Nguyễn Viện, tên khai sinh Nguyễn Văn Viện, sinh ngày 1.2.1949 tại Đồng Xá, Hải Dương, là một nhà báo, nhà văn, tự xuất bản các tác phẩm của mình, nổi bật về các đề tài dục tính và chính trị, được RFA liệt vào Văn học phản kháng.

nguyen-vien-pic1

Nguyễn Viện có tập truyện được in đầu tiên năm 1995. Sau này ông được chú ý qua những tiểu thuyết gây tranh luận nói về thân phận người thắng, kẻ thua sau cuộc chiến, qua “Rồng và Rắn”, “Thời của những tiên tri giả”…

Tất nhiên ông bị công an theo dõi, kêu lên làm việc nhiều lần, cảnh cáo đe dọa. Nhưng ông cương quyết đi theo con đường của mình và đã cộng tác với nhà xuất bản Giấy Vụn in sách. Gần đây Nguyễn Viện có trao đổi với BBC về việc này. Mời bạn đọc theo dõi.

NGUYỄN & BẠN HỮU 

theo Wikipedia

Nhà văn Nguyễn Viện & Giấy Vụn

BBC: Được biết NXB Giấy Vụn vừa cho tái bản 6 tác phẩm của ông cùng lúc trên mạng lưới toàn cầu của Amazon.com. Chúng tôi cũng được biết Giấy Vụn là một nhà xuất bản độc lập (không phép) ở Việt Nam và ông là một nhà văn có tinh thần phản kháng. Vậy liệu đây có phải là một hành động khiêu khích?

Nhà văn Nguyễn Viện: Một câu hỏi nguy hiểm. Mặc dù tôi đã từng bị Cơ quan An ninh Ðiều tra triệu tập và quy kết tôi vi phạm điều 87 & 88 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng tôi có thể khẳng định ngay, viết tự do hay xuất bản tự do với một người viết văn không có nghĩa là khiêu khích hay chống đối ai, mà tự nó chỉ là một tiếng nói trung thực. Một mong muốn tiếp cận sự thật và trình bày sự thật của cảm xúc và suy nghĩ. Tất nhiên cũng vì sách của tôi không được phép xuất hiện một cách chính thống công khai trong nước. Và cũng vì tôi không thể viết trong những khuôn khổ cho phép.

Nguyễn Viện - tranh Bảo Huân - sơn dầu trên canvas 40x60 - 1982

Nguyễn Viện – tranh Bảo Huân – sơn dầu trên canvas 40×60 – 1982

Trong số 6 tác phẩm tái bản lần này, một cuốn (Rồng & Rắn) đã được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích in từ 2002. Một cuốn khác (Chữ dưới chân tường) cũng được in khá lâu ở Mỹ (NXB Văn Mới, 2004). Bốn cuốn còn lại do NXB Cửa (do tôi và họa sĩ Trịnh Cung, nhà thơ Trần Tiến Dũng thành lập) xuất bản chui trong nước.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tất cả những tác phẩm này đều rơi vào hoàn cảnh chỉ có thể phổ biến hạn chế. Vì thế, NXB Giấy Vụn của nhà thơ Bùi Chát và tôi quyết định cho tái bản trên mạng lưới toàn cầu Amazon, với hy vọng nó được lưu trữ an toàn và được tìm đọc một cách dễ dàng, cũng như phạm vi phổ biến rộng rãi hơn.

Có thể nói thêm một chút về nhà xuất bản chui này, cho đến nay tuy là một nhà xuất bản không phép, nhưng những đầu sách mà Giấy Vụn đã in cho thấy họ đã rất dũng cảm và tâm huyết. Ðó là những tác phẩm thực sự rất giá trị (cả sáng tác và dịch thuật). Tôi muốn tuyên dương họ ở đây như những người khai sáng. Việc tôi chọn Giấy Vụn cũng là cách tôi chọn tự do và khai sáng.

BBC: Một cách ngắn gọn, ông có thể giới thiệu thêm về nội dung những tác phẩm của mình?

Nhà văn Nguyễn Viện: PGS-TS Nguyễn Thị Bình của Ðại học Sư phạm Hà Nội, khi giới thiệu tác phẩm của tôi trên trang web của Văn Ðoàn Ðộc Lập đã viết: “Một cuộc “gây hấn” toàn diện trong lối viết chắc chắn sẽ phân hóa bạn đọc kịch liệt.” Và nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài thì “có thể rất ghét hoặc rất thích” khi giới thiệu tác phẩm của tôi trên Blog của chị. Thế thì tôi biết nói gì hơn là để bạn đọc tự khám phá.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Nhưng tôi muốn nói ngắn gọn rằng, những người yêu Ðảng và đạo đức giả không nên đọc tôi.

Một trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Viện, do nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành

Một trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Viện, do nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành

BBC: Ở trên ông nói, ông chọn tự do và khai sáng. Điều này có quá ngoa ngôn hay không?

Nhà văn Nguyễn Viện: Có một bi kịch trong cuộc sống ở Việt Nam hiện nay là điều tưởng như bình thường nhất, đơn giản nhất của nhân loại lại trở thành bất thường nhất và phức tạp nhất. Một từ phổ biến ở Việt Nam là “nhạy cảm”. Anh chọn tự do nghĩa là anh đụng đến cái “nhạy cảm” và anh đánh thức tự do cho con người, anh cũng đụng vào sự “nhạy cảm”. Vì thế, tự do và khai sáng là những việc “nhạy cảm”.

Và hành động “nhạy cảm” là con đường ngắn nhất để bước vào nhà tù. Nhà tù thì hẳn là không ai muốn vào, nhưng để trở thành con người tự do và đánh thức tự do cho người khác, anh sẽ phải trả giá. Một nhà văn đích thực có thể làm gì hơn?

(theo BBC)