“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Năm 1902, khi đi trong thành phố New York, người nông dân trồng nho Mary Anderson thấy thỉnh thoảng tài xế lại phải dừng xe, dùng khăn để lau hơi nước và tuyết phủ trên mặt kính. Khi quay về Birmingham, bà đã vẽ ý tưởng của mình về một cái cần gạt nước, đồng thời trình bày cơ chế hoạt động của nó. Bản vẽ này được ghi danh bằng sáng chế vào 18-6-1903 với tên gọi “Thiết bị lau cửa sổ” và cấp bằng sáng chế vào năm 1905.
Ý tưởng của Mary Anderson miêu tả một cần gạt vận hành bằng tay cầm bên trong xe và có thể dễ dàng tháo lắp, nhờ thế không gây cản trở tầm nhìn của người lái trong những ngày thời tiết đẹp. Bà đã cố gắng thuyết phục các hãng xe cá nhân sử dụng sáng chế trên nhưng không được chấp nhận vì “không có giá trị thương mại xứng đáng (với số tiền họ bỏ ra mua bằng sáng chế)”. Gần một thế kỷ sau, vào năm 2011, tên của Mary Anderson mới được ghi danh trên Đại sảnh danh vọng nhà sáng chế vì đã có phát minh giúp mọi người lái xe an toàn hơn, nhưng bà không được hưởng đồng nào từ thiết kế của mình.
Năm 1917 khi mô tơ điện được đưa vào ứng dụng, một nha sĩ người Hawaii là Dr. Ormand Wall đã dùng mô tơ điện gắn cần gạt nước này cố định phía trên và nằm chính giữa của kính lái. Sau đó, cần gạt nước của Mary trở thành được gắn cố định trên tất cả loại xe ở Mỹ.
Buổi chiều mưa tầm tã năm 1962, Robert Kearns (một kỹ sư cơ khí, nhà giáo dục và nhà phát minh người Mỹ) cảm thấy khó chịu khi đang lái xe vì cái gạt nước cứ đong đưa liên hồi trước mắt. Về nhà, Robert Kearns lên ý tưởng về một hệ thống gạt nước có thể gạt một lần rồi ngưng, đồng thời cho phép người lái điều chỉnh tần suất và tốc độ gạt.
Sau khi tạo ra hệ thống gạt nước gián đoạn đầu tiên, Robert Kearns thành công hợp tác với Ford – hãng xe thần tượng thời thơ ấu. Hai bên vui vẻ hợp tác được… 5 tháng thì Ford sa thải Robert Kearns và cướp ý tưởng của ông.
Từ năm 1978 tới năm 1990, Robert Kearns theo đuổi đơn kiện hãng Ford về việc vi phạm bản quyền sáng chế. Sau khi thắng Ford, ông trở lại tòa án trong một vụ kiện tương tự với bị đơn là hãng xe Chrysler và thắng kiện.
Ông qua đời năm 2005, khi gạt nước gián đoạn trở thành trang bị tiêu chuẩn trên hàng triệu chiếc xe hơi khắp thế giới. Dầu được xem là người hùng của những nhà sáng chế vì đã đứng lên chống lại thói “ăn cắp trước, bồi thường sau” của các tập đoàn lớn, nhưng Robert Kearns không thể đòi lại bản quyền sáng chế mang tên ông.