Bosnia & Herzegovina là một quốc gia nằm trên phía tây bán đảo Balkan của Âu Châu. Vùng Bosnia rộng hơn, về phía bắc và trung tâm đất nước trong khi Herzegovina nằm về phía nam và tây nam. Biên giới kể trên được phân chia theo lịch sử nhưng chẳng liên quan chi đến hai hệ thống chính quyền xem ra độc lập tại quốc gia này.

Hòa Ước Dayton (ký kết tại Dayton, Hoa Kỳ năm 1995, do Tổng thống Clinton và các giám sát viên quốc tế bảo trợ) đã phân chia đất nước ấy như sau: Republika Srpska (Bosnian Serb Republic) chiếm vùng đất phía bắc và phía đông; Federation of Bosnia and Herzegovina hay “Republika Bosna i Hercegovina” theo tiếng địa phương giữ phía tây và vùng trung tâm,

Ðây là một vùng đất lâu đời, tài nguyên không nhiều nhưng lại chịu xâu xé tranh giành suốt mấy trăm năm lịch sử. Khi đến nơi này nhìn ngắm Dế Mèn mới hiểu phần nào tại sao bá tánh uýnh nhau chí chết để tranh giành ảnh hưởng chính trị và tôn giáo (hay văn hóa?). Cư dân bao gồm nhiều sắc tộc (tuy cùng xuất phát từ một nguồn gốc) và tôn giáo chung sống trên một vùng đất tương đối nhỏ: Ðạo Hồi, Thiên Chúa Chính Thống (Orthodox Christianity), và Thiên Chúa Giáo La Mã. Mỗi nhóm tín đồ / cư dân thờ phượng một tôn giáo: Người Bosniak* theo đạo Hồi, người Serbia theo đạo Thiên Chúa Chính Thống và người Croatia theo đạo Thiên Chúa La Mã. Nhóm nào cũng tin rằng họ là chủ nhân chính thức của vùng đất ấy và uýnh nhau triền miên!

Một chút lịch sử về Bosnia & Herzegovina: Từ thế kỷ XV, triều đại Ottoman đã cai trị vùng đất này (mang theo đạo Hồi). Kế đến là triều đại Áo – Hung (Austria-Hungary) vào năm 1878; khi bắt đầu suy nhược, để dễ bề cai trị và xoa dịu các lãnh tụ nổi dậy đòi độc lập, vùng đất bị chia thành ba vương triều riêng biệt, Kingdom of Serbs, Croats, và Slovenes. Mỗi lãnh chúa hùng cứ một vùng và ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng và được các ‘đồng minh’ trợ giúp. Chính tại Bosnia & Herzegovina, Thế Chiến I đã bùng nổ với sự tham chiến của các đội quân địa phương & đồng minh và hoàng triều Áo. Vùng Balkan tiếp tục bị xâu xé, chia cắt cho đến hậu Thế Chiến II, vùng đất này được gom vào một liên bang và trở thành “the Socialist Federal Republic of Yugoslavia” (gọi tắt là Nam Tư) do Thống Chế Tito lãnh đạo. Ông Tito là một chính khách tài ba, đã khéo léo đi dây giữa khối cộng sản và khối tự do cũng như khống chế các “sứ quân” trong vùng và vững tay cai trị đất nước ấy suốt mấy chục năm. Sau khi ông Tito qua đời và khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, liên bang Nam Tư cũng tan rã theo. Cuộc bầu cử năm 1992 cho thấy cư dân Bosnia & Herzegovina muốn độc lập nhưng cư dân gốc Serbia lại chống đối và tẩy chay cuộc bầu cử, khởi đầu cho cuộc nội chiến Balkan đẫm máu.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Về mặt văn hóa, sau ngày độc lập, tại Bosnia & Herzegovina có nhiều nhóm cư dân sinh sống; đông đảo nhất là Bosniak (2/5 dân số), Serb (1/3), và Croat (1/5). Dù cả ba đều chung một nguồn gốc South Slav nhưng tôn giáo và sự liên kết với các nhóm người /quốc gia đồng minh khác đã khiến ba nhóm cư dân này tách rời nhau, chia thành từng vùng địa phương; mỗi lãnh thổ sống theo sinh hoạt tôn giáo riêng! Theo tiền lệ, cư dân Bosnia được gọi là “Bosnian” nhưng chẳng mấy ai chịu nhìn nhận tên gọi ấy. Họ chọn danh xưng riêng dựa theo lịch sử xa cũ: Thoạt tiên, “Serb” và “Croat” là danh xưng của hai bộ tộc South Slav và trở thành danh xưng của cư dân sinh sống tại Serbia và Croatia cho đến thế kỷ XIX khi những người theo chủ nghĩa dân tộc khởi đầu việc đặt tên cho cư dân sinh sống tại Bosnia và theo đạo Thiên Chúa Chính Thống Serb là người “Serb”; cư dân sinh sống tại Bosnia và theo đạo Thiên Chúa La Mã là “Croat” (như các cư dân sinh sống tại Croatia ngày nay). Thế rồi cư dân sinh sống tại Bosnia nhưng theo đạo Hồi trở thành “Bosniak”, tên gọi có tính cách “sắc tộc” thay vì tôn giáo.

Tiếng nói chung trong vùng là Serbo-Croatian dùng bởi cả ba nhóm cư dân với một vài khác biệt tùy theo địa phương. Chữ viết được sử dụng tại trường học và trên báo chí là mẫu tự Latin và Cyrillic nhưng cư dân Serb thiên về Cyrillic trong khi Croat và Bosniak dùng mẫu tự Latin. Cứ nhìn bảng chỉ đường, bảng hiệu trên đường phố có cả hai loại mẫu tự, mẫu tự nào đứng đầu là ta có thể đoán ra “dân tình”!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Chiến tranh Balkan bùng nổ khi các nhóm cư dân trong vùng, với sự trợ giúp của Croatia và Serbia, đã uýnh nhau chí chết để tranh giành đất đai. Chỉ trong thời gian 1992-1995, cả chục ngàn người Bosniak (cư dân sinh sống tại Bosnia theo đạo Hồi) đã bị thảm sát và hai triệu người khác chạy trốn khói lửa, tạo thành một làn sóng di dân lan tràn qua các quốc gia lân cận. Chiến tranh dẫn đến sự bất ổn tại Âu Châu nên quốc tế đứng ra can thiệp, dàn xếp các cuộc hòa đàm. Cuối cùng là các phe tranh giành ký kết Hòa Ước Dayton để chấm dứt chiến tranh vùng Balkan và dân tị nạn được hồi hương, lấy lại đất đai nhà cửa qua sự can thiệp của quốc tế.

Tạm hòa bình nhưng Bosnia & Herzegovina lại trở thành vùng đất “rạn nứt”, bị chia thành từng vùng theo nguồn gốc, mỗi nơi một chính phủ riêng biệt. Tạm hiểu là phe nào cũng giữ được một phần đất đai và ảnh hưởng chính trị và từ đó mỗi chính phủ hoạt động theo “luật” địa phương. Mỗi vùng một lá cờ và quốc huy riêng.

Theo Hòa Ước Dayton, Bosnia & Herzegovina là một quốc gia gồm hai vùng đất tự trị, the Republika Srpska (RS hay Bosnian Serb Republic) giữ 49% lãnh thổ và the Federation of Bosnia and Herzegovina (Bosniak/Croat Federation) giữ 51% lãnh thổ. Liên bang Bosnia & Herzegovina lại chia thành hai khối riêng biệt, Bosniak & Croat.

Cơ quan trung ương của Bosnia & Herzegovina bao gồm ba thành phần trong mỗi nhiệm kỳ tổng thống do cư dân bỏ phiếu bầu. Nghĩa là mỗi 8 tháng, đất nước ấy có một tổng thống luân phiên lãnh đạo, một người Bosniak, một Serb, và một Croat. Tổng thống ba thành phần này thành lập một hội đồng nội các bao gồm nhiều nhóm cư dân, Council of Ministers. Ông chủ tịch (do tổng thống đề bạt và được Quốc Hội đồng thuận) là người dẫn đầu chính quyền. Lưỡng viện quốc hội cũng nhiêu khê không kém, Hạ Viện gồm 42 dân biểu (28 người từ liên bang và 14 từ Republika Srpska) và Thượng Viện gồm 15 nghị sĩ, mỗi nhóm cư dân được 5 người. Tóm tắt là 3 tổng thống, 1 thủ tướng và 57 thành viên của lưỡng viện quốc hội để điều hành mảnh đất chút xíu, vỏn vẹn 51 ngàn cây số vuông, chưa kể nhân viên của các cơ quan hành chánh mỗi vùng. Chưa hết, về phương diện hành chánh, Federation of Bosnia and Herzegovina có 10 tỉnh, canton; mỗi tỉnh lại chia thành cả chục quận hạt khác. Ngược lại, Republika Srpska có trụ sở trung ương và chia thành nhiều quận hạt nhỏ. Các viên chức hành chánh tại quận hạt / tỉnh lỵ đều do dân bỏ phiếu bầu.
Tóm lại, đây là một bộ máy hành chánh ì ạch và vô cùng tốn kém vì có quá nhiều người tham gia. Mỗi đề xướng cải tổ phải qua bao nhiêu lâu mới được ban hành? Thuế má nào cho đủ để trả lương bằng ấy công nhân viên, từ tổng thống đến người phu quét đường?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Bosnia & Herzegovina có khoảng 3.9 triệu cư dân, nam đông hơn nữ chút xíu, tuổi thọ trung bình là 77. Tỷ lệ sinh sản là 8.7/1,000 và tỷ lệ qua đời là 10.1/1,000; số trẻ em ra đời thấp hơn so với số người chết nghĩa là dân số mỗi ngày một sút giảm. Khoảng 40% cư dân sống ở thành phố. Thủ đô là Sarajevo, đông cư dân nhất.  Hai thành phố lớn khác là Mostar và Banja Luka. Dế Mèn ghé thăm Sarajevo và Mostar mấy ngày, đủ để thấy và hiểu chút xíu về phần đất khói lửa năm xưa.

TLL

Orlando, FL