bắt đầu đặt hàng liên tục?

Về phía công ty cung cấp dịch vụ, họ sẽ phải có một số mặt hàng (SKU) phổ thông. Và đây là yếu tố quan trọng, vì bá nhân bá tánh, khách hàng có sở thích khác nhau thì làm thế nào có một số mặt hàng thông dụng để người mua lựa chọn? Nhà kho trong thành phố thì không mấy khi rộng chỗ nên họ sẽ phải tính toán lựa chọn kỹ càng và giới hạn; chẳng thể nào có sẵn sữa ba bốn loại, phó mát mấy chục loại như các siêu thị. Kết quả là họ chỉ dự trữ những món phổ thông, được ưa chuộng nhất dựa trên mức tiêu thụ tại địa phương. Thí dụ như món mì Ý, thị trường siêu thị có Barilla, De Cecco hoặc cả chục nhãn hiệu khác, làm sao công ty cung cấp biết món nào để trữ trong kho? Và họ chỉ có thể bày bán 1 -2 loại? Khách mua chỉ có thể chọn một trong hai loại kể trên. Tương tự, chỉ có bánh mì của Pepperidge Farm hay Arnold được bày bán thay vì cả chục loại bánh mì khác. Câu hỏi là khách mua có chấp nhận sự lựa chọn giới hạn ấy hay không? Hiện nay, sau gần năm “thử lửa”, cư dân thành phố New York xem ra đã bằng lòng như thế nên công ty cung cấp dịch vụ giao hàng như Jork đã có một danh sách khoảng 1500 mặt hàng phổ thông trữ tại nhà kho.

Từ thực phẩm, các công ty giao hàng sẽ thừa thắng xông lên mà buôn bán những món khác như vật gia dụng, quần áo … (trực tiếp cạnh tranh với Amazon và các đại công ty khác chuyên bán hàng trên liên mạng). Kiểu làm ăn vẫn là giao hàng nhanh chóng, phù hợp với ý thích “ăn ngay xài liền” của người trẻ hiện nay như khẩu hiệu “giao hàng cấp tốc”!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Sự quen thuộc nào cũng trở nên nhàm chán và khách hàng dễ đổi ý khi có những lựa chọn mới mẻ hoặc vừa ý hơn. Do đó, các công ty giao hàng cấp tốc cũng phải liên tục cập nhật kiểu buôn bán của họ, chẳng hạn như rao bán thêm vật gia dụng ngoài thức ăn, battery, dây nạp điện, và có thể sẽ là quần áo lót, vớ, giấy lau tay, xà phòng … Và có thể là để giữ khách, các công ty này thỉnh thoảng cũng sẽ có một vài ngày hạ giá (sale), tặng thêm quà cáp lỉnh kỉnh khi khách hàng mua bán đến mức độ nào đó?

 Thay đổi thành phố

Việc tận dụng các cửa hàng bán lẻ trong thành phố đã “cứu” các chủ phố, cửa tiệm cũ đóng cửa vì ế ẩm bây giờ được thuê mướn trở lại. Nhưng “kho hàng không bảng hiệu” kia lại thay đổi bộ mặt của phố xá. Thay vì những hàng quán xôn xao người mua kẻ bán tấp nập ra vào, bây giờ chỉ là những tòa nhà kín cửa tối om hay “dark store” nhìn từ bên ngoài. Ðiển hình là thành phố New York, sáu bảy công ty giao hàng nhanh đang hình thành và cạnh tranh ráo riết, và cả trăm nhà kho như thế đang được tân trang khắp thành phố. Tạm hiểu là các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đang từ từ bị thay thế bằng các nhà kho kể trên.

Giao hàng tức tốc đang thay đổi bộ mặt của các thành phố lớn nơi cư dân sống quây quần trong các chung cư nhiều tầng. Cửa tiệm buôn bán [ế ẩm] đang chuyển mình, hóa thân thành những nhà kho nho nhỏ, cửa đóng then cài, chỉ dành riêng cho người chuyển hàng ra vào. Và như thế nên các vỉa hè trở nên vắng hoe vì ta chẳng còn có mấy thứ để ngó. Thay vì khách bộ hành chen chân qua lại, nhìn ngắm cửa tiệm trưng bày sản phẩm, món chi bắt mắt thì vào xem và hợp túi tiền thì rinh về. Ấy là cách mua bán từ “hồi nẳm”, cách đây chừng dăm năm, chứ còn bây giờ thì kiểu ngắm nhìn, sờ mó rồi mới mua xem ra đã xưa lắm rồi. Những con phố trước đây đông người qua lại bây giờ chẳng còn phồn thịnh như trước!?

Các con đường sầm uất đông người qua lại đang hóa thân từ từ như con người dần dần thu nhỏ trong ốc đảo riêng, làm việc tại nhà, không cần ra phố đi chợ hay mua sắm vì món chi cũng được mang đến tận nơi. Muốn “gặp” nhau thì cứ lên liên mạng và …Zoom hay Viber, không cần tay bắt mặt mừng nữa?

TLL