Thi phẩm đầu tay của nhà thơ này nằm trong Tủ sách Thư Hương-Văn-Sử -Triết.

Ngay nơi trang đầu của “Thánh Ca” là một trích đoạn có tính tự sự của tác giả, nguyên văn như sau:

“…Năm 1967, nhờ cơ duyên hiếm có, tôi được in miễn phí tập thơ Thánh Ca ở một nhà in nhỏ (chỉ có 2 máy pedal) nằm trong con hẻm Trần Kế Xương, Phú Nhuận. Lúc đó còn đi học và ăn bám bố mẹ, không một xu dính túi. Tập thơ được in tặng đúng 100 bản. Hăm hở ôm chồng thơ lên xe buýt đến nhà sách Khai Trí gửi, nhưng chỉ được nhận giùm cho 20 cuốn, còn lại đem về quăng lăn lóc đến năm 1975 cũng bị mối mọt (chắc cũng yêu thơ?!) ăn hết sạch. Mới đây, nhà thơ Trần Ðăng Thường đã đưa trọn vẹn Thánh Ca lên trang tienve.org. Tôi hết sức bất ngờ và bàng hoàng cảm động. Rất cảm ơn nhà thơ còn lưu giữ chút cuồng điên tuổi trẻ của tôi. Có thể nói thời tuổi trẻ của tôi, và của cả nền thi ca miền Nam trước 1975, sao mà bát ngát cuồng si thơ mộng tự do phóng đãng tràn đầy sáng tạo đến thế!”

Trang kế tiếp, Tủ sách Thư Hương-Văn-Sử-Triết trích lời giới thiệu “Thánh Ca” của nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường, nguyên văn:

“Dưới đây là mấy lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường viết trên trang tienve.org khi ông ‘công bố lại’ Thánh Ca – một thi tập mà ngay chính tác giả cũng chẳng còn chút ký ức nào vì thời cuộc thăng trầm đã xóa mất dấu tích. Thư Hương xin lấy làm lời dẫn nhập như một nguồn cơn trùng trùng mà thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan đã thốt lời cảm tạ rằng:

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

“Tập thơ này sau nhiều biến cố, tôi đã làm mất sạch. Năm vừa qua rất may được nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường lưu giữ và đưa lên mạng văn học nước ngoài; chính anh là người đã đánh động về một thời gian tuyệt mù thơ mộng của hàng loạt cựa quậy văn chương tự do như thế! Thành tâm ghi nhận công lớn của anh Nguyễn Ðăng Thường với riêng tôi.

“Tháng 1 năm 2009.

“Một chiều năm xưa bát phố Sài Gòn tôi ghé vào nhà sách Khai Trí trước khi tiệm đóng cửa và ngạc nhiên phát hiện một cuốn thơ mỏng với nhan đề Thánh Ca, thi tập đầu tay của Nguyễn Tôn Nhan. Ðọc thử vài câu tôi thấy chúng khá táo bạo, thậm chí có tí hương vị Rimbaud, một Rimbaud không vô thần, nên tôi vội vã mua ngay. Ðây là một trong hai tập thơ mỏng dính tôi đã mang theo mình khi…bước chân ra đi. Tập kia là Ngày Sanh Của Rắn của Phạm Công Thiện.

“Cái ngạc nhiên thích thú lúc ấy tất nhiên đến từ ngôn từ, vần điệu, hình ảnh, vừa giản dị, tươi mát, hồn nhiên – như thể tác giả đã ứng khẩu thành thi – vừa tân kỳ, siêu thực. Nhiều câu thơ được lặp đi lặp lại nhưng không gây nhàm chán. Thiên nhiên vẫn được nhân cách hóa nhưng không để phụ họa cho tình cảm con người, mà gần như ngược lại. Trời, sao, mây, nắng, mưa, chim…đều có cá tính và hầu như chống chọi thi nhân: trời ngập đầu trong nước xanh – sao đi lang thang – mây cắn nát cả hồn – nắng nằm trên nóc nhà ga – mưa dửng dưng – chim có kinh… Thi nhân chỉ ‘nhận định tình thế’, không than van kể lể về số phận hay tình yêu, chàng (thi nhân) và nàng như những kẻ hoàn toàn xa lạ nhau.

“Xin kể thử thí dụ về cách gieo vần cuối câu tôi cho là ‘khá xinh’:

Tôi về nghĩa địa một mình

Tôi rớt mất tim rồi tôi lặng thinh…

 

Nhổ lông ra xỉa răng

Vũ trụ không hình thù

Nọc ai phun chiều thu…

 

Chiều hôm nay mưa đầu đông

Tôi khóc bên ngoài tôi khóc bên trong

Chẳng còn ai ngồi ở công viên

Chỉ còn tôi ngủ dưới cỏ biền…

“Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan đã có thêm những đóng góp giá trị về Triết và Hán Học. Ông cũng là người sáng chế lục bát ba câu, một loại hài cú Việt, phong phú hóa thơ ta.

“Mong độc giả sẽ có những ngạc nhiên thích thú khi đọc Thánh Ca như tôi ngày nào.

Nguyễn Ðăng Thường.”

Chỉ cần một đoản văn mang tính tự sự của tác giả “Thánh Ca” nói về “nguồn gốc” thi phẩm và, phần nhận định ngắn, gọn (nhưng không thể đầy đủ, rõ nét hơn) của nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường về Thánh Ca, tôi nghĩ người đọc cũng đã hình dung được tài hoa của Nguyễn Tôn Nhan qua thi ca, ngay khi ông còn rất trẻ. Và, tôi cũng tin, chắc chắn độc giả đọc “Thánh Ca” hôm nay của Nguyễn Tôn Nhan “… sẽ có những ngạc nhiên thích thú” giống như cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Ðăng Thường ngày nào vậy.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Bạn đọc cần liên lạc với Thư Hương, người bạn đời của cố thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan, xin qua địa chỉ:

347/22 Bùi Đình Túy, P. 24, Q. Bình Thạnh Gia Định, Saigon.

Đt.: (08) 384-14113

Email: thuhuongbook@gmail.com

Dưới đây là hai bài thơ được trích từ thi phẩm “Thánh Ca” của Nguyễn Tôn Nhan.

chiều chiều

Sáng hôm nay mặt trời xanh

Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ

Lá trong vườn từng lưỡi dao găm

Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ

Chim không bay đến mái hồn tôi

Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ

Nơi vinh diệu những kẻ u buồn

Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng

Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rũ

Chiều tôi trở về trên đồi cây

Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ.

tặng nữ tu sĩ

Ðừng người đừng khóc tiếng chim

Sớm thu hồng tạt cửa Thiền bụi nâu

Chim kêu nhí nhách trong lầu

Thích Ca tượng nọ rụng đầu Giê Su.

NTN

– Nguồn: Website Du Tử Lê