Buổi chiều trong ngày làm việc cuối năm, tôi nhận được messages của Mũ Ðỏ Nguyễn Thành Thiện của Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù (TÐ9ND) trong những ngày Quảng Trị – Thừa Thiên, Thượng Ðức ngày xưa.  Anh gửi cho nghe bài hát “Những Cánh Dù Quê Hương.” Bài hát làm tôi rung cảm vô cùng; không phải vì tiếng hát tuyệt vời của người ca sĩ, cũng không phải vì âm thanh và sân khấu vĩ đại, mà vì chân tình trong lời nhạc và tâm tình của người hát thật lòng thương lính.

Nghe đến câu cuối cùng “ôi những cánh dù bọc gió quê hương” thì tôi nước mắt lưng tròng.  Trong trí tưởng của tôi, hình ảnh chuyến bay định mệnh đưa đại đội 72 TÐ7 Nhảy Dù từ Pleiku về Tuy Hòa rơi trong rừng sâu núi thẳm. Biệt tăm trong rừng núi mù sương, những người cha anh đó của tôi, những người lính hào hùng của miền Nam, đã hơn 50 năm, trở thành những chiến sĩ vô danh thật sự.

Ðau đớn thay là sau những năm tháng trong rừng núi, “những cánh dù bọc gió quê hương” đó lại bị lãng quên trong những phòng thử nghiệm lạnh lẽo xa xôi bên kia bờ trái đất.

Người ta nói giá trị của một đất nước, một dân tộc, một chế độ là cách đối xử với những người đã mất.  Cay đắng thay, cha anh và đồng đội của tôi bị chối bỏ hai lần cơ hội an nghỉ giữa quê hương.

Năm 1972 lúc tôi mới về đơn vị ở Vương Cung Thánh Ðường La Vang, tôi và thằng bạn (Minh) có lần lãnh công việc đi chôn xác bộ đội.  Trung đội phó Trần Huấn nói “nghĩa tử nghĩa tận, người chết hết hận thù” phải chôn  người ta cho cẩn thận và nhớ làm dấu “Sinh Bắc Tử Nam” để sau này người chết còn cơ hội trở về với gia đình của họ.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Và tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên bắt làm tù binh một bộ đội ra hàng khi trung đội “tapi” một ngọn đồi vô danh bên này bờ sông Thạch Hãn.  Thằng bộ đội mười bảy tuổi, Trần Sĩ Hùng, ngạc nhiên vì cách đối xử tử tế của Nhảy Dù, năn nỉ xin anh Châu Thường Vụ cho nó ở lại luôn với đại đội 92.

Giá trị và danh dự của một quân đội là cách đối xử đối phương sau khi buông súng.

Gia đình Mũ Đỏ đồng ca “Chiến Sĩ Vô Danh”   

oOo

Nghe thêm bài hát “Những Cánh Dù Quê Hương” vài lần nữa tôi lại nghĩ đến những ân tình đã dành cho “những cánh dù bọc gió quê hương” trong chuyến bay định mệnh.  Những ân tình đó đến từ ông Jim Webb (một cựu TQLC Mỹ và tác giả “Fields of Fire”), từ cộng đồng người Việt Orange County, đến từ những người thương lính hết mình như gia đình Bác Sĩ Ðàng Thiện Hưng.

Những ân tình nặng hơn trăm lần ba lô Nhảy Dù đáp xuống Hải Lăng, bung ra Quảng Trị, đi vào Thượng Ðức, bay đi Long Khánh…

Anh Thiện kể cho tôi nghe thêm chuyện đặc biệt của đời Bác sĩ Ðàng Thiện Hưng: ông là hậu duệ của một Ðại Bàng trong quân đội VNCH (Ðại Tá Ðàng Thiện Ngôn, Khóa 1 TÐ, Nguyên Tỉnh Trưởng Bình Thuận, Nguyên Chỉ Huy Phó CTCT/Ðà Lạt, nguyên Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân bộ TTM. Sau 30/4, bị CS cầm tù hơn 13 năm.)  BS Hưng qua Mỹ lúc còn trẻ và học hành rất giỏi.  Chưa hài lòng sau khi tốt nghiệp và hành nghề kỹ sư, ông tiếp tục theo học ngành y khoa và trở thành bác sĩ.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Thành công và cũng thành nhân, bác sĩ Hưng rất đơn giản trong cuộc sống cá nhân và hết lòng trong công chuyện cộng đồng, nhất là đối với gia đình mũ đỏ.

Anh Thiện kể “gia đình Bác Sĩ Hưng rất hết lòng với anh em mình.  Không những về chuyện ủng hộ đóng góp tài chánh thôi mà làm việc nặng nhọc nữa.  Lúc nào cũng thấy bác sĩ Hưng cùng người vợ lăng xăng khiêng bàn ghế, cắm cờ cắm hoa cho các buổi lễ. Có nhiều lúc hai vợ chồng bác sĩ Hưng còn mang cả xe vận tải để chuyên chở tất cả vật dụng để lo cho các buổi lễ cộng đồng từ đầu đến cuối.

Trong buổi lễ truy điệu 81 Nhảy Dù của ÐÐ72/TÐ7ND ở Arlington, Texas, hai vợ chồng bác sĩ ân nhân Nhảy Dù này đến nơi từ sáng sớm, sốt sắng lo mọi thứ công việc.  Anh Thiện nói họ không phải Nhảy Dù mà dấn thân còn hơn cả Nhảy Dù.

Tôi nghe mà cảm động.  Ôi những ân tình mang nặng cả đời sau.

Ân nhân Mũ Đỏ: ông bà bác sĩ Đàng Thiện Hưng, Chủ Tịch Ủy Ban Xây Dựng và Bảo Tồn tượng đài chiến sĩ, Arlington, TX.

o O o

Nói đến chuyện ân tình, mặc dù Mũ Ðỏ Nguyễn Thành Thiện không muốn nhắc tới, nhưng tôi thấy rất ấm lòng vì gia đình mũ đỏ may mắn còn có những người như anh. Mười năm rồi, cứ mỗi mùa Xuân là anh đại diện Gia Ðình Bác 9 hải ngoại đứng ra quyên góp làm nên Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, quyên tiền gửi về cho đồng đội còn lại ở bên nhà có chút nắng ấm mùa Xuân; có dịp ngồi lại bên nhau hỏi thăm ai còn ai mất, ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu bên nhau thời son trẻ.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Anh Thiện tâm sự “anh không ngần ngại gì cả…nếu có thể làm được gì để giúp đỡ cho anh em thì anh làm hết chân tâm…” Anh nói :niềm vui và hạnh phúc của anh em là niềm vui và hạnh phúc của riêng mình.

Phút mặc niệm. Lễ truy điệu đồng đội, 81 ND ĐĐ72/TĐ7ND, ở Arlington, Texas

o O o

Thêm một cuối năm “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, tôi ngồi nghe bài hát “Những Cánh Dù Quê Hương” mà chạnh lòng thương nhớ “những cánh dù bọc gió quê hương” mà tôi đã gặp sau ba năm chinh chiến: Cửu Long Nguyễn Văn Nhỏ, Trần Văn Sơn, Lê Mạnh Ðường, Ðích Thân Hoàng Ngọc Tửu, Trần Ngọc Chỉ, và những người anh em huynh đệ Nguyễn Văn Thân, Phạm Tăng Thọ, Nguyễn Văn Cảnh, Phan Ðoài, Tăng Văn Nam, Trần Thuận, Cao Văn Ớt…

Và tôi tri ơn những ân tình mang nặng cả đời sau. Những người như gia đình Bác sĩ Ðàng Thiện Hưng là những người mang nắng trải trên cành cây Xuân.

Người Trung Đội Trưởng Nhảy Dù Nguyễn Thành Thiện. Hình, Thừa Thiên, đầu năm 1973

Người Mang Máy 92