Nước ta có nhiều món ngon được người nước ngoài ca tụng như phở, chả giò, gỏi cuốn, bánh xèo, bánh mì thịt… Lại có những món độc địa khiến Hai Quê hay bị nửa chất vấn nửa buộc tội khi ngồi với bạn Tây: «Dân Á Ðông tụi bay hễ cái gì nhúc nhích là đớp! Chó, dơi, chim, chuột, dế, giun, sâu, kiến, ong, bướm, thậm chí bò cạp … cả con vịt còn trong trứng nước cũng bị luộc?!» Ai thèm chối! Nhưng sau khi lấy lại tinh thần, Hai Quê thắc mắc: «Tại sao ăn thịt chó đáng trách hè?» Bên kia trợn mắt: «Vì chó là con vật nuôi trong nhà, là bầu bạn trung thành của chúng ta!» Phản pháo: «Ngựa thì sao? Ngựa cũng là con vật thân thương, đưa lưng cho các bạn cưỡi, kéo xe, thồ hàng, ngày xưa chinh chiến sa trường, ngày nay chạy đua cho các bạn giải trí… thế mà các bạn cũng xơi tái steak ngựa và khoe ầm lên rằng chất sắt trong thịt ngựa cao hơn cả thịt bò đấy thôi!»

Một đợt công kích khác: «Dân Việt Nam cháp cả thịt mèo phải không?» Hai Quê gật đầu. «Trời, dã man quá! Con mèo dễ thương như vậy, sao nỡ ăn thịt nó?!» «Ủa, con thỏ cũng dễ thương đâu thua gì con mèo, các bạn cũng vặt lông, đem nướng với mù tạc hoặc nấu rượu, toàn món ngon cổ điển Pháp cả đấy!»

Thấy bên kia im re, Hai Quê được thể ủa tiếp: «Mà bộ chỉ có con nào coi dễ thương bị đem đi làm thịt mới đáng tội nghiệp sao? Con nào nhìn không dễ thương thì bị xơi là đáng kiếp?»

nguồn: en.wikipedia.org/wiki/Foie-gras  

Lại chĩa mũi dùi: «Dân Việt Nam ăn rắn, rùa, và cả cá…sấu thì phải? Kinh dị quá!» Bị tấn công riết đâm quen, Hai Quê ung dung đáp: «Ừ thì các bạn cũng xơi lươn, ếch, cá mập và cả ốc sên nhớt nhờn nhợt khiến dân Ăng-lê bên kia bờ Manche nhăn mặt nhíu mày chứ có thua gì! Chưa kể chuyện mùa săn năm nào các bạn cũng vác súng và xua chó vào rừng lùng sục thú hoang, giết được con nào, hả hê mần thịt con đó. Lấy trò vây bủa và bắn giết làm vui, rồi tự hào đem chiến lợi phẩm còn nguyên lông lá về phố treo lủng lẳng, từ chim trĩ đến heo, thỏ, hươu nai v.v.

Xem thêm:   Răng giả

Cứ vậy mà ping-pong cho đến khi đối phương tung đòn trí mạng để bắt Hai Quê phải im: «Nghe đâu bên nớ còn nhốt khỉ trong chuồng, chỉ chừa cái đầu, dùng búa đập vỡ sọ, múc óc pha rượu. Bắt gấu lấy mật, săn tê giác cưa sừng nghiền bột, giết cọp thu xương nấu cốt, lưới cá mập lóc vi cắt vây, cướp tổ chim yến  v.v.» Im thì im. Nhưng không im lâu được: «Vậy bên ni các bạn cưỡng bức gia cầm dâm thực để làm Foie-gras thì sao?» [đọc là Phoa-gra]

Mỗi năm, trên dưới 37 triệu con vịt, 700 ngàn con ngỗng ở Pháp bị è cổ, đút ống sắt (dài khoảng 25cm) vào thực quản, thúc ngũ cốc ngập hầu ngập họng khiến lá gan chúng bị sưng phồng lên vì ăn quá mạng. Sau đó đem giết đi để thu lấy buồng gan phì đại, được gọi là Foie-gras (gan béo) để phục vụ cho thị trường trong nước lẫn xuất cảng. Năng suất lên tới gần 20 tấn một năm (80% tổng sản lượng thế giới).

Bên phải Fig2.: lá gan bình thường (80g) – Bên trái Fig1.: lá gan sưng phồng do bị ép ăn (450g)

Quá trình nuôi và vỗ béo cấp tốc này khiến kiếp sống của lũ gia cầm vô cùng khốn đốn. Vì bị nhốt trong các chuồng trại chật chội, bị vỗ béo, tăng cân quá nhanh nhưng không có chỗ cựa quậy, thân xác chúng lâm vào cảnh nặng nề, bức bí. Vịt bị ép ăn hai lần mỗi ngày. Ngỗng lớn xác hơn, bị ba lần. Cuộc tra tấn khốc liệt diễn ra liên tục trong vòng mười đến mười lăm ngày. Lá gan con vật đột biến, tăng vụt từ sáu đến mười lần trọng lượng bình thường. Lượng ngũ cốc (thường là bắp) nhồi nhét chiếm một phần tư trọng lượng con vật, tương tự một người cân nặng 80 kí lô bị ép ăn 20 kí lô spaghettis một ngày.

Xem thêm:   Mình sẽ đi Mỹ

Một con ngỗng bình thường có thể sống thọ hai mươi năm. Bị «cưỡng chế lao động», chỉ ba tháng là đi đời nhà ma. Số phận bi đát này chỉ dành cho ngỗng đực vì gan ngỗng cái có nhiều gân máu, bị chê nên thoát nạn. Lòng từ bi đã khiến mười bảy nước trên thế giới, trong đó có hai tiểu bang lớn của Hoa Kỳ là California và New York quyết định cấm sản xuất Foie-gras theo kiểu nuôi ép man rợ. Hiện nay, ở Châu Âu chỉ có 5 nước tiếp tục sản xuất Foie-gras là Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Bulgaria và Hungary.

Foie-gras của Hélène Darroze

Kể tội một hơi, thấy bên kia nín thinh, Hai Quê thừa thắng xông lên: «Nước Pháp có một nữ đầu bếp ba sao sáng giá là Hélène Darroze (được bình chọn là đầu bếp nữ giỏi nhất thế giới, 2015). Bà được công chúng ngưỡng mộ không chỉ nhờ tài nấu bếp mà còn vì thái độ dấn thân đối với một số vấn nạn xã hội, thí dụ, dám chụp hình khỏa nửa thân cho tờ nguyệt san Marie Claire để kêu gọi phụ nữ quan tâm đến bệnh ung thư vú. Khi phiến quân Taliban chiếm Afghanistan, bà lập tức bày tỏ sự bất bình và xót xa cho số phận phụ nữ, trẻ em kẹt lại trong nước. Lạ thay, bà nhắm mắt làm lơ nỗi khổ của ngỗng, vịt đem lòng yêu Foie-gras đắm đuối, và không ngừng trình làng các công thức chế biến Foie-gras

Câu chuyện Foie-gras cũng liên quan đến một người được chúng nhân sủng ái khác là nữ hoàng Elizabeth II vừa quá cố. Năm 2014, trong chuyến thăm viếng Paris nhân kỷ niệm 70 năm quân đồng minh đổ bộ Normandie, Nữ hoàng được Tổng thống François Hollande tiếp đón tại cung điện Elysée. Guillaume Gomez, đầu bếp Phủ tổng thống đã gặp phải vấn đế nan giải khi sửa soạn thực đơn vì Foie-gras vốn được xem là đệ nhất sơn hào mỹ vị Pháp mà Nữ hoàng rất thích nhưng Thái tử Charles, tức vua Charles III hiện nay cũng có mặt trong buổi đại tiệc ấy thì lại tối kỵ món này. Việc sản xuất Foie-gras bị nghiêm cấm ở Anh quốc từ năm 2000 vì lý do đạo đức đối với thú vật. Ðể giải quyết vấn đề, Tổng thống Pháp đã ra nhiều thực đơn khác nhau, mời Nữ hoàng chọn và bà đã chấm thực đơn có Foie-gras. Chuyện này gây ra hai luồng dư luận đối nghịch. Các fans Foie-gras thêm một lần tự hào về món ăn quốc hồn quốc túy, phe phản đối thì vô cùng thất vọng về vị Nữ hoàng đáng kính.

Nữ hoàng Elizabeth II … Ảnh Tim Graham / Getty Image

Như thịt mỡ kho hột vịt trên mâm cỗ Tết ta, Foie-gras là linh hồn bàn tiệc Giáng sinh của người Pháp. Từ đầu tháng Mười Hai, các chợ đã tấp nập bày bán từ loại chín hẳn đến loại nửa chín nửa sống và cả loại hoàn toàn sống sít để người mua tự chế biến theo sở thích. Ðây là niềm vui «thiêng liêng» của  rất nhiều người. Họ đặt mua Foie-gras sống về, tự lấy gân máu ra, nêm gia vị cùng loại rượu mùi ưa thích rồi đem chưng cách thủy, để dành khoản đãi gia đình và khách quý, không quên khoe: «Nhà làm lấy!»

Xem thêm:   Tổ chức sinh nhật cho bé 10 tuổi

Cái khó nằm ở chỗ đó. Không những món ăn này béo bở thật mà nó còn là một món ăn truyền thống và sang trọng. Lòng từ bi phải tràn bể Ðông mới may ra đẩy lùi được tham sân si của đám đông dân chúng để quốc hội Pháp lưu tâm hơn, mạnh dạn ban hành đạo luật cấm sản xuất Foie-gras  tại thổ địa.

Năm nay, dân mê Foie-gras lo Giáng sinh sẽ trống vắng vì gia cầm mắc dịch cúm, lăn ra ngủm củ tỏi trước khi bị vỗ béo. Nhìn bạn bè cuồng Foie-gras mách nhau chợ Costco có hàng và hối hả đi thu gom sơm sớm kẻo hết, Hai Quê nghĩ lòng từ bi dân Pháp dành cho ngỗng, vịt xem ra vẫn còn tít mù khơi.

HQ