Những năm cuối 60 và đầu 70, Nguyễn cùng vài người bạn mở Thư Quán & Nhà In Nhân Văn  trên đường Duy Tân Đà Lạt. Thời gian này, Nguyễn thường về Sài Gòn để lấy sách bày bán ở tiệm mình. Nơi Nguyễn thường liên lạc là nhà Lá Bối của thầy Từ Mẫn, kiosque sách của bà Lưu ở góc Lê Lợi & Công Lý và nhà phát hành Hiện Đại của Thành ở một con hẻm cuối đường Công Lý. Đây là một kho sách lớn và Thành đã đóng góp nhiều cho Văn Học Miền Nam. Sau đây mời các bạn tìm hiểu hoạt động của Thành Hiện Đại qua một bài viết của Du Tử Lê.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Du Tử Lê

Du Tử Lê

… Người gần như không ai biết; trừ những người ở trong lãnh vực xuất bản mình ên hay, “tự phát”. Ðó là anh Nguyễn Văn Thành mà, vài người trong giới chúng tôi, gọi là Thành “Hiện Ðại.”

Cũng như ông…“Khai Trí,” hai chữ “Hiện Ðại” vốn là tên của nhà phát hành và, sau này là nhà xuất bản, do anh Nguyễn Văn Thành chủ trương. Mặc dù Thành “Hiện Ðại” cũng là một thứ “đại gia” trong nghề làm sách và, chi phối một số nhà xuất bản (điển hình như nhà Trình Bày), một số dịch giả (như dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu) nhưng tôi nhấn mạnh, ít người biết tới vì anh không hề có một tiệm sách hay “mặt bằng” nào, làm nơi giao dịch.

Thời gian trước 1975, Thành “Hiện Ðại” rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới ba mươi. Tứ thời dép Nhật. Áo bỏ ngoài “thùng.” Không xe cộ. Phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân của chính anh. Ðiểm hẹn hò, nơi giao dịch giữa chúng tôi với Thành “Hiện Ðại” là Kiosk sách nằm ngay ngã tư Công Lý và Lê Lợi, cùng phía với rạp cinéma Lê Lợi và nhà hàng Thanh Bạch. Ðây cũng là nơi tôi gặp học giả Vũ Tài Lục, lần đầu tiên.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Tôi không biết họ Vũ đi tìm Thành “Hiện Ðại” để thu tiền những cuốn sách nào của ông? Tôi chỉ biết, hồi đó, ông là tác giả của khá nhiều tựa sách bán chạy. Thí dụ các cuốn “Thủ đoạn chính trị;” “Người đàn bà trong tướng mệnh học;” “Khuôn mặt tài phiệt;” “Thân phận trí thức;” hay, “Nói chuyện Tam Quốc;” “Những quy luật chính trị trong sử Việt,” vân vân…

Nhắc tới những tựa sách bán chạy, tôi muốn nói tới khả năng hay biệt tài “đánh hơi” thị trường sách của Thành “Hiện Ðại.” Nhiều năm giao thiệp với anh, chưa một lần tôi thấy anh cầm, đọc một cuốn sách…Vậy mà, chính anh lại là người chọn sách, giao cho các dịch giả. Dịch tới đâu, anh trả tiền tới đó. Khi bản dịch hoàn tất, việc in ấn, phát hành là chuyện của anh. Nói cách khác, bản quyền thuộc về anh, chứ không phải những dịch giả đó.

Anh tiết lộ, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu (hiện cư ngụ tại Virginia,) là người được anh “chấm” để dịch cuốn “Bác sĩ Zhivago” và, những cuốn khác, sau đó. Anh cũng là người chọn tác phẩm “Chuông gọi hồn ai” của Ernest Hemingway, giao cho Huỳnh Phan Anh (đang cư ngụ tại thành phố San Jose) dịch sang tiếng Việt…

Vẫn qua anh, tôi mới biết chính anh là người tài trợ cho Thế Nguyên xuất bản các tạp chí Trình Bày, Ðất Nước, Nghiên Cứu Văn Học; và, trên 100 tựa sách mang nhãn hiệu nhà XB Trình Bày, tính đến tháng 4 – 1975.

Tuồng ít người biết rằng, Thành “Hiện Ðại” còn là “chủ nhân” của bộ sách “English for Today,” được dùng chính thức trong chương trình học thuở đó.

Cũng vậy, tôi nghĩ, nhiều phần, những người sưu tầm nhạc tập, trước 1975, có dễ không biết rằng, khoảng 90% tập nhạc họ có trong tay, là “tài sản độc quyền” của Thành “Hiện Ðại” dù cho chúng mang tên nhiều nhà xuất bản khác nhau. (Ngay những tuyển tập nhạc của Trịnh Công Sơn, không qua kiểm duyệt, do người em là Trịnh Xuân Tịnh xuất bản, cũng được giao cho Thành “Hiện Ðại”).

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Với những tác phẩm không do anh ứng tiền hoặc đặt cọc, nếu là những cuốn “ăn khách” thì, bằng mọi cách, Thành “Hiện Ðại” sẽ sớm trở thành người độc quyền phân phối. Từ chỗ độc quyền này, anh trở thành người có ảnh hưởng lớn tới những cuốn sẽ được in ra.

Như đã nói, “đại gia” này có biệt tài “đánh hơi” các loại sách từ thượng vàng tới hạ cám. Nên giới xuất bản “tự phát” thường hoan hỉ nghe theo, không một lời phàn nàn. Thậm chí, một số nhà xuất bản “tự phát” trước khi quyết định dịch hay, mua bản quyền sáng tác của một tác giả nào đó, để chắc ăn, thường hỏi ý kiến Thành “Hiện Ðại.” Nếu “ông trùm” “say no” mà, nhà xuất bản cứ in theo ý mình, thì, Thành “Hiện Ðại” chỉ nhận vài chục cuốn tượng trưng. Phần còn lại, chủ nhân của chúng, “chịu khó” mang về, cất đâu đó, trong nhà mình mà thôi.

Là “chủ nhân” những tựa sách ăn khách, lại độc quyền phát hành nhiều tựa sách bán chạy nên, chỉ trong vài năm, căn nhà nằm đáy một con hẻm ở cuối đường Công Lý của Thành “Hiện Ðại,” đã trở thành cái kho, lưu trữ hàng ngàn tựa sách, đủ loại. Mỗi tối, với sự trợ giúp đắc lực của người em gái là Cathy Huệ. Hàng trăm “order” của hàng trăm nhà sách ở khắp miền Nam, được đóng, gói, để hôm sau gửi đi, hay giao tại chỗ cho khách đặt.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Hơn thế, dù chỉ như một chiếc bóng mờ nhạt, chìm lẫn trong dòng người, dòng xe như thác cuồn cuộn suốt ngày ở giao lộ Công Lý và Lê Lợi, nhưng Thành “Hiện Ðại” cũng đã mặc nhiên trở thành “đối tác” mà “đại gia” Khai Trí phải nể mặt. Một lần, khi đứng nhìn ông đi qua, bà đi lại, tại quầy sách (cũng là điểm hẹn) ở ngã tư Công Lý và Lê Lợi, anh hãnh diện tiết lộ: “…Ông Khai Trí “ăn” tôi về tự điển. Nhưng ông ấy thua tôi các loại khác. Do đó, ông ấy phải chấp nhận trao đổi sách với tôi, trên căn bản tính theo giá bán in nơi bìa sách…”

Van Hoc Mien Nam

Cuối thập niên 1980, một lần cố thi sĩ Nguyên Sa hỏi tôi, có biết Thành “Hiện Ðại’ đã qua Mỹ? Anh có một thùng giấy, bày bán những băng nhạc Pháp, thu lại, bên ngoài một siêu thị ở đường Bolsa. Ít năm sau, tác giả “Áo lụa Hà Ðông” lại báo cho tôi biết, Thành “Hiện Ðại” chính là chủ nhân tiệm bán băng nhạc “tầm cỡ” Bích Thu Vân, trong khu Phước Lộc Thọ. Người trông nom thường trực là Cathy Huệ.

Tìm thăm anh đôi lần, tôi muốn được sống lại thời Thành “Hiện Ðại” và, nhà xuất bản / phát hành Hiện Ðại ở cuối đường Công Lý, Saigòn, cũ. Nhưng, anh cho tôi cảm nhận, anh muốn quên… dĩ vãng! Tôi thấy không tiện hỏi anh lý do.

Cũng chỉ ít năm sau, Thành “Hiện Ðại” tức Thành “Bích Thu Vân” lặng lẽ biến mất.

Anh đi đâu? Làm gì? Tôi e, ngay Cathy Huệ, em gái anh, cũng không có câu trả lời. Câu hỏi về một nhân vật từng chi phối phần khá lớn, ngành xuất bản sách của miền Nam, 20 năm, còn ở với tôi, tới ngày hôm nay.

DTL -Oct. 20 – 09