Nhà văn PHAN LẠC PHÚC sinh năm 1928, tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Ðức, Năm 1965. Ông từng là Chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến và mở mục Tạp Ghi dưới tên Ký Giả Lô Răng.

Sau biến cố tháng Tư, 1975, Trung Tá Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D.

Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ.

Ông cầm bút trở lại, và cũng với thể loại tạp ghi xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Chiêu Dương, Văn Nghệ, Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada).

Tác phẩm của nhà văn Phan Lạc Phúc gồm Bạn Bè Gần Xa (2000,) Tuyển Tập Tạp Ghi (2002).

Bạn bè viết về Phan Lạc Phúc

Văn Quang

Những ngày ở tù nghe Phan Lạc Phúc nói chuyện Kim Dung

Sau tháng Tư, 1975, anh cũng kẹt lại như tôi và cùng vào trại tù Long Giao rồi cùng đi chuyến tàu thuỷ “lịch sử” từ Nam ra Bắc, suốt 3 ngày đêm nằm dưới hầm tàu nơi dành để chuyên chở súc vật, đúng là cảnh “cơm đưa xuống phân đưa lên” nói trắng ra là khi đến giờ cơm, bọn cai tù mắc rổ cơm vào chiếc dây thừng thòng xuống, chúng tôi đại tiểu tiện ngay tại chỗ nên lại phải thu gom phân vào bao đưa lên cho chúng mang đi đổ. Ra đến Vĩnh Phú, anh Phan Lạc Phúc nằm cùng phòng với tôi, cùng đi “nao động” phờ phạc và cùng ăn bo bo thay cơm. Những ngày Chủ Nhật nghỉ không được ăn sáng, chúng tôi đói meo, ngồi thừ nhìn nhau mãi cũng chán nên làm những quân bài mạt chược bằng gỗ đánh với nhau cho quên đói. Ông Lô Răng cũng là tay mạt chược khá cao.

Tôi nhớ có lần một anh bạn nhắc về kỷ niệm ngày xưa khi còn tung hoành trong quân đội, anh Phan Lac Phúc hét lên: “Thôi xin ông đừng bao giờ nhắc lại chuyện xưa nữa, buồn lắm rồi.” Từ đó chúng tôi rất thận trọng khi nhắc chuyện xưa với ông. Có những đêm buồn và lạnh, chúng tôi nằm xúm lại bên nhau nghe kể chuyện cổ tích hoặc chuyện Tây chuyện Tàu. Ông Phúc có tài kể chuyện kiếm hiệp, những bộ truyện của Kim Dung ông nhớ rất rõ, một trí nhớ có thể gọi là siêu phàm. Ông Nhớ từng thế võ của từng nhân vật, những cuộc giao đấu “thần sầu” của “võ lâm ngũ bá”. Anh em nằm nghe hết đêm này qua đêm khác vẫn chưa hết pho truyện Kim Dung – Phan Lạc Phúc.

Sau đó chúng tôi bị đày lên Sơn La cùng Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ và Thục Vũ chết ở Bệnh xá này, chính anh Phan Lạc Phúc báo tin đó cho tôi khi cùng làm ở vườn rau sát bên bệnh xá.

Nhà văn Phan Lạc Phúc

Nguyễn

Người viết những dòng này với Phan Lạc Phúc có mối liên hệ hơi đặc biệt. Ông và Hà Thượng Nhân thuộc lớp người đi trước. Khi bọn này (NXT, Huy Phương, Mai Trung Tĩnh…) ra trường với lon chuẩn úy thì các ông đã ở cấp bậc cao và nổi tiếng. Hà Thượng Nhân với những bài thơ Ðàn Ngang Cung trên báo Tự Do, rồi làm giám đốc Ðài Phát Thanh Sài Gòn và chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến của Quân Ðội. Phan Lạc Phúc cũng từ báo Tiền Tuyến và lừng lẫy với mục Tạp Ghi dưới bút hiệu Ký Giả Lô Răng. Có thể nói Phan Lạc Phúc là người đầu tiên đưa Tạp Ghi lên thành một thể loại văn chương (như Tùy Bút vậy – Vũ Trung Tùy Bút). Sau này một số nhà văn dùng theo và nó trở thành phổ biến.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Sau ngày ở quân trường ra, Nguyễn là người mê đọc Tạp Ghi của ký giả Lô Răng. Với kiến thức quảng bác, tấm lòng nhân hậu, chữ nghĩa giàu có và giọng văn dí dỏm, Phan Lạc Phúc đã quyến rũ người đọc. Mê văn nhưng chưa bao giờ được quen với người. Nhiều lần ghé thăm bạn bè ở Ðài Phát Thanh Quân Ðội và Phòng Báo Chí, vậy mà Nguyễn chưa hề gặp mặt bắt tay Phan Lạc Phúc. Chỉ thấy ông loáng thoáng đâu đó, đang cười nói với Hà Thượng Nhân và Nguyễn Ðạt Thịnh. Sau này đi tù trên đất Bắc, Nguyễn cũng chỉ gặp và kết thân với Hà Thượng Nhân. Mãi tới mấy năm sau khi đi tù về, tới ăn ở tiệm phở Nguyễn Minh Diễm trong Chợ Lớn, Nguyễn mới được gặp và chuyện trò với Phan Lạc Phúc. Ông vẫn giữ được vóc dáng và phong cách của một quân nhân.

Ra hải ngoại, Nguyễn vẫn được đọc những bài tạp ghi của Phan Lạc Phúc. Ông định cư ở Úc và thỉnh thoảng viết cho các báo ở Mỹ này. Vẫn những bài tạp ghi đầy chất humour và trí tuệ. Văn phong của Phan Lạc Phúc luôn giữ được vẻ đẹp và sự hấp dẫn khiến Nguyễn đọc ông với sự thích thú và lòng ngưỡng mộ. Không riêng Nguyễn mà nhiều người nữa cũng rất quý Phan Lạc Phúc. Nhà báo Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đã viết: “Tìm trên Internet với tên Phan Lạc Phúc các bạn sẽ thấy toàn là những bài bác viết đầy chuyện tử tế, nhân hậu để lại cho chúng ta. Tôi là độc giả của bác từ Việt Nam. Rồi khi ra tù qua Úc, bác Phúc tiếp tục viết Tạp Ghi chuyện xa gần quanh ta cho bạn bè. Sự nhân hậu tử tế thể hiện trong văn phong cả chuyện trong tù. Ðối với bác Phúc có cả những tay cai tù và ngay cả trưởng trại tù cũng có người tử tế. Bác viết về chuyện người coi trại tù khi nói chuyện với những tù cải tạo gọi là các ông. Chuyện chưa từng có.”

Bây giờ xin nói đến chút tình và kỷ niệm của Phan Lạc Phúc với Nguyễn và tạp chí Phố Văn. Hồi đó, năm 2000, khi chuẩn bị ra tờ Phố Văn, Nguyễn viết thư nhờ Phan Lạc Phúc viết cho vài lời giới thiệu. Phan Lạc Phúc bèn viết ngay một bài rất đặc sắc. Sau đây là một trích đoạn:

“Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng

Bạo chúa như ông sướng hay khổ

Trời đã sang thu đã vàng

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ông khóc hay cười trong nm mộ…

-Chị buông ra em còn về viễn phố

“Hôm nay mấy câu thơ đầu tiên trong vở kịch Người Ðiên của Hoàng Cầm lại trở về trong ký ức tôi. Vở kịch này được công diễn lần đầu trước ít ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19 tháng 12-1946). Ngày thường thì tôi quên… nhưng vài bữa nay tôi nhớ sau 54 năm xa cách. Tôi vừa nhận được thư của bạn cũ, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Texas (Hoa Kỳ) gửi sang. Ông bạn tôi đang có ý định “ra” một tờ báo thuần văn nghệ lấy tên là PHỐ VĂN. Từ chữ PHỐ lạ lẫm, bỗng nhiên tâm viên ý mã tôi nhớ lại “Chị buông ra em còn về viễn phố”. Chị ở đây là một người đàn bà điên đang đi tìm chồng và cũng muốn nhân đó xóa đi một chế độ độc tài hà khắc. Người mà người đàn bà điên (Kiều Loan) nắm lấy tay không phải là Tần Thủy Hoàng mà chỉ là một cô gái nhỏ. “Chị buông tay em ra (em đâu phải là Tần Thủy Hoàng) cho em đi về nhà – nhà em xa lắm ở một bến sông xa”. Viễn phố tức là bến sông xa – đầu mối của mọi sự liên tưởng và khơi gợi.

“Trong tình yêu cũng như trong chữ nghĩa, có nhiều điều khó giải thích. “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không hiểu được.” Có những chữ đối với tôi nó hoang đường huyền thoại, tôi vừa yêu vừa sợ nó -ví dụ như viễn-phố-bến-sông-xa. Sự yêu mến làm bật dậy một số câu thơ đã “yên nghỉ” trên nửa thế kỷ nay trong tiềm thức. Bến-sông-xa là một cuộc hành hương trở về kỷ niệm. Bến Trung Hà trên Quảng Oai nước sông Cái (Hồng Hà) đỏ lừ – ngày xưa gọi là ngã ba Hạc… đi sang bên kia là Việt Trì địa đầu trấn Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang) lịch sử. Hay là bến Ngọc Bài của nhánh sông Tích Giang nước chảy lặng lờ -lên Thạch Bích rồi ra sông Ðáy qua Ðồng Quan-Chợ Ðại-Cống Thần đi vào Phát Diệm (Ninh Bình) rồi thẳng vô chợ Rừng Thông (Thanh Hóa) của một thời kháng chiến…

“Chữ bến sông, bến đò bao giờ cũng gợi ra trong tôi một sự chia ly nào đó. Mình sợ cũng không làm sao tránh được. Ôi! ‘cảnh biệt ly sao mà buồn vậy’ cũng bắt đầu từ đấy. “Cơm nước xong, thầy mẹ tôi, anh chị em tôi, cả những kẻ ăn người ở trong nhà đều đưa tôi ra bến đò, chỗ thuyền đậu”. Bến đò là chỗ chia tay. Nó bắt đầu từ chữ PHỐ của ông đấy – thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp.”

Và rồi Phan Lạc Phúc đi tìm từ nguyên của chữ Phố bằng cách hỏi một anh bạn trẻ tốt nghiệp Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn ban Việt Hán. Chữ Phố viết với bộ thủy là bến sông còn viết với bộ kim có nghĩa nơi đổi trao mua bán như phố phường, phố thị. Rồi ông bạn của Nguyễn làm một cuộc hành hương ra Bắc vô Nam tìm xem con phố nào có thể gọi là Phố Văn. Trường Thi, Khâm Thiên đều không hợp. Tự Do, Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn ngày xưa cũng chưa trọn nghĩa. Cuối cùng Phan Lạc Phúc đi tới kết luận:  “Ði tìm một sự đồng thuận về Phố Văn thật khó. Chúng ta có lẽ phải bắt chước một nhà nghệ sĩ Âu Châu lưu vong khi ông nói đại ý rằng: “Nơi nào có Tự Do, nơi ấy là quê hương”. Chúng ta không đi tìm được một địa chỉ phố văn cụ thể; vậy tờ báo nào, tạp chí nào, cuốn sách nào có “văn” thì nơi ấy là Phố Văn. Không chừng ông bạn làm thơ của tôi ở Texas đang chủ trương như vậy. Nhưng ý hướng là một chuyện – có thực hiện được không là chuyện khác. Cho nên thưa ông Nguyễn Xuân Thiệp… tôi vừa mừng cho ông, vừa lo cho ông?”

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Huy Phương

Chúng tôi xin kể thêm tên ký giả Lô Răng, một thời “tạp ghi” trên nhật báo Tiền Tuyến (1965-1973) cũng là nhà văn Phan Lạc Phúc, quán làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tác giả hai tập “Bạn Bè Gần Xa” (2002) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2000) xuất bản ở hải ngoại.

Nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết năm 1965 khi về nhận chức vụ Tổng thư ký nhật báo Tiền Tuyến, tờ báo mà ai cũng biết thuộc quân đội, được phát hành sánh vai với các tờ báo tư nhân tại Saigon, ông phịa ra một mục “tạp ghi” ở trang trong mỗi ngày, và ký một cái tên lạ hoắc: Ký giả Lô Răng, mượn mục này để trình bày thế sự theo quan điểm của mình, vì theo đường lối của báo chí quân đội Mỹ, tờ báo không có mục quan điểm hay bình luận chính trị. Tuy mang danh là ký giả, Phan Lạc Phúc xuất thân từ người lính tác chiến, trước ngày Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết.

Tan hàng, nhà văn Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), rồi trở ngược lại Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D. Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ. Tại đây, nhà văn Phan Lạc Phúc có cái duyên gặp lại nhà văn Nhất Giang, một nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến năm xưa, hiện đang chủ trương 2 tờ báo lớn nhất nước Úc lúc bấy giờ là nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ. Ông có cơ hội cầm bút lại, và cũng với thể loại tạp ghi, sau Chiêu Dương, tạp ghi của Phan Lạc Phúc còn xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada). Những tác phẩm “tạp ghi” của ông đã được nhà xuất bản Văn nghệ ở California của ông Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên, sau đó được in lại tại Úc, trong mục đích gây quỹ giúp nạn lụt tại Việt Nam năm 2000 và giúp gây quỹ xây dựng nhà thờ Quốc Tổ cũng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng của Người Việt Tự Do tại New South Wales.

*Nguồn: Huy Phương/Người Việt

NGUYỄN & BẠN HỮU