Vương Hồng Sển là học giả kính yêu gốc ở Miền Nam.

Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1902, tại Sóc Trăng. Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939 – 1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964. Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 94 tuổi.

Vương Hồng Sển là người mê sách, mê đồ cổ và đã để lại một sự nghiệp đồ sộ.

Ông rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được. Sài Gòn Năm Xưa là một trong những tác phẩm loại đó. Sau đây Trang Văn Học xin giới thiệu bài viết của Thu Giang Nguyễn Duy Cần về cuốn sách. NGUYỄN & BẠN HỮU

Thu-Giang Nguyễn-Duy-Cần

Tôi không dám nói đây là bài phê bình vì tôi chưa có đủ tài liệu để phê bình sử liệu như anh bạn của tôi đấy, mặc dù tôi cũng là người miền Nam và sống ở Sài Gòn từ thuở cắp sách cho đến ngày nay. Ðây chỉ là những cảm tưởng đầu tiên sau khi đọc xong quyển sách. Những ý tưởng còn đang hỗn độn, tôi cứ để tự nhiên tùy hứng mà viết ra, không trật tự gì cả. Ðây cũng là lần thứ nhứt mà tôi bàn đến một quyển sách.

Soát qua đại lược về hình thức, tôi nhận thấy cách ấn loát chưa hoàn bị, như chữ in quá nhỏ khó đọc; chính tả có chỗ không đúng, đáng tiếc. Nhưng theo chỗ tôi được biết thì “lỗi” đây không phải nơi ông bạn Vương, mà nơi ấn công, và những người có phận sự lo về phần ấn loát! Ðể an ủi bạn già của tôi (vì ông bạn bứt đầu bứt tóc) tôi kể trường hợp của ông Lê Ngọc Trụ của chúng tôi, ngay trong quyển Tự Vị Chánh Tả của ông mà phải đến bốn trang dầy đặc đính chánh. Nhưng Vương-quân bảo: “Người ta đây rồi có ai chịu hiểu cho cái khổ tâm của chúng mình… mà họ sẽ “chưởi”rằng mình “bừa bãi” như trường hợp của anh vừa rồi… trong một quyển sách nói về thuật viết văn. Dĩ nhiên là mình phải chịu trách nhiệm mới chết một nửa cửa chứ!”

Tôi và ông bạn chỉ nhìn nhau và thông cảm. Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề mà các Nhà xuất bản nên lưu ý. Trước đây chúng tôi được biết có nhà in Maurice. Giám đốc là ông Lê Thọ Xuân. Ông Lê Thọ Xuân có công phu huấn luyện một toán ấn công rất sành chánh tả. Sách vở in tại nhà in nầy lại được bổn thân ông Giám đốc săn sóc và bắt buộc các ấn công phải triệt để tuân theo mệnh lệnh các tác giả. Có khi một trang sách được lên khuôn rồi, thế mà phải chiều theo tác giả mà xuống khuôn sửa lại. Chính tôi đã nhờ nhà in nầy in cho 4 quyển sách, quyển nào cũng đàng hoàng quyển nấy, không chỗ khiển trách. Chúng tôi vẫn biết các ấn công phần đông lãnh việc ăn tiền theo lối “bao biện” mà ta thường gọi là “mão sát”. Vì vậy, sự chữa đi sửa lại làm mất thời gian của họ nhiều, họ gấp làm xong để lãnh tiền sớm. Gặp phải các nhà văn quá “thiết tha” đến tác phẩm của mình, họ “càu nhàu” ghê lắm. Chủ nhân xuất bản cũng phải “bực  mình” với họ. Nhưng dù sao, vấn đề nầy cần phải có sự chấn chỉnh lại vì tiền đồ của văn học. Không nên xem thường nhất là đối với ngành xuất bản của Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do mà như chúng tôi biết rõ.

Vương Hồng Sển – tranh Tạ Tỵ

Sự cố gắng và hy sinh của Nhà xuất bản nầy không thể có chỗ nghi ngờ được.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Giờ đây tôi xin đi thẳng vào nội dung.

Về tài liệu thì thật dồi dào, thật là công phu…Tác giả đã tỏ ra là người rất thận trọng, lại là người có óc tò mò quan sát đáo để. Ðây không chỉ là những tài liệu cóp nhặt nơi sách báo hay lời thuật lại các bậc cố lão mà một phần khá quan trọng là do kinh nghiệm sống của bản thân.

Thú thật, tôi đã đọc quyển sách một cách say mê như một quyển tiểu thuyết hay và hấp dẫn. Lời văn của tác giả rất duyên dáng, nhưng trong tiếng cười đùa, ta cảm thấy một cái gì buồn man mác, đau đớn và chua cay. Quả là tiếng cười trong nước mắt. Phải chăng họ Vương đang sống trong “mặc cảm tội lỗi” vì đã bị sống một phần lớn trong đời mình “nô lệ” trong chế độ “nô lệ” của thời thực thuộc? Nhiều đoạn văn thật là cay độc! Ðối với những kẻ tàn bạo buôn dân bán nước lưu manh bịp bợm, kể ra ta phải nghiêng mình trước sự vô cùng can đảm của tác giả – không biết sợ hậu quả của tư thù.

Tuy vậy có điều mà tôi không mấy vừa lòng là tác giả một đôi chỗ không nỡ kê tên thật một vài nhân vật “nẩy lửa”. Úp mở như vậy, thiết nghĩ không lợi cho người đọc, nhất là các bạn không phải là người miền Nam họ rất thắc mắc. Nhưng biết đâu, đó lại không phải là dụng ý sâu sắc của tác giả mà là cố ý úp mở để bắt độc giả tò mò và “bươi móc” ra cho thêm quan trọng.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Ðặc sắc thứ hai là trong lối hành văn, ông bạn họ Vương dùng toàn tiếng nói của địa phương, nhất là tiếng nói của người Sài Gòn trăm phần trăm. Có nhiều từ ngữ địa phương mà nay đã mất dấu, như “ông Hoành, ông Trấm”, “mêm xối xiên” v.v. đã được giãi bày nguồn cội cặn kẽ. Riêng cá nhân tôi, tôi đã học được rất nhiều ở Vương-quân những điều mà một người dân Việt cần phải biết ở nơi “chôn nhau cắt rún” của mình. Bốn chữ “thành tâm thỉnh giáo” mà Vương-quân đã biên ở trang nhứt trong quyển sách tặng tôi, làm cho tôi vô cùng bối rối và hổ thẹn.

Ðặc sắc thứ ba là cách hành văn trong tác phẩm họ Vương pha lẫn tâm hồn của một học giả trang nghiêm đứng đắn với tâm hồn chất phác thật thà, với những tín ngưỡng thông thường của người dân bản xứ. Nếu bạn là nhà trí thức bạn sẽ nhìn thấy hình thức bác học của câu văn, nhưng nếu bạn là người dân quê, một dân thầy hay dân thợ, thì bạn cũng nhìn ra trong cái giọng nửa thầy nửa thợ, nửa nông dân tay lấm chân bùn một cái gì rất quen thuộc của giới mình ngay… Ðó là chỗ đặc biệt nhất của lối hành văn của tiên sinh vậy. Nói thế, không phải bảo một cách giản lược rằng văn của họ Vương là văn bình dân: thật ra chỉ bình dân tùy theo giới nào mà tiên sinh bàn đến thôi. Nói đến giới “ăn chơi” ông dùng tiếng “lóng” của giới ăn chơi, nói đến giới công chức, ông dùng tiếng nói thông dụng và đặc biệt của giới công chức… Nghĩa là ý tưởng của một học giả xuất thân Trường Bác Cổ Viễn Ðông với những lề lối nghiên cứu, suy nghĩ cân nhắc của một nhà nghiên cứu hết sức khoa học, nhưng câu văn thì uốn khúc thiên hình vạn trạng tùy phong tục của từng giới, của từng địa phương, của từng giai cấp. Một loại văn mà tôi chưa nhận thấy có từ trước đến giờ, từ Nam chí Bắc. Một loại văn thật là công phu lắm mới viết được như thế.

Bàn về những tài liệu tác giả họ Vương, nơi bài tựa đã nói: “Ôm mớ tài liệu thu thập bấy lâu dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình – bày hết, trích hết ra đây – mặc tình các vị xa gần tùy thích lựa chọn… dù chẳng làm nên cái bánh ngon, cũng được tiếng là không xấu bụng”, (…) “Bắt tay vào việc, cốt ý là muốn cống hiến ra đây mớ hiểu biết lụn vụn và mớ nghe thấy vặt vãnh về Sài Gòn (…) Ở đây tôi chú trọng nhiều nhất là những đoạn sử vụn vặt buổi giao thời: Pháp – Nam – Cha – Chệc chung đụng,  những chuyện “Tây đến Tây đi”, những việc chưa ai nói rõ ràng, may tôi được nghe tận tai, hoặc thấy tận mắt, nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Tôi không dám chắc đúng cả…”

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Như thế, ta không nên đòi hỏi nơi tác giả những tài liệu phải xác thực, hoàn toàn xác thực, và dĩ nhiên còn nhiều thiếu sót. Công việc này đâu phải của một người mà được chu đáo. Thường lại là những câu chuyện truyền khẩu, cho nên chỉ có những giá trị truyền khẩu mà thôi. Ðại để những gì bạn họ Vương thuật lại, chính tôi cũng được các bậc cố lão thuật lại như thế.

Về sự nhận xét, hay nói cao lên, về nhân sinh quan nhà chép sử có một phần quan niệm về đời giống như René Grousset thường nhận thấy sự thăng trầm vinh nhục như là một định luật bất di bất dịch của Tạo hóa

Nhưng ông bạn lại đôi khi cũng thắc mắc đến quan niệm “ác lai ác báo” của dân gian. Bàn về từ đường của Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, họ Vương nói: Ngôi nhà nầy, đất thì bán cho khách Tàu xây nhà chọc trời làm tửu quán, cao lầu, rạp ciné. Chỉ chừa một khuỷnh để làm nơi thờ phượng. Mấy chục năm về trước, cờ bạc thạnh hành, vua đổ bác “Thầy Sáu Ngọ” nhiều tiền mướn đấy làm chỗ hốt me ăn thua ức vạn. Nghĩ cho con cháu ran rát, đỗ đạt thành danh mà từ đường chứa đầy tiếng thô tục, nước bọt và đàm xanh, có phải chăng là căn quả?”

Trong khi đó ông bạn họ Vương cũng nhận thấy rằng tang thương là định luật của Tạo hóa: “Một phú gia giàu sang bậc ấy (nói về ông Quách Ðàm) mà nay còn gì? Gần chùa Giác Lâm trong Chợ Lớn, thuộc ranh tỉnh Gia Ðịnh, một ngày mới đây, tôi thấy một bầy bò sữa đứng ăn cỏ trên một ngôi mộ có vẻ hùng tráng nhưng trơ trọi điêu tàn. Cạnh bên là đám ruộng khô chứa một đống rác to bằng đồng lúa chưa vô bồ, ruồi muỗi lằng xanh bay vù vù như một đám nhạc hỗn độn. Ðịa thế “hữu bạch hổ” không còn; “tả thanh long” ao ruộng nọ đang lấp, còn chăng là bầy bò nhơi cỏ gần đống rác và mớ ruồi lằng, ấy là hiện trạng ngày nay của mộ phần “phong thủy: ông Thông Hiệp”. Những tư tưởng như thế chung đụng hòa lẫn nhau hợp thành một tâm hồn sóng gió linh động vô cùng. Ðừng chê đó là mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó mới là tâm hồn chất phác thành thật của họ Vương và đó là nguồn hứng bất tận tạo ra một con người và một lối văn đặc biệt như thế. Văn là người thực không sai chạy vậy.

TG-NDC

Báo TỰ DO ngày 07/4/1961

*Nguồn: Đại Việt Tàng Thư