Ngày nay khi nhắc đến Hồng Kông người Việt mình nghĩ đến nhiều thứ lắm. Đầu tiên đó là điểm du lịch hấp dẫn với nhiều thắng cảnh, hằng hà sa số toà nhà chọc trời, là nơi mua sắm hàng hiệu và (hàng giả hiệu). Kế đến là các món ăn dimsum, hải sản tươi sống tràn ngập đường phố. Và mới đây là các cuộc biểu tình đấu tranh đòi dân chủ của dân chúng khiến Hồng Kông càng được nhiều người trên thế giới biết đến. Còn một thứ nữa mà nhiều người cũng khá quan tâm, đó là điện ảnh.
Với tư cách là một khán giả, tôi thích các thể loại phim cổ trang, võ thuật và bạo lực xã hội Hồng Kông sản xuất hơn là các loại phim của Singapore, Ðài Loan hay Trung Hoa Ðại Lục. Ðiều này dễ hiểu, phần đông tâm lý người xem thích nhiều cảnh hành động gay cấn hơn là những cảnh tĩnh lặng quá nhiều hoặc kéo dài. Tôi nhớ một người bạn làm đạo diễn nói, muốn một bộ phim hấp dẫn thường cứ khoảng 10 phút lại có một cảnh gay cấn. Pha gay cấn đó như thế nào là tuỳ thể loại kịch bản và tuỳ theo thị hiếu của công chúng theo từng giai đoạn thời gian.
Nhìn lại khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn bắt đầu cho chiếu các loại phim kiếm hiệp thu hút khán giả. Rồi sang thập niên 70, là phim võ thuật quyền cước hấp dẫn giới thanh niên. Bước qua thập niên 80, là phim bạo lực xã hội, tiếp đến tâm lý hành động xã hội, hình sự, tâm lý tình cảm… Nhiều người nhận xét, phim Hồng Kông có quá nhiều bạo lực, nhất là các vụ thanh toán của các băng đảng, đâm chém bắn giết ì xèo. Ðiều này chỉ đúng một phần do nhà sản xuất phim muốn đáp ứng thị hiếu người xem, nhưng điều chính yếu là nó lại gắn liền với bối cảnh lịch sử xã hội Trung Hoa một thời gian dài. Nghệ thuật cũng góp phần tái hiện lịch sử xã hội qua ngôn ngữ điện ảnh. Trước ngày gần kề trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, các tổ chức bang phái kỳ cựu ở đây bắt đầu di tản sang Ðài Loan, Macao, Mã Lai hoạt động. Ngược lại các bang phái Trung Hoa Lục Ðịa lại lấn sân sang Hồng Kông kiếm sống trên mảnh đất béo bở này.
Nói về các bang hội thì khá dông dài, cũng như nói riêng về điện ảnh Hồng Kông không phải là chủ ý của bài viết. Tôi chỉ cung cấp vài ba tư liệu của một nhà sản xuất phim ảnh đình đám và các chương trình truyền hình nổi tiếng của Hồng Kông, đó là hãng Shaw Brothers (Anh em Thiệu Thị) hay TVB (Television Broadcasting). Sở dĩ tôi nhắc đến hãng phim Thiệu Thị bởi công ty này từ ngày thành lập vào năm 1958 đến nay sản xuất hơn 3,000 bộ phim màn ảnh rộng và truyền hình. Một con số kỷ lục mà khó có một hãng phim nào ở Hồng Kông đạt được. Các phim của hãng Thiệu Thị được chiếu trên khắp các quốc gia có người Hoa sinh sống, và được lồng tiếng hoặc phiên thoại ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Nói đúng ra, phần đông khán giả xem phim thường nhớ tên tài tử hoặc nội dung phim chứ ít khi nào nhớ đến đạo diễn hay nhà sản xuất. Trừ phi đạo diễn hay nhà sản xuất đó quá nổi tiếng, làm ra quá nhiều phim hay đáp ứng được thị hiếu của khán giả khiến ta phải tìm hiểu. Hãng phim Shaw Brothers do Thiệu Dật Phu thành lập sau khi trở về từ Nam Dương (Indonesia) bởi thời cuộc chiến tranh lan rộng, quân Nhật chiếm đóng Singapore và Malaysia khiến công việc làm phim của ông gián đoạn, và sau đó khi hai nước này giành lại độc lập, công nghiệp điện ảnh không mấy phát triển trong giai đoạn mới sau chiến tranh.
Năm 1957, ông quyết định trở về Hồng Kông thăm dò. Khoảng thời gian này, ngành điện ảnh Hồng Kông đang phát triển rực rỡ. Thiên thời, địa lợi đã tới. Năm 1958, ông quyết định thành lập Shaw Brothers Company. Ðể có những cảnh dựng phim cho tốt đúng với thời đại lịch sử, Thiệu Dật Phu thuê một mảnh đất của chính phủ rộng hơn 186,000 mét vuông tại Vịnh Thanh Thủy (Clear Water Bay) làm phim trường, phỏng theo mô hình phim trường Hollywood của Mỹ. Phim trường chính thức hoạt động vào đầu năm 1962. Ông không tiếc tiền đầu tư vào phim với những tài tử nổi tiếng, âm thanh, trang phục, máy móc, đạo cụ, kỹ thuật quay phim, dựng hình để cố gắng tạo ra những bộ phim hay về mọi mặt. Nhờ có phim trường lớn, dựng hình đầy đủ các chi tiết hiện vật như đúng vào thời kỳ đó, mỗi một bộ phim do Shaw Brothers sản xuất chỉ cần nghe đến thương hiệu là đủ biết phim hay.
Nhờ có phim trường với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, dựng cảnh, tốc độ sản xuất phim của hãng Thiệu Thị mỗi năm một nhiều mà vẫn bảo đảm phẩm chất của mỗi một sản phẩm điện ảnh. Phim Thiệu Thị nổi tiếng khắp châu Á. Thiệu Dật Phu được giới điện ảnh đặt cho một biệt danh là “quái thú” của ngành điện ảnh vì sức làm việc và sức lôi kéo quy tụ được một dàn tài tử, đạo diễn tài năng, và kỹ thuật viên giỏi làm việc dưới trướng. Phim Ðộc Tí Ðao của đạo diễn Trương Triệt ra mặt công chúng năm 1967 phá vỡ kỷ lục phòng vé. Thành công của thập niên 1960 là kết quả mà Thiệu Dật Phu sau một thời gian ngưng hoạt động tại Singapore và Malaysia dồn sức phát huy hết tất cả khả năng cho việc quản trị và điều hành, quyết tâm xây dựng một nền điện ảnh Hồng Kông vang danh khắp châu Á. Không những thế, anh em nhà Thiệu Thị hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh tại Thượng Hải và Singapore cũng thành công lớn. Trong 10 năm, anh em Thiệu Thị sản xuất ra 1,000 bộ phim võ hiệp mà chủ yếu Hồng Kông là nơi cho ra lò nhiều nhất. Riêng trong năm 1974 Thiệu Dật Phu cho ra mắt đến 50 bộ phim. Một con số khủng đối với các hãng phim tại Hồng Kông thời bấy giờ. Thiệu Dật Phu được nhận danh hiệu “Sa Hoàng Ðiện ảnh Á châu”.
Cũng trong thời gian hãng phim Thiệu Thị làm ăn phát đạt, Thiệu Dật Phu cùng Lợi Hiếu Hoà đồng sáng lập Công ty Truyền hình quảng cáo (TVB), phát sóng miễn phí đầu tiên tại Hồng Kông vào năm 1967. Do nhận định sai về thị trường phim Trung Hoa tại Hoa Kỳ ông lao vào sản xuất một số phim Mỹ. Ðồng thời phim kiếm hiệp của thập niên 60 đã bão hoà, ông không chú tâm khai thác nhiều thể loại phim võ thuật. Lý Tiểu Long đã đến đầu quân tại Thiệu Thị nhưng ông từ chối để cho hãng phim Gia Hòa giữ được một tài tử tài năng thu hút công chúng. Bù lại, Thiệu Dật Phu lại thắng lớn với TVB, biến nó thành một đế chế truyền hình với nhiều kênh truyền thông tại Hoa Kỳ, Canada và Ðài Loan. Các cơ sở phim trường Thiệu Thị cho TVB thuê sản xuất nhiều chương trình giải trí, phim chính kịch, phim truyền hình nhiều tập (phim bộ). Lượng khán giả và thị phần quảng cáo của TVB chiếm 80% tại Hồng Kông.
Một chuyện bên lề, năm 1991 trong thời điểm công ty bán lẻ Macy’s ở Hoa Kỳ xuống dốc gần như sắp phá sản, Thiệu Dật Phu bỏ ra 50 triệu USD mua lại 10% cổ phần của công ty này. May mắn Macy’s còn tồn tại đến ngày nay.
Từ thập niên 80 và 90, tình hình sản xuất phim của hãng Thiệu Thị bắt đầu xuống dốc do có nhiều cạnh tranh từ bên ngoài. Ngành điện ảnh Hàn Quốc, Ðài Loan, và Singapore trỗi dậy, phổ biến khắp các nước châu Á. Một đặc điểm khác là sau thời điểm Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc, nhiều tài tử điện ảnh Hồng Kông sang Ðại Lục đóng phim do giá cát-sê cao, quay lưng với các hãng phim tại Hồng Kông. Thế nhưng với tư cách là Chủ tịch điều hành TVB sau khi người đồng sáng lập Lợi Hiếu Hoà mất, năm 2003 Thiệu Dật Phu quyết tâm hoàn thành dự án Hương Cảng Ảnh Thành (Hong Kong Movie City) trị giá đầu tư 180 triệu USD, rộng 110,000 mét vuông, với 22 studio trong đó có một studio lớn nhất châu Á rộng 1,200 mét vuông. Hong Kong Movie City hay còn gọi là TVB City nằm trên bán đảo Kowloon (Cửu Long) tại khu công nghiệp Tseung Kwan O cách không xa vị trí phim trường cũ tại Clear Water Bay. Năm 2003 cũng là năm Hong Kong Movie City hay Thiệu Thị Phim thực hiện bộ phim màn ảnh rộng cuối cùng, chuyển hướng sang làm truyền hình chính thống.
TVB có nhiều kênh truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh, phát tiếng Quảng Ðông và tiếng Phổ thông và tiếng Anh, mỗi năm có đến 6,500 giờ phát sóng phục vụ cộng đồng người Hoa sống khắp nơi trên các châu lục. Các studio được trang bị kỹ thuật hiện đại, thực hiện các mô hình, dựng cảnh bằng đồ hoạ vi tính giản tiện hơn phim trường cũ không cần diện tích rộng. Chủ yếu phát hình tin tức, ca nhạc, tạp kỹ và phim truyện truyền hình nhiều tập.
Ngoài thành tựu của TVB, Thiệu Dật Phu tham gia làm từ thiện và đóng góp xã hội không ít. Ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Nghệ thuật Hồng Kông cũng như nhiều chức danh đứng đầu ở các cơ quan xã hội thiện nguyện, bệnh viện, trường học từ tiểu học cho đến đại học. Tên Dật Phu của ông được đặt cho nhiều cơ sở, thư viện tại Hồng Kông để tri ân đến người luôn đỡ đầu và đóng góp lợi ích cho xã hội. Thiệu Dật Phu mất vào năm 2014, thọ 107 tuổi.
Năm vừa rồi, mấy người bạn tôi đi chuyến hải hành du lịch nhiều ngày đến châu Á. Tàu neo đậu ở cảng Vịnh Thanh Thủy, họ đã vội xuống bến đi thăm phim trường Thiệu Thị ngày xưa. Hàng chục dãy phố từ thời Dân quốc hiện ra, cũ kỹ bị hư hao trong đợt bão Mangkhut vừa quét qua; những đống đổ nát còn ngổn ngang chưa được dọn dẹp. Nhiều khách du lịch muốn ghé xem tìm hiểu cấu trúc phim trường nhưng không được cho phép vì lý do an toàn. Phim trường xuống cấp, bỏ hoang từ nhiều năm rồi, chỉ có thể lang thang lòng vòng trên các con đường nhỏ, hành lang cửa tiệm vắng tanh như thể mình đang làm diễn viên cho một bộ phim, một thời đã xa trong trí tưởng tượng.
NL