Ông bà ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn. Thật là chí lý! Hôm nay tôi ngồi trên máy bay, bay 11 tiếng rưỡi hồi hương từ Frankfurt về San Francisco sau gần 3 tuần thăm thú nước Pháp và Đức, đầu óc lan man suy nghĩ về những điều mắt thấy tai nghe. Thấy mình cũng “khôn” ra một chút đấy!
Gặp lại bạn trung học ngày xưa trong ngày hội trường sau nhiều năm vắng bặt, có người chưa gặp lại đã 52 năm nay, thật là niềm vui lớn ở tuổi vàng! Không ngờ đời mình đã dài đến thế. Không ngờ trong từng hoàn cảnh riêng, bọn mình đã chịu đựng bao trầm luân và đã vượt qua bao sóng gió!
Từ khi rời khỏi VN, tập quán sinh sống cổ truyền ngày xưa đã phai nhạt dần với năm tháng. Còn đâu những cô nữ sinh bẽn lẽn thẹn thùng, luôn lễ phép khoanh tay cúi đầu khi nói chuyện với thầy cô. Đâu rồi những nhân viên non choẹt đi làm thuở ban đầu nhút nhát hay mít ướt, vừa bị sếp nhắc nhở nhẹ vài câu đã chảy nước mắt khóc tấm tức. Đâu rồi những người vợ trẻ đêm đêm âm thầm nhỏ lệ xuống gối êm khi chồng tệ bạc hay nhà chồng hiếp đáp. Chúng mình giờ đây mái tóc đã điểm sương, má đã bớt hồng, mắt bớt trong, và trí tuệ phần nào bớt nhạy bén. Tuy nhiên chúng mình có được chút tự hào đã nỗ lực sống đúng nghĩa, phụ giúp chồng, nuôi nấng con, đã quật cường chống chọi nghịch cảnh ngoài đời, và đã “máy ra trò” trong những năm “đời cua, cua máy“, để rồi giờ đây nhường cho “đời cáy, cáy đào“!
Chúng ta không còn là phụ nữ Việt cổ truyền, chúng ta đã được “Tây hóa” nhiều nơi xứ lạ quê người. Bọn ta muốn đi chơi là tự tìm mua vé máy bay, sắp xếp chương trình gặp bạn, thuê khách sạn, nhà trọ AirBnB ở từng bến ghé, thuê xe & tài xế, leo xe lửa, đặt du thuyền, giữ chỗ hý viện v.v.
Phong cách sống nơi quê hương mới được các bạn thu nhận nhuần nhuyễn tại từng nước. Bạn lớp 12 giờ đây là hội trưởng hội ái hữu đứng ra tổ chức đại hội thế giới gần 500 người cho trường xưa tại Paris. Bạn ngược xuôi ngoại giao các khách sạn, sảnh đường, công ty chuyên chở, công ty du lịch, nhà in. Bạn tiểu học ngày nay là tự điển sống về đường tàu đi lại ở Đức, mua sẵn cho vé rẻ đi khắp nơi trọn tháng không giới hạn. Hàng đêm bạn dò sẵn đường đi nước bước, sáng ra hai đứa không còn trẻ lẽo đẽo leo tàu rồi trèo núi lên thăm những lâu đài cổ xưa dọc sông Rhine. Tối về biến chế những thức ăn mua tại chợ Tây thành bánh canh, bún thịt nướng đầy hương vị quê hương để cùng nhau thưởng thức.
Thỉnh thoảng cũng so sánh “phê bình xây dựng” quê hương mới của nhau.
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/12/loi-song-khac-nhau-giua-tay-va-my.jpg)
Bảo Huân
Mỹ to, Tây nhỏ
Ở Mỹ thành phố lớn nào cũng có khách sạn chứa hàng nghìn người và đại sảnh rộng lớn tha hồ làm đại hội. Âu châu nhỏ tí, rất khó tìm đại sảnh có thể tụ tập đông đảo như ở Mỹ. Super size là nghề của Mỹ mà!
Thải rác
Bạn bảo Mỹ thải rác nhiều quá, đi đâu cũng thấy thùng rác đầy ứ ngoài đường. Bạn nói đúng! Bày thùng ở đâu là rác tự nhiên bò vào đến đó. Các tiệm bán thức ăn nhanh như McDonald, Burger King, KFC để các thùng rác bự bành ky. Thiên hạ tha hồ vất vào đó bao giấy, vỏ hộp, ngay cả những ly nước to đùng uống dở dang, cứ vài ba tiếng là phải thay bao rác mới, nhìn mà sốt ruột. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Hàng tuần mình có đến làm việc thiện nguyện tại vườn hoa Brookside ở Silver Spring, Maryland. Toàn khu vườn rộng nhiều mẫu không có một thùng rác nào, trừ trong nhà vệ sinh. Thế là bàn dân thiên hạ phải tự lo gói ghém lấy mang về nhà, mà cũng không thấy xả rác bậy. Vấn đề là thay đổi thói quen. Tuy nhiên người ta nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời!”
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Ở Mỹ làm ra tiền nhiều hơn nhưng đời sống quá tất bật không có thời giờ thư giãn để ngồi cà phê cà pháo vỉa hè như ở Tây. Thói quen ngồi cà phê vỉa hè ở Tây quả thật đáng yêu làm sao! Bất cứ giờ nào cũng có khách ngồi vỉa hè lai rai đến tận 9, 10 giờ đêm, từ người lớn tuổi đến cả thanh niên trai tráng, khiến mình không khỏi tự hỏi: chẳng lẽ hôm sau họ không đi làm à?
Nhìn các nam thanh nữ tú ngồi (có cả nằm) trên bãi cỏ xanh dọc bờ sông Seine, mình tấm tắc khen thói quen hưởng khí trời trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Chả bù với giới trẻ ở Mỹ, đi làm về là rút vào “tổ ấm” dán mắt vào iPhone, iPad hay laptop. Ậy, bạn Tây cho biết có lý do cả đấy! Nhà Tây bé như cái lỗ mũi, người ta bị tù túng chật chội nên phải thoát ra ngoài đường, bờ sông, công viên. À ra thế!
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/12/loi-song-khac-nhau-giua-tay-va-my1.jpg)
Những đêm trăng thanh gió mát dân chúng ngồi hưởng cảnh đẹp suốt dọc hai bên bờ sông Seine – Hình tác giả
So sánh quà Việt trên đất Tây và Mỹ
Tuy nhiên hàng quà Việt ở Mỹ là số một, Tây không sánh bằng. Tại những thành phố khá đông người Việt bên Mỹ thì phở, bánh cuốn, cơm tấm, hủ tíu, bún bò v.v. không cần lặn lội ngược xuôi đi tìm mà rất ngon và rẻ. Sang Tây tìm mỏi mắt không ra một tiệm ăn Việt thuộc hạng khá. Quận 13 ở Paris không thể nào sánh với Little Saigon ở Cali, Bellaire ở Texas, hay Eden ở Virginia. Lần vừa rồi đến Paris có “thổ công” giới thiệu, chúng tôi thử đến quán Phở Đầu Bò tại quận 13, có khách xếp hàng dài ngoài cửa. Quán này dọn phần ăn hậu hỉ, cho dĩa rau tươi mát to đùng, tiếp đãi lịch sự nhanh nhẹn, nhưng phẩm chất thì mình chấm chỉ được 3 sao thôi. Bù lại, người Việt sống ở Tây đều trở thành bếp khéo vì phải tự lăn vào bếp, đi ăn nhà hàng thường hay bình phẩm: “không bằng nấu ở nhà!”
Di chuyển công cộng & di chuyển bằng chân
Tây có hệ thống di chuyển công cộng thật là thuận tiện. Vì dùng phương tiện di chuyển công cộng nên Tây có được thói quen tốt là đi bộ rất nhiều (và cũng từ đó mà có thể la cà quán cà phê vỉa hè?). Từ nhà ra trạm xe buýt, xuống xe buýt chạy vào các platform để lên xe điện, chiều về thì ghé vào cửa hàng thực phẩm mua một ít mang về v.v. Muốn đi đâu, lúc nào, cũng có chuyến tàu đáp ứng cho nhu cầu. Hằng ngày cô bạn ở Đức dẫn mình ra tàu điện đáp tàu ngược xuôi bờ sông Rhine, đi thăm các lâu đài dọc theo sông. Có hơn 50 lâu đài trên đồi nhìn xuống dòng sông chảy êm đềm, có ở chơi cả tháng cũng không đi xem hết tất cả được. Xuống xe lửa thì đón xe buýt hay cuốc bộ, trèo núi, lên tận lâu đài nằm trên đỉnh đồi. Hôm ra phi trường bay về từ Đức mình đã định đặt Uber, nhưng bạn nhất định ngăn. Bạn ôm một cái valise cho mình, mình giữ một cái, hai đứa khiêng lên xe buýt trước nhà rồi vào nhà ga đón xe điện đi thẳng vào phi trường Frankfurt. Tổn phí 0 đồng vì dùng vé tháng đã mua sẵn!
Bạn ở Đức người thấp bé hơn mình mà đôi chân ngắn bước đi nhanh thoăn thoắt khiến mình líu ríu chạy theo hụt hơi. Thỉnh thoảng nàng lại quay đầu nhìn lại xem “Hai Lúa” còn đó hay lạc mất rồi. Hàng ngày không định trước mà dân Tây bước được nhiều nghìn bước rất tự nhiên, chẳng bù dân Mỹ phải “lên lịch” giờ đi bộ trong ngày hay vào gym chạy treadmill, thỉnh thoảng lại liếc phone xem đã đủ tiêu chuẩn chưa. Nhìn Tây thấy ai cũng mảnh khảnh thon thả, chắc nhờ nhu cầu phải đi bộ này. Mỹ nổi tiếng về bệnh béo phì, hậu quả của thức ăn nhanh và thói quen ngồi xe. Các bạn mình ở Tây ai cũng dẻo dai mạnh khỏe, hằng tuần đi khiêu vũ lả lướt, tiệc tùng đông vui, không nghe ba cao một thấp gì cả.
![](https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2024/12/loi-song-khac-nhau-giua-tay-va-my2.jpg)
Lâu đài trên đỉnh cheo leo Chân đi từng bước cũng trèo đến nơi
Bảo vệ môi trường
– Tây chỉ dùng tủ lạnh nhỏ vì họ rất cẩn thận khi “tiêu dùng môi trường”. Họ hay mang thức ăn, nước uống ra để ngoài trời vào mùa lạnh, khi cần cứ mở cửa thò tay ra bê vào dùng, cứ như mở tủ lạnh lấy ra. Tủ lạnh bên Mỹ to gấp đôi gấp ba, chia ra hai “hộ”, mỗi hộ to bằng nguyên một tủ lạnh ở Tây, một hộ là ngăn đá và hộ kia là ngăn mát. Nhà cháu tôi có con nhỏ cần hóa đông sữa xin được từ một bà mẹ dư sữa có nhã ý tặng cho nên phải sắm thêm một tủ lạnh đôi nữa để ngoài garage, thành tất cả 4 “hộ” tủ lạnh.
– Nhà Tây không có máy điều hòa không khí. Mình không sang chơi vào mùa hè nóng bức nên không biết người ta đối phó với cái nóng ra sao. Nghe nói ai cũng bỏ thành phố đi nghỉ phép vùng biển hay vùng quê trăng thanh gió mát, thành phố lớn vắng tanh vắng ngắt. Vậy thì chỉ có phúc lợi Tây với nhiều tuần phép hàng năm mới cho phép đi trốn nóng như thế được. Ở Mỹ mỗi năm chỉ được 4 tuần nghỉ, vừa phép vừa bệnh, bệnh nhiều là khỏi đi chơi. Phải tính toán cân nhắc kỹ lắm. Hôm dự đại hội trường ở Paris mình có ghé đến một khách sạn nhỏ ở quận 6 thăm nhóm bạn bè cùng tiểu bang cũng sang dự đại hội đang trú ngụ tại đó. Đang ngồi chơi trong phòng nghe các chị hỏi nhau: “Mở máy điều hòa nha chị?” “Ừ! Mở đi.” Lập tức có bàn tay năm ngón thò ra đẩy hai cánh cửa sổ ra cho gió mát thổi vào. À, thì ra đây là “máy điều hòa” của khách sạn!
– Nhà Tây cũng không có máy sấy quần áo, giặt xong bày cái giá phơi đồ ra treo lên cho khô. Điều này thì mình cũng ủng hộ vì ở Mỹ mình cũng “không giống ai” qua việc căng sào phơi quần áo ngoài trời để tận dụng “năng lượng giời cho”! Tuy nhiên muốn có giờ phơi quần áo thì không được làm việc 10, 12 tiếng mỗi ngày như ở Mỹ. Về đến nhà 7,8 giờ tối, đôi khi không được dùng cơm với các con, thì quần áo giặt xong đành phải bỏ vào máy sấy rồi nhấn nút đi ngủ thôi.
– Bạn Tây dùng đồ điện xong là rút dây để tiết kiệm điện, từ ấm nấu nước đến lò nướng bánh mì, lò microwave v.v. Mình cũng có nghe nói rút dây kiểu này thì tiết kiệm được tiền điện, nhưng tính lười cố hữu cứ để máy xay sinh tố, lò air-fryer, nồi cơm điện v.v. gắn chặt vào ổ chẳng bao giờ rút ra. Một hai ổ trong tường không đủ để cắm cho hết các máy móc đồ đoàng thì gắn chồng vào những ổ mẹ có nhiều ổ con, tha hồ mà cắm! Computer lại còn để “on” muôn thuở, khi nào cần dùng là lay con chuột vài cái đánh thức nó dậy. Có lẽ kỳ này về nên áp dụng chính sách rút dây nhỉ?
– Tránh dùng đĩa giấy muỗng nhựa. Một hôm được bạn Tây mời đến nhà ăn tối, tôi nghe các anh chị nói về phong trào mới này trong cộng đồng của họ. Cũng là một ý kiến hay! Khi có tiệc ngoài trời hay tại các sảnh sinh hoạt tập thể thì mỗi người tự mang đĩa, dao, muỗng, nĩa của mình đến, ăn xong gói mang về nhà rửa, không phải vất từng bao rác to tướng toàn chén dĩa xài một lần! Cách sống “không để lại vết chân trên mặt đất” như thế này ai cũng nên theo cho tốt. Tuy nhiên, bề trái của nỗ lực bảo vệ môi trường này là chén đĩa trong nhà không cánh mà bay. Thủ phạm đầu têu là mấy ông hào sảng “ở đời muôn sự của chung”, ham ăn nói hơn ham thu dọn. Tiệc tàn các bà đi sao về vậy, giữ đủ đồ nghề, còn các ông tay không đút túi quần huýt sáo, sạch sẽ thảnh thơi! Lực bất tòng tâm! Lực thuyết phục của các bà không xoay chuyển được cái tâm ngoan cố của các ông. Thói quen mới nào cũng phải tập tành một thời gian lâu mới vào nề nếp được.
Ra đi quan sát dông dài
Ngày về lượm được vài bài học khôn!
Học đã tạm xong, còn hành thì sao nhỉ? Hãy chờ xem!
TM – 10/2024