Chú Hoả (Hui Bon Hoa, 1845-1901) tên theo tiếng Việt là Huỳnh Văn Hoa, người Phước-Kiến di cư sang Việt-Nam năm 1863, sau ngày Sài-Gòn và miền Nam trở thành xứ bảo hộ của chính quyền Pháp quốc. Người ta truyền tai nhau khá nhiều câu chuyện đồn đãi về gia sản của ông nhưng hàm ý đều muốn nói lên ý chí làm việc siêng năng để trở thành giàu có chỉ sau một thời gian ngắn trên xứ lạ. Thuở đó, ông nghèo xơ xác phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau mà gánh ve chai là một trong những công việc cực khổ ban đầu. Ngày nọ, ông may mắn tìm thấy được mớ tài sản kếch sù trong đống “chai, nhôm, dép đứt” hỗn độn kia và cuộc đời người “khách trú” đã được đổi thay từ đó. Với số của cải Trời cho, ông bước vào lĩnh vực kinh doanh tiệm cầm đồ, tiệm hút (thuốc phiện), mua bán bất động sản, tạo dựng nên một sự nghiệp lừng lẫy và trở thành một trong vài tay “đại phú” có máu mặt ở đất Sài-Gòn.

Chú Hỏa (Hui Bon Hoa, 1845-1901)       

Công ty Hui Bon Hoa

Theo lời kể của ông Fernand Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris, là cháu cố 4 đời của chú Hỏa, thì chú Hoả bước đầu đến Sài-Gòn không phải sinh sống với nghề mua bán ve chai mà làm công cho công ty cầm đồ Antonio Ogliastro. Chú Hoả có 3 người con trai và dòng họ Hui Bon Hoa không có người nào mang bệnh phong cùi. Riêng một cô cháu nội mắc bệnh tâm thần và qua đời từ nhỏ.

Khuôn viên nhà Chú Hỏa, văn phòng công ty Hui Bon Hoa tầng trệt và nhà ở trên lầu, nay là viện bảo tàng mỹ thuật ở Sài-Gòn

Công việc làm ăn phát đạt dẫn dắt chú Hoả bước sang lãnh vực mua bán đất đai và xây cất nhiều khu phố sầm uất tại Sài-Gòn và Chợ-Lớn. Rất nhiều công trình xây dựng như chung cư, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành đô thị Sài-Gòn những năm cuối thế kỷ 19. Văn phòng công ty Hui Bon Hoa hiện là viện bảo tàng Mỹ Thuật. Dãy phố thương mại đầu đường Trần Hưng Đạo nằm đối diện chợ Bến Thành, khách sạn Majestic, bệnh viện Sài-Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Phụng Sơn trên đường Nguyễn Công Trứ v.v. thuộc về tài sản của gia đình Hui Bon Hoa. Nhà bảo sanh Từ Dũ cũng được xây dựng trên hai mẫu đất do dòng họ Hui Bon Hoa hiến tặng. Năm 1955, chính quyền Việt-Nam Cộng Hòa đổi tên đường Hui Bon Hoa thành đường Lý Thái Tổ, con đường này kéo dài từ ngã 6 Cộng Hòa đến bùng binh ngã 7.

3 người con trai của chú Hỏa

Ngược dòng thời gian, chú Hoả về Phước-Kiến an hưởng tuổi già và qua đời năm 1901. Ba người con trai là Huỳnh Trọng Tán, Huỳnh Trọng Huấn và Huỳnh Trọng Bình thừa kế gia sản và lập nên công ty gia đình Hui Bon Hoa chuyên ngành xây dựng ở Sài-Gòn.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong phim “Con ma nhà họ Hứa”,’ 1972

Ảnh hưởng nền kinh tế thế giới thoái trào kể từ năm 1928 đến 1931 và lan tràn đến Sài-Gòn, các công ty xây dựng bị thua lỗ nên họ bán đổ, bán tháo để vớt vát lại chút vốn liếng. Dịp này cũng là cơ hội thuận lợi cho anh em nhà Hui Bon Hoa xuất vốn mua lại. Đời thứ 3 của dòng họ tiếp tục sự nghiệp của gia đình, quản lý và phát triển công ty Hui Bon Hoa theo quy củ đã có từ trước. Từ năm 1951, các thành viên trong gia đình cùng con cái của dòng họ Hui Bon Hoa kẻ trước, người sau lần lượt chuyển sang định cư ở ngoại quốc. Còn lại thế hệ thứ 4 kế thừa công việc làm ăn của công ty Hui Bon Hoa cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những thành viên sau cùng của gia tộc Hui Bon Hoa cũng bỏ lại tài sản, đất đai và di tản ra nước ngoài từ dạo đó.

Đông đảo khán giả đến xem phim “Con ma nhà họ Hứa”

Huyền thoại “con ma nhà họ Hứa”

Xem thêm:   Của rẻ

Năm 1972, cuốn phim “Con ma nhà họ Hứa” của Dạ Lý Hương Films (hãng phim của ông bầu Xuân Diệp Nam Thắng) được phóng tác từ giai thoại “Oan hồn Hứa thị” tồn tại lâu đời ở Chợ Lớn và kịch phẩm “Con tinh xuất hiện giữa thủ đô” của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Do bệnh phong cùi phát tán và không có thuốc chữa trị nên người con gái út của chú Hỏa bị sống biệt lập cho đến ngày lìa bỏ cõi đời. Cái chết vào giờ trùng nên tang lễ chỉ tổ chức một cách sơ sài, kín đáo khiến cho oan hồn cô gái trẻ đêm từng đêm hiện về như tiếc nuối sự ra đi quá sớm. Tuy không phải là tác phẩm xuất sắc nhưng cuốn phim quy tụ nhiều nghệ sĩ hữu danh như Bạch Tuyết, Thanh Tú, bà Năm Sa-Đéc, Ba Vân, Tùng Lâm, Khả Năng, v.v. đã lôi cuốn đông đảo khán giả đến rạp giữa khi chiến cuộc ngày một dâng cao.

Nhà bảo sanh Từ Dũ được xây trên hai mẫu đất do gia đình Hui Bon Hoa hiến tặng

Câu chuyện này cũng được soạn giả Nguyễn Phương dàn dựng thành vở tuồng cải lương “Hồn ma trinh nữ” trên sân khấu đoàn Dạ Lý Hương năm 1973 với sự góp mặt của nam nữ nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Phương Quang, Kiều Mai Lý, v.v.

Khách sạn Majestic, một trong nhiều cơ sở thương mại của gia đình Hui Bon Hoa

Dù chỉ là “khách trú” đi tìm đất lành để sinh tồn, chú Hỏa cùng các thế hệ con cháu đã dừng chân ở phương Nam và chí thú làm ăn để mong hòa nhập vào cuộc sống của người dân bản xứ. Dòng họ Hui Bon Hoa tuy đã đổ mồ hôi làm giàu cho gia tộc nhưng cũng đóng góp ít nhiều công sức cho sự mở mang và phát triển nền kinh tế ở miền Nam Việt-Nam qua nhiều giai đoạn.

Dãy phố thương mại đầu đường Trần Hưng Đạo, đối diện chợ Bến Thành của gia đình Hui Bon Hoa

Bài và hình TV