Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989), là một nhà văn và là người phụ nữ duy nhất bị kết án tù, rồi tự chọc mù một mắt của mình, do bị tố cáo là gián điệp, phản động trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm tại Việt Nam.

Thụy An sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở làng Hòa Xá, quận Vân Ðình, tỉnh Hà Ðông, là con ông Lưu Tiến Ích và bà Phùng Thị Tôn.

Có khiếu thơ văn từ nhỏ nên năm 13 tuổi, bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn.

Chồng Lưu Thị Yến là nhà văn, nhà giáo Bùi Nhung bút hiệu là Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ. Nhưng sau khi bà sinh được 6 người con, thì ly thân với chồng từ 1949. Lưu Thị Yến có mối thân tình với ông Ðỗ Ðình Ðạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sau ông Ðỗ Ðình Ðạo chết vì một nguyên do còn nhiều nghi vấn.

Trong thời kỳ Nhân Văn–Giai Phẩm, nhà văn Phan Khôi nhận Lưu Thị Yến là con nuôi. Sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa ngày 21 tháng 1 năm 1960 xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Tuy nhiên, những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt phủ nhận sự tham gia của bà trong nhóm.

Năm 1973, Lưu Thị Yến cùng với Nguyễn Hữu Ðang, cũng bị tù vì vụ Nhân Văn–Giai Phẩm, được thả trong diện “Ðại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”. Vào thành Sài Gòn, bà quy y ở Chùa Quảng Hương Già Lam năm 1987 và mất năm 1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ.

Tác phẩm của Thụy An:

Một Linh Hồn: Tiểu thuyết (đã xuất bản)

Bốn Mớ Tóc: Tiểu thuyết (đã xuất bản)

Vợ Chồng: 25 câu chuyện về hạnh-phúc gia đình. (đã xuất bản)

Rất nhiều truyện ngắn đã đăng trên báo hàng ngày tại Hà Nội

Thơ không gom thành tập.

Thụy An và tác phẩm 

Nghiệp văn

Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Ðàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Ðàn Bà (Hà Nội), đã từng là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Nhà thơ Viên Linh trên báo Người Việt đã nhận định như sau về nữ sĩ Thụy An:

Vào ngày 16 tháng 6, 1989, nhà văn nữ Thụy An, tác giả Một Linh Hồn (truyện dài, 1942) và Bốn Mớ Tóc (tập truyện ngắn, 1950), từ trần tại Sài Gòn, thọ 74 tuổi. Thơ văn bà viết và đã xuất bản từ ba phần tư thế kỷ qua, tới nay đọc lại, tưởng như của một nhà văn của thế kỷ này.

Không những trong văn chương, mà trong đời sống, Thụy An là người mạnh bạo, thúc đẩy và tự thân tranh đấu cho nữ quyền, từ việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày (như kêu gọi cắt tóc ngắn, trong Bốn Mớ Tóc), tới viết báo, xuất bản báo riêng tại Sài Gòn, lấy tên là “Ðàn Bà Mới” (La Femme Nouvelle), chủ trương rõ ràng: “Journal feminin (la femme dans la famille et dans la société), bà là giám đốc quản lý, báo số 1 ra ngày 1 tháng 12, 1934 và sau ba năm thì ngưng ở số 95. Ðến năm 1939, bà tục bản tờ báo ở Hà Nội, chỉ còn lấy tên là “Ðàn Bà, Tuần báo xuất bản ngày thứ Sáu” (La Femme – Hebdomadaire paraissant le vendredi). Báo Ðàn Bà số 1 xuất bản ở Hà Nội hôm 24 tháng 3, 1939, sống được 7 năm, đóng cửa vào 1945, số chót là số đôi: 302-303. Như thế về tác phẩm in thành sách, bà chỉ có vài cuốn, song về chữ nghĩa trên báo, báo của bà, có từ năm 1934, lúc bà 20 tuổi. Có một nhà văn nữ nào như thế sau này không? Chúng tôi không thấy.

Thụy Khuê, nhà phê bình văn học viết:

Thụy An là khuôn mặt nổi trội, bị kết án nặng nề nhất. Trường hợp của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, cho đến nay, chưa mấy ai hiểu được những khúc mắc bên trong.

Thụy An là ai?

Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong “hàng ngũ phản động”, bị quy kết là “gián điệp quốc tế”, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Ðang. Những lời thoá mạ nhơ bẩn nhất dành cho bà “Con phù thủy xảo quyệt” cùng những lời lẽ độc địa nhất: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà Văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”[1].

Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh thần dân chủ.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Ðáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà chủ trương các tờ Ðàn Bà Mới, tại Sài Gòn, từ 1934, và Ðàn Bà, tại Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một Linh Hồn, 1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền cộng sản chưa hề trả lại cho bà phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn, một cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi danh dự.

Thụy An và vụ nhân văn-giai phẩm

Về vai trò của Lưu Thị Yến trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Bàng Sĩ Nguyên cho biết:

Thụy An là người phụ nữ duy nhất – ở trong hay ở ngoài phong trào – bị kết án là “gián điệp”. Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Ðạt và Nguyễn Hữu Ðang, bà không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong “hàng ngũ phản động” với nhãn hiệu “Con phù thuỷ xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới  Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”

Vậy, vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị? Hay là một sự quy kết oan uổng?

Ông Nguyễn Hữu Đang nói nguyên văn như sau:

Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện.

Nhà thơ Lê Đạt cũng có khẳng định:

Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi.

Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả.

Tạm kết

Ðọc lời viết của nhiều tác giả về Thụy An, ta có suy nghĩ gì? Bà là người có trí tuệ sắc bén, tâm hồn nhạy cảm, văn tài nhiều đóng góp và khai phá. Trong cuộc sống, bà có khi hành xử quyết liệt, vượt quá ngưỡng thời đại mình. Một nhân tài đáng ngưỡng phục.

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp