Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Ông học y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh nông. Tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang nghề dạy học, dạy tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-Nội’ Đồng thời ông hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng. Năm 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng tác với nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ). Ngòai ra ông còn dạy học tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở Sài-Gòn. Từ 1962 ông lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo, ông dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-Gòn.

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác Đọc kinh (1990), Đoản văn xa nước (1995). Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày 12/9/1986.

Tác phẩm của Vũ Khắc Khoan gồm:

– Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa (Lộng ngôn 1948)

– Giao Thừa (Kịch 1949)

– Hậu Trường (Kịch 1949)

– Thần Tháp Rùa (Truyện 1957)

– Thành Cát Tư Hãn (Kịch 1961)

– Ngộ Nhận (Lộng ngôn 1969)

– Mơ Hương Cảng (Tuỳ bút 1971)

– Những Người Không Chịu Chết (Kịch 1972)

– Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo (Khảo luận 1974)

– Vở Chèo Quan Âm Thị Kính (Khảo luận 1974)

– Đọc Kinh (Tùy bút 1990)

– Đoản Văn Xa Nước (Tùy bút 1995)

Sau đây Trang Văn Học xin giới thiệu bài viết của Du Tử Lê

NGUYỄN & BẠN HỮU

Du Tư Lê

Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa,” nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam; dù cho họ Vũ viết không nhiều (1). Nhưng mỗi tác phẩm của ông là một kết tinh của tài năng, trí tuệ và thông điệp.

Thời Saigon trước 1975, những bài viết về ông không nhiều. Ông là người ít tham dự vào những sinh hoạt văn học, nghệ thuật của miền Nam. Ông chỉ giao du với một số bằng hữu chọn lọc; không kết nạp đệ tử mà chỉ có những sinh viên với khoảng cách kính trọng một bậc thầy. Một thần tượng.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Hầu hết thì giờ của họ Vũ được dùng vào việc dạy học tại một số trường trung học, rồi đại học. Ðồng thời, ông cũng dạy kịch ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon. Có một thời gian họ Vũ được mời vào vai trò Giám Ðốc Trường Kịch Nghệ, thuộc hệ thống trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon.

Tuy thận trọng trong việc giao tiếp với văn giới, nhưng tác giả “Thần Tháp Rùa” lại cho thấy, ông rất chí tình, keo sơn trong tình bằng hữu chọn lọc của mình.

Nhà văn Vũ Khắc Khoan 

Ở khía cạnh này, trong một bài viết của nhà văn Mai Thảo, nhan đề “Thế Giới Vũ Khắc Khoan,” do nhà An Tiêm Hải Ngoại xuất bản năm 1990, có đoạn như sau:

“…Chúng tôi cùng vào Nam. Và với Vũ là tờ Tự Do, diễn đàn đầu tiên của Bắc Hà mới tới, với Như Phong, Mặc Thu, bây giờ mới bị cầm tù ở quê nhà. Ðinh Hùng đã mất. Là nhóm Quan Ðiểm thành hình trên đất đứng của trí thức giai tầng ở giữa, bích chương đính đầy các thân cây quận Nhất: tờ báo dám nói sự thật, số ra mắt quá khích đòi mỗi tuần chặt một đầu người. Chúng tôi chia thành hai nhóm. Sáng Tạo giễu Quan Ðiểm đám con quan đòi làm cách mạng đổi thay thế giới. Quan Ðiểm cợt Sáng Tạo, lũ trẻ ngông cuồng, mỗi thằng một đôi giày da đen. Thời kỳ đó là ‘những ngày vui’ như một tựa đề truyện Khái Hưng, hai tòa soạn này chạy qua chạy lại trên cùng một khúc đường Phạm Ngũ Lão, tuyển tập thơ văn Ðất Ðứng đầu tiên do Mặc Ðỗ thực hiện và người đạo diễn Vũ Khắc Khoan, áo lạnh vắt vai, những đêm tập dượt Thành Cát Tư Hãn trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc. Trời Saigon đầy sao, dưới đó văn nghệ sống. Ðêm Saigon dịu dàng với nó văn nghệ thức, một ông sáng sao hai ông sao sáng, những bữa ăn trưa ở nhà Thanh Nam, chúng tôi bắt chước Thâm Tâm đập hết ly tách trên tường, những bữa ăn đêm trước rạp hát Kim Chung gây sự với cảnh sát, những khuya say kéo về Gác Mây Vũ Hoàng Chương, quây quần ở Gác Khói Ðinh Hùng, ký bông tháng ở nhà hàng Hải Biên, chờ ‘bắt’ tiền trước bàn giấy Khai Trí.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

“Vũ với chúng tôi có thật nhiều thời kỳ. Mỗi thời kỳ một hình thái sinh hoạt chủ nghĩa, bằng ấy thời kỳ nối liền bằng những họp mặt say. Tờ Vấn Ðề, hắn ‘cho’ Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn rồi tôi thay phiên chủ bút, những buổi trưa trong Ðại Học Vạn Hạnh, nơi tá túc của hai đấng thiên tài kình chống Phạm Công Thiện và Bùi Giáng, bấy giờ Phạm Thiên Thư mới là một chú tiểu quê mùa rụt rè tới xin đăng bài tùy bút đầu tay. Thời kỳ Vũ mỗi tuần đi máy bay lên dạy học ở Ðại Học Ðà Lạt, cứ khăn quàng cổ đỏ phơ phất ở phi trường Liên Khương, ngôi nhà nhỏ trên đồi nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương, đêm hắn dựng trên một sân khấu lộ thiên rét cóng vở Quan Âm Thị Kính, Thanh Tâm Tuyền bấm tôi kéo nhau lỉnh ra phố chợ uống rượu, sáng hôm sau nhà soạn kịch cho mỗi thằng chúng tôi một trận nên thân…”

Mặc dù bị một số người kết án là “khinh bạc,” nhưng tài năng, tên tuổi của họ Vũ lại được giới trí thức, sinh viên trân trọng như một ông… “thần.” Ngay văn giới, cũng không ít người đã gọi ông một cách kính trọng pha lẫn thân thiết “Ông Thần Tháp Rùa” – Tên một trong những truyện ngắn được dùng làm nhan đề chung cho tập truyện “Thần Tháp Rùa” của ông. Cũng có người gọi ông là “Ðại Hãn,” một chỉ danh ngắn gọn dành cho Thành Cát Tư Hãn, được họ Vũ dùng trong vở kịch nổi tiếng “Thành Cát Tư Hãn” của ông, xuất bản tại Saigon, 1961.

Có người cho rằng vì tự thân nhan đề tác phẩm của Vũ Khắc Khoan, thích hợp để một số người có thể dùng nó, như một thứ tên gọi thứ hai dành cho tác giả. Nhưng, những người này quên rằng, trước đấy, nhà văn Tchya/Ðái Ðức Tuấn cũng từng viết một tiểu thuyết truyền kỳ, nhan đề “Thần Hổ,” rất phổ cập, được nhiều người ưa thích. Nhưng không vì thế mà quần chúng hay văn giới gọi ông là “Ông… Thần Hổ.”

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Lại nữa, hai chữ “Ðại Hãn” vốn chỉ là tên nhân vật chính trong vở kịch “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan, chứ không phải là tên tác phẩm – Vậy mà một số người, đôi khi vẫn dùng tên nhân vật đó, để gọi họ Vũ.

Ngoài thí dụ về trường hợp của nhà văn Tchya/Ðái Ðức Tuấn, tôi không biết có nhà văn nào khác hơn Vũ Khắc Khoan, được đám đông dùng ngay nhan đề tác phẩm, hoặc tên nhân vật của mình, làm thành một tên gọi khác, để chỉ chính họ?

Nếu có, tôi tin, con số đó cũng cực hiếm. Tôi trộm nghĩ, tài năng cũng như nhân cách Vũ Khắc Khoan, ông xứng đáng được hưởng vinh dự hãn hữu ấy.

Phải chăng cũng vì thế, trong một bài viết mở vào tập “Ðọc Kinh” của họ Vũ, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, một trong những thành viên nhóm Quan Ðiểm, sau này trở thành một học giả, thiền sư uyên thâm về đạo Phật, kể rằng trong một chuyến du ngoạn trên một hồ nước lớn ở tỉnh Quảng Châu, Trung Hoa, đứng trên thuyền, ông chợt nghĩ tới những  vị quỷ thần an cư lâu năm trong biển hồ này, có dễ đã lâu không được nghe ai tụng đọc thần chú Thủ Lăng Nghiêm! Nên ông đã khởi tâm lớn tiếng tụng đọc 3 thần chú Thủ Lăng Nghiêm, rải xuống mặt hồ.

Sau đấy, Nghiêm Xuân Hồng cho biết, không hiểu do duyên khởi nào, ông bỗng nảy sinh lòng nhớ bạn, dù bình thường rất ít nhớ nhung. Ông viết:

“Trên đường về, tôi chạnh lòng nghĩ rằng có thể là họ Vũ đã thọ sanh làm một vị thần nơi hồ này… Vì cái vụ đó có thể hợp với duyên nghiệp cùng tâm tính của anh ta…”

DTL