Mẹ tôi bị bệnh và mất vào tháng 5-1975 khi miền Nam vừa thua cuộc. Thời điểm đó, những bệnh viện trong thành phố chưa vào nề nếp, thiếu bác sĩ, y tá, thuốc men… Nếu bình thường thì bệnh mẹ sẽ khỏi, không mất sớm oan uổng như vậy.

Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang với cửa hàng cà phê giải khát, khách hàng là quân nhân và nhân viên của những trại lính xung quanh. Mẹ chăm lo cho chồng con đầy đủ, đồng lương cảnh sát viên của bố tôi dường như mẹ chẳng đoái hoài mà có chờ trông cũng chưa chắc được vì bố tôi tiêu xài rộng rãi hào phóng và ham mê bài bạc. Có lẽ, bố ỷ lại vào mẹ, cửa hàng cà phê luôn tấp nập khách, kinh tế gia đình dồi dào nên bố càng vô lo.

Ðược cái, tuy vui chơi thế nhưng bố rất chăm chỉ và thương yêu vợ con. Mỗi buổi sáng, bố đều dậy sớm, phụ mẹ đun bếp pha cà phê và chuẩn bị mọi thứ cho một buổi bán rồi mới rời khỏi nhà, đi làm.

Thuở tôi còn bé chừng 10 tuổi, có những buổi sáng thức dậy, tôi vui mừng thấy những miếng bánh kem đẹp đẽ và ngon lành mà tôi rất thích ăn, để sẵn trên bàn, miếng bánh y như trong ước mơ của tôi. Tối qua nơi bố làm việc, cấp trên có tiệc tùng và các cảnh sát viên an ninh như bố tôi sau đó cũng được ăn theo, bố lấy phần về cho các con.

Tôi thường hay hỏi và dặn dò bố:

– Tối nay chỗ bố có tổ chức tiệc tùng không? Bố nhớ lấy bánh về cho con.

Bố đáp cho tôi khỏi chờ trông:

– Nơi bố làm là Ty Cảnh sát chứ không phải nhà hàng mà ngày nào cũng có tiệc tùng bánh trái. Con cứ ngủ ngon đi nếu không có bánh thật thì cũng có… trong mơ.

Ðúng thế chuyện tiệc tùng lấy bánh về chỉ đôi khi nhưng bố thường xuyên cho chị em tôi đi ăn phở Cao Vân gần Ty Cảnh sát quận Nhất, nơi bố làm việc, một hàng phở bố thích ăn và muốn chúng tôi cũng được thưởng thức. Bố cho chúng tôi đi xem những khi có phim hay ở rạp Cao Ðồng Hưng, rạp Ðại Ðồng, đi bơi thỏa thích ở hồ tắm Ðại Ðồng, Chi Lăng hay hồ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sau này bố cho chúng tôi vào học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, lần lượt những đứa em tôi học ở đấy cho đến tháng Tư, 1975 thì mới thôi.

Xem thêm:   Mưa rừng & tiếng hú giữa đêm khuya

Ðang là một người đàn ông thảnh thơi, tiền bạc rủng rỉnh tiêu xài và bài bạc, thời thế đổi thay cùng lúc người vợ qua đời, bố tôi bỗng đối diện thực tế, buông bỏ tất cả để  chăm sóc các con.

Tôi là con gái lớn đã có gia đình riêng, có nhà riêng nhưng từ lúc lấy chồng, mẹ tôi vẫn “bao” ăn mặc cho cả gia đình nhỏ của tôi. Tôi chẳng tốn đồng chi phí nào, tiền lương chồng lãnh ra tôi để dành gởi ngân hàng.  Bây giờ, mẹ mất, gia đình nhỏ của tôi vẫn sống chung với bố và các em thành một đại gia đình nên bố tôi ngoài chăm sóc các con luôn thể chăm hai đứa cháu ngoại, khi chồng tôi đi tù cải tạo và tôi bận đi làm tại một tổ hợp mì sợi ở địa phương.

Mỗi buổi sáng, sau khi quét dọn nhà cửa, bố đạp xe đi chợ Hạnh Thông Tây. Thời buổi bao cấp miếng thịt, con cá hiếm khi chúng tôi được ăn. Ngày nào bố cũng mua bó rau to, khi thì rau muống, lúc rau nọ rau kia nhưng nhiều nhất vẫn là rau muống rẻ tiền, kèm theo là vài quả trứng hay mấy bìa đậu hủ. Những món tầm thường nhưng bố nấu vẫn ngon nhờ “hoang phí” dầu mỡ trong thời buổi gạo châu củi quế. Món nào bố cũng phi hành tỏi thơm phức, hàng xóm đi qua còn ngửi thấy, cứ tưởng nhà này sắp làm món cao sang heo bò gà vịt gì đó nhưng thực ra, chỉ là trứng rán hay rau muống xào.

Bảo Huân 

Bố làm món đậu hủ chiên vừa vàng tới, vớt ra thả vào bát nước mắm có hành hoa thái nhỏ. Rau muống xào chán thì luộc và thả vào nồi nước rau một hai quả cà chua chẻ tư, vài củ tỏi đập dập thêm chút muối làm nước canh chan cơm.

Thỉnh thoảng, bố tôi đổi món ăn và kể “sự tích” món ấy bố đã ăn khi còn bé ở quê nhà ngoài Bắc, món canh đậu phộng giã nát, xào hành mỡ nấu với dưa cải chua, ăn vừa chua vừa béo vừa thơm mùi đậu phộng làm chúng tôi lạ miệng.

Bố còn cho chúng tôi thưởng thức món ăn chơi cùi dừa ăn với bánh đa nướng béo béo, bùi bùi hấp dẫn là món quà quê yêu thích của bố ngày xưa, mỗi khi bà nội đi chợ về.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Mấy chị em tôi khen bố giỏi nấu ăn vậy mà bây giờ chúng con mới biết. Bố nói, tại có mẹ các con làm hết nên bố đâu có dịp khoe tài.

Bố kể ngày xưa nhà đông người, ông bà nội quanh năm có một khạp cà bát muối và một khạp thịt heo muối, ngả thịt một con heo, ướp muối mặn để đầy trong khạp ăn dần, miếng thịt ướp muối săn cứng lại, mỗi lần ăn rửa miếng thịt cho bớt mặn và chiên rán lên ăn rất ngon cơm. Nhưng thời bao cấp, miếng thịt heo không có mà ăn ngay lấy đâu ra ướp muối để dành, bố tiếc là không làm được món này cho các con biết thêm tài của bố. Còn món cà bát là quả cà to bằng cái bát, muối mặn nguyên quả, ăn tới đâu thì lấy ra thái nhỏ mà ăn.

Ngoài chợ búa cơm nước, bố tôi thường xuyên “xếp hàng cả ngày” để chầu chực đến lượt mua lương thực, bách hóa hay mắm muối… theo tiêu chuẩn đầu người. Nếu không có bố phụ giúp thì một mình tôi không thể nào vừa đi làm, vừa trông con nhỏ và lo toan những việc ở nhà khi các em tôi đứa thì ở xa, đứa thì đi học hay còn bé dại.

Thằng em thứ năm của tôi tên Thiện bị gọi đi nghĩa vụ quân sự tập huấn ở Quang Trung. Ngày đầu tiên bố nằm ngủ trên chiếc giường của con trai bỏ trống, gối đầu trên chiếc gối của con, đắp tấm chăn của con, bố đã khóc vì nhớ con.

Khi lá thư đầu tiên của Thiện từ quân trường Quang Trung gởi về, mấy chị em tôi đọc và cũng khóc nghẹn ngào như bố đã khóc.

Quân trường Quang Trung cách nhà tôi không xa, chỉ mười lăm phút trên chuyến xe đò nhưng chúng tôi chưa quen xa cách, chúng tôi cảm thấy đau lòng vì đi “nghĩa vụ quân sự” là phục vụ cho chính quyền Việt Cộng, là xa xôi không có ngày về.

Bố tìm đường cho Thiện đi vượt biên, mọi kế hoạch đã được sắp xếp, chỉ đợi dịp Thiện xin phép về thăm nhà là đưa Thiện xuống Cần Thơ, lên ghe làm anh nông dân chở than củi rong ruổi trên sông nước chờ thời điểm lên tàu lớn ra khơi.

Thanh và Bố tại Canada

Sau Thiện là thằng em kế tôi đang là giáo viên trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ cũng may mắn vượt biên thành công.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Con em áp út của tôi hơn 10 tuổi đầu bỗng dưng sinh tật đái dầm nên sáng nào bố cũng phải lấy cái chổi “xương” (loại chổi bằng tre dùng để quét sân) quét đi vũng nước cho mau khô rồi mới lấy giẻ nhúng nước lau. Thỉnh thoảng, bố lại giặt chăn chiếu, mang ra trước sân phơi nắng cho thơm tho. Hàng xóm hỏi thì bố nói giường chiếu có rệp phải giặt rửa cho vệ sinh. Bố dí dỏm nói đùa với chúng tôi là giữ bí mật chuyện đái dầm cho nó kẻo mai sau nó… ế chồng.

Con bé áp út đái dầm năm nào cũng đã vượt biên đến Thái Lan nhưng số nó lận đận, đi vượt biên cuối mùa phải qua mấy năm ở trại tị nạn để thanh lọc và định cư ở Canada trong khi các anh chị em khác và bố tôi đã lần lượt được bảo lãnh sang Mỹ.

Thiện suýt nữa làm bộ đội năm nào sang Mỹ đã là kỹ sư làm cho hãng máy bay Boeing. Thằng em giáo viên Phan Thanh Giản năm ấy, nay cũng là kỹ sư làm cho chính phủ.

Con bé đái dầm ngày xưa, mẹ tôi gọi yêu nó là Thoa “tẹt” vì khi sinh ra mũi nó… hơi tẹt, càng lớn nó càng thay đổi, mũi cao hơn, không còn tẹt nữa nhưng cái biệt danh ấy vẫn còn nguyên.

Cô Thoa “tẹt” chẳng hề ế chồng vì đái dầm như bố đã nói đùa, có mấy chàng theo đuổi và cuối cùng Thoa chọn được một người. Thế rồi năm 1994, cô Thoa “tẹt” đi lấy chồng. Cả đại gia đình tôi mừng vui từ đây nó đã có chồng, có gia đình chồng và sẽ có con cái bên cạnh, không còn lạc lõng, cô đơn ở xứ lạnh Canada nữa.

Bố và chị em chúng tôi cùng sang Canada tham dự đám cưới Thoa “tẹt”.

Bố đã làm đám cưới cho các con mấy lần nhưng lần gả chồng cho Thoa là bố vui mừng nhất vì thương nó sống xa cách những người thân yêu.

Bố tôi sinh năm 1927 cho tới ngày hôm nay, bố tôi vẫn mạnh khỏe so với tuổi tác. Bố không chỉ là người cha cởi mở vui tính mà khi mẹ tôi mất đi bố lại là “người mẹ” đảm đang của chị em chúng tôi suốt mấy chục năm qua.

NTTD