Kinh Dương Vương tên thật NGUYỄN TUẤN KHANH, sinh năm 1941, tại Nam Vang. Quê cha: Xuân Lũng – Vân Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Quê mẹ: Tịnh Thới – Cao Lãnh – Sa Đéc (Đồng Tháp)

– Bút danh Hội họa: Rừng

– Bút danh viết văn: Kinh Dương Vương

– Bút danh thơ: Dung Nham

Trước 1975: Viết các báo Bách Khoa, Văn, Văn học, Ý Thức, Tân văn . . . Sài Gòn

Định cư ở Mỹ theo diện HO năm 1994. Kinh Dương Vương từng viết cho Văn, Văn học, Sóng văn. Triển lãm tranh nhiều lần trong và ngoài nước.

– Tác phẩm đã xuất bản: Những chiếc mặt nạ cười (tuyển tập truyện ngắn). Toàn tập văn xuôi KDV

– Toàn tập Thơ Dung Nham. Trên tầng Thanh khí (Tập tranh Rừng). Mắt Trời mù (Truyện dài)

Trang Văn Học đã một lần giới thiệu Đường Kiến của Kinh Dương Vuơng truyện ngắn từng gây sôi nổi ở trong nước. Nguyễn Mộng Giác trong một bài in ở Bạn Văn Một Thuở do Văn Mới xuất bản đã viết:

“Trong những truyện ngắn đọc được trên Bách Khoa, Văn…của những bạn trẻ cùng thời, tôi thích những truyện của Kinh Dương Vương. Truyện nào của anh cũng “nặng” chất hiện thực. Hình như anh muốn dồn hết vào truyện tất cả tai ương của những người khốn cùng, những kẻ bất hạnh. Anh không hề muốn điểm xuyết chút thơ mộng nào vào thảm kịch của dân tộc để làm nhẹ gánh ưu tư như lối viết của Hoàng Ngọc Tuấn, Ngụy Ngữ, Mường Mán. Anh cũng không muốn pha cái “tráng” vào cái “bi” để thành những truyện bi tráng như lối viết của Nguyên Vũ, Thế Uyên, Phan Nhật Nam. Thảm kịch trong truyện Kinh Dương Vương là thảm kịch nguyên khối, bề bộn, giống như một bức tranh dã thú đắp bằng chính máu lệ thịt xương của nạn nhân chiến tranh…”

Về cuộc đời của Kinh Dương Vương, vẫn theo Nguyễn Mộng Giác, “Tôi nghe người ta bảo tác giả là một hoạ sĩ trẻ từng hăng hái cầm cờ dẫn đầu những cuộc xuống đường. Lại nghe Kinh Dương Vương nhập ngũ, rồi đào ngũ, rồi trở thành lao công đào binh, rồi lại được phục hồi quân hàm trước khi bị Cộng quân bắt làm tù binh ở Buôn Mê Thuột đầu năm 1975. Như vậy là người chứng với lời chứng là một, khác với những trường hợp người ta viết về những điều người ta không thực sự sống hoặc thực sự tin tưởng…”

Sau đây, Trang Văn Học lần nữa xin mời các bạn đọc một truyện ngắn của Kinh Dương Vương đăng trên trang web Da Màu.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tính tôi thích công bằng. Nói thế chắc quý vị cho rằng tôi nói huề vốn. Ai lại không thích công bằng. Không hẳn như vậy. Vì cái thích của tôi nó cực đoan. Hễ tôi thấy cái gì không công bằng là chịu không nổi, nhất là điều đó do chính tôi làm nữa thì tôi cho như là tội ác, lương tâm cắn rứt mãi không thôi, chừng nào tôi sửa chữa được thì mới yên. Cho nên câu chuyện tôi sắp viết ra hầu quý vị đây, dù rằng tôi có quyền hư cấu chút ít – quyền của người sáng tạo mà, như Thượng đế vậy! Thì tôi cũng muốn hỏi qua ý kiến của quý vị cho có sự công bằng. “Nếu quý vị đang ăn mà có người đến hất đồ ăn của quý vị đi, hơn nữa món ăn đó rất ngon, quý, lâu lắm, khó khăn lắm quý vị mới được thưởng thức, mà lại trong trường hợp quý vị không làm gì được người đó cả, còn sợ hãi hắn nữa, thì quý vị nghĩ sao, và làm gì? Quý vị nào nóng tính chắc sẽ trả lời “quyết ăn thua đủ”? Còn vị nào trầm tĩnh thì sẽ dùng lời hơn lẽ thiệt để thuyết giảng một bài học “luân lý đạo đức Giáo khoa thư” cho kẻ mất dạy kia ăn năn hối cải? Xin thưa, cả hai vị đều… thua hết. Quý vị trả lời đều sai hết. Như vậy là quý vị không trả lời được, đúng không? Có lẽ quý vị nghĩ rằng tôi muốn làm khó quý vị chăng? Tôi xin thề trên đầu lũ con tôi là tôi không hề có ý đó. Tôi chỉ muốn có sự công bằng trong chuyện này mà thôi. Ðể sau đây, khi tôi kể hầu quý vị câu chuyện, như tôi đã nói – có hư cấu chút đỉnh – thì quý vị mới thấy chỗ khó đoán của nó, quý vị có suy nghĩ nát óc cũng không tìm ra lời đáp. Quý vị mới thấy rằng, không đoán nổi là hợp lý, không cho rằng tôi đã nói ngoa, làm khó quý vị, tôi không… công bằng!

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Những năm 80… Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rượu làm bằng cồn y tế pha nước lã, cho chút nước mầu, mùi thơm vào hay nấu bằng mì lát, rỉ đường, mùi vị rất lợm, nhưng tôi và bạn bè vẫn uống. Uống như một hành vi tự sát. Sáng uống xong ly cà phê bắp rang, khoảng mười giờ là bắt đầu cữ rượu, thường là kéo dài tới tận khuya.

Một lần, sau khi đã uống thứ rượu lợm giọng, về nhà trong cơn hưng phấn tôi ngỏ ý muốn gần vợ. Vợ tôi cả ngày ngồi chợ bán rau, ăn uống thiếu thốn, lại cho con bú, sức khỏe suy giảm không ham muốn gì, nhưng thương chồng nên cũng chiều.

Nhà văn Kinh Dương Vương

“Có tiếng chó sủa trong xóm”. Ðang cởi áo, nàng ngừng lại nhìn tôi, lo lắng thì thầm.

“Anh có nghe, nhưng chắc không phải phường đội đâu”. Tôi trấn an vợ. “Họ mới xét hộ khẩu đêm hôm kia đây mà. . .Cũng chưa quá giới nghiêm.”

. . .

Cộc! Cộc! Cộc! Giọng đàn ông hét to:

“Mở cửa! Mở cửa! Xét hộ khẩu!”

Ðang ôm riết tôi, vòng tay vợ tôi lỏng ra, dợm ngồi dậy. Giọng nàng như khóc:

“Em nghi là họ mà… Thấy chưa. Ðã bảo có tiếng chó sủa… không nghe”

Cơn hưng phấn đang lúc cao độ, tôi vẫn ghì lấy vợ.

“Thôi! Thôi! Anh ơi!” Giọng vợ tôi van xin. Tôi vẫn không buông. Nàng lật người sang bên, cố đẩy tôi ra.

“Cộc! Cộc! Cộc! Mở cửa! Xét hộ khẩu!

Tôi tức tối xô vợ ra. Những giọt sống bắn tung tóe lên người nàng.

Mặt vợ tôi xanh xám, lẩy bẩy mặc áo quần.

“ Có người đây! Xin các ông chờ chút xíu”. Tôi vội lên tiếng.

Mặc vội chiếc quần đùi, mình trần tôi chạy chân không ra mở cửa.

Gã đội trưởng phường đội thảng thốt nhìn vẻ mặt thất thần và đầu tóc bù rối của tôi.

“Cho xét sổ hộ khẩu”

Tôi run tay trình giấy tạm trú.

“Giấy này đã hết hạn lâu rồi. Anh đừng ngoan cố. Mai lên phường làm việc”. Vừa nói anh ta vừa xếp tờ tạm trú bỏ vào túi áo, quay lưng đi.

“Xin anh làm ơn”. Tôi chạy theo năn nỉ, nhưng cả đám đã ra khỏi nhà.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Vợ tôi ôm mặt khóc.

“Lần này họ quyết tâm đuổi mình đi kinh tế mới rồi anh ơi! Không có giấy tạm trú thì làm sao ở thành phố được đây!”

Học tập cải tạo về, mượn khắp bạn bè, bà con, tôi sang lại căn phòng, nhưng bị lừa. Căn phòng nhỏ chút xíu ở hai vợ chồng, ba đứa con. Nhưng căn nhà của người vượt biên, nhà nước quản lý, không được sang nhượng. Xóm bên có cô giáo thuộc diện công nhân viên được cấp nhà mà phường không tìm ra. Cô giáo tỏ ra biết điều với ông phường trưởng, nay quà mai cáp. Có hôm cô bưng cả phở vào tận bàn làm việc cho ông ăn. Ông muốn giải quyết nhà cho cô. Ông nhắm tới lui chỉ có gia đình tôi là ngụy quân cải tạo về, thuộc diện đi kinh tế mới có thể xúc được, nên gây áp lực, xét hộ khẩu liên tục.

Tôi nhìn dáng ủ rũ của vợ mà đứt ruột. Nhưng đầu óc còn vẩn vơ nghĩ đến chuyện ân ái dang dở. “Ăn uống thiếu thốn, phải mất nhiều thời gian mới gom được chút giọt sống, vậy mà cũng không đến được nơi cần đến, vương vãi, phí quá!”

Tôi đến bên vợ, ôm nàng sát vào ngực. Nàng khóc nấc lên.

“Thôi em à. Còn nước còn tát. Mai anh lên phường lựa lời năn nỉ họ. Nhờ anh Thành – bạn học làm chánh quyền thành phố – nói giùm một tiếng”.

Vợ tôi choàng tay ôm riết ngang lưng chồng.

“Tội nghiệp mình. Lâu lắm em mới chiều mình. Vậy mà… lại bị xét hộ khẩu!”

Chúng tôi ôm choàng nhau, cùng cười, nước mắt cả hai chảy ràn rụa.

“Câu chuyện nhạt nhẽo!” Ðúng vậy. Nhưng đến đây thì quý vị có thấy, việc quý vị “ăn thua đủ” hay “giảng Quốc văn giáo khoa thư” cho người phá đám đều vô ích, hay không thể làm được không? Nói trắng ra là quý vị không dám làm gì sất. Có phải vậy không? Và quý vị bị thua vì không đoán được là công bằng đấy chứ? Có vị nào còn chịu không nổi không, muốn làm Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” hay tức ói máu không? Nếu không thì chỉ còn nước vượt biên hay tự tử mà thôi .

KDV – 3 / 2004