Rời quê hương gần cuối thập niên tám mươi, vào những năm gia đình tôi vẫn còn rất khốn khó, tôi không nhớ rõ cái Tết cuối cùng ở nhà với mẹ như thế nào, nhưng hẳn đã phải chật vật lắm mới có được những thứ gọi là cho có Tết. Thời ấy, có những bài hát, “Tết nay anh không thèm kẹo mứt. Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng…” thường chỉ làm người nghe xót xa cười buồn.Tôi đến đất nước xa lạ, đoàn tụ với một người thật sự rất “quen”, nhưng vô cùng xa lạ. Chúng tôi đã có hơn sáu năm xa nhau, khi gặp lại, cứ như chưa bao giờ quen biết nhau. Tết, tôi nhớ nhà, nhớ Tết,  nhớ không khí gia đình, nhớ chiều Ba Mươi yên ắng, nhớ nồi nước  lá hương nhu mẹ nấu cho mấy chị em gội đầu… Nhắc, người ấy bảo Tết nhất gì ở một nơi hoa mai đã nở từ tháng chín, và Mồng Một vẫn phải đi làm. Tết, tôi ra sau nhà nhìn những ngọn lau, những tàu lá chuối bên rào hàng xóm, nghe tiếng chim cu gù trong nắng trưa mà nước mắt chảy dài. Miền Nam bán cầu, mùa Xuân đã về từ Tháng Chín thật. Những ngày cận Tết, những ngày cuối năm âm lịch ở nơi ấy chỉ có nắng rát da và nỗi buồn xa xứ. Chỗ tôi định cư đã ít đồng hương, chồng tôi lại không muốn qua lại với ai, lòng tôi héo sầu như những câu thơ Nguyễn Bính mẹ tôi thích, “quê nhà xa lắc xa lơ ấy. Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”… Những năm sau, sau khi giã từ cuộc hôn nhân không hề vui, giã từ cái nắng tháng Chạp buồn đứt ruột của miền Nam bán cầu, tôi dắt con sang Âu châu. Lại một nước xa lạ không có Tết. Nhưng lúc bấy giờ chung quanh tôi đỡ hơn vì có vài người bạn trong nhà thờ, vài người thân chung quanh, và đã có thể gọi điện thoại về nhà thăm hỏi mẹ. Một lần tôi hỏi mẹ thích quà gì. Mẹ tôi cười nói, chỉ thích con về thăm mẹ. Hè, tôi về thăm mẹ, mẹ lại nói, con sắp xếp về ăn Tết với mẹ một lần được không. Tôi đành cười, không biết trả lời thế nào vì công việc của tôi lúc ấy không cho phép tôi đi vào những ngày cận Tết. Vài năm sau mẹ tôi lại nhắc cái ước mong có mặt tôi vào những ngày Tân Xuân. Mẹ nói muốn chờ Giao Thừa rồi khai bút cùng với tôi, điều mà hai mẹ con vẫn hay làm những ngày tôi còn sống với mẹ. Tôi lại không biết trả lời thế nào, nên trêu, mẹ đâu còn làm mứt, cũng không nấu ăn đã lâu rồi mà rủ con về làm gì. Mẹ tôi nói nếu con về thì mẹ sẽ vào bếp. Tôi không biết nếu tôi về, mẹ có vào bếp thật không. Có lại ngồi xên những thau mứt dừa trắng phau, làm những hũ mứt gừng dẻo tươi mà tôi chưa thấy ai làm ngon hơn. Lần tôi quyết định rời Âu châu là lần tôi có thể ăn Tết cùng với mẹ. Tôi có hứa sẽ cố gắng sắp xếp một chuyến về. Mẹ tôi chắc có lẽ mừng lắm, nên lật đật ghé thăm cô bạn thân nhất của tôi, báo tin vui. Mường tượng nếu năm ấy tôi về, thì có lẽ những bài thơ khai bút Tân Xuân của mẹ tôi đã không bao giờ thảm sầu. Những lời lẽ, những ý thơ mà khi mẹ tôi ra đi rồi, tôi đã đọc với nỗi ăn năn thống khổ vô bờ. Năm ấy, thay vì về với mẹ, tôi lại đi thăm con, thăm cháu ở phương trời khác. Tôi đã không chọn lựa niềm vui của mẹ. Ðã không thực hiện những ước mơ chẳng có gì khó, chờ một Giao Thừa, viết một bài khai bút đầu năm… Tôi rời gia đình hơn ba mươi năm, chưa lần nào về quê nhà ăn Tết. Tôi vẫn nhớ Tết, vẫn thèm ra đường chiều Ba Mươi, vẫn muốn thấy cái không gian tĩnh lặng rất đặc biệt ngày cận Tết, vẫn muốn nghe tiếng cười rộn rã của lũ trẻ nhỏ ngày đầu năm. Vẫn nhớ bao nhiêu là thứ. Nhưng, tôi sẽ làm gì vào dịp Tết, khi cái lời hứa đã cũ, rất cũ, tôi còn có thể thực hiện cho ai nữa bây giờ.

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

HN