Chiến tranh bùng nổ ở Ukraine vừa đúng một năm. Súng nổ, người ngã và biết bao thảm cảnh thương tâm. Cảnh này khiến tôi bùi ngùi nhớ về quê nhà những ngày bão lửa. Xin mời đọc lại một ký ức cũ, những ngày chạy giặc cách nay gần nửa thế kỷ.

Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975. nguồn: thaomi.net 

D’ran, một thị trấn bé nhỏ của huyện lỵ Ðơn-Dương thuộc tỉnh Tuyên-Ðức (tỉnh Lâm-Ðồng hiện tại) trên cao nguyên Dran-Lâm-Ðồng chỉ là vài đoạn phố núi ngắn ngủi trên đường từ Nha-Trang đi Ðà-Lạt.

Một sáng Tháng Ba năm 1975, từng tốp người, già trẻ lớn bé, gồng gánh nhau chạy lăng xăng qua con quốc lộ đã phá tan cái không khí yên bình vốn có của miền sơn cước này. Hỏi ra mới biết, đa số những người dân trong đó đến từ Ðà-Lạt. Họ cũng cho biết thêm, Việt-Cộng đã đánh tới nơi rồi nên phải lo chạy cho kịp!

Buổi sớm mai, ba tôi đã lên một xe gỗ giao cho khách hàng trên Ðà-Lạt. Trong nhà chỉ còn lại má với cái bụng bảy tháng và một bầy con nheo nhóc. Thấy người ta nhốn nháo bên ngoài, trong nhà ai nấy cũng lao xao. Ba chưa về, chị Hai đi học nơi xa, anh Ba còn trong quân ngũ. Cả nhà không biết phải làm gì, đi đâu và con đường trước nhà mỗi lúc lại thêm ồn y ào bởi những tiếng kêu la gào khóc thảm thiết!

Xem thêm:   Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng

Xế chiều, ba tôi và chị Hai cũng về đến nhà. Ba tôi nghĩ ở thành phố lớn chắc sẽ được yên bình hơn ở làng quê nên thúc hối má tôi thu xếp đồ đạc cần thiết mang theo và cả nhà sẽ lên đường đi Cam-Ranh ngay trong đêm đó. Thật là may mắn, mọi người cũng được bình an về đến nơi sau một chuyến đi thật dài và lắm gian nan.

-oOo-

– Má ơi, ra coi cái gì thả xuống đẹp quá nè!

Con bé ốm nhách mới bảy tuổi đầu reo lên mừng rỡ như được tiền lì-xì. Má nhìn ra cửa sổ và la lên:

– Người ta thả “bom bi” mà đẹp cái nổi gì!

Tụi bây trốn hết xuống hầm mau lên!

Một mảnh đạn xuyên qua cửa sổ và ghim vào chếc tủ gương. Tấm gương rơi xuống vỡ tan tành. Chị Hai đang đứng trước gương chải tóc mà không bị một vết trầy sướt nào! Thật là một phép lạ!-

Anh Ba về đến Ðơn-Dương thấy nhà cửa trống hoang và được hàng xóm cho biết gia đình đã tản cư về Cam-Ranh. Anh cũng may mắn được đoàn tụ với gia đình sau khi vượt một chặng đường dài. Anh mặc trên người một bộ đồ dân sự mà anh đã xin được từ một nhà dân trên đường chạy loạn.

Cầu Trà-Long ở Ba-Ngòi bị cộng quân giật sập sau khi tháo chạy. Cả thành phố Cam-Ranh nhốn nháo. Nghe đâu có một số người phá cửa kho thực phẩm của quân đội Mỹ để “hôi” gạo và thức ăn. Vì chen lấn, giành giật nên một số đông bị những bao gạo từ trên cao rớt xuống đè chết ngay tại chỗ!

Xem thêm:   Trăm năm tiếng Việt

Thành phố Buôn-Mê-Thuột bị tấn công, thiên hạ tràn xuống và chạy loạn tứ tán trong những con phố Ba-Ngòi. Người ta cho biết khi cộng quân đi đến đâu sẽ bị máy bay thả bom đến đó!

Chị Hai không muốn đi nữa và nói:

– Chạy tới chạy lui mệt quá, ở đâu rồi cũng chết !

Mãi đến khi binh lính Việt-Cộng chia nhau gõ cửa xin được tá túc ở nhà dân, chị mới hoảng hồn và bằng lòng đi tản cư với gia đình. Cả nhà gồm mười ba người lại khăn gói quả mướp lên đường, bùi ngùi chia tay ngôi nhà ở Cam-Ranh, hòa vào dòng người đang xuôi ngược và cũng không biết được số phận mình sẽ đi về đâu!

-oOo-

Trên quốc lộ đầy rẫy những xác người nằm ngổn ngang bốc mùi tanh tưởi và những vết máu loang đã khô cứng lại thành từng vệt. Cái nóng cuối tháng Ba vẫn vô tình hắt xuống mặt đường. Dòng người chạy giặc cứ nhắm theo hướng phía trước mà đi tới. Con bé bảy tuổi nắm tay cha, chân trần đạp lên xác người để đi tìm sự sống mà quên hết sợ sệt! Cái cảm giác “mềm mềm, ghê ghê” dưới hai bàn chân nhỏ bé vẫn theo nó cho đến bây giờ, cho dù cảnh chạy giặc ngày xưa đã hơn bốn mươi năm và trôi xuôi vào dĩ vãng.

TV