Ngồi yên trong phòng khách hàng giờ, Mai đăm đăm nhìn vào tấm ảnh phóng to treo trên tường. Kia là bố mẹ anh trai em gái, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Cái sẹo ở ngón tay cái năm xưa vót nan tre, để làm đèn trung thu cho em vẫn còn đây. Mai vẫn còn nhớ, khi nghe bố bắt phải học lại lớp Tiếp Liên, để sang năm thi lại vô Ðệ Thất trường công. Mẹ bênh Mai, gạt đi: Không phải học lại mất 1 năm, cho nó học trường tư gần nhà.

Bao nhiêu kỷ niệm thân thương tràn về. Vậy mà sau 50 năm có người lại bảo Mai không phải là con của bố mẹ. Mai không có liên hệ huyết thống với tất cả những người trong tấm hình kia.

Năm 1954, làn sóng di cư đã đưa hai gia đình ngoài Bắc vào lập nghiệp ở thị trấn Ban Mê Thuột. Họ cùng sống trong một xóm nhỏ, gọi là xóm ngõ cây bàng. Vì đầu ngõ có cây bàng rất to, cành lá xum xuê, dưới gốc cây bàng là quán chạp phô của bà Cả. Chẳng biết bà tên gì, trong xóm ai cũng gọi bà Cả nước mắm. Bà này coi như bà tổ trưởng của xóm, vì bà ở đây lâu nhất, trước khi có đợt di cư 54, người trong xóm gọi bà là Bắc cựu, tức là vào Nam lâu rồi.

Vì bán chạp phô nên bà có cơ hội biết hầu hết mọi người trong xóm, nhà nào cũng phải ghé quán của bà để mua mọi thứ thiết yếu: gạo, muối, đường, dầu, than, củi…

Dĩ nhiên bà không biết mặt Mai, vì khi mẹ mang Mai về từ nhà thương được vài tháng, thì nghe tin ông ngoại mất ở Nha Trang. Cả nhà kéo vô Nha Trang, rồi ở luôn đó để giữ nhà cửa vườn tược của ông để lại. Mai sanh cùng ngày với cô Tâm con bà Cảnh cùng xóm. Cả bà Cảnh lẫn mẹ Mai đều không ngờ mình mang nhầm con người khác về nhà. Chỉ có điều sau mấy chục năm, mọi người trong xóm cây bàng hầu như tản mác khắp nơi.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Bỗng dưng bữa kia anh Nam chở Mai đi công chuyện, tình cờ gặp lại bà Cả. Chính bà nhận ra anh Nam, khi cả hai cùng ghé vào trú mưa nơi mái hiên căn nhà ven đường. Bà cụ trong nhà mở cửa bảo cả hai vào trong kẻo ướt.

Ðúng là định mệnh, mà cái định mệnh này Mai chẳng muốn chút nào. Cả nhà Mai, ai bà cũng biết mặt, trừ Mai là con út. Tại vì Mai rời xóm cũ lúc còn đỏ hỏn.

Bà Cả bây giờ cũng gần 80, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Sau khi hỏi thăm về những người ở cùng xóm khi xưa, bà bảo gia đình cô Tâm con bà Cảnh cũng ở gần đây. Nhưng ông bà Cảnh và bố mẹ Mai cũng đều mất mấy năm nay. Nói chuyện qua lại, ai cũng vui vì gặp lại người quen cũ. Trước khi từ giã, bà Cả còn khen Mai có mái tóc quăn dễ thương. Bà còn hỏi do uốn hay quăn tự nhiên. Anh Nam nhanh nhẩu khai: Cả nhà ai cũng tóc thẳng, chỉ mỗi cô ấy có tóc quăn. Bà Cả lẩm bẩm: Lạ nhỉ? Rồi bà đăm đăm nhìn Mai, nhưng không nói gì.

Qua ngày hôm sau, bà lần mò tới nhà cô Tâm để kiểm chứng sự nghi ngờ của mình. Y như bà nghĩ, cô Tâm có mái tóc óng ả mượt mà, đen nhánh và thẳng tắp. Làn da cô trắng muốt với đôi mắt mí lót,nhiều người tưởng cô là người Ðại Hàn.

Thấy cô Tâm, bà Cả tin điều mình nghi ngờ là đúng, vì khuôn mặt cô Tâm y hệt khuôn mặt cô chị Cả nhà cô Mai bây giờ. Nhưng bà chưa nói vội điều mình nghi ngờ, cho đến một hôm bà gặp lại Nam. Bà nói ra điều bà nhận xét về cô Tâm và cô Mai, nhưng Nam lưỡng lự không biết tính sao. Bà Cả cứ kỳ kèo xúi Nam ghé thăm nhà người hàng xóm cũ.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Cuối cùng cả hai gia đình đều biết sự nghi ngờ của bà Cả. Riêng Mai thì nhớ mãi lúc còn đi học, Mai đã dám đứng lên phản đối lời giảng của thầy giáo dạy môn Sinh Vật: Cả cha lẫn mẹ đều tóc thẳng, thì không có con tóc quăn. Còn người phương Tây có Bố mẹ mắt xanh thì con không bao giờ có mắt nâu.

Vừa nghe thầy nói xong, mặt Mai hầm hầm phản đối: Bố mẹ em tóc thẳng, nhưng em có tóc quăn.

Thầy giáo đành tắc tị, lí nhí: Di truyền nói vậy.

Hôm đó, Mai về nhà, vặn vẹo: Con có phải là con của bố mẹ không? Mẹ thì la: Vớ vẩn.  Còn bố ôm Mai vào lòng thủ thỉ: Ai nói cục cưng này không phải con của bố.

Mai vẫn sống hồn nhiên, lớn lên giữa các anh chị em trong gia đình. Rồi mọi người cũng lần lượt lập gia đình, nhưng chẳng có con ai tóc quăn hay da ngăm đen như Mai. Các cháu của Mai toàn mắt một mí, da trắng nõn, còn các con của Mai da ngăm, tóc quăn, mắt to hai mí, cũng chẳng ai thắc mắc.

50 năm trôi qua, tự dưng chuyện oái oăm xảy ra. Có những sự thật không nên mang ra ánh sáng, trừ khi sự thật đó minh oan cho nỗi oan ức. Không biết cô Tâm nghĩ thế nào, chứ các anh em của Mai xua tay không quan tâm. Tuy vậy chẳng thà đừng nêu ra, chứ một khi đã có nghi ngờ thì trong số anh em của hai gia đình, thế nào cũng có người thắc mắc.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Cuối cùng thì sự thật đã đúng như bà Cả nghi ngờ, khi có kết quả giám định ADN. Cả hai em bé đã bị trao nhầm, vì ngày xưa ở trạm xá, các cô đỡ hương thôn thiếu chu đáo khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Hơn nữa ngày đó mọi thứ cũng chưa được hoàn hảo như ngày nay.

Mọi thứ đều do định mệnh trớ trêu. Mai rất giận bà Cả. Không phải Mai không muốn nhận lại huyết thống anh chị em ruột của mình nhưng cha mẹ ruột đã mất rồi, còn anh em bây giờ coi như ruột thịt. Mai thương tất cả mọi người trong tấm hình treo trên tường.

Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Cha sinh không bằng mẹ dưỡng.

Anh em ruột thịt không qua lại thì gần cũng thành xa.

Người xa lạ quý mến nhau thì xa cũng thành gần.

Sau vài ngày thẫn thờ khi biết sự thật, Mai đã tìm được lời giải đáp. Phật đã nói: Vạn sự tùy duyên.

Bố mẹ và anh em ruột của Mai không có duyên với mình, nên xui khiến có chuyện nhầm lẫn. Còn bà Cả chắc là do kiếp trước cả Mai với cô Tâm có mối hiềm khích với bà, nên kiếp này bả phải gây rắc rối cho cả hai.

Nghĩ vậy nên Mai chẳng còn quan trọng chuyện đúng hay sai, gi hay thật. Chỉ có điều Mai nghĩ, hèn chi mấy anh lớn bảo, mọi người gọi là bà Cả nước mắm. Chuyện nghi ngờ của bà, dù đúng mười mươi, vẫn có mùi nước mắm.

Thiệt là bực mình.

Hèn chi Mỹ nói: Do not trouble trouble until trouble trouble you.

Không ruột thịt thì đã sao? Ðâu có gì mà ầm ĩ.

LTM