Từ điển tiếng Việt giải thích kinh doanh là “tổ chức việc sản xuất, buôn bán, làm dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi.” Online là một từ mới xuất hiện sau khi người ta phát minh ra World Wide Web phục vụ cho đời sống, nói nôm na “internet” thì ai cũng biết.
Tuy nhiên, kinh doanh online thì không thể làm dịch vụ hoặc sản xuất được (trừ thiết kế website, sau này có thêm bán softwares cho máy tính,) báo và đài truyền hình online. Kinh doanh online theo nghĩa rộng đơn giản chỉ là bán hàng trên mạng internet.
Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc bán hàng online với quy mô lớn, không cần cửa hàng ở các địa điểm cụ thể, chỉ bán hàng trên website, điển hình là “ông lớn” Amazon. Các chuỗi tiệm lớn có thương hiệu uy tín ở Mỹ vừa bán hàng tại tiệm, vừa bán trên website (gọi là “làm thêm,”) nhưng khách hàng (trong đó có tôi) thích mua đồ ở tiệm hơn.
Sở dĩ khách hàng thích mua đồ trực tiếp là vì muốn “nhìn tận mắt, sờ tận tay,” cảm nhận được chất liệu, kích thước món đồ, nếu nhìn hình chụp thì khó hình dung được dù coi kỹ mô tả về kích thước và chất liệu trên website bán hàng.
Trong thời gian 2 năm bị cấm túc vì đại dịch, các thương hiệu “ông lớn” chuyển qua kinh doanh online rầm rộ và tồn tại phát đạt tới thời điểm này là nhờ vô chính sách bán, giao hàng, cho trả hàng của họ.
Người Việt cũng chớp thời cơ này, mở ra cơ hội ngồi nhà bán hàng. Tôi đọc báo, thấy người ta thi nhau giới thiệu “khởi nghiệp kinh doanh online” nghe rất oai, nhưng thật ra là bán hàng trên Facebook mà thôi.
Xin nói rõ thêm với quý độc giả, tôi chỉ trình bày ở góc độ là khách hàng, kinh nghiệm mua hàng của tôi, bạn bè, và người quen biết của tôi, không đi sâu vô chuyên môn kinh doanh online với những thuật ngữ nào là “nghiên cứu chiến lược bán hàng” “marketing” “phân tích nhu cầu thị trường” “kế hoạch” “thống kê” v.v.
Tôi không biết ở Mỹ bán hàng online có nộp thuế, có giấy chứng nhận kiểm tra phẩm chất hàng hóa, thực phẩm hay không, nhưng ở Việt Nam phần lớn người bán hàng online (cá nhân) không có website riêng mà xài mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok) và thực hiện chính sách nhiều thứ không: không nộp thuế, không giấy chứng nhận kiểm tra phẩm chất hàng hóa/thực phẩm, không bảo đảm phẩm chất như quảng cáo và không cho trả lại món đồ đã bán.
Thằng em tôi (ở Sài Gòn) mua 2 cái quần trên Facebook, theo số đo và size của người bán, tới lúc nhận hàng thì quần nhỏ xíu không mặc được, vải thì xấu, nhăn nhúm. Nó kêu trả lại bị người bán blocked nick Facebook của nó. Vậy là mất tiền mua 2 cái quần, phải kiếm người cho chớ không lẽ đem bỏ thì cũng tiếc. Vậy mà nó chưa chịu tởn, tin lời quảng cáo mua 2 chai thuốc chữa đau bao tử của lang băm nào đó trên Facebook, để rồi mất thêm tiền và tiếp tục bị blocked nick Facebook lần thứ hai.
Cách đây 2 tuần, các Facebookers bên Úc đăng bài “bóc phốt” một “công ty bán hoa quả” ở Úc lấy tiền của khách hàng xong thì trốn biệt, không ship trái cây cho khách.
Trên Facebook rất nhiều người bán áo dài, mẫu mã, màu sắc rất đẹp, và giá thì rẻ hơn giá áo dài bán tại tiệm ở khu Bolsa, nhưng tôi không dám mua. Tuần rồi, tôi ra tiệm mua một cái áo dài đen trơn giá 30 Mỹ kim. Tôi phải tận tay rờ để biết chất vải có co giãn tốt không, mặc có thoáng hay không, thử áo có vừa với người hay không, chiều dài áo có hợp ý tôi hay không v.v. vì tôi rất ngại phiền phức mấy vụ trả đi trả lại kèm theo càm ràm “tại bị vì bởi thì mà là” của người bán.
Bạn Facebook của tôi, thỉnh thoảng lại thấy đăng bài “cảnh báo” đừng mua cái này, đừng mua cái kia vì phẩm chất hàng không như quảng cáo và người mua đã bị blocked nick Facebook.
Riết rồi, từ một phương thức kinh doanh tiện lợi, bán hàng online bị nhiều người nghĩ đồng nghĩa với lừa đảo. Tôi để ý thấy nguyên nhân cũng bởi phần lớn người Việt buôn bán online không ngay thẳng, rõ ràng như người Tây. Đa số người bán hàng đăng bài không có phần mô tả chi tiết món hàng, kích thước, phẩm chất, xuất xứ và quy tắc trả hàng.
Có cô kia đăng quảng cáo bán áo T-shirt trong group Facebook, tôi đọc kỹ từ đầu tới cuối bài quảng cáo gọn lỏn hình chụp vài kiểu áo và giá tiền áo. Không thấy mô tả chất liệu vải, chất liệu sơn in, xuất xứ nơi sản xuất áo, vải có co giãn tốt không, áo xuống nước có bị rút nhỏ không, trả hàng thế nào. Như vậy kể ra cũng “đàng hoàng” lắm rồi, có ghi giá công khai từng loại sản phẩm, còn hơn là những người khác quảng cáo hàng mà khách hỏi giá thì cứ nói “Vô/coi inbox,” làm nhiều người khách cụt hứng và thiếu thiện cảm, nếu không muốn nói là khách nghi bán mắc hơn giá thị trường, hoặc có ý đồ lừa đảo khách.
Rất nhiều người “dị ứng” với kiểu bán hàng hễ hỏi giá thì người bán trả lời “Vô/coi inbox,” làm khách cảm thấy không thoải mái và không muốn mua nữa. Có người thẳng thừng để lại comment: “Bán hàng chớ bộ bán dâm hay sao mà phải inbox vùng kín?”
Có thời gian, tôi thấy những Facebookers nam giới hú nhau chờ coi “bán kiếng online” trên Facebook. Lúc đầu tôi không hiểu kiếng đeo mắt thì có gì lạ mà ngày nào cũng coi, ngày nào cũng rủ nhau coi? Nếu muốn mua thì ra tiệm mua, đeo thử mới biết kiểu gọng kiếng đó có phù hợp với gương mặt người đeo hay không? Kiếng đeo mắt ngoài công dụng giúp nhìn rõ, chống chói, che mắt người đeo, mà còn có công dụng tăng tính thẩm mỹ. Nếu chọn được kiểu kiếng phù hợp sẽ làm cho gương mặt người đeo nhìn thấy đẹp thêm, ngược lại, kiếng không phù hợp sẽ làm cho người đeo thấy già đi/xấu hơn trong mắt người đối diện.
Tò mò, tôi dò hỏi họ sao cứ khoái coi “live stream bán kiếng,” thì được câu trả lời rằng “Quảng cáo bán kiếng có kèm theo bán bưởi.” “Ngộ há, kiếng đeo mắt sao bán chung với trái cây?” Để trả lời cho sự “ngu lâu” của tôi, một Facebooker đưa link video cho tôi coi thì thấy mấy cô bán kiếng khi live stream video dùng app chỉnh hình cô nào cô nấy da trắng mịn như da em bé, mặt đẹp như mannequin, mặc áo lộ gần hết phần trước ngực phập phồng, đong đưa qua lại. Thì ra đây là “bán bưởi” trời ạ. Tôi hỏi một Facebooker: “Rồi ông có mua kiếng chưa?” Ông này trả lời: “Coi chơi thôi. Kiếng dỏm không hà, mua làm chi.”
Không riêng gì các cô bán kiếng đeo mắt, mà bán mỹ phẩm, bán quần áo, bán thuốc chữa bệnh, bán thực phẩm chức năng (thực phẩm bổ sung)… đều giống giống như vậy, miệng nói tía lia thật lẹ như sợ có ai đó nhảy vô giành nói, nói nhanh tới mức một Facebooker khác nhận xét là “vô duyên.” Tôi chưa coi live stream bán thức ăn nên tôi không có ý kiến nhận xét.
Tôi thấy người Việt ở Mỹ bán hàng online “sạch sẽ” hơn vì không “bán kiếng,” phần lớn chỉ bán thức ăn, quần áo và không kèm quảng cáo “bưởi.”
Phần lớn bán hàng online trên Facebook đều không cho khách biết địa chỉ, mà hẹn khách “pick up” ở góc đường nào đó.
Một cô bạn tôi (ở Little Sài Gòn, Quận Cam) đã mua cả chục khúc vải áo dài trên live stream Facebook, rồi tá hỏa tam tinh khi thấy vải nhận được không giống như mẫu vải trên live stream, nhưng không trả lại được. Thiệt là “tiền mất tật mang.”
Vài người khác thì “mua” sữa bột Ensure, Zelle tiền cho người bán xong, người bán lặn mất tăm, người mua không biết họ ở đâu để đòi tiền. Nhà bank không chịu trách nhiệm đòi lại tiền nếu chuyển tiền bằng cách Zelle. Tin tưởng “đồng hương” bị “đồng hương” cho một vố quá đau.
Trong các group Facebook bán hàng, người bán thường xài nick ảo. Vì vậy, sau khi lấy tiền của người mua và “lặn,” họ vẫn có thể dùng nick Facebook khác vô chính group Facebook đó để rao bán hàng tiếp tục.
Người Việt bán hàng online không xấu, nhưng lợi dụng sự “ảo” của mạng internet để lừa gạt đồng hương là xấu. Người Việt muốn trở thành “trùm” online như ông chủ Amazon, trước hết phải xây dựng thương hiệu của mình bằng chữ tín.
TPT