Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là khuôn mặt lớn trong văn học và lịch sử cận đại. Ngày 7 tháng 7 năm 1963, ông đã tự vẫn bằng độc dược để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp các đảng phái Quốc Gia đối lập. Cái chết của ông là một tác phẩm. Di ngôn của ông cũng là một “tác phẩm,” mà theo báo Người Việt Online nó đã thể hiện rõ lên thái độ sống của nhân vật lịch sử này. Ông viết để lại như sau:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Việc bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc gia sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng Sản là một tội nặng. Tôi chống đối việc đó và tự hủy mình như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”

Từ đó đến nay, đã trên nửa thế kỷ trôi qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình, văn nghệ sĩ đã viết về cái chết đột ngột của Nhất Linh. Bài viết của Ngọc Cường sẽ làm nổi bật những điểm liên quan đến nguyên nhân và lý do nào đã đưa đến sự kiện một nhà văn, lãnh tụ một đảng phái như ông phải tuẫn tiết? Sau đây là vài trích đoạn mời các bạn theo dõi.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Ngọc Cường

Nhìn lại cuộc đời của Nhất Linh, mọi người đều thấy sự nghiệp của ông gồm hai lãnh vực rõ rệt: Thứ nhất là về văn nghệ như hội họa, thơ và tiểu thuyết; thứ hai là chính trị như thành lập đảng Ðại Việt Dân Chính, hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Bởi thế, nhiều nhà phê bình cho rằng ở ông, có hai con người: một nhà văn Nhất Linh và một nhà chính trị Nguyễn Tường Tam. Phân biệt như vậy tuy là hợp lý, nhưng vô hình trung không nêu rõ cho chúng ta thấy được con người thật của ông. Vì dù sao ông từ căn bản vẫn chỉ là một người có tâm hồn nghệ sĩ, đa cảm, nhưng lại có lòng trắc ẩn sâu đậm đối với sự đau khổ của đồng loại; và ông không thể chỉ ngừng lại ở chỗ sáng tác mà còn dấn thân vào công cuộc cải cách xã hội. Có thể nói Nhất Linh là một nghệ sĩ dấn thân và luôn luôn hành động do sự thúc đẩy của trách nhiệm và lý tưởng của mình.

Lúc còn trẻ, ở tuổi 20, Nhất Linh có theo học hội họa ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật ở Hà Nội; và cũng như Van Gogh, ông mang giá vẽ và cọ đi về miền quê để vẽ. Và cũng như Van Gogh, ông đã xúc động trước cảnh nghèo khổ của đám nông dân. Trong khi Van Gogh đi tìm giải pháp ở tôn giáo thì Nguyễn Tường Tam tìm thấy ở con đường cách mạng chống thực dân và giải phóng dân tộc. Cả hai nhà họa sĩ này về cuối đời đều tự tìm đến cái chết, nhưng lại vì hai lý do khác hẳn nhau: Van Gogh tự vẫn trong cơn điên loạn, còn Nhất Linh tuẫn tiết vì lý tưởng. Chúng ta tự hỏi, nếu Nhất Linh theo đuổi luôn nghề vẽ thì không biết ông sẽ ra sao? Ðiều ngạc nhiên là gần đây, trong một cuộc đấu giá tranh của nhà đấu giá Sotheby’s ở Hồng Kông, xuất hiện một bức tranh do Nhất Linh vẽ vào những năm 1920 khi ông còn lưu lạc ở Sàigòn về cảnh phố chợ ở miền quê Việt Nam. Bức tranh này đã được người mua với giá cao (75 ngàn Mỹ kim)*! Mặc dù là một nghệ sĩ, Nhất Linh luôn luôn bị ám ảnh bởi cái lý tưởng và trách nhiệm. Ðiều này cho thấy ông đã chủ trương dùng ngòi bút để làm vũ khí tranh đấu của mình ( báo chí như tờ Phong Hóa, Ngày Nay… văn hóa như nhóm Tự Lực Văn Ðoàn với nhà xuất bản sách và các hoạt động xã hội khác như Nhà Ánh Sáng, Áo Dài Le Mur…).

nhat-linh2

Nguyễn Tường Tam – Chợ vỉa hè ở Đông Dương, vẽ khoảng 1926 tới 1929, màu và gouache trên lụa bồi, 50 x 90cm, ước lượng 25,800 – 32,200USD

Nhưng có đôi lúc, vì hoàn cảnh của đất nước,ông đã phải bỏ báo chí văn nghệ để hoạt động cách mạng (thành lập Ðại Việt Dân Chính, trốn qua Trung Hoa…). Ðiều đáng nói ở đây là trong khi hoạt động chính trị, ông đã phủ nhận việc dùng những thủ đoạn và bạo lực, khác hẳn so với các đối phương của ông (thực dân, cộng sản và độc tài).

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Trong cuốn “Dòng Sông Thanh Thủy,” ông đã viết về sự tàn bạo của chính trị, về mối nguy hiểm của cái mà ông gọi là “guồng máy,” và sự tàn nhẫn của “guồng máy” đó. Về văn chương nghệ thuật, lập trường của ông cũng thay đổi, từ việc viết tiểu thuyết luận đề cho đến sau này ông chủ trương “văn chương phải vượt thời gian và không gian.”

nhat-linh1

Nhất Linh qua nét vẽ của Nguyễn Gia Trí

Năm 1949, từ Trung Hoa về lại Hà Nội sau biến động chính trị tranh chấp Quốc Cộng Thực Dân ông tuyên bố từ bỏ chính trị rồi vào Nam sinh sống. Tại Sàigòn, ông chú tâm vào việc sáng tác truyện dài (trường giang tiểu thuyết Xóm Cầu Mới) và xuất bản lại sách của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ông có thực sự từ bỏ chính trị không? Ông có từ bỏ trách nhiệm với đất nước, đồng chí của mình không? Theo các đồng chí thân cận, như các ông Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn, Lê Hưng, Nguyễn Tường Bá, v.v… thì trong thời gian này ông chỉ đóng vai trò cố vấn và không tham dự vào các buổi họp chính trị với các đoàn thể khác (tuy lúc ấy ông lại là thủ lãnh của Mặt Trận Quốc Dân Ðoàn Kết, ủng hộ cuộc đảo chánh năm 60).

Như vậy sự từ bỏ chính trị của ông ở đây là không sinh hoạt đảng phái với mục đích tham chính, nhưng vẫn lưu tâm và hoạt động cho dân chủ và tự do (theo nghĩa bây giờ, ông là một “nhà tranh đấu nhân quyền,” chứ không phải là “chính trị gia”). Có thể ông đã thấy bộ mặt xấu của chính trị và cho rằng quyền lực chỉ đưa đến tội ác và làm hủ hóa con người. Có lần ông đã tâm sự với người thân trong gia đình là thời gian ông làm Bộ trưởng Ngoại Giao trong Chính Phủ Liên Hiệp là thời gian khổ sở nhất của đời ông. Cần nhắc lại đây một chi tiết: Sau khi từ chức ngoại trưởng năm 1946, ông đã lấy ngân quỹ của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đem vào chiến khu và chỉ để dùng cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng, khiến Việt Minh tức tối (chúng đã lên án ông là ‘việt gian thụt két’!). Ðiều này cho thấy ông sẵn sàng hy sinh tiếng tăm cá nhân của mình nếu vì lợi ích chung của đoàn thể.

nhat-linh3

Tòa soạn báo Văn Hóa Ngày Nay năm 1958. Hàng đứng từ trái: Bình Nguyên Lộc, Duy Lam, Đỗ Đức Thu, Nhất Linh, Tường Hùng, Nguyễn Thành Vinh và Trương Bảo Sơn – nguồn virtualsaigon.net

Năm 1958, Nhất Linh chính thức xin giấy phép cho tờ nguyệt san “Văn Hóa Ngày Nay” nhưng chính quyền chỉ cho phép ra từng số một và phải chịu sự kiểm duyệt. Bộ Thông Tin cố tình cấp giấy phép thật chậm trễ, gây khó khăn cho việc xuất bản tờ báo này. Sau 11 số, tuy bán rất chạy, ông bắt buộc phải cho đình bản.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Cuộc chính biến 1960 thất bại, nhiều đồng chí và nhân sĩ bạn của ông bị giam cầm và tra tấn dã man. Sự việc nầy gây xúc động trong ông. Sau một thời gian lẩn tránh, ông về nhà, nhưng bị kêu lên hỏi cung nhiều lần ở Tổng Nha Cảnh Sát. Bản cáo trạng đã truy cập tất cả tội trạng lên đầu ông. Cuối thời gian này xảy ra vụ tranh đấu của Phật giáo. Cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức đã làm ông suy ngẫm thêm…

nhat-linh

Di chúc của Nhất Linh

Người ta tự tìm đến cái chết có thể là vì họ sợ sống hơn là chết. Nhưng trong lịch sử gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tuẫn tiết oai hùng của các tướng lãnh VNCH sau 1975: Họ đã nói lên lập trường dứt khoát rằng thà chết còn hơn là sống nhục! Chắc chắn các vị này không phải là những người điên loạn hay cuồng trí, mà trái lại họ tìm đến cái chết vì họ đã nhận lấy trách nhiệm của sự thua trận, họ đồng hóa cuộc sống của mình với tập thể mà họ cùng chiến đấu. Ðó là một hành động chết vì lý tưởng.

Cuộc tự vẫn của Nhất Linh là do hai động lực chính: một là vì lý tưởng tự do mà ông hằng theo đuổi, hai là vì trách nhiệm đối với đồng chí của mình. Ông sửa soạn cái chết một cách rất tỉnh táo. Cả tuần lễ trước đó, ông đến thăm cốt để từ giã bạn bè và tham dự buổi họp của tổ chức Văn Bút Việt Nam (do ông sáng lập). Tại đây, ông nói chuyện với các nhà văn trẻ và quan tâm đến sự thiếu lý tưởng trong giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ.

nhat-linh4

Số báo Văn tưởng niệm Nhất Linh

Bằng câu sau đây trong bản chúc thư: “Tôi tự hủy mình để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do..,” ông đã can đảm nhận trách nhiệm về việc làm của mình. Cái chết của ông cũng làm rung động chính quyền độc tài; và sau đó Tòa Án đã phải giảm án cho các đồng chí của ông.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Nhất Linh đã biến cái chết của mình thành một vũ khí chống lại độc tài, thể hiện lý tưởng của mình và nói lên sự dấn thân đến tận cùng của một con người. Tất nhiên sự ra đi của ông là một mất mát lớn, không những cho gia đình, đồng chí, bạn hữu mà còn cho cả một thế hệ yêu mến tác phẩm và con người ông. Người nghệ sĩ thường sáng tác ca tụng cái đẹp và đôi khi họ cũng sống như một tác phẩm của họ. Nếu cuộc đời Nhất Linh đã đẹp rồi thì cái chết của ông lại là một tác phẩm tuyệt đẹp cuối cùng của nhà văn.

Ít ai có được một cái chết đáng ghi nhớ như vậy.

NC

(Nguồn: Người Việt.com)