Nếu bên Mỹ mừng Thanksgiving trong không khí chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh thì Canada lại đón lễ Thanksgiving trong màu lá vàng của mùa Thu mà năm nay rơi vào ngày 11 tháng 10, tôi lại có “ba điều bốn chuyện” kể về tình hình xứ lạnh tình nồng trong một năm qua.

Ðó là hai sự kiện tiêu biểu làm tốn biết bao nhiêu giấy mực, à quên, tốn thời giờ gõ phím của dân làm báo và … mỏi miệng giới truyền thông Canada.

Hồi tháng 5/2021, một tin làm rung động cả đất nước, là 215 bộ hài cốt trẻ em được tìm thấy trong khuôn viên trường nội trú Kamloops Indian ở tỉnh bang British Columbia, một số hài cốt là các trẻ chưa đến 3 tuổi, và cái chết của những đứa trẻ này chưa bao giờ được ghi nhận chính thức.

Ðây là một trong vài ngôi trường nội trú Công Giáo được thành lập năm 1890 và bị đóng cửa năm 1978.  Các trẻ em người Native được đưa vào nơi đây, sống tách biệt với gia đình, chúng học hành theo nền văn minh da trắng, để hoà đồng vào xã hội khi trưởng thành.

Cũng theo các tin tức trên báo chí, ít nhất 150,000 trẻ em bị đưa vào các trường nội trú này, sống trong điều kiện đói nghèo, lạnh lẽo và mất vệ sinh. Những cựu học sinh của trường nội trú Kamloops nói rằng trẻ em trong trường mắc nhiều bệnh như sởi, lao, cúm và nhiều người đã chết. Người ta tin rằng số trẻ đã chết còn cao hơn nhiều, chứ không dừng lại ở con số 215 hài cốt vừa được tìm thấy.

Tôi tin rằng, giáo hội Công Giáo với mục đích truyền đạo, dạy dỗ các trẻ em Native phát triển tốt lên, như họ đã làm khắp nơi trên thế giới, và tại Canada cũng không ngoại lệ. Nhưng thuở xa xưa ấy, y tế chưa phát triển, phương tiện giao thông, liên lạc còn hạn hẹp, khi xảy ra nạn dịch khó trị, giống như covid hiện nay, nên các em bị chết nhiều, và đã bị chôn trong mồ tập thể, cũng là một việc ngoài ý muốn, còn tại sao không báo cáo ghi nhận những cái chết này thì thật sự vẫn là một dấu hỏi.

Khi dân chúng còn đang nức nở xót xa về tin tức đau lòng đó, vào ngày Quốc Khánh Canada (còn gọi là Canada Day) hồi tháng Bảy, chính phủ kêu gọi toàn dân cùng nhau tưởng niệm các trẻ em Native vô tội ấy, các lá cờ rũ được kéo nửa chừng, như một lời chia sẻ và hiệp thông cùng cộng đồng người Native trong nỗi mất mát lớn lao này. Trong cuộc phỏng vấn trên Tivi hôm ấy, một phụ nữ Native là nhân chứng sống, đã “chạy thoát” khỏi trường nội trú đó, kể lại, bà bị ám ảnh vì những trận đòn ở trường, có lần bà cùng mấy người bạn nghịch phá, chạy ra bờ sông chơi, về muộn, đã bị các ma xơ bắt cởi hết quần áo rồi đánh bằng roi thật đau, và báo chí gọi đó là “abused vô cùng tàn nhẫn”. Theo ý kiến cá nhân tôi, các ma xơ trong các trường nội trú xưa nay vẫn nổi tiếng là nghiêm khắc, “em hiền như ma xơ” chỉ là …trong thơ Nguyễn Tất Nhiên mà thôi. Hồi tôi còn nhỏ bên Việt Nam, thằng bạn kế bên nhà đi học nội trú trường Ðắc Lộ ngoài Hàng Xanh, cuối tuần nào chúng tôi cũng mong chờ nó về để …quậy phá trong xóm. Nó từng kể những lần bị các Cha các Sơ phạt, bị quỳ gối và bị đánh ê cả mông vì nó mê chơi, không thuộc bài, không đọc kinh. Nói chung, người Việt mình thuở đó không lạ gì những chuyện đòn roi dạy dỗ trẻ con, không những trong các trường Ðạo mà cả ở những trường học ngoài đời. Hồi tôi đi dạy học, phụ huynh vẫn “nhắc” tôi, hễ cô thấy nó hư cứ “goánh” nó thiệt đau cho tui, đấy thôi!!!

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Ðến tháng Tám, tôi có chuyến vacation trở về thủ đô Ottawa là nơi tôi đến định cư đầu tiên sau khi rời trại tỵ nạn. Tôi đã đi thăm lại những khung cảnh cũ cùng kỷ niệm xưa, và dĩ nhiên không thể bỏ qua toà nhà Parliament ngay trung tâm phố thị Ottawa. Tại đây, tôi vô cùng xúc động khi thấy những vật dụng trẻ em như giày dép, nón mũ, áo quần, những bó hoa xinh, búp bê, đồ chơi trẻ con, và cả những túp lều teepees đặc trưng của thổ dân da đỏ…để tưởng nhớ các em được bày la liệt trên sân trước toà Quốc Hội. Du khách ghé qua, chụp hình, đọc những bảng biểu ngữ những câu chia buồn mà không khỏi ngậm ngùi. Lác đác là những nhóm thổ dân lặng lẽ diễn hành, khua chiêng trống theo điệu thổ dân truyền thống, họ dừng lại trả lời phỏng vấn báo chí với giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng. Họ muốn được biết lý do tại sao các em chết mà không được ghi nhận, mong được chính phủ cũng như Giáo Hội Công Giáo xin lỗi, mà không hề tức giận gào thét đòi hỏi này nọ, lại càng không có chuyện kéo nhau đi đập phá các cửa tiệm của người da trắng để hôi của. Thế mới biết Canada chính là xứ sở hiền hoà dễ thương!

Chuyện thứ hai cũng rộn ràng cả đất nước Canada đang buồn trong mùa dịch, nay có chuyện để …tám. Ðó là cuộc bầu cử Thủ Tướng trong khi mới bầu cách đây 2 năm. Theo luật Canada, nhiệm kỳ Thủ Tướng 4 năm, nhưng sau 2 năm, người Thủ Tướng có quyền kêu gọi bầu tiếp. Chuyện là thế này, 2 năm trước, Ðảng Liberal của Thủ Tướng Justin Trudeau đã thắng cử, nhưng chỉ là minority government vì số ghế của Ðảng Liberal trong quốc hội ít hơn số ghế của Ðảng đối lập Conservative và hai Ðảng nhỏ hơn là NDP và Green gộp lại. Khi dịch covid đến, TT Trudeau đã làm hài lòng đa số dân Canada vì đã mau chóng trong việc mua vaccine khống chế dịch lây lan. Dân số có 38 triệu mà chàng Trudeau rộng tay mua hơn 130 triệu liều vaccine, là quốc gia đứng đầu trong nhóm G7 tiêm chủng toàn dân với tỷ lệ cao nhất. Thừa thắng xông lên, chàng TT nhân đang lúc được lòng dân, bèn kêu gọi bầu cử, với hy vọng đảng Liberal của chàng sẽ giành thêm ghế, trở thành majority government, để dễ bề hoạt động, khỏi bị cái đám ghế đa số kia cản trở trong các quyết định, các dự luật trong tương lai. Thế là các phe đối lập tranh thủ chê bai, kêu gọi bà con đừng bỏ phiếu cho đảng của Trudeau, vì đang mùa dịch vật khó khăn, mà làm tốn tiền thuế dân chúng, chỉ vì lợi ích muốn cầm quyền lâu hơn của Trudeau. Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi dân đen như tôi bị mệt, phải lục đục đi bỏ phiếu hôm 20 tháng 9 vừa qua, và kết quả là “vũ như cẩn”, phe Libreal vẫn thắng với minority ghế, Trudeau vẫn là Thủ Tướng, chẳng thêm ghế nào cho Liberal, mà chi phí bầu cử xài hết 600 triệu đô, chỉ có Trudeau có lời, là nhiệm kỳ TT bốn năm được tính lại từ năm nay, coi như chàng được lời thêm 2 năm!

Xem thêm:   Giọt lệ linh lan

Nói gì thì nói, Trudeau vẫn được đa số dân chúng, nhất là miền Ðông Canada ủng hộ, một phần vì danh tiếng của gia đình Trudeau (ba của chàng là cựu TT Pierre Trudeau được dân chúng ái mộ ngợi ca), phần khác vì chàng là TT trẻ tuổi thứ nhì trong lịch sử Canada, lên cầm quyền năm 2015 khi 44 tuổi ( chàng TT trẻ nhất Joe Clark cầm quyền lúc 40 tuổi nhưng Clark chỉ tại vị chưa đầy một năm). Trudeau lại đẹp trai nên chắc chắn có nhiều phiếu từ nữ cử tri. Diện mạo bên ngoài, thời đại nào cũng thế, lãnh vực nào cũng thế, luôn là một ưu thế không hề nhỏ. Bởi vậy bà chị tôi bên Texas mới nói, thú thiệt tao chưa hề nhớ tên một ông TT nào của Canada, mà chỉ nhớ mỗi tên Justin Trudeau vì ổng …đẹp trai, vợ đẹp con xinh, một gia đình kiểu mẫu, điên sao hổng mê!. Nếu xong hết nhiệm kỳ này, chàng sẽ là TT tổng cộng 10 năm, chứng tỏ chàng cũng “không phải dạng vừa”, từ hồi bên Mỹ TT Obama đã có chàng, đến lượt Donald Trump vẫn có chàng, nay tới Biden chàng cũng hiên ngang còn đó, và luật Canada không giới hạn nhiệm kỳ TT, biết đâu chàng Trudeau sẽ còn làm TT dài dài ?!

Chúc mừng TT Justin Trudeau tái đắc cử. Một trong những tấm biểu ngữ ngay trước toà Quốc Hội Ottawa tưởng nhớ các trẻ em Native có ghi: “Where is the JUSTICE, Justin?” yêu cầu TT tìm ra sự thật công bằng. Chàng từng nói, cái chết của các em Native làm tim chàng tan nát. Mong chàng sẽ thực hiện lời hứa để linh hồn các em được yên nghỉ và người dân Canada cũng nhẹ lòng.

Xem thêm:   The good Samaritans

KL

Edmonton, Thanksgiving Oct/2021