Thảo Trường là nhà văn quan trọng của Miền Nam trước 1975 và của hải ngoại sau này. Ông sinh năm 1936 (giấy tờ ghi 1938) tại làng Quang Sán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Di cư vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp trường Thủ Đức, ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bắt đầu cầm bút lúc mới rời trường sĩ quan Thủ Đức. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972) và nhiều tác phẩm khác.

Sau biến cố 1975, ông là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm.

Từ năm 1993 là năm ông đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình [vợ con đã sang đây từ 1975]. Ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Tác phẩm đầu tiên sau thời gian bị tù cộng sản là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp. Tiếp sau đó là: Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007)…

Tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết – tác phẩm quan trọng nhất của ông, đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008.

Nhà văn Thảo Trường qua đời tại tư gia ở Huntington Beach, California ngày 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Sau đây là phát biểu của Thảo Trường về Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết trong buổi ra mắt sách tại hội trường Người Việt ở Cali. NGUYỄN & BẠN HỮU

Vũ Đình Trọng

Chiều Chủ Nhật 31 tháng 8, 2008, tại hội trường báo Nguời Việt ở Cali đã tổ chức buổi giới thiệu sách của Thảo Trường. Quyển sách có tựa đề “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết”, được nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Huy Phương nhận định là một tác phẩm cực hay.

“Với tuyển tập này, tôi rất hài lòng,” nhà văn Thảo Trường chia sẻ suy nghĩ của ông với phóng viên Nhật Báo Người Việt trước ngày phát hành tuyển tập trên. Ông cho biết thêm:

“Báo Người Việt và Việt Báo đều là chỗ thâm tình với tôi. Ông Trần Dạ Từ quen tôi hồi còn ở Việt Nam, ở tù chung. Qua đây tôi được ông Trần Dạ Từ giúp tái bản tập truyện đầu tay ‘Thử Lửa’. Còn ông Ðỗ Ngọc Yến thì tôi qua đây tôi mới quen. Ngày tôi sang Mỹ ông ấy đi đón tôi rồi nói tôi cứ tới báo Người Việt ngồi làm việc, muốn làm gì thì làm. Tôi chưa bao giờ ngồi ở Người Việt và Việt Báo ngày nào cả vì tôi sợ nếu tôi dấn thân vào công việc làm báo tôi sẽ không còn thì giờ để tiếp tục suy nghĩ, thực hiện những tác phẩm của mình.”

“Hồi trước tôi làm báo vì phải nuôi một vợ, bảy con, bây giờ thì họ lo cho tôi. Tôi không bị gánh nặng về kinh tế, thế thì tôi làm báo để làm gì?”

“Chúng tôi (tôi, ông Ðỗ Ngọc Yến và ông Trần Dạ Từ) đối xử với nhau không như thân tình ‘mày, tao’, cũng không kiểu ‘chén chú, chén anh’ mà là như những người có ý thức với nhau về mọi vấn đề. Tình cảm chúng tôi rõ ràng như thế.”

Nếu anh hỏi tác phẩm nào cho là “để đời” được thì tôi cũng không biết trả lời như thế nào? Tập truyện này được gom góp từ những tác phẩm tâm đắc của tôi, trong đó bạn bè tôi cũng nhiều ý lắm, người thích truyện này, người thích truyện kia, còn chuyện có thể ‘để đời’ hay không lại là một chuyện khác. Tôi muốn một câu chuyện chỉ có vài chục trang nhưng mô tả được xã hội Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam. Tôi không biết là có nhét được không nhưng cố gắng tìm cách xây dựng một câu chuyện như thế. Ông Trần Dạ Từ thì cho rằng truyện ’Từ dưới đỉnh đồi nhìn lên chân núi’ tôi đã làm được việc đó rồi.”

“Mây trôi” cũng là một truyện đáng chú ý trong tập truyện này, đây là một câu chuyện được sắp đặt theo ý tác giả bằng một số nhân vật có thật.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

“Những câu chuyện có thật vì được lấy chất liệu từ chính cuộc sống của tôi, tôi đã gặp những nhân vật như thế và tôi đem vào truyện của mình. Thí dụ như bà ‘Nữ Hoàng Trầm Hương’ trong ‘Mây trôi’ là một nhân vật tôi đã gặp hồi còn trong tù, hay người thương binh cộng sản, người vợ góa của người lính cộng sản. Vì thế tôi có nói với ông Nguyễn Mạnh Trinh là trong truyện của tôi sự thật chiếm 99%, và hư cấu cũng chiếm 99% là như thế. Ðó chỉ là một cách trả lời thôi, vì sự thật là hư cấu qua cái nhào nặn của nhà văn. Mình không đưa ra sự thật như một tấm ảnh mà muốn diễn tả bằng văn chương, thành ra là hư cấu.”

“Có một điều thích thú với tôi là họa sĩ Nguyễn Ðồng và Nguyễn Thị Hợp đã giúp tôi làm cuốn này. Tôi và anh Ðồng biết nhau từ bên Việt Nam hồi chúng tôi còn trẻ. Ðiều đáng tiếc là ông Yến đã mất rồi nên không thấy được việc làm này của tôi.”

“Tôi rất bằng lòng những việc tôi đã làm, còn việc đánh giá như thế nào là do độc giả. Tôi không dám nói cái này, cái kia được hay không. Một số những truyện mà tôi hài lòng đều được in trong tập truyện này.”

Có thể nói tập truyện “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết” là những miểng vụn của hàng trăm số phận mà theo nhà văn Thảo Trường “nếu như thử gom những miểng vỡ trong các tập truyện in ở hải ngoại những năm qua, chắp nối, sắp xếp, hàn gắn chúng lại với nhau, thêm bớt vài dấu chấm phết, đặt tên nhân vật chưa có tên, tùy theo cách thức của mỗi người đọc, may ra, biết đâu nó sẽ hóa thành những tiểu thuyết theo ý từng người.”

Thảo Trường & ‘Những miểng vụn của tiểu thuyết’ 

VDT – Người Việt