“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Năm 1921, mỗi ngày trong căn bếp tại New Jersey, tay Josephine Dickson liên tục thể hiện tình cảm với… dao khi nấu ăn. Chồng bà, Earle Dickson, một nhân viên kiểm soát phẩm chất bông gòn của Johnson & Johnson, không chịu nổi cảnh vợ lóng ngóng với băng gạc và keo dính. Thế là, với chút sáng tạo và rất nhiều tình thương, và có lẽ vài câu càu nhàu, ông nảy ra một ý tưởng: gắn miếng gạc cotton nhỏ lên băng dính phẫu thuật, phủ thêm lớp vải crinoline để chống bụi. Sản phẩm này, được đặt tên Band-Aid, một dụng cụ băng bó đơn giản, sạch sẽ, chỉ cần cắt, gỡ, dán – dùng một tay cũng được.
Trước Band-Aid, băng bó một vết thương nhỏ là cả một “nghi lễ” phiền phức: cắt gạc, dán keo, cầu trời đừng nhiễm trùng. Dickson đã biến quá trình này thành một cú dán thần tốc, mang lại sự tiện lợi và vệ sinh. Khi Johnson & Johnson thương mại hóa ý tưởng vào năm 1921, Band-Aid ban đầu bị người tiêu dùng thờ ơ – ai lại tin một miếng dán tí hon có thể thay thế cả bộ dụng cụ y tế?
Nhưng với chiêu tiếp thị khôn ngoan, như phát miễn phí cho hướng đạo sinh và các bà nội trợ, Band-Aid dần trở thành vật bất ly thân trong mọi ngăn kéo gia đình. Ban đầu, Band-Aid dài tới 45 cm để người dùng tự cắt theo nhu cầu. Đến năm 1924, sản xuất hàng loạt bắt đầu, chiều dài Band-Aid cũng ngắn dần cho tiện lợi. Năm 1939, sản phẩm được tiệt trùng. Những năm 1950, Band-Aid ra mắt phiên bản băng dính nhựa và băng chống thấm nước…
Tác động kinh tế của Band-Aid thật đáng nể. Hàng ngàn tỷ miếng băng keo cá nhân được bán ra đã biến nó thành cỗ máy in tiền cho Johnson & Johnson, giúp công ty mở rộng danh mục sản phẩm và xây dựng mạng lưới phân phối toàn cầu. Band-Aid còn tạo ra một phân khúc thị trường mới – chăm sóc vết thương tại nhà – thúc đẩy ngành công nghiệp y tế và tạo hàng ngàn việc làm. Về y tế, Band-Aid giảm nguy cơ nhiễm trùng, giúp người dân từ thành thị đến nông thôn dễ dàng tự lo vết thương, giảm tải cho bệnh viện. Xã hội cũng không nằm ngoài vòng xoáy: Band-Aid trở thành biểu tượng văn hóa, với cụm từ “Band-Aid solution” lọt vào từ điển ngôn ngữ, ám chỉ những giải pháp tạm bợ.
Sản phẩm này vẫn luôn tiếp tục được cải tiến với các phiên bản dành cho trẻ em (có hình hoạt hình), băng trong suốt, hoặc băng chuyên dụng cho các loại vết thương khác nhau.
Earle Dickson, không chỉ cứu đôi tay ngọc ngà của phu nhân còn gói cả sự tiến bộ y tế trong một miếng dán nhỏ… Bởi vậy, quý ông nào muốn làm điều lớn lao cho nhân loại, hãy… lấy vợ hậu đậu một chút.