Từ thủa khai thiên lập địa, con người đã không ngừng khám phá và tiếp tục thay đổi thế giới chung quanh, từ khuất phục rồi thuần hóa muông thú để điều khiển chúng đến khai phá đất đai sông núi để phục vụ đời sống. Huấn luyện trâu bò trong việc canh tác, nuôi chó mèo giữ nhà, bảo vệ mùa màng. Chế tạo vật dụng để canh tác, săn bắn, vận chuyển; từ cái cày, xe đạp, đến máy bay, tàu thủy… rồi người máy. Nhất nhất đều do trí óc và bàn tay con người phát minh và chế tạo.

Với những vật dụng lớn nhỏ ấy, khái niệm sử dụng máy móc để trợ giúp con người trong đời sống hằng ngày không còn là điều mới mẻ nữa. AI hay trí tuệ nhân tạo cũng không ngoại lệ, chỉ tên gọi của nó là điều mới mẻ, xuất hiện từ vài thập niên gần đây và đang phát triển với tốc độ khó ngờ.

AI làm giúp con người

Với khái niệm ‘sử dụng máy móc để trợ giúp con người’ kể trên thì những cỗ người máy, qua các “app” (thảo trình?) đơn sơ giản dị là ‘tiền thân’ của AI ngày nay. Người máy làm công việc khuân vác nặng nề trong hãng xưởng. Người máy làm công việc chăm sóc con người như ở Nhật Bản, từ mấy chục năm nay, các cỗ người máy đã làm công việc hâm nóng thức ăn để sẵn, dọn bữa, hút bụi nhà cửa, trò chuyện bầu bạn với các lão niên chọn cách sống đơn lẻ, không muốn vào trung tâm người già. Con cái ở xa có thể theo dõi sinh hoạt của cha mẹ qua màn hình … Nhờ người máy đỡ đần mà một nhân viên xã hội có thể chăm sóc 5 – 8 lão niên, ngày ngày ghé qua nhà mang thức ăn uống bỏ vào tủ lạnh, xem xét chỗ ở theo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, lấy rác mang ra ngoài …

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

AI hoạt động

ra sao?

Giản dị, AI hay trí tuệ nhân tạo là các thảo trình điện toán dựa trên sự liên kết của hệ thống thần kinh [nhân tạo] hay “neural network”, cách hoạt động giông giống như trí óc con người nhưng với một số lượng vĩ đại. Tóm tắt là con người học hỏi qua ngũ quan, lục giác: tai nghe mắt thấy, tay sờ…; thu nhận hình ảnh, âm thanh, chữ viết rồi sắp xếp các dữ kiện ấy vào trí nhớ. Khi cần thiết, trí óc “mang về” các dữ kiện ấy rồi ta hành động hoặc trình bày ý tưởng theo cảm nhận riêng. Các hoạt động này dựa trên sự liên kết của hệ thần kinh. Tương tự, AI cũng “học hỏi” qua việc thu góp, dự trữ hình ảnh, tài liệu, âm thanh … xuất hiện trên mạng như một cái “kho” khổng lồ; kế tiếp là “nối kết” các dữ kiện liên quan với nhau, rồi “đếm” bao nhiêu lần những dữ kiện ấy xuất hiện (xác suất thống kê) và cho câu / bài trả lời dựa trên tỷ lệ cao thấp. Thí dụ “Mùa thu ở đâu đẹp nhất?” Gõ câu hỏi ấy vào các trang mạng tra tìm như Google, Bing …với mấy chữ gốc (keyword hay “từ khóa”?) “mùa thu”, “ở đâu” và “đẹp”… ta sẽ thấy vô số những câu trả lời về mùa thu, về địa điểm, phong cảnh… trong tích tắc. Tài ba hơn, khi ta biểu cỗ máy rằng “viết một bài khoảng 1000 chữ về cái đẹp của mùa thu…” thì sẽ có một bài luận đủ 1000 chữ như “đặt hàng”. Hay dở thì tính sau!

Robot Kompai, robot thông minh giúp đỡ người già – nguồn MDPI.com

Công ty nào

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

chế tạo?

Băn khoăn và tò mò về AI như thế nên phe ta xoay ra tìm hiểu về các công ty đang nghiên cứu và cho ra đời các phiên bản AI để cạnh tranh xem ai là người “giỏi” nhất, và “ngôi thứ” hẳn dựa trên thảo trình nào thu hút được người sử dụng nhiều nhất?

“Ðiểm mặt” các công ty đang tranh đua, Dế Mèn đọc ra ít nhiều các thảo trình AI hiện diện trên thị trường. Trước hết là ChatGPT đang được khoảng trăm triệu người sử dụng trong trường học. “Vỏ quýt” này dày nên đã có “móng tay” (nhọn?) xuất hiện để truy tìm các bài luận do máy móc sản xuất. Thảo trình GPTZero do một sinh viên tại Ðại Học Princeton, Edward Tian, chế tạo với mục đích kể trên, thày cô có lẽ phải “nương nhờ” vào thảo trình ấy để “thẩm định” mức hiểu biết của học trò mình?

Một chút về ChatGPT: thảo trình này dựa trên [kiểu mẫu] chữ viết, Large language model hay LLM, thu góp các bài viết xuất hiện trên liên mạng rồi cho câu trả lời như đã mô tả phần trên, ChatGPT, Claude, và LLaMa là các AI áp dụng LLM.

Một thảo trình khác, OpenAI, cũng áp dụng LLM nhưng có thêm phần nghiên cứu về các lãnh vực khác. Microsoft không thành công trong chương trình nghiên cứu của họ nên đầu tư vào OpenAI rất sớm, việc đầu tư này giúp Microsoft mở rộng thị trường qua trang mạng tìm kiếm Bing.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Khoa học và kỹ thuật đang cùng nhau sải bước, quay qua quay lại vài tháng đã thấy có AI thứ mới xuất hiện. Hay / dở còn tùy thuộc vào việc sử dụng các cỗ máy ấy. Hình như con người đang chạy đua nước rút để tranh giành giải “đệ nhất thông minh” qua việc dạy dỗ máy móc làm các công việc mỗi ngày một tinh vi, tài tình.

KỲ TỚI

AI và con người